HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT V PHỤC SINH - NĂM C

Ga 13,31-33a.34-35

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ, phụ trách

1. Đức Giêsu nói những lời này khi nào, trong khung cảnh nào? Đọc từ đầu Tin Mừng Gioan chương 13.

2. Đọc Ga 13,31. Tại sao khi Giuđa đi rồi, Đức Giêsu lại nói: Giờ đây Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người?

3. Trong Cựu Ước, “vinh quang của Thiên Chúa” có nghĩa gì? Trong Tin Mừng thứ tư, vinh quang Thiên Chúa có được tỏ lộ nơi Đức Giêsu không? Đọc Ga 1,14; 2,11; 11,4; 17,5.22.24.

4. Đọc Ga 13,32; 17,1. Bạn có thấy Thiên Chúa Cha và Đức Giêsu tôn vinh nhau không? Tôn vinh nhau nghĩa là gì?

5. Đọc Ga 13,34. Tại sao đây lại là một điều răn mới? Mới ở điểm nào?

6. Đọc Ga 13,35. Đức Giêsu có dạy các môn đệ yêu thương người ngoài không? Điều này có khác với Mc 12,28-34 và Mt 5,43-45 không?

7. Tin Mừng thứ tư có mở ra với thế giới những người chưa tin không? Đọc Ga 3,16; 4; 10,16; 17,20; 20,21.


GỢI Ý SUY NIỆM

Đức Giêsu coi tình yêu mến nhau giữa những người Kitô hữu là dấu hiệu giúp nhận ra nhóm môn đệ của Ngài. Bạn có đồng ý không? Bạn có muốn bổ sung một dấu hiệu nào khác không? Hiện nay điều gì làm người ta không nhận ra khuôn mặt của người môn đệ Chúa?



PHẦN TRẢ LỜI

1. Trước lễ Vượt Qua cuối cùng của đời Ngài, trong bữa ăn cuối với các môn đệ, Đức Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các ông, để cho họ thấy mẫu mực của tình yêu phục vụ (Ga 13,1-20). Ngài cũng báo về sự phản bội của một người trong Nhóm Mười Hai (Ga 13,21). Sau khi nhận và ăn miếng bánh Thầy trao, Giuđa đã ra đi trong đêm tối để chuẩn bị kế hoạch bắt Đức Giêsu (x. Ga 13,30; 18,2-5). Khi bữa ăn kết thúc, Đức Giêsu đã nói những lời từ biệt các ông (Ga 13,31 – 16,33). Bài Tin Mừng hôm nay là những lời đầu tiên của Bài từ biệt ấy (Ga 13,31-33a.34-35).

2. Sau khi Giuđa rời khỏi phòng tiệc để đi nộp Thầy, Đức Giêsu biết GIỜ của mình đã đến rồi, giờ Ngài sắp ra khỏi thế gian này mà về với Cha (Ga 13,1). Con đường về với Cha là con đường đi qua cái chết trên thập giá. Trong Tin Mừng thứ tư, bị giương cao trên thập giá không phải là một ô nhục như những người Do Thái thường nghĩ, cho bằng là lúc Đức Giêsu được Cha tôn vinh. Cái chết thập giá gắn liền với vinh quang phục sinh. Chính vì thế, khi biết cái chết trên thập giá đang đến gần, Đức Giêsu nói: “Giờ đây Con Người được tôn vinh”. Thiên Chúa Cha sẽ tôn vinh Con qua cái chết thập giá, và ngược lại, Thiên Chúa Cha được tôn vinh nơi Con (Ga 13,31). Như vậy, nơi cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, Cha và Con tôn vinh nhau. Thập giá của nhục nhã và bất công lại là nơi vinh quang của Chúa Cha và Chúa Giêsu tỏ lộ. Đây là nơi tình yêu tuyệt đỉnh của Thiên Chúa đối với nhân loại được diễn tả. Đây cũng là nơi Đức Giêsu cho thấy mình là Đấng Hằng hữu (Ga 8,28), là nơi Ngài trao ban nguồn mạch sự sống (Ga 19,34).

3. Chúng ta thường đọc “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời,” hay đúng hơn, “Vinh quang Thiên Chúa trên các tầng trời”. Khi Thiên Chúa mặc khải chính mình cho con người, con người sẽ thấy Thiên Chúa trong uy nghi, quyền năng, thánh thiện, tỏa sáng chói lọi. Những điều ấy cho ta thấy phần nào vinh quang siêu việt của Thiên Chúa. Trong Tin Mừng thứ tư, Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa làm người. Ngài đã đồng hưởng vinh quang với Chúa Cha từ vĩnh cửu (Ga 17,5.22.24). Khi thành người, Ngài đã cho con người thấy vinh quang của Ngài (Ga 1,14). Tại dấu lạ ở tiệc cưới Cana, Đức Giêsu đã cho các môn đệ thấy vinh quang của Ngài (Ga 2,11). Đức Giêsu hoàn sinh Ladarô là để “cho vinh quang của Thiên Chúa” và để “Con Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga 11,4).

4. Tôn vinh một người là làm cho vinh quang của người đó được biểu lộ ra cho mọi người chiêm ngưỡng. Con Thiên Chúa làm người không tìm vinh quang cho chính mình, nhưng luôn tìm vinh quang cho Đấng đã sai mình đến trần gian (Ga 7,18). Qua cái chết thập giá, Chúa Con tôn vinh Chúa Cha và Chúa Cha tôn vinh Chúa Con. Giờ chết là giờ về với Cha, cũng là giờ được Cha tôn vinh (Ga 12,23). Gioan 13,32 cho thấy Cha tôn vinh Con, và Con tôn vinh Cha; đồng thời, Cha được tôn vinh trong Con, và Con được tôn vinh trong Cha. Trong Lời Nguyện dâng lên Cha của Chúa Giêsu ở chương 17, Ngài đã nói: “Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy tôn vinh Con Cha, để Con tôn vinh Cha” (Ga 17,1).

5. Vào giây phút cuối đời, Đức Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ và xin họ hãy làm như Thầy (Ga 13,14-15). Sau đó, Ngài lại ban cho họ một điều răn mới, đó là hãy yêu mến nhau. Rửa chân và yêu mến là hai thái độ đi với nhau khi sống với người khác. Trước khi lìa đời, người sắp ra đi thường để lại di chúc, hay những lời dặn dò tâm huyết. Đức Giêsu đã để lại chỉ một điều răn cho các môn đệ của Ngài. Không phải Mười điều răn như thời ông Môsê. Ngài gọi đây là điều răn mới. Cái mới nằm ở chỗ Ngài đòi các môn đệ phải yêu nhau NHƯ Ngài đã yêu họ (Ga 13,34; x. 15,12). Đức Giêsu sắp bước vào cuộc Khổ Nạn, Ngài sẽ yêu các môn đệ bằng tình yêu lớn nhất, tình yêu dám hiến mạng sống: “Không ai có tình yêu lớn hơn người hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

6. Đức Giêsu coi dấu hiệu để mọi người nhận ra nhóm các môn đệ của Ngài, đó là tình yêu (agapê) mà họ có đối với nhau (Ga 13,35). Yêu mến nhau là nét đặc trưng bất biến của nhóm môn đệ Chúa Giêsu qua mọi thời đại, trước mặt mọi người. Có người nghĩ rằng như thế nhóm môn đệ của Chúa sẽ trở nên khép kín, cục bộ, vì chỉ biết yêu nhau thôi. Thật ra, ở đây, trong bầu khí chia tay các môn đệ trước khi lìa đời, Đức Giêsu chỉ muốn nhắn nhủ cho riêng họ thôi. Ngài không cấm họ yêu người ngoài nhóm, hay yêu những người không tin. Chính khi họ thật tình yêu nhau, họ mới có thể làm chứng cho người ngoài nhóm được, cho “mọi người nhận biết” (Ga 13,35).

7. Con Một Thiên Chúa được sai đến cho thế gian (kosmos), cho cả nhân loại (Ga 3,16), và Ngài tiếp tục sai các môn đệ vào thế gian (Ga 20,21). Trong Lời Nguyện trước khi lìa đời, Đức Giêsu đã nhớ đến những người sau này sẽ trở nên môn đệ (Ga 17,20). Ngài đã đến gặp người phụ nữ Samaria (Ga 4). Ước mơ lớn của Ngài là đưa những chiên ngoài ràn về một mối (Ga 10,16).

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Đường
Đường
Trên đường đi không thiếu những cạm bẫy hiểm nguy (Er 8,31); Cn 22,13: tiên tri bị sư tử vồ chết; Er 8,22: Thiên Chúa bảo vệ kẻ tin lúc họ đi đường (Hs 7,1; Lc 10,30-33)
Dọn đường
Dọn đường
Bởi lẽ, sự toàn năng của Thiên Chúa là toàn năng của tình yêu, và tình yêu ấy luôn tôn trọng, đợi chờ sự ưng thuận tự do của con người. Mùa Vọng đâu chỉ là mùa chúng ta đợi trông Chúa, mà chính Chúa đang trông đợi chúng ta!
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật II Mùa Vọng- năm C
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật II Mùa Vọng- năm C
Dám hối cải và dám mời gọi mọi người hối cải, đó là điều ông Gioan Tẩy Giả đã làm. Để làm được như thế cần nhiều can đảm. Giáo Hội chúng ta hôm nay, có cần những Gioan như thế không? 
Đường
Đường
Trên đường đi không thiếu những cạm bẫy hiểm nguy (Er 8,31); Cn 22,13: tiên tri bị sư tử vồ chết; Er 8,22: Thiên Chúa bảo vệ kẻ tin lúc họ đi đường (Hs 7,1; Lc 10,30-33)
Dọn đường
Dọn đường
Bởi lẽ, sự toàn năng của Thiên Chúa là toàn năng của tình yêu, và tình yêu ấy luôn tôn trọng, đợi chờ sự ưng thuận tự do của con người. Mùa Vọng đâu chỉ là mùa chúng ta đợi trông Chúa, mà chính Chúa đang trông đợi chúng ta!
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật II Mùa Vọng- năm C
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật II Mùa Vọng- năm C
Dám hối cải và dám mời gọi mọi người hối cải, đó là điều ông Gioan Tẩy Giả đã làm. Để làm được như thế cần nhiều can đảm. Giáo Hội chúng ta hôm nay, có cần những Gioan như thế không? 
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật I Mùa Vọng- năm C
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật I Mùa Vọng- năm C
Chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay là về ngày Quang Lâm của Chúa Giêsu (Lc 21,27). Đây là ngày Nước Thiên Chúa đến gần, đến một cách trọn vẹn và chung cục (Lc 21,31)
Chúa Giêsu Kitô lại đến
Chúa Giêsu Kitô lại đến
Chúa Giêsu Kitô sẽ lại đến hữu hình và vinh quang vào thời sau hết để phục sinh kẻ chết, xét xử thế gian, tiêu diệt sự dữ lẫn sự nghịch thù với Thiên Chúa và hoàn thành Nước Chúa. Các tín hữu được khích lệ sẵn sàng đón Người...
Ðứng vững trong đức tin
Ðứng vững trong đức tin
Bắt đầu Mùa Vọng, Giáo hội mời gọi các tín hữu hướng về Ngày Chúa đến. Ngôn sứ Giêrêmia đã khẳng định với dân Israel rằng Thiên Chúa sẽ sai Đấng Messia đến giải thoát họ, đó là việc Chúa đến lần thứ nhất (Gr 33,14-16).
Vua
Vua
Ở Đông Phương thời cổ, thể chế quân chủ có liên hệ mật thiết với vương quyền thần linh: Vua trở thành vị trung gian bẩm sinh giữa các thần linh và nhân loại.
Những giá trị Nước Trời
Những giá trị Nước Trời
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay mời gọi mọi người nhìn lại vụ án nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại: vụ án Giêsu.
Hãm mình
Hãm mình
Hãm mình là việc con người từ bỏ điều vui thích hay chấp nhận sự khó nhọc, thiếu thốn, để ý chí dễ dàng tuân theo thánh ý Thiên Chúa hơn và dự phần vào Cái Chết của Chúa Kitô.