Mc 7,1-8. 14-15. 21-23
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ, phụ trách
1. Trong bài Phúc âm hôm nay, Đức Giêsu tranh luận với ai? Trước đây Đức Giêsu có thường tranh luận với họ không, và tranh luận về điều gì? Đọc Mc 2,1 - 3,6; 3,20-30.
2. Có bao nhiêu từ “truyền thống” trong Mc 7,3-13? “Truyền thống” ở đây nghĩa là gì?
3. Luật Cựu Ước có đòi người Do Thái phải rửa tay trước khi ăn không? Đọc Xuất hành 30,20-21; 40,30-31. Vào thời Đức Giêsu, có phải mọi người Do Thái đều rửa tay trước khi ăn không?
4. Các nhà lãnh đạo tôn giáo tố cáo các môn đệ Đức Giêsu vì lý do gì? Đối với họ, các môn đệ phạm đến điều gì? Đọc Mc 7,2-6.
5. Đức Giêsu chê trách các nhà lãnh đạo tôn giáo thời Ngài như thế nào? Đọc Mc 7,6.
6. Đức Giêsu tố cáo họ về tội gì? Đọc Mc 7,8.9.13.
7. Đọc Mc 7,14. Đức Giêsu có thường gọi các môn đệ hay đám đông lại để dạy dỗ không? Đọc Mc 3,13; 6,7; 8,1.34; 10,42; 12,43.
8. Đối với Đức Giêsu, điều gì mới thật sự làm con người trở nên ô uế? Đọc Mc 7,15.20.
9. Đọc Mc 7,21-22. Những ý định xấu phát xuất từ đâu, và dẫn đến những hành động hay thái độ nào?
CÂU HỎI SUY NIỆM
Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu nhắc nhở những nhà lãnh đạo Do Thái về đâu là cái chính phải giữ. Ngài còn mời gọi đám đông nên để ý đến cái bên trong trái tim hơn cái bên ngoài.
Khi đọc bài Tin Mừng này, bạn có thấy Đức Giêsu cảnh giác chính bạn về một điều gì đó không? Trong 12 thói xấu được kể ở Mc 7,21-22, bạn thấy mình có vướng vào thói nào không?
![]() |
PHẦN TRẢ LỜI
1. Đức Giêsu tranh luận với những người Pharisêu và một số kinh sư là những người thông thạo về Luật. Lúc bắt đầu sứ vụ, Đức Giêsu đã có nhiều cuộc tranh luận với nhóm người này về việc Ngài có quyền tha tội (Mc 2,5-12), về việc Ngài ăn với những người thu thuế và tội lỗi (Mc 2,15-17), về việc các môn đệ của Ngài không ăn chay (Mc 2,18-20), về việc họ bứt lúa để ăn cho đỡ đói vào ngày sa bát (Mc 2,23-28), và về việc Ngài chữa bệnh vào ngày sa bát (Mc 3,1-6). Trong Mc 3,20-30 Đức Giêsu còn tranh luận với họ về việc họ cho là Ngài bị quỷ vương ám và dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.
2. Trong Mc 7,3-13, từ “truyền thống” nằm ở những câu 3, 5, 8, 9, 13. “Truyền thống” ở đây thật ra chỉ là phần giải thích có tính truyền khẩu về Luật Môsê. Nhưng người Pharisêu lại coi “truyền thống” này có giá trị như Luật của Môsê, và họ muốn mọi người phải tuân giữ.
3. Luật Cựu Ước chỉ đòi các tư tế phải tẩy rửa tay chân trước khi vào Lều Hội Ngộ và trước khi đến bàn thờ để hành lễ (Xh 30,20-21). Vào thời Đức Giêsu, không phải mọi người Do Thái đều có thói quen rửa tay trước khi ăn như Mc 7,3 nhận xét.
4. Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo tố cáo các môn đệ của Đức Giêsu về tội họ đã dùng bữa khi chưa rửa tay (Mc 7,5). Đối với họ, các môn đệ đã không sống truyền thống của tiền nhân.
5. Đức Giêsu gọi các nhà lãnh đạo Do Thái giáo là “những kẻ đạo đức giả” (Mc 7,6). Theo lời ngôn sứ Isaia, họ chỉ thờ phượng Thiên Chúa ngoài môi miệng, nhưng tim thì xa Thiên Chúa.
6. Ba lần Đức Giêsu tố cáo họ về tội dám đặt “truyền thống” của họ lên trên các điều răn của Chúa trong Luật Môsê (Mc 7,8.9). Dù “truyền thống” chỉ là lời giải thích của người phàm về Luật Môsê, nhưng họ đã đặt nó lên trên chính lời của Thiên Chúa (Mc 7,13).
7. Trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu nhiều lần gọi các môn đệ hay đám dân chúng lại để dạy dỗ (Mc 3,13; 6,7; 7,14; 8,1.34; 10,42; 12,43).
8. Đối với Đức Giêsu, điều làm con người trở nên ô uế không phải là những gì từ ngoài đi vào con người, cho bằng là những gì từ con người xuất ra (Mc 7,15.20). Như thế việc rửa tay trước khi ăn không phải là điều quá quan trọng.
9. Những ý định xấu xa phát xuất từ trái tim con người và dẫn đến những hành động hay thái độ tội lỗi. Trong Mc 7,21-22, ta thấy liệt kê 12 thói xấu từ trái tim. Chính những điều này mới làm con người trở nên ô uế.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.