Mc 7,31-37
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ, phụ trách
1. Đọc Mc 7,24 - 8,10. Cho biết ba phép lạ trong phần này diễn ra ở vùng đất của ai? Vùng đất và người dân ở đây bị người Do Thái coi là gì?
2. Bài Phúc âm hôm nay đi sau Mc 7,24-30. Có gì liên hệ giữa Mc 7,24-30 với Mc 7,31-37 không?
3. Đọc Mc 7,31. Hãy vẽ lại đường đi của Đức Giêsu qua câu này.
4. So sánh Mc 7,31-37 với Mc 8,22-26. Có những điểm nào giống nhau giữa hai phép lạ trên? Hai phép lạ này đã làm cho lời ngôn sứ nào được ứng nghiệm? Đọc Is 35,5-6.
5. Đức Giêsu có hay đặt bàn tay để chữa bệnh không? Đọc Mc 5,23; 6,5; 7,32; 8,23.25.
6. Đức Giêsu có hay dùng nước miếng để chữa bệnh không? Đọc Mc 7,33; 8,23; Ga 9,6. Nước miếng có công dụng gì?
7. Tại sao thánh Máccô lại phải dịch nghĩa từ “Épphatha” cho độc giả hiểu? Xem Mc 3,17; 5,41; 7,11; 10,46; 14,36; 15,34.
8. Đức Giêsu ngước mắt lên trời để làm gì? Đọc Tv 123,1; Mc 6,41; 7,34; Lc 18,13; Ga 11,41; 17,1.
9. Đọc Mc 7,36-37. Tại sao người ta cứ loan truyền về phép lạ dù họ bị Đức Giêsu cấm?
CÂU HỎI SUY NIỆM
Có khi nào tôi thấy mình bị điếc về mặt tâm linh không, nghĩa là mất khả năng nghe tiếng Chúa và tha nhân? Điều gì thường khiến tôi bị điếc?
Có khi nào tôi thấy mình bị ngọng hay câm về mặt tâm linh không, nghĩa là mất khả năng nói với người khác? Điều gì thường khiến tôi bị câm hay ngọng?
Làm sao để khỏi điếc và câm về mặt tâm linh?
![]() |
PHẦN TRẢ LỜI
1. Trong Mc 7,24 – 8,10, có ba phép lạ Đức Giêsu làm ở vùng đất của dân ngoại. Vùng đất và người dân ở đây bị coi là ô uế. Ngài chữa con gái của một bà ở vùng Xyri (Mc 7,24-30), chữa người vừa điếc vừa ngọng ở vùng Thập Tỉnh (Mc 7, 31-37), và làm phép lạ bánh hóa nhiều lần thứ hai (Mc 8,1-10).
2. Trong Mc 7,24-30, khi Đức Giêsu ở vùng đất dân ngoại, Ngài đã chữa cho một cô bé dân ngoại bị thần ô uế ám. Trong Mc 7,31-37, Đức Giêsu tiếp tục chữa cho một người điếc và ngọng ở vùng đất dân ngoại. Nói chung, trong hai đoạn văn này, Đức Giêsu có thái độ thân thiện với dân ngoại. Ngài không coi dân ngoại hay vùng đất của họ là ô uế (xem thêm Mc 7,1-23).
3. Mc 7,31 vẽ một đường đi hơi lạ của Đức Giêsu. Nếu xem trong bản đồ Kinh Thánh, ta thấy Ngài đi từ vùng Tia ngược lên vùng Xiđôn ở phía bắc. Sau đó Ngài đi xuống theo hướng đông nam, đến phía bên kia của hồ Galilê, và vào vùng Thập Tỉnh (Decapolis) là vùng đất dân ngoại.
4. Có những điểm giống nhau giữa phép lạ chữa người điếc-ngọng (Mc 7,31-37) và phép lạ chữa người mù (Mc 8,22-26). Cả hai phép lạ đều được làm ở vùng đất dân ngoại (Thập Tỉnh, Bếtsaiđa), cả hai người khuyết tật đều được ai đó dẫn đến, và người ta xin Ngài dùng bàn tay để chữa bệnh cho họ. Đức Giêsu đã dùng bàn tay dẫn cả hai đến một chỗ riêng, và dùng bàn tay chữa bệnh cho họ. Khi chữa xong, Đức Giêsu không muốn cho người khác biết (Mc 7,36; 8,26). Hai phép lạ này làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia: “Bấy giờ, mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc nghe được” (Is 35,5-6).
5. Trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu thường chữa bệnh bằng cách đặt bàn tay (5,23; 6,5; 7,32; 8,23.25). Bàn tay Ngài có sức chữa lành.
6. Đức Giêsu đã chữa lành bằng cách dùng nước miếng để bôi vào lưỡi người ngọng (Mc 7,33) và vào mắt người mù (Mc 8,23). Trong Tin Mừng Gioan, Ngài còn trộn nước miếng với đất để xức vào mắt anh mù (Ga 9,6). Thời xưa, nước miếng được coi là có khả năng chữa bệnh.
7. “Épphatha” là một từ bằng tiếng Aramaic. Đây là thứ tiếng Đức Giêsu nói hàng ngày. Thánh sử Máccô đã giải thích từ này (7,34: “hãy mở ra”) vì sợ có độc giả không hiểu, bởi họ không phải là người Do Thái. Trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu còn dùng tiếng Aramaic nhiều lần khác, kèm theo lời giải thích sau đó: Bôanêghê (3,17); Talithakum (5,41); coban (7,11); Batimê (10,46); Ápba (14,36); Êlôi, Êlôi, lema xabácthani (15,34).
8. Đức Giêsu thường ngước mắt lên trời để cầu nguyện cùng Thiên Chúa (Tv 123,1; Mc 6,41; 7,34; Lc 18,13; Ga 11,41; 17,1). Thiên Chúa là Cha ở trên trời.
9. Dù bị Đức Giêsu cấm, nhưng những ai biết chuyện Đức Giêsu đã chữa cho anh điếc và ngọng đều quá ngây ngất ngỡ ngàng đến nỗi họ không thể nào giữ kín được. Họ thấy mình phải ca ngợi những điều tuyệt vời Ngài đã làm cho anh.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.