HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN - NĂM B

Mc 10,46-52

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ, phụ trách

1. Phép lạ ở Mc 10,46-52 là phép lạ thứ mấy trong Tin Mừng Máccô? Bạn biết gì về thành phố Giêrikhô? Đức Giêsu ra khỏi Giêrikhô để đi đâu? Đọc Mc 10,32; 11,1.

2. Tin Mừng Máccô có khi nào nói tên của một người được Đức Giêsu chữa lành không? Anh mù

trong bài Tin Mừng này tên gì, làm nghề gì? Đức Giêsu có chữa người mù nào khác trong Tin Mừng Máccô không?

3. Theo bạn, tại sao khi anh mù ở Giêrikhô nghe biết đó là Đức Giêsu Nadarét, thì anh ta bắt đầu kêu to lên?

4. Đức Giêsu được anh mù gọi là “Con vua Đavít”, tước hiệu đó nghĩa là gì? (Mc 10,47). Đám đông ở Mc 11,1-11 có nhìn nhận Đức Giêsu là “Con vua Đavít” không? Đức Giêsu có chấp nhận tước hiệu này không? Anh xin gì với Đức Giêsu?

5. Tại sao nhiều người bắt anh câm đi? Tại sao anh lại càng kêu to?

6. Khi nghe hai lời kêu xin của anh mù ở Mc 10,47.48 bạn thấy ở đó điều gì? Lời xin của anh mù có quen thuộc với chúng ta không? Có bao nhiêu động từ gọi trong Mc 10,49?

7. Đọc Mc 10,51. Câu hỏi của Đức Giêsu đối với anh mù, ta đã từng gặp ở đâu? Anh mù gọi Đức Giêsu bằng tước hiệu gì? Nghe cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và anh, bạn cảm thấy gì?

8. Đọc Mc 10,52. Bạn thấy cách chữa anh mù ở đây có khác với cách chữa ở Mc 1,31.41; 5,27.41; 7,33-34; 8,22-26 không?

9. Theo ý bạn, điểm nổi bật nơi con người anh mù là gì? Sau khi anh mù được sáng mắt, anh đã làm gì?


CÂU HỎI SUY NIỆM:

Nếu hôm nay Chúa Giêsu hỏi tôi: “Con muốn Ta làm gì cho con?”, tôi sẽ trả lời ra sao? Tôi có thấy mình cần được sáng mắt về tâm linh không?



PHẦN TRẢ LỜI

1. Phép lạ ở Mc 10,46-52 là phép lạ chữa bệnh cuối cùng trong Tin Mừng Máccô. Phép lạ này xảy ra ở thành phố Giêrikhô, cách Giêrusalem vài chục cây số. Đây là một trong những thành phố cổ xưa nhất thế giới, có người ở từ 9000 năm trước công nguyên. Đây cũng là thành phố thấp nhất so với mặt nước biển. Nó nằm ở phía bắc Biển Chết, trong một vùng ốc đảo xanh tươi ở sa mạc Giuđê. Đức Giêsu ra khỏi thành Giêrikhô để lên Giêrusalem lần cuối trước khi chịu khổ nạn (Mc 10,32; 11,1).

2. Trong bài Tin Mừng này, thánh sử Máccô nói đến tên của người được Đức Giêsu chữa lành. Tên anh là Batimê. Bar nghĩa là con trai trong tiếng Aramaic của người Do Thái thời Đức Giêsu. Batimê nghĩa là “con trai của ông Timê” (Mc 10,46). Đây là lần duy nhất Tin Mừng Máccô nhắc đến tên của một người được Đức Giêsu chữa lành. Anh mù ở Giêrikhô làm nghề ăn xin, ngồi bên vệ đường. Trước đó, Ngài đã chữa lành cho một anh mù khác ở vùng Bếtxaiđa. Vùng này nằm bên kia sông Giođan, ở ngay phía bắc hồ Galilê (Mc 8,22).

3. Đức Giêsu đang trên đường ra khỏi Giêrikhô cùng với các môn đệ và có một đám đông lớn tháp tùng. Anh bị mù nên chẳng biết đó là ai, nhưng khi nghe biết đó là Đức Giêsu người Nadarét thì anh kêu to lên. Chắc hẳn anh đã nghe nhiều người nói về Ngài, về khả năng chữa lành thần kỳ của Ngài, kể cả việc Ngài có thể hoàn sinh kẻ chết. Anh thầm mong có ngày được gặp Ngài để Ngài cho đôi mắt anh được sáng. Không ngờ đó lại là ngày hôm nay. Đức Giêsu đang đi ngang qua trước mặt anh. Anh mù không muốn bỏ lỡ cơ hội.

4. Vào thời Đức Giêsu, “Con vua Đavít” là lối nói bình dân để chỉ Đấng Mêsia. Vậy anh mù tin Đức Giêsu là Đấng Mêsia, là một vị vua thuộc dòng tộc vua Đavít. Ít lâu sau, khi Đức Giêsu vào thành Giêrusalem, đám đông cũng chúc tụng “triều đại sắp đến của tổ phụ Đavít” (Mc 11,10); họ gián tiếp nhìn nhận Đức Giêsu như một vị vua thuộc dòng dõi vua Đavít. Đức Giêsu đã không phản ứng gì khi được gọi như vậy. Có vẻ Ngài chấp nhận lối gọi này. Anh mù chỉ xin Ngài thương xót (Mc 10,47).

5. Nhiều người bắt anh câm đi. Phải chăng vì họ không muốn anh mù làm phiền Thầy Giêsu hay làm chậm trễ cuộc hành trình của Thầy? Nhưng anh mù lại càng kêu to, vì anh biết mình không được phép bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này. Tuy mất khả năng nhìn thấy, nhưng anh vẫn còn khả năng nói, khả năng la to. Và anh đã tận dụng tiếng kêu của mình để làm Đức Giêsu chú ý đến anh, dù chắc Ngài chưa thấy anh.

6. Hai lời kêu của anh mù ở các câu 47 và 48 gần như giống nhau. Anh chỉ gọi tên Đức Giêsu ở câu 47. Anh tin Ngài là Con vua Đavít, Đấng được Thiên Chúa sai đến để cứu dân tộc mình. Anh không xin Ngài chữa bệnh mù lòa của mình, anh chỉ xin Ngài thương xót. Lời xin này, chúng ta vẫn nhắc lại ở đầu mỗi thánh lễ. Trong tiếng kêu của anh, ta thấy nhiều cung bậc cảm xúc: tin tưởng, hy vọng, kiên trì, can đảm, khiêm hạ, nài xin… Có ba động từ “gọi” trong Mc 10,49. Tiếng kêu của anh mù đã làm Đức Giêsu dừng lại và gọi anh đến với mình.

7. Câu hỏi của Đức Giêsu ở Mc 10, 51 giống câu hỏi của Ngài ở Mc 10,36. Khi đến gần Đức Giêsu, anh mù gọi Ngài bằng một tước hiệu tôn kính khác: Rabbouni, nghĩa là Thưa Thầy. Bây giờ anh không xin Ngài thương xót, nhưng xin một điều cụ thể hơn: xin ơn được nhìn thấy bình thường. Đó là điều anh ao ước từ lâu.

8. Cách Đức Giêsu chữa anh mù ở Mc 10,52 không giống với cách chữa ở những lần khác (Mc 1,31.41; 5,27.41; 7,33-34; 8,22-26). Ngài không dùng tay để chạm đến bệnh nhân, nhưng chỉ nói với anh một câu quen thuộc: Lòng tin của anh đã cứu anh.

9. Điểm nổi bật nơi con người anh mù là thái độ cầu xin một cách kiên định, bất chấp những cản trở đến từ bên ngoài. Khi được sáng mắt và không còn phải ngồi bên vệ đường ăn xin, anh đã hòa mình vào đám đông đang đi theo Đức Giêsu trên đường. Anh có thể trở thành người môn đệ bước theo Ngài.

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVII TN - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVII TN - năm B
Đọc câu hỏi của mấy người Pharisêu trong Mc 10,2. Bạn thấy câu hỏi này có phải là một cái bẫy không? Tại sao đó lại là cái bẫy?
Phó linh hồn
Phó linh hồn
Phó linh hồn là phó dâng sự sống của người đang hấp hối hoặc vừa mới qua đời trong tay Chúa, bằng cách cầu nguyện bên cạnh người đó.
Hôn nhân một vợ một chồng
Hôn nhân một vợ một chồng
Đơn hôn là chế độ hôn nhân một vợ một chồng, nghĩa là chỉ có bạn phối ngẫu và giữ lòng chung thủy với bạn suốt đời.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVII TN - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVII TN - năm B
Đọc câu hỏi của mấy người Pharisêu trong Mc 10,2. Bạn thấy câu hỏi này có phải là một cái bẫy không? Tại sao đó lại là cái bẫy?
Phó linh hồn
Phó linh hồn
Phó linh hồn là phó dâng sự sống của người đang hấp hối hoặc vừa mới qua đời trong tay Chúa, bằng cách cầu nguyện bên cạnh người đó.
Hôn nhân một vợ một chồng
Hôn nhân một vợ một chồng
Đơn hôn là chế độ hôn nhân một vợ một chồng, nghĩa là chỉ có bạn phối ngẫu và giữ lòng chung thủy với bạn suốt đời.
Lời kinh có sức mạnh lớn lao 
Lời kinh có sức mạnh lớn lao 
Người Kitô hữu thường lần hạt Mân Côi. Khi lần hạt, chúng ta đang biểu lộ hình ảnh Hội Thánh cầu nguyện. 
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVI TN - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXVI TN - năm B
Trong Mc 9,40 Đức Giêsu nói: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Còn trong Mt 12,30, Ngài lại nói một câu có vẻ ngược lại: “Ai không với tôi là chống lại tôi…”. Thật ra hai câu trên không mâu thuẫn.
Bí mật tòa giải tội
Bí mật tòa giải tội
Bí mật tòa giải tội (ấn tòa giải tội) là việc linh mục nghe hối nhân xưng tội, buộc phải giữ bí mật tuyệt đối mọi điều mà họ đã xưng ra với mình, không được tiết lộ bằng lời nói hay bằng cách nào khác và vì bất cứ...
Bao dung
Bao dung
Sách Dân Số ghi lại sự kiện hai ông Enđát và Mêđát, dù được ghi trong sách các kỳ mục nhưng không đến lều mà vẫn phát ngôn ở trong trại.
Làm cớ sa ngã
Làm cớ sa ngã
Chúng ta sống trong một thế giới có nhiều gương xấu. Gương xấu lan nhanh nhờ các phương tiện truyền thông, tạo nên một bầu khí ô nhiễm thấm vào buồng phổi.
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXV TN - năm B
Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật XXV TN - năm B
Trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu ba lần loan báo cuộc khổ nạn và phục sinh cho các môn đệ ở ba nơi khác nhau (8,31 ở Xêdarê Philípphê; 9,31 khi băng qua Galilê; 10,33-34 khi lên Giêrusalem lần cuối).