Chúa nhật II Mùa Vọng, năm C
Bài đọc 1: Br 5,1-9; Bài đọc 2: Pl 1,4-6.8-11; Tin Mừng: Lc 3,1-6.
“Hãy dọn sẵn con đường cho Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng” (Lc 3,5).
Ðây là một trong những câu Thánh Kinh rất quen thuộc, nhất là trong Mùa Vọng, nhưng câu hỏi đặt ra là phải hiểu như thế nào? Có lẽ nhiều người sẽ giải thích núi đồi ở đây là tính kiêu căng nên phải bạt đi; khúc quanh co là sự gian dối nên phải uốn cho ngay. Hiểu như thế không sai, nhưng nếu giải thích núi đồi là tính kiêu căng kiêu ngạo, thì thung lũng chẳng lẽ là khiêm tốn? Núi đồi phải bạt đi, tức là phải dẹp tính kiêu ngạo; nhưng thung lũng phải lấp cho đầy, nghĩa là làm sao? Chẳng lẽ bớt khiêm tốn đi, trong khi Chúa bảo là hãy đến học với ta vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng?
![]() |
Nếu đặt câu Thánh Kinh này trong bối cảnh xã hội mà thánh Gioan Tẩy Giả đã sống, chúng ta sẽ khám phá ra lời của Gioan Tẩy Giả mang một âm vang xã hội rất cụ thể. Núi đồi và thung lũng ở đây có ý nói đến người giàu và người nghèo. Có sự cách biệt rất lớn giữa người giàu và người nghèo, như giữa một ngọn núi cao và vực sâu của thung lũng. Vấn đề là làm sao xóa sự cách biệt ấy đi? Sự giàu có nhiều khi được hình thành bằng những quanh co, tức là những tính toán, những âm mưu ma quỷ để hại người và làm lợi cho mình. Những quanh co ấy cần phải uốn cho ngay.
Hiểu như thế, lời kêu gọi của thánh Gioan Tẩy Giả mang một ý nghĩa xã hội hết sức cụ thể, và lời kêu gọi ấy rất gần gũi với lời rao giảng của các ngôn sứ. Trong Thánh Kinh Cựu Ước, các ngôn sứ luôn luôn là những vị đứng lên tố cáo bất công xã hội và bênh vực quyền lợi của người nghèo. Gioan Tẩy Giả cũng là một ngôn sứ - mà Thánh sử Luca coi là vị ngôn sứ vĩ đại nhất của thời Cựu Ước - cho nên theo truyền thống ngôn sứ, ngài cũng tố giác bất công xã hội và bênh vực quyền lợi của người nghèo.
Sứ điệp ấy vẫn mang tính thời sự và rất cần thiết cho xã hội Việt Nam ngày nay, khi sự cách biệt giữa người giàu và người nghèo xem ra càng lúc càng lớn. Giả như sự giàu có đó được xây dựng bằng cách làm ăn cần cù, bằng tài trí thực sự, thì không nói làm gì. Nhưng khổ nỗi, khi nhìn vào trong đời sống xã hội, ta thấy rất nhiều khi sự giàu có được xây dựng bằng những hành động đáng chê trách…
Câu hỏi mà Thánh Gioan Tẩy Giả đặt ra cho mỗi chúng ta là làm sao để xóa tan sự cách biệt đó, làm sao để xây dựng công bằng xã hội? Nhiều người sẽ bảo cách tốt nhất là luật pháp, phải ra những văn bản pháp luật cụ thể, rõ ràng, minh bạch, và phải tuân giữ luật pháp đàng hoàng. Dĩ nhiên, đó là câu trả lời rất tốt, lý tưởng. Tất cả các quốc gia đều nói đến Nhà nước pháp quyền, thế nhưng khi quan sát thực tế xã hội thì lại thấy luật pháp nhiều khi có đấy, nhưng người ta vẫn có muôn ngàn cách để lách luật nhằm phục vụ lợi ích riêng, bất chấp quyền lợi của người nghèo.
Chính lúc ấy, lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả vang bên tai chúng ta: “Hãy sám hối”. Có thể từ “sám hối” này thường đi với từ “ăn năn” nên Mùa Vọng vẫn được nhiều người hiểu là mùa ăn năn sám hối và khuyên nhủ làm một số việc đạo đức. Thực ra, ý nghĩa của sám hối trong Thánh Kinh sâu xa hơn thế. Sám hối có nghĩa là thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của mình về cuộc đời, về con người, về cả Thiên Chúa nữa. Và từ sự thay đổi sâu xa trong cách nghĩ, cách nhìn thì cách sống của mình mới có thể thay đổi.
Chẳng hạn trong cuộc sống, nhiều người tin rằng có tiền là có mọi sự. Vì quan niệm có tiền là có mọi sự, người ta sẽ làm mọi cách để có tiền, kể cả bằng những đường lối bất công và bạo lực nhất, miễn sao ta có tiền. Trong bối cảnh đó, sám hối có nghĩa là phải thay đổi cách nhìn và cách nghĩ của mình để khám phá ra rằng tiền bạc tuy cần thiết thật, nhưng không phải là cứu cánh và cùng đích của đời người, mà chỉ là phương tiện. Ðồng thời chúng ta phải là người làm chủ chứ không phải để cho tiền bạc làm chủ và biến mình thành nô lệ của nó. Thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi cách nhìn như thế mới có thể dẫn đến sự thay đổi cách sống. Khi đó, chúng ta làm ăn kiếm tiền nhưng vẫn biết tôn trọng tha nhân chứ không đàn áp hay bóc lột họ. Thánh Gioan Tẩy Giả nói rằng: “Và khi đó mọi người phàm sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta”. Nói một cách khác, khi bạn sám hối thì Thiên Chúa đến trong cuộc đời của bạn.
Trong Mùa Vọng, người Công giáo nói với nhau là mùa chờ Chúa đến, nhưng thực ra Chúa đã đến rồi, và Chúa vẫn đang đến từng giây từng phút. Trong sách Khải Huyền, Chúa nói: “Ta đứng ngoài cửa mà gõ, ai nghe tiếng gõ cửa và mở cửa cho ta vào, ta sẽ vào và dùng bữa với người đó” (Kh 3,20). Chúa đến rồi, Chúa đứng ngay ngoài cửa, gõ nhiều lần và lớn tiếng nhưng có khi chúng ta không nghe, vì đầu óc lúc nào cũng đầy những tính toán. Hoặc là có khi chúng ta nghe, nhưng lại không muốn mở, vì sợ Chúa vào phá rối lối sống quen thuộc của mình. Tâm hồn chúng ta giống như cánh cửa mang dòng chữ: “Xin lỗi Chúa, đừng quấy rầy, để con an bình trong tội lỗi của con”.
Sám hối là lắng nghe và sẵn sàng mở cửa để Chúa đến với mình. Ước gì chúng ta mở cánh cửa tâm hồn ra đón Chúa, và như thế, ý nghĩa Mùa Vọng sẽ không chỉ là một bài giáo lý mà trở thành một hiện thực sinh động trong cuộc sống lòng tin của mỗi người.
Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm - GP Mỹ Tho
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.