Chúa nhật IV Phục sinh, năm C
Bài đọc 1: Cv 13,14.43-52; Bài đọc 2: Kh 7,9.14b-17; Tin Mừng: Ga 10,27-30
Năm 1995, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành Thông điệp Evangelium Vitae - Tin Mừng Sự Sống, bàn về giá trị và tính bất khả xâm phạm của sự sống con người. Ðức Giáo Hoàng nói rõ thông điệp này không phải là ý kiến riêng của ngài mà là việc làm chung của hàng giám mục trên toàn thế giới. Trong thông điệp này, ngài nhấn mạnh rất nhiều đến vấn đề phá thai, kêu gọi bảo vệ những đứa trẻ chưa được ra đời, không thể nhân danh việc xây dựng một trật tự thế giới mới mà lại hô hào những chuyện xúc phạm sự sống con người.
Ngay khi thông điệp vừa được ban hành, đã có nhiều ý kiến phê phán và chống đối. Người ta phê phán Ðức Thánh Cha chỉ bảo vệ một sự sống trừu tượng theo kiểu triết học mà không quan tâm đến sự sống cụ thể nơi những con người đang sống. Sự sống nơi những con người đang sống đó là những đứa trẻ ra đời trong bối cảnh nhân loại cứ gia tăng dân số như hiện nay thì trong tương lai nó sẽ sống ra sao, nó có thể sống cuộc sống đúng nghĩa con người không. Sự sống trong những con người cụ thể đó là ngày hôm nay khi bệnh AIDS đang đe dọa nhân loại, mà Ðức Giáo Hoàng cứ ngăn cản, không cho phép người ta dùng phương tiện ngừa thai... Rồi cũng có lập trường nữa cho rằng Ðức Giáo Hoàng nhúng tay vào những chuyện của xã hội trần thế mà quên đi sự độc lập giữa đạo và đời, muốn đưa Giáo hội ngày hôm nay trở về với thời Trung cổ; ngoài ra có người còn cho rằng trong bối cảnh thế giới ngày nay với những phong trào cuồng tín phát triển rất mạnh, liệu những lời lẽ của Ðức Gioan Phaolô II có gián tiếp ủng hộ cho chủ trương cuồng tín đó không?
Ðức Gioan Phaolô II lên tiếng bảo vệ sự sống con người từ lúc thành thai đến khi chết. Nhưng những người hô hào phải hợp pháp hóa chuyện phá thai cũng nhân danh sự sống của nhân loại đấy chứ! Một trong những lý do mà họ đưa ra là nếu tình trạng dân số cứ gia tăng thì tương lai con người trên trái đất biết lấy gì mà sống. Người ta nhân danh sự sống đấy, chứ đâu nhân danh sự chết! Chính vì thế xuất hiện vấn đề then chốt ở đây là quan niệm về sự sống.
Chúng ta quan niệm thế nào về sự sống. Phải chăng chỉ là cuộc đời trần thế này hay còn có một cõi sống vĩnh hằng? Phải chăng chỉ là những nhu cầu của thân xác này gắn liền với những yếu tố kinh tế, xã hội hay còn có một khát vọng tâm linh ẩn trong con người? Câu trả lời tùy thuộc quan niệm của mỗi người về sự sống. Và giữa những đa dạng phức tạp của cuộc đời, ta cần có một điểm để quy chiếu, để hướng dẫn suy nghĩ và chọn lựa của mình. Ðiểm quy chiếu ấy là Ðức Giêsu Kitô, Mục tử nhân lành.
Chúa nhật hôm nay được gọi là lễ Chúa Chiên lành. Người Do Thái ngày xưa sống trong khung cảnh một xã hội du mục. Hình ảnh một mục tử dẫn dắt đàn chiên trên đồng cỏ xanh và dòng suối mát rất quen thuộc. Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa đã mượn hình ảnh thân thương ấy để nói về chính Ngài. Câu nói “Ta là mục tử nhân lành” trước hết là để nói về chính Thiên Chúa. Và cuối cùng thì vị Thiên Chúa ấy đích thân đến giữa cuộc đời này trong hình hài của một con người mang tên Giêsu để có thể nói với chúng ta “Chiên tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi. Và tôi ban cho chúng sự sống đời đời” (Ga 10,27-28).
Giữa bao nhiêu phức tạp và đa dạng của cuộc sống, bao nhiêu những ông thầy hướng dẫn hạnh phúc, bao nhiêu những ngôn sứ loan báo tin vui, làm sao có thể phân biệt được ngôn sứ thật và ngôn sứ giả. Nếu chúng ta tin rằng Chúa Giêsu là mục tử nhân lành thì niềm tin ấy phải làm cho mình “nghe được tiếng của Ngài” và phải dám đi trên con đường Ngài đề nghị. Hơn thế nữa, không phải là ta chỉ nghe cho mình, ta chỉ đi cho mình, mà ta còn cần phải chia sẻ chức năng mục tử của Chúa Giêsu, tức là giúp nhau, giúp người khác cũng nghe được tiếng gọi ấy và đi trên con đường mà Chúa Giêsu mục tử đề nghị. Lối sống như thế không phải là dễ đâu.
Hình ảnh của thánh Phaolô trong bài đọc thứ nhất hôm nay minh họa rõ nét. Thánh Phaolô khi đi loan báo Tin Mừng sự sống cho người Do Thái, ngài đã luôn gặp sự chống đối đến độ họp nhau lại để đánh ngài và trục xuất ra khỏi thành. Hình ảnh đó cũng được tái hiện ngày nay khi Giáo hội phải đối diện với rất nhiều sức cản và chống phá trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Mỗi người trong chúng ta khi cố gắng để lắng nghe tiếng gọi của mục tử Giêsu và đặt chân trên con đường mà vị mục tử ấy đã đi, cũng cảm nhận những đau đớn, bởi lẽ mục tử ấy đã đi trên con đường dẫn đến thập giá và bằng sự chết, Ngài tặng ban sự sống cho chúng ta. Thế thì chúng ta không thể đặt chân được đến những bến bờ hằng sống nếu không chấp nhận đi qua con đường thập giá và cái chết. Chính vì thế, ít hay nhiều, mỗi chúng ta phải cảm nhận những hy sinh, những mất mát, và phải có một niềm tin lớn lắm mới dám đi tới.
Cũng trong tâm tình ấy, hôm nay là Ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu, cầu nguyện cho có nhiều bạn trẻ dám can đảm đáp lại tiếng gọi của Chúa để trở thành linh mục, tu sĩ phục vụ Hội Thánh. Chúng ta không những phải cầu nguyện cho ngày càng có nhiều mục tử (vì đang thiếu), nhưng có lẽ điều cần hơn nữa là cầu xin Chúa ban cho có được những mục tử sáng suốt và can đảm, để giữa những đa dạng và phức tạp của cuộc đời, các vị ấy có thể giúp giáo dân nghe được tiếng gọi của Tin Mừng. Ta cũng cầu xin cho có những mục tử quảng đại hiến dâng toàn bộ con người và cuộc đời của mình trong sứ vụ để Hội Thánh qua những vị mục tử ấy, và đồng thời sự đóng góp của tất cả chúng ta đây tiếp tục chu toàn chức năng mà Chúa Giêsu mời gọi.
GM Phêrô Nguyễn Văn Khảm - GP. Mỹ Tho
Bình luận