CHÚA NHẬT V PHỤC SINH - NĂM B
1. Hiệp thông là nền tảng chính yếu của đời sống Kitô hữu, bởi Giáo hội Chúa Kitô được xây dựng nên sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự hiệp thông Giáo hội được Chúa Kitô diễn tả qua hình ảnh cây nho và cành nho. Như cành nho kết hợp với cây nho thì mới sinh được hoa trái, người Kitô hữu muốn được sự sống dồi dào thì phải kết hợp với Đức Kitô: Các con hãy ở lại trong Thầy. Ở lại trong Đức Kitô là ở lại trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với anh em. Vì Đức Kitô không chỉ là trung gian duy nhất nối kết trời với đất, mà còn là trung gian nối kết con người với nhau.
Thật vậy, vì tình yêu khôn tả, Thiên Chúa đã đến với con người qua Ngôi lời Nhập thể, Lời yêu thương đã mặc lấy xác phàm để đưa con người về với Thiên Chúa. Nơi Đức Kitô, Thiên Chúa đã tạo ra một nơi chốn cụ thể để gặp gỡ con người; và rồi cũng chính nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa đã hòa giải con người, Đức Kitô đã minh định: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32)
![]() |
Đức Kitô không chỉ là trung gian giữa Thiên Chúa và con người, nhưng Người còn là tâm điểm của mọi sự gặp gỡ của con người, chính nhờ Người mà chúng ta trở thành con Thiên Chúa, và là anh chị em với nhau. Qua Người, chúng ta được quy tụ trở thành một cộng đoàn hy vọng trong đức tin và đức ái. Người là đầu của thân thể huyền nhiệm, một thân thể được hình thành qua Bí tích Rửa Tội và những người chịu Phép Rửa là chi thể của nhiệm thể này.
2. Đời sống người Kitô hữu chỉ ý nghĩa khi đặt trong sự hiệp thông. Điều đó nghĩa là Kitô hữu phải thấm đẫm tình yêu, một tình yêu không bắt nguồn từ trái tim xác thể, bởi tình yêu đi ra từ đó thì chỉ là những tình cảm chóng tàn, nhưng tình yêu dẫn tới sự hiệp thông với Đức Kitô phải là một tình yêu đến từ một con tim thần khí, một con tim được đúc nén từ đức tin. Với tình yêu này, con người sẵn sàng đáp trả lời yêu thương của Thiên Chúa, để rồi như Đức Kitô, luôn sống theo Thánh ý của Thiên Chúa, và lấy Thánh ý làm lương thực của đời sống. Chính “Đức Kitô triệu tập chúng ta đến bữa tiệc Lời Chúa và Thánh Thể để nếm thử hồng ân sự hiện diện của Người, để được đào luyện trong trường của Người và để sống kết hợp mật thiết hơn với Người, là Thầy và Chúa của chúng ta. Chính Người nói với chúng ta: ‘Ai yêu mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy’ (Ga 14,21). Chỉ nhờ dựa vào cuộc gặp gỡ Tình Yêu Thiên Chúa này là điều làm thay đổi cuộc đời mà chúng ta có thể sống hiệp thông với Người và với nhau, cùng cống hiến cho anh chị em mình một chứng từ đáng tin cậy, là điều giải thích cho họ lý do của niềm hy vọng đang ở trong chúng ta (x. 1 Pr 3.15)” (Đức Bênêđictô XVI - sứ điệp Khánh Nhật Truyền Giáo 2010).
Chính nhờ sự kết hợp với Đức Kitô, chúng ta trở nên giống như Người trong thân phận là “con”, để suốt cuộc đời chúng ta sống như Đức Kitô, một “người con” luôn vâng phục Thánh ý Cha. Sống theo Thánh ý Chúa là đi ra khỏi tình yêu vị kỷ để hướng tới một tình yêu vị tha. Vì thế, được mời gọi ở lại trong Đức Kitô, Kitô hữu hãy để cho mình thấm đẫm tình yêu này, và hãy để cho ngọn lửa tình yêu Chúa hun đúc cho mình có được một trái tim thần linh, một trái tim bừng lửa yêu mến Thiên Chúa hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu tha nhân như chính mình, một tình yêu dám dấn thân phục vụ cho thiện ích của tha nhân, dám hy sinh cái tôi ích kỷ để hướng tới một đời sống vị tha, bao dung như “Đức Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống như phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-11) để trở thành giá cứu chuộc cho mọi người. Quả thật, chính tình yêu này dẫn chúng ta tới một cuộc sống như thánh Phaolô diễn tả: “Tôi sống không là tôi sống, nhưng chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).
Lm Antôn HÀ VĂn MINH - Giáo xứ Chánh tòa, GP Phú Cường
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.