CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN - NĂM A
Bài đọc 1: Is 55,6-9; Bài đọc 2: Pl 1,20c-24.27a; Tin Mừng: Mt 20,1-16
Trong trang Tin Mừng chúng ta đọc Chúa nhật này nhắc lại một dụ ngôn của Chúa Giêsu, đầy nghịch lý hấp dẫn, phụng vụ Lời Chúa muốn nói đến lòng nhân ái của Thiên Chúa, và lời mời gọi: “Làm thế nào tôi có thể quảng đại với tha nhân như Chúa đã quảng đại với tôi?”.
Những người có những quyền lợi
Trong dụ ngôn này, không phải cách hành xử của người chủ cần được xét, nhưng là thái độ của những người được thuê làm vườn nho. Trong số những người thợ này, có những kẻ ý thức về quyền lợi của mình, cảm thấy bị tước đoạt khi những người thợ khác được trả cùng một số tiền với họ, trong lúc người đó không phải chịu nắng nôi mệt nhọc suốt ngày. Họ phản ứng, và họ nhận được câu trả lời rằng: không có sự bất công nào đối với họ cả, bởi vì người chủ tôn trọng hợp đồng mà họ đã thỏa thuận. Những người làm công kia làm thinh. Họ biết rằng họ sẽ được thù lao nhưng họ không dám mơ mình có quyền đòi hỏi bất cứ điều gì cả. Họ đã chấp nhận đi làm việc với lời hứa là sẽ được trả lương phải chăng? Họ tin tưởng, họ tin vào lòng tốt của người chủ đã mướn họ trong lúc ngày xế chiều. Họ mong chờ vớt vát được chút gì lương bổng. Và rồi họ nhận được - điều khó tin - tiền lương của cả một ngày công.
![]() |
Lòng quảng đại của Thiên Chúa vô cùng
Bài Tin Mừng này, Ðức Giêsu không nói đến chính sách lao động và tiền lương. Ðây không phải là một dụ ngôn chỉ cho người ta biết phải cư xử với công nhân như thế nào. Ðúng hơn, Ðức Giêsu mô tả việc Thiên Chúa cư xử với chúng ta thế nào; “Vương quốc Nước Trời” là nơi có tầm ảnh hưởng của Thiên Chúa và sức mạnh của Ngài. Theo như dụ ngôn hôm nay, trong Nước Trời, nguyên tắc hướng dẫn chính là lòng quảng đại không chút đắn đo của Thiên Chúa. Làm thế nào những người đến làm chút việc dám mơ mình được trả cả một ngày công? Nhiều khi chúng ta tưởng lòng tốt của Thiên Chúa phải được biểu lộ trong sự tôn trọng những quyền lợi của chúng ta: hạnh phúc, sức khỏe, tự do, của cải. Chúa thương yêu nên thường đáp lại những lời cầu xin của chúng ta. Nhưng không làm hơn thế, không thêm điều chính yếu và vĩnh cửu. Thái độ của những kẻ nhìn nhận mình không có quyền nào trước mặt Thiên Chúa, không thể đòi hỏi Ngài một điều gì cả, lại khác hẳn. Họ xử sự với Ngài trong niềm tin tưởng và bình an của tâm hồn. Họ biết rằng lòng thương yêu mầu nhiệm của Chúa biết rõ vô cùng những gì cần thiết cho chúng ta, nhất là đối với điều chính yếu: thân phận làm con cái Thiên Chúa. Những người ấy phó thác nơi Ngài. Họ chắc chắn rằng lòng tốt của Thiên Chúa sẽ biết tỏ bày ra những sự giúp đỡ mà họ cần và ban đúng lúc. Họ có lý, có tình, vì đối với những tâm hồn thực sự nghèo khó theo nghĩa các mối phúc thật. Thiên Chúa không ngớt quan tâm, thương xót và tỏ ra nhân lành.
Tiên tri Isaia qua bài đọc 1 cho chúng ta biết: lòng nhân từ của Thiên Chúa vô biên, và vượt trên mọi toan tính của con người. Khi cho rằng Thiên Chúa ban ân sủng và sự thứ tha theo như tiêu chuẩn công bằng người đời, với những gì ta tin rằng một người đáng nhận được, thì tiên tri Isaia lại tỏ bày một Thiên Chúa, Ðấng vượt qua những chuẩn mực, qua tất cả những lý sự và mong ước của con người. Có lẽ chính chúng ta cũng không xứng đáng hưởng lòng quảng đại vô biên của Chúa. Tuy nhiên, dụ ngôn đã mời gọi hãy bỏ đi những nghi kỵ, hơn thua, nhưng hãy thực lòng khiêm tốn thưa “vâng” trước lòng quảng đại Thiên Chúa ban tặng trong sự tha thứ, tình yêu thương. Với đôi tay trắng, chúng ta đến và đón nhận ân sủng dư tràn mà Chúa ban trong thánh lễ này: bữa tiệc mời gọi đi vào trong tình yêu của Chúa, nguồn mạch của sự sống và thánh thiêng, không phải đạt được nhưng được trao ban ngay trong giây phút này.
Lm. Micae Hy LÊ NGỌC BỬU, TGP. Huế
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.