Theo Ðức Bênêđictô XVI, Kitô giáo có “tham vọng” là tôn giáo cứu độ duy nhất. Dĩ nhiên, “tham vọng” đó không phải là thái độ tự mãn, hãnh tiến, khi so sánh với các tôn giáo khác…, nhưng thiết yếu là một xác tín bản thân, xác tín thâm sâu về vận mạng của vũ trụ và con người, và khát vọng cứu độ tràn đầy tình thương với nhân loại. Một xác tín như vậy, trước tiên và một cách căn bản, là nhận ra thách đố về chính niềm tin chứ không phải như cách đối phó với các tôn giáo khác.
Tất cả “tham vọng” và thách đố ấy đều tập trung vào biến cố Ðức Giêsu Chết và Phục Sinh.
![]() |
1. Phục Sinh là một biến cố lịch sử
Không phải là sai, nhưng chắc chắn là thiếu sót và là thiếu sót lớn, khi người Kitô hữu chỉ tin và sống biến cố Ðức Giêsu Phục Sinh trong lãnh vực thuần túy tôn giáo, nhằm để được “cứu rỗi linh hồn”. Niềm tin Kitô giáo thiết yếu nhằm đến thực tại, một thực tại trong dòng lịch sử, và đây là lịch sử của toàn thể vũ trụ.
Tất cả những điều đó không phải chỉ là chuyện luân lý cá nhân hoặc thuộc lãnh vực “thiêng liêng”. Sách Tông Ðồ Công Vụ không chỉ đưa ra một bài học luân lý nhưng tường thuật lại một biến cố lịch sử, một biến cố có thật, xảy ra trong một không gian và thời gian lịch sử.
“Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giuđê, bắt đầu từ miền Galilê, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng…” (Cv 10,37 tt).
2. Một biến cố ở trung tâm của lịch sử
Vũ trụ được Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh Ngôi Lời Vĩnh Cửu và được giao phó cho con người để được thành toàn trong sự sống. Con người phạm tội, và toàn thể vũ trụ lâm vào cảnh hư vong. Vũ trụ chỉ có thể thoát khỏi cảnh hư vong, tìm lại vận mạng được sống của mình nhờ được hòa giải, được “ướm vào” Ngôi Lời Nhập Thể trong Ðức Giêsu. Ơn cứu độ nơi Ðức Giêsu không phải chỉ là một sự thêm vào, bổ túc bên ngoài, nhưng là làm cho vũ trụ và con người tìm lại được chính vận mạng của mình.
Ðức Giêsu chịu Chết và Phục Sinh, nghĩa là vũ trụ và nhân loại được cứu, vượt qua được bóng ma sự chết, thoát khỏi vòng vây tứ phía của hư vô và tìm được nẻo đường sống.
Biến cố Ðức Giêsu Chết và Phục Sinh được xác định như là trung tâm của vũ trụ và con người, bởi vì Ðức Giêsu được đặt làm thẩm phán xét xử và kêu gọi nhân loại tin vào danh của Người để được cứu độ.
“… Người là Ðấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội” (Cv 10,42-43).
3. Một sự sống mới khởi đầu từ niềm tin
Ðức Giêsu Phục Sinh là một biến cố lịch sử khách quan, một biến cố ở trung tâm của vũ trụ, nhưng biến cố ấy cần được thành toàn qua con người. Từ đầu của lịch sử, vận mạng của cả vũ trụ này đã được đặt vào tay con người (Xc. St 1,28). Chính con người bất trung đã gây nên tội lụy, khiến vũ trụ và con người bị xáo trộn, thì cũng chính con người có “trách nhiệm” tìm lại sự phục hồi vũ trụ (Xc. Rm, 20-22).
Nói cách khác, Thiên Chúa của Kinh Thánh là nguồn cội của tất cả mọi sự. Ngài không phải là một nguyên lý nhân quả vô ngã, Ngài là một ngã vị tự do và yêu thương. Nhiệm cục cứu độ cũng phải khởi đi, được phát triển và được phục hồi trong tính cách nhân thân (tình nghĩa), tức là trong mối tương quan ngã vị, trong tình nghĩa của “ai” với “ai”, chứ không phải chỉ bằng cách “sống thế nào”, theo một khuôn mẫu luân lý nào đó. Vũ trụ phải được nhân hóa theo phẩm tính của tương quan tình nghĩa, chứ không phải bị đè bẹp do “số phận” của những quy luật vô ngã.
Chính vì thế, một biến cố lịch sử, một biến cố trung tâm của vũ trụ lại được ươm mầm từ một thái độ chủ quan và cá biệt của con người, thái độ tin. Niềm tin là yếu tố căn bản, và đây là tin vào AI.
“Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).
Niềm tin ấy mời gọi mỗi cá nhân dấn thân theo Chúa bằng tất cả bản thân và cuộc đời, dấn thân làm chứng về biến cố Ðức Giêsu Chết và Phục Sinh, khởi đầu từ Maria Mađalêna, rồi Phêrô, rồi người môn đệ Chúa yêu…, và cả Giáo hội, trong đó có mỗi người Kitô hữu:
“Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10,40-41).
Mừng lễ Phục Sinh là “cử hành sự sống”, là đưa tất cả mọi biến cố trong thế giới vào cuộc Vượt Qua căn bản, là ướm mọi dấu chỉ thời đại vào “Dấu Chỉ Nền Tảng”. Mừng lễ Phục Sinh là công bố chiến thắng của Sự Sống đang từng bước đẩy lùi bóng ma sự chết trong chính dòng lịch sử hôm nay.
Lm Giuse NGUYỄN TRỌNG VIỄN - Dòng Ðaminh
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.