Chúa nhật Lễ Hiện Xuốngnăm C
Bài đọc 1: Cv 2,1-11; Bài đọc 2: 1Cr 12,3b-7.12-13; Tin MừngGa 20,19-23
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là một trong những lễ trọng nhất của Năm Phụng vụ. Lễ này đánh dấu sự khai trương Giáo hội.
Chúa Thánh Thần nắm giữ nhiều vai trò quan trọng. Ngài là Tình Yêu, là Đấng ban sự sống, thánh hóa, hướng dẫn, soi sáng, phù trợ, hiệp nhất. Dựa vào các bài đọc Lời Chúa, chúng ta sẽ suy niệm Chúa Thánh Thần là Đấng hiệp nhất.
a/ Hiệp nhất Ba Ngôi: Chúa Thánh Thần “nhiệm xuất” từ hai ngôi Cha và Con: “Ngài bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra” (kinh Tin Kính). Ngài nối kết Chúa Cha và Chúa Con trong mọi sự: “Ta và Cha Ta là Một” (Ga 10,30); “Ai thấy Ta là thấy Cha Ta” (Ga 14,9); “Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta” (Ga 14,11); “Cha Ta vẫn làm việc, thì Ta cũng làm việc” (Ga 5,17).
b/ Hiệp nhất Thiên Chúa với con người: Thiên Chúa là Đấng Thánh. Ngài thông chia sự thánh thiện cho các Kitô hữu qua Bí tích Rửa tội, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa họ. Từ giây phút ấy, Thiên Chúa kết hợp với linh hồn người kitô hữu và không rời bỏ, trừ khi họ loại trừ Thiên Chúa.
c/ Hiệp nhất mọi Kitô hữu với nhau: Chúa Thánh Thần liên kết mọi Kitô hữu với nhau cũng nhờ và qua Bí tích Rửa tội: “Tất cả chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (Bđ II).
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay đặc biệt diễn tả sự hiệp nhất nên một, mà Chúa Thánh Thần là tác nhân, bằng những hình ảnh cụ thể. Trong bài đọc I, đó là một căn nhà nơi các tông đồ họp nhau; một tiếng động từ trời phát ra; một lưỡi lửa tản ra đậu xuống trên mỗi người; các tông đồ nói một ngôn ngữ nhưng lại được hiểu trong mọi ngôn ngữ. Trong bài đọc II, đó là một Thần Khí; một Thiên Chúa; một thân thể. Bài Tin Mừng lặp lại ý tưởng một căn nhà, rồi một Đức Giêsu phục sinh một tông đồ đoàn, một làn hơi, một Thánh Thần.
Tác động hiệp nhất, liên kết của Chúa Thánh Thần còn được diễn tả qua cặp đôi “một” và “nhiều”, “nhiều” trong “một”, và “nhiều” thành “một”:
Bài đọc I: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi... Họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho”. Dân chúng từ các nơi tuôn về Giêrusalem, họ thuộc nhiều sắc tộc, nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Các tông đồ chỉ dùng một ngôn ngữ là tiếng Aram, nhưng đám đông lại nghe và hiểu bằng tiếng mẹ đẻ của mình.
Bài đọc II: “Có nhiều đặc sủng, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách là vì ích chung. Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu (một) phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất”.
Tin Mừng: “... nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông... Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa... “Bình an cho anh em. Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em... Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm giữ”.
Qua các dẫn chứng trên, Chúa Thánh Thần chính là tác nhân của sự hiệp nhất nhiều người nên một, liên kết nhiều khác biệt thành đồng nhất với nhau. Hai vấn đề đó là noi theo gương Chúa Giêsu để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, và sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần thì trao ban lại cho người khác. Nhận lãnh để cho đi. Cha Olier, sáng lập hội Linh mục Xuân Bích và nhà tu đức trường phái linh đạo Pháp (école spirituelle francaise) khuyên: “Buông mình cho Chúa Thánh Thần” (S’abandonner à l’Esprit Saint).
Ai cũng công nhận rằng sự hiệp nhất là điều rất quan trọng, nó làm cho Giáo hội được trường tồn, cho giáo xứ được bình an, cho gia đình được hạnh phúc, cho cá nhân mỗi người được là chính mình. Qua các thế kỷ, Giáo hội bị xâu xé vì các lạc giáo, ly giáo, mà đến nay vẫn chưa hiệp nhất được. Các gia đình vì không hiệp nhất mà vợ chồng chia ly, đem bất hạnh cho con cái. Mỗi cá nhân vì thiếu hiệp nhất trong chính con người của mình mà bị bất an, buồn phiền...
Chúng ta cần đến Chúa Thánh Thần xiết bao. Không có Ngài, con người không thể nào hiệp nhất với mình và với tha nhân, nhất là với Chúa. Giáo hội luôn ý thức sự phù trợ của Chúa Thánh Thần, nên khi khởi đầu một công việc, Giáo hội vẫn khẩn cầu Chúa Thánh Thần đến hiện diện và nâng đỡ.
Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta hãy ý thức vai trò quan trọng không thể thiếu của Ngài mà năng nhớ đến, cầu nguyện với Ngài, phó mình cho Ngài hướng dẫn.
GIÁM MỤC ANPHONG NGUYỄN HỮU LONG - GP. VINH
Bình luận