Thứ Sáu, 07 Tháng Năm, 2021 07:09

Thiên Chúa là tình yêu

 

Chúa nhật VI  Phục sinh - Năm B

Bài đọc 1: Cv 10,25-26.34-35.44-48; Bài đọc 2: 1Ga 4,7-10; Tin Mừng: Ga 15,9-17.

 

 

Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,27), cho nên ngay từ bẩm sinh, mỗi người đều có khả năng biết yêu thương.

 

Trong bài đọc 2, thánh Gioan tông đồ giải thích: “Vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1Ga 4,7). Thiên Chúa là nguồn gốc tình yêu, Ngài ban cho chúng ta tình yêu ấy để yêu Ngài và yêu nhau. Con người không thể nào ban tặng tình yêu, trừ phi đã đón nhận tình yêu từ trước đó. Khi Thiên Chúa dựng nên Evà, thì Ađam nói: “Này là xương tự xương tôi, thịt là thịt tôi” (St 2,23). Tình yêu đồng loại chớm nở từ đó. Từ lúc Thiên Chúa dựng nên hai người, hai người đã chân thành thương yêu nhau như chính mình, coi nhau như một xương một thịt. Ngày nay chúng ta thường nói “đồng bào ruột thịt”. Ðồng bào có nghĩa là chung một bào thai sinh ra; đồng một nguồn gốc, một máu mủ, ruột thịt.

Thiên Chúa Dùng Lời Nghiêm Huấn Dưỡng Dục Con Người

 

Thiên Chúa không những yêu thương con người, đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, lại còn ban ơn cứu độ, nâng con người sa ngã lên, một việc làm còn lớn lao hơn việc tạo dựng. Tình yêu ấy đã được thánh Gioan tông đồ mô tả: “Căn cứ vào điều này chúng ta biết tình yêu là gì, đó là Ðức Kitô đã phó mạng vì chúng ta” (1Ga 3,16). Ngoài ra, Ngài cũng còn tỏ lòng thương yêu bằng cách tôn con người lên làm bạn hữu của Ngài: “Thầy không gọi chúng con là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Còn các con, Thầy gọi các con là bạn hữu” (Ga 15,5). Ðức Giêsu cũng truyền lại cho các tông đồ: “Ðây là điều răn của Thầy: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12). Nên lưu ý đến chữ nhau và chữ như, hai chữ ấy nói lên mức độ của tình yêu cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

“Yêu thương nhau” nói lên chiều rộng của tình yêu. Chúa bảo phải yêu thương nhau. Chữ “nhau” giả thiết phải có hai người trở lên. Vậy phải yêu ai và yêu bao nhiêu người? Chúa không bảo hai vợ chồng hay hai tình nhân yêu nhau, mà bảo phải yêu thương tất cả mọi người vì tất cả đều là con Thiên Chúa. Vì thế, không nên hiểu chữ “nhau” này theo nghĩa hẹp, chỉ nhằm đến lòng yêu thương đối với một ít người thân thiết, mà phải hiểu theo nghĩa rộng, phải yêu thương tất cả mọi người. Cha Zosima nói trong cuốn sách “Anh em nhà Karamazov” của Dostoevsky: “Bạn phải yêu thương tất cả những gì mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên, toàn bộ thế giới của Người, và mọi hạt cát trong đó. Nếu bạn yêu thương tất cả mọi sự, thì bạn cũng sẽ nắm bắt được mầu nhiệm có trong tất cả mọi sự” (Flor McCarthy).

“Yêu như” nói lên chiều sâu của tình yêu. Phải yêu thương mọi người không trừ ai, lại còn phải yêu thương với một tình yêu sâu đậm như Ðức Giêsu đã yêu thương. Trong Thông điệp “Ánh sáng rạng ngời”, Ðức Gioan Phaolô 2 đã viết: “Chữ “như” này đòi hỏi phải bắt chước Ðức Giêsu, tình yêu của Người, mà rửa chân cho các môn đệ là một dấu chỉ cụ thể… Chữ “như” cũng chỉ mức độ mà Ðức Giêsu đã yêu thương các môn đệ của mình, và các môn đệ của Người cũng phải yêu thương nhau bằng mức độ ấy” (Số 20).

Một trong các đặc tính của tình yêu là “trao ban”, là cho đi. Yêu là không muốn giữ lại cho mình mà muốn chia sẻ cho người khác. Chính trong việc cho đi mà người ta tìm được hạnh phúc trong tình yêu, như Paul Bourget nói: “Không khi nào người ta yêu như người ta đã được yêu, vì vậy, muốn đạt được hạnh phúc trong tình ái, chúng ta phải cho tất cả mà không đòi hỏi gì cả”. Nếu tu viện trưởng Saint-Pierre quả quyết rằng: “Yếu tính của mọi tôn giáo, nền tảng của mọi chân lý, vương miện của mọi nhân đức căn cứ trên sự CHO và tha thứ”, thì thánh nữ Têrêsa Hài đồng đã thực hiện trong tình yêu đối với Chúa Giêsu qua mấy vần thơ do mình sáng tác: Sống yêu đương chính là cho tất cả; Trên đời này không đòi hỏi công lao. Không tính toán, không kể cho là bao; Vì đã yêu có khi nào suy tính”.

“Cho thì có phúc hơn nhận” (Cv 20,35). Càng trao ban, càng được nhận lãnh. Chúa đã yêu thương chúng ta vô bờ bến, và Ngài không muốn cho chúng ta giữ lại cho riêng mình, nhưng là chia sẻ tình yêu ấy cho mọi người chung quanh. Yêu là hy sinh và hy sinh lớn nhất là cho đi chính mạng sống của mình, như Ðức Giêsu đã nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). 

Tình yêu có cái giá của nó. Yêu là chấp nhận rằng có thể phải chết đi bằng một cái chết khác, trước khi chết thật. Con đường yêu thương là con đường của thánh giá, và chỉ thông qua con đường thánh giá mới đến được với sự sống lại.

Thánh Gioan tông đồ luôn khuyên nhủ tín hữu hãy yêu thương nhau. Yêu thì có năm bảy đường yêu, nhưng tình yêu đòi hỏi sự chân thật: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm; căn cứ vào điều đó chúng ta biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa” (1Ga 3,18-19).

 

LM. Giuse Đinh Lập Liễm - GP Ðà Lạt

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm