Chúa nhật XVI thường niên - Năm B
Bài đọc 1: Gr 23,1-6; Bài đọc 2: Ep 2,13-18; Tin Mừng: Mc 6,30-34.
“Anh em hãy lánh vào nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”
Một câu nói như lời nhắc nhở bình thường của Thầy đối với trò. Hay tinh tế hơn, sẽ nhận ra đây là một sự chăm sóc tế nhị của sư phụ và đệ tử. Khi nhận thấy các đệ tử của mình đã quá mệt mỏi. Ngài thương và bảo họ hãy nghỉ ngơi. Có lẽ, không phải thế đâu, mà còn hơn thế nữa: Trong câu nói của Chúa, còn chứa đựng cả một ý nghĩa sâu nặng. Liên hệ đến thực tại cả xác lẫn hồn. Các ông đã quá mệt. Xác mệt hay hồn mệt vậy? Hay cả hai cùng yếu, cả hai cùng mệt. Vì thế cả hai cùng phải nghỉ ngơi.
![]() |
1. Thân xác con người vô cùng yếu đuối.
Không ai biết rõ sự thật về thân xác con người bằng Thiên Chúa. Nó được dựng nên bằng bụi đất, cho nên nó rất yếu và mau mệt. Vì thế, Chúa truyền cho con người chỉ lao động trong 6 ngày thôi, 6 ngày chứ không phải 10 ngày cho chẵn đâu nhé.
Rồi một ngày có 24 tiếng. Trong đó 12 tiếng là sáng, để có thể lao động, và 12 tiếng là tối, để con người nghỉ ngơi. Và bình thường ra, theo các nhà khoa học, thì mỗi ngày con người tốt nhất là phải ngủ 8 tiếng. Nếu muốn có cuộc sống phát triển điều hòa. Tám tiếng mỗi ngày là một phần ba của cuộc đời mình rồi. Phận đời mình yếu lắm đấy, cho nên ngay từ còn trẻ, mình không được phung phí sức khỏe của mình. Không được quá mải mê công việc, mà bỏ quên sự sống mỏng manh của mình. Hãy nhớ lời này của Chúa: “Được lời lãi cả thế gian, mà thiệt mất sự sống mình thì nào có lợi ích gì”.
2. Hồn con người cũng yếu.
Nếu như thân xác con người phải được nghỉ ngơi, để được bồi dưỡng, hầu phục hồi, thì hồn con người cũng thế. Chỉ mải mê với công việc mà bỏ quên sự bồi dưỡng cho tâm hồn là một sự dại dột vô cùng to lớn. Thân xác cần ăn để sống, tâm hồn cũng cần phải có lương thực. Sau những ngày cật lực với công việc tông đồ, Chúa muốn các ông đi vào cõi thanh vắng. Để từ đây, nhìn lại công việc mình đã làm. Đâu là những việc tốt đã làm được, đâu là những khuyết điểm cần điều chỉnh. Đâu là những việc làm theo ý Chúa và đâu là những việc làm theo ý mình. Đâu là những việc đã làm vì vinh quang của Chúa, và đâu là những việc đã làm vì vinh quang trần thế của mình.
Những công việc tông đồ ta làm, trong chiều sâu bí ẩn trong hồn, là làm để lấy và xây dựng tiếng tăm và vinh quang cho mình, thì đây là những việc làm ăn cắp vinh quang của Thiên Chúa. Tất cả mọi việc làm tông đồ chỉ có ý nghĩa, khi nó phát xuất từ Tình yêu với Thiên Chúa trong tâm hồn. Ta về với lòng ta, để ta gặp lại chính ta và quan trọng hơn, để ta gặp lại chính Chúa, cội nguồn của Tình yêu. Để ở trong cái môi trường ngọt ngào ấy, Chúa chải lại mái tóc bù xù của ta. Chúa chăm sóc những xây xước, những vết thương trong hồn của ta. Chúa tiếp thêm những ngọn lửa cháy sáng tình yêu Chúa vào hồn ta. Để ta tràn đầy lửa tình yêu, hầu có thể tiếp tục công việc tông đồ.
3. Cả một đám đông tội nghiệp.
Chính lúc các môn đệ đang làm điều phải làm, là tìm về nơi thanh vắng. Thì ngoài kia, quanh đây, một đám đông láo nháo ồn ào, đang sục sôi đi tìm Chúa. Chúa nhìn họ và Chúa chạnh lòng thương. Chúa thương vì đời họ bơ vơ. Đã có lần nào họ đã tự hỏi mình chưa nhỉ. Tại sao mình lại có mặt trong cuộc đời? Mình sống trong cuộc đời, với đầy rẫy đau khổ và phức tạp. Vậy đời mình có ý nghĩa gì không? Liệu khi mình chết đi có tốt hơn không?
Họ bơ vơ bởi không tìm thấy lối đi trong cuộc đời. Có giống lắm không, đời họ cứ lạc loài như cánh bèo trôi. Cái nguy hiểm nhất là không biết, rồi đời mình sẽ đi về đâu? Ai sẽ chỉ cho họ biết, nơi mình về sẽ là ở đâu? Tất cả những sinh vật gọi là người, ngay cả triết gia hay vua chúa, thì cũng chỉ biết được những gì là vật chất mà thôi. Không thể biết được những thực tại bên kia cái chết. Chỉ một mình Chúa Giêsu, vốn dĩ là một Thiên Chúa, nhưng đã xuống thế làm người, mới biết rõ ràng như hai với hai là bốn. Đời sau là thế nào, và làm cách nào để có thể đạt tới mục đích tối hậu ấy.
Cho nên Chúa chạnh lòng thương họ. Dù là người giàu có hay quyền thế bao nhiêu, mà không biết lối về tối hậu của đời mình, thì cũng chỉ là một kẻ đáng tội nghiệp. Chúa Giêsu đưa mắt nhìn và chạnh lòng thương. Ngài ao ước có thật đông người, cũng biết chia sẻ tình thương ấy với Ngài. Đi khắp nơi và chỉ bảo cho họ thấy, Đức Giêsu chính là đích điểm, là đường và là cội nguồn sự sống con người.
Lm Đaminh Đỗ Văn Thiêm - GP Long Xuyên
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.