Bài Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay thật dài nhưng có thể nói cũng là đoạn Tin Mừng đẹp nhất của Luca. Qua ba dụ ngôn “con chiên lạc”, “đồng bạc bị mất” và “người cha nhân hậu”, một cách tiệm tiến, tác giả đã khắc họa chân dung của một Thiên Chúa tình yêu và đầy lòng xót thương, nhất là đối với những người tội lỗi, đồng thời cũng cho thấy chân dung của chính mình khi đối diện với tình yêu cũng như lòng thương xót của Thiên Chúa.
Một Thiên Chúa luôn tìm kiếm
Trước lời xầm xì của người Pharisiêu và các kinh sư về việc Chúa Giêsu đón tiếp những người tội lỗi và ăn uống với họ, Người đã kể cho họ ba dụ ngôn. Cả ba dụ ngôn này đều nhằm nói lên tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Thật vậy, hình ảnh người mục tử để 99 con chiên lại để đi tìm con chiên lạc, hay người phụ nữ dù có 9 đồng quan vẫn thắp đèn tìm cho kỳ được một đồng quan bị mất, nói lên Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người và Ngài yêu thương từng người một. Dù chúng ta có trở nên như thế nào thì mỗi người đều quý giá và có giá trị trong mắt Chúa, có chỗ trong con tim của Ngài, bởi ta đã được Thiên Chúa tạo dựng trong tình yêu. Chính tình yêu đã thôi thúc Chúa lên đường tìm kiếm mỗi khi chúng ta lầm đường lạc lối. Từ thuở tạo dựng, Thiên Chúa đã tìm kiếm khi con người sa ngã và tránh xa mặt Ngài (“Adam, ngươi ở đâu?”). Lời đó vẫn còn vang vọng mỗi khi chúng ta phạm tội và sống xa lìa tình yêu Thiên Chúa. “Con đang ở đâu ?”, Thiên Chúa vẫn mải miết tìm kiếm cho đến khi nghe được câu trả lời của mỗi chúng ta. Vì Ngài không muốn một ai phải hư mất.
Một Thiên Chúa chỉ biết chờ đợi
Hình ảnh người cha già ngày ngày ngồi ngóng chờ người con có thể khiến chúng ta thắc mắc, nếu yêu con sao người cha không đi tìm về như người mục tử đã lên đường đi tìm con chiên lạc. Nếu tình yêu thôi thúc người mục tử lên đường tìm con chiên lạc, thì cũng chính tình yêu giữ chân người cha ở lại nhà chờ đợi đứa con hư trở về. Bởi vì tình yêu của người cha lớn hơn quyền hạn của ông rất nhiều khiến ông không thể dùng quyền để xâm phạm đến tự do của người con. Như người cha trong dụ ngôn, Thiên Chúa yêu thương chúng ta nhưng Ngài cũng tôn trọng sự tự do của mỗi người. Ngài dạy dỗ, hướng dẫn ta qua Lời của Ngài, nhưng cũng để cho chúng ta được tự do chọn lựa và quyết định lối sống của mình. Trước những cố chấp và cứng lòng của con người, Thiên Chúa chỉ biết chờ đợi. Vì yêu chúng ta Thiên Chúa luôn luôn chờ, không mỏi mệt, cho đến ngày ta quay trở về với Ngài.
Chân dung những người con
Người con thứ trong cơn bĩ cực đã nhớ đến cha mình. Anh biết rằng, trong nhà cha anh, ngay cả người làm công cũng được đối xử tử tế, được cơm dư gạo thừa. Dù không dám tin rằng mình đáng được tha thứ và anh trở về chỉ để khỏi bị chết đói, nhưng ít ra anh tin vào tình thương của cha. Chính lòng tốt của cha đối với mọi người đã cho anh niềm hy vọng và can đảm trở về. Nhưng đối với người con cả thì tình yêu đó lại khiến anh không muốn vào nhà. Anh không thể chấp nhận được có một thứ tình yêu dành cho đứa con hư hỏng, cho kẻ tội lỗi, một kẻ mà theo anh là không chút xứng đáng. Sỡ dĩ anh nghĩ như vậy vì cho rằng mình là đứa con ngoan. Lòng thương xót của cha dành cho em đã phơi bày sự thật con người của anh. Ở với cha và trong nhà cha, nhưng anh sống với cha như một người nô lệ (Lc 15,29) chứ không sống tâm tình của một người con. Anh ngoan ngoãn làm việc để mong được trả công. Và vì không nghĩ mình là con nên việc anh ghen tị trước tình thương của cha dành cho “thằng con của cha” cũng là điều dễ hiểu, bởi anh đâu coi đó là em mình. Chỉ có người cha, với tình yêu và lòng bao dung đã luôn coi anh là con “mọi sự của cha đều là của con”, và đưa anh vào lại trong tương quan gia đình “chúng ta phải vui mừng vì em con đã chết mà nay sống lại”.
Thiên Chúa yêu thương tất cả chúng ta. Ngài yêu thương từng người một, vì mỗi người đều là con của Chúa. Bao lâu chúng ta tách mình ra khỏi mối tương quan cha - con với Thiên Chúa và tương quan anh - chị - em với tha nhân, bấy lâu ta không thể đón nhận được tình yêu của Thiên Chúa, và cũng không thể bước vào trong sự hiệp thông của tình yêu ấy.
Mỗi Kitô hữu hãy đặt mình trước tình yêu của Thiên Chúa để biết rằng mình có đang thuộc về gia đình của Thiên Chúa hay không.
NT. M. PAUL TRẦN THỊ KIỀU THU
Dòng Chị Em Con Ðức Mẹ Mân Côi
Bình luận