Thứ Sáu, 12 Tháng Mười Một, 2021 07:19

Tử đạo trắng và xanh

 

KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Bài đọc 1: 2 Mcb 7,1.20-23.27b-29; Bài đọc 2: Rm 8,31b-39; Tin Mừng: Lc 9,23-26. 

 

Người ta dùng tử đạo đỏ để ám chỉ chết đổ máu vì đạo; bậc đồng trinh và đời đan tu thì gọi là tử đạo trắng; thời nay, không có những yếu tố và điều kiện tử đạo đỏ. Vậy lễ các Thánh Tử đạo Việt Nam chỉ là ký ức tự hào và tin rằng những giọt máu tử đạo làm nảy sinh những hạt giống đức tin? Hầu gây ý thức biết ơn và phát triển đức tin? Không chỉ có thế, người ta còn một hình thức, gọi là tử đạo thời nay, tử đạo trắngxanh. Chúng ta suy niệm và chia sẻ về phương thức tử đạo này.

Theo nguyên ngữ, tử đạo là chứng nhân. “Anh em hãy là chứng nhân của Thầy đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8), và “Các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy” (Lc 24,48). Ðức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ghi nhận: “Giáo hội Việt Nam đã phát sinh những nhân chứng, đặc biệt là các vị Tử đạo”. Phúc Âm của ngày lễ kính các Thánh Tử đạo Việt Nam gợi lên mời gọi: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Và ai xấu hổ vì Ta và những Lời của Ta thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy” (Lc 9,23.26). Ðó chính là ý nghĩa Tử đạo trắngxanh.

Lời Chúa + Bài giảng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam - Tỉnh Dòng Ngôi Lời -  Giuse Việt Nam

Công đồng Vatican II minh họa: “Tử đạo là được đồng hóa với Thầy mình và cũng như Thầy, đổ máu đào ra để làm chứng cho việc đó. Hội Thánh coi tử đạo là ơn cao cả, là bằng chứng tột đỉnh về đức tin. Chẳng mấy ai được phúc này, nhưng ai ai cũng phải sẵn sàng tuyên xưng Ðức Kitô trước mặt thế gian, và theo Người trên con đường thập giá, giữa những cơn bắt bớ thường xảy ra cho Hội Thánh”. Như thế, tử đạo là ơn cao cả, là bằng chứng tột đỉnh về đức tin. Tuy nhiên, là chứng nhânlàm chứng, tuyên xưng Ðức Kitô, từ bỏ, vác thập giá mình hằng ngày với tình yêu tận hiến cho Chúa và đi theo Chúa, cũng là tử đạo hằng ngày. Ðó là: “Tử đạo Trắng và Xanh”.

Tử đạo trắng và xanh là tử đạo thời nay, như thế nào?

Theo Công đồng Vatican II: Ðặc điểm con người thời nay, là sống “Bất định, vô cảm, vô tín”.

Bất định. Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức XVI đã cảnh báo, đó là chủ trương duy tương đối, không muốn chấp nhận chân lý tuyệt đối, không quy chiếu và sống theo một chuẩn mực luân lý hay giá trị đạo đức khách quan. Tất cả là tương đối và mỗi người có thể thay đổi chân lý và sống theo những chọn lựa và chuẩn mực cá nhân. Ðây là sai lầm căn bản dẫn đến những sai lầm khác của con người hôm nay. Không còn chân lý, như đồng hồ không còn cốt: “Chết”.

Vô cảm. Con người sống trong nền văn hóa hưởng thụ, ích kỷ, cá nhân. Bằng mọi cách để kiếm tiền và hưởng thụ! Biến tất cả thành hàng hóa để chiếm đoạt và mua bán. Ít quan tâm đến người khác. Thiếu khả năng liên vị và sống huynh đệ. Không biết tôn trọng và yêu thương người khác. Tương quan thân tình và nhân bản bị xếp sau tương quan trao đổi và lợi ích kinh tế. Ngay cả trong hôn nhân, gia đình, chỉ còn “hợp đồng và sòng phẳng”. Quan sát con người ở nơi công cộng, như nơi bán vé, lúc lên xe, xuống tàu, khi tham gia giao thông, sẽ thấy người ta tranh giành, chụp giật. Thật là dửng dưng, vô cảm.

Vô tín. Tự bản chất chối bỏ Thiên Chúa, đề cao vật chất và quyền lực. Không có Thiên Chúa, người ta sẽ phải tạo ra những “ngẫu tượng” như người Do Thái trong Cựu Ước, đúc “bò vàng” để thờ. Kinh nghiệm cho thấy, khi vắng bóng Thiên Chúa, người ta sẽ xa hoa và sa đọa, chạy theo sức hấp dẫn của đồng tiền. Thang giá trị đạo đức bị đảo lộn. Ðức tin bị khủng hoảng; luân lý suy đồi, lương tâm và nhân phẩm bị xúc phạm, như người ta đã mỉa mai: “Ðồng tiền đi vào, đạo đức ra đi”.

Trước những xu hướng trên, người tín hữu được thôi thúc phải dám lội ngược dòng để trở thành chứng nhân. Làm chứng Ðức tin cho con người hôm nay, Công đồng Vatican II đưa ra hai giải pháp: “Lòng thương xót”“Môi trường”.

Trước hết là lòng thương xót. Ðây là chìa khóa hóa giải cả ba xu hướng sống của con người trên đây. Tình Yêu là chân lý. Lòng thương xót sẽ xóa vô cảm và yêu tới cùng, con người sẽ phải tin. Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài dựng nên con, nhất là linh hồn con, giống hình ảnh Ngài. Chúng ta là con của Ngài, thì làm sao Ngài lại không thương xót con. Dù con không tin, con phản bội, con chống lại Ngài, Ngài vẫn thương con. Từ kinh nghiệm đào luyện tâm linh, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên nhủ tín hữu: “Con cứ ngồi im lặng trước Thánh Thể và kiên nhẫn chờ đợi, Ngài sẽ mạc khải cho con hiểu, Ngài yêu thương con như thế nào và dường nào!”.

Thứ đến là “môi trường”. Trong diễn văn bế mạc Công đồng Vatican II, Ðức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI: “Phải biết con người nếu muốn biết Thiên Chúa”. Theo nhân sinh quan Á Ðông: “Thiên Ðịa Nhân - Trời Ðất Người” là một thể thống nhất, có liên quan mật thiết với nhau. Nên, chúng ta cũng có thể nói: “Phải biết môi trường, nếu muốn biết con người”.

Dấn thân thực thi lòng thương xót, cụ thể thực hiện “Thương người có mười bốn mối” và nghiên cứu, bảo vệ và phát huy môi trường là chúng ta đang tử đạo xanh, làm chứng nhân cho Chúa.

Ðây là thời tử đạo trắng và xanh. Trước hết, người Kitô trưởng thành đích thực, đi theo Chúa, tỉnh thức, ăn chay, cầu nguyện và hy sinh, vác thánh giá hằng ngày; cùng với Chúa Giêsu đang sống, đồng hành với con người thời nay, làm chứng cho chân lý, làm chứng cho những giá trị đạo đức Tin mừng. Phải xác tín rằng, không có Chúa chúng ta không thể “tử đạo” hằng ngày được. Vì thế, sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, và yêu mến Dân Ngài, sẽ có Chúa Thánh Thần (x. Cv 1,8). Thánh Thần sẽ đào luyện chứng nhân trắng và xanh của Giáo hội Chúa Kitô hôm nay trở thành nhân chứng trong Giáo hội và giữa trần thế. Và xác tín, Ngài luôn đồng hành cùng ban những ơn cần thiết, đúng lúc cho chúng ta.

 

Lm Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh - (D.Min)

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm