Chúa nhật Lễ Lá - Năm B
Bài đọc 1: Is 50,4-7; Bài đọc 2: Pl 2,6-11; Tin Mừng: Mc 14,1-15,47.
Phụng vụ Chúa nhật Lễ Lá bao gồm hai cử hành xem ra tương phản với nhau. Phụng vụ bắt đầu bằng cuộc kiệu lá. Thánh Marcô kể lại việc Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem và được dân chúng hoan hô: “Nhiều người lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại Vua Ðavít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời” (Mc 11,1-10). Khi cử hành Lễ Lá, cộng đoàn không chỉ tưởng nhớ mà còn làm lại cử chỉ đó.
![]() |
Thế rồi, trong Thánh Lễ, thay cho bài Tin Mừng là Bài Thương khó, kể lại việc Chúa Giêsu bị bắt, bị đưa ra tòa, chịu đánh đập dã man, phải vác thập giá lên đồi Golgotha, và cuối cùng bị đóng đinh vào thập giá cùng với quân trộm cướp. Cũng chính đám đông đã từng hoan hô Chúa Giêsu, nay xin tha Baraba và đòi đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá.
Về mặt lịch sử, đây đúng là diễn tiến những ngày cuối đời của Chúa Giêsu. Nhưng về mặt ý nghĩa, lại thật tương phản vì mới tung hô xong, lại đả đảo, từ đó, không thể không đặt câu hỏi tại sao người ta lại thay lòng đổi dạ nhanh như thế? Bài Thương khó giúp ta nhận ra một số lý do dẫn đến sự thay đổi này.
Trước hết, vì niềm hy vọng đặt không đúng chỗ. Các thượng tế và kỳ mục xúi dân xin tha Baraba và đòi giết Chúa Giêsu. Chúng ta thường nghĩ Baraba là tên cướp nhưng không hẳn như thế. Thánh Marcô nói, “Baraba đang bị giam với những tên phiến loạn đã giết người trong một vụ nổi dậy” (Mc 15,7), vậy ông ta phạm tội gì? Hãy nhớ lại Do Thái lúc đó nằm dưới sự thống trị của đế quốc Rôma và có những nhóm chủ trương sử dụng bạo lực để đòi lại chủ quyền. Baraba là một lãnh tụ của nhóm này, vì thế đế quốc Rôma bắt ông và sẽ xử tử ông. Ðối với dân Do Thái, nhiều người đi theo Chúa Giêsu cũng chỉ vì nghĩ rằng Ngài sẽ là một lãnh tụ chính trị sẽ giải thoát dân khỏi tay đế quốc Rôma và đem lại cuộc sống sung túc cho họ. Nhưng Chúa Giêsu nói rõ ràng, “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36). Vì thế họ thất vọng, và xin tha Baraba hơn là tha Chúa Giêsu.
Kế đến, vì sự ghen tị. Philatô đặt câu hỏi: “Các ông có muốn ta phóng thích Vua dân Do Thái cho các ông không?”. Và thánh Marcô viết thêm: “Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tị mà các thượng tế nộp Người” (Mc 15,10), chứ Người không có tội gì cả. Những nhà lãnh đạo tôn giáo lúc đó ghen tị với Chúa Giêsu vì tầm ảnh hưởng và sự thu hút của Chúa đối với dân. Do đó họ đã quyết định phải giết Chúa Giêsu, và tìm đủ mọi cách để thực hiện quyết tâm này.
Những lý do trên cũng chất vấn lương tâm mỗi Kitô hữu: tôi đặt niềm hy vọng ở đâu? Tôi tin vào Chúa và đi theo Chúa vì cái gì? Nếu chỉ vì lợi lộc thế gian thì thánh Phaolô nói chúng ta là những kẻ đáng thương nhất trên trần gian (x. 1Cr 15,19)! Sớm muộn gì cũng thất vọng. Vì thế, phải rà soát lại đời sống đức tin của mình, xác định lại con đường theo Chúa, để sống đúng với ơn gọi làm người và là môn đệ Chúa Giêsu, hầu đạt đến sự sống đời đời, phong phú mà Chúa ban cho.
Thánh Lêô Cả nói rằng, “Cuộc thương khó của Chúa chúng ta còn kéo dài đến tận thế”. Văn hào Pascal cũng cùng một suy tưởng khi ông viết: “Chúa Giêsu còn hấp hối đến tận thế. Chúng ta đừng mê ngủ trong lúc này”. Nghĩa là ngay trong thời đại này, Chúa Giêsu vẫn đang chịu đau khổ nơi Thân Mình huyền nhiệm của Người là Hội Thánh. Những đau khổ đó có thể đến từ bên ngoài như các cuộc bắt bớ, bách hại…, nhưng cũng có thể đến từ chính con cái Chúa trong Hội Thánh, tại mỗi gia đình, trong từng giáo xứ, giáo phận, và một trong những lý do gây đau khổ là sự ghen tị. Vì ghen tị nên gièm pha, nói xấu nhau (ÐGH Phanxicô từng gọi là khủng bố), làm khổ nhau, làm mất bình an trong gia đình cũng như trong cộng đoàn. Cội nguồn của sự ghen tị là tính ích kỷ và kiêu căng, coi bản thân mình là trung tâm, cho nên khó chịu khi thấy người khác hơn mình và tìm cách triệt hạ họ. Ðó là cách sống hoàn toàn nghịch lại con đường yêu thương, khiêm nhu, dịu hiền của Chúa Giêsu. Vì thế mỗi Kiô hữu được mời gọi rà soát lại, cách riêng trong Tuần Thánh.
Trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, có một người âm thầm đi theo Chúa, đi theo bằng những bước chân cụ thể và bằng cả trái tim yêu thương. Người ấy là Mẹ Maria. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta sống Tuần Thánh này với tâm tình của Mẹ, để Tuần Thánh mang lại ơn phúc dồi dào cho đời sống đức tin của chúng ta và cho sứ vụ của Hội Thánh.
Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm - GP Mỹ Tho
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.