CHÚA NHẬT LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ - năm C
Bài đọc 1: St 14,18-20; Bài đọc 2: 1 Cr 11,23-26; Tin Mừng: Lc 9,11b-17
Trong thời gian dịch bệnh hoành hành nặng nề, chúng ta đã trải nghiệm hoặc chứng kiến nhiều điều xảy ra với những cung bậc cảm xúc khác nhau, nhất là khi xem các video clip ghi lại cảnh những người đến với “gian hàng 0 đồng”, những người trao tặng suất quà thực phẩm cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trong dịch, tuy người Công giáo không thể tham dự bữa tiệc Thánh Thể ở nhà thờ được, nhưng đã có nhiều dịp để thể hiện tinh thần của Bí tích Thánh Thể khi tham gia việc chia sẻ thực phẩm cho người khác.
Hôm nay khi tham dự thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta được nghe bài Tin Mừng (x. Lc 9,11b-17) thuật lại việc Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều. Thánh Luca muốn nhắc nhớ phép lạ manna ngày xưa diễn ra nơi sa mạc, nhắc đến một đám đông dân chúng đang đói đã được Thiên Chúa ban bánh ăn no và còn dư 12 thúng tương đương với con số 12 chi tộc Ítraen.Ở đây thánh Luca muốn ám chỉ Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu thiết lập trong bữa tiệc ly, diễn ra khi đã xế chiều, với những cử chỉ của Chúa Giêsu như: cầm lấy, nhìn lên, chúc tụng, bẻ ra và trao cho.
Về chính việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể, hôm nay chúng ta được nghe bài tường thuật của thánh Phaolô trong Bài đọc II trích thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô (x. 1 Cr 11,23-26): “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em... Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”. Điều được truyền lại và được làm như Thầy đã làm chính là điều mà chúng ta thấy vị tư tế làm mỗi khi cử hành Thánh lễ và chúng ta tin rằng bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Mọi thành phần dân Chúa đều được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa. Bài đọc I trích sách Sáng thế (x. St 14,18-20)cho thấy Tư tế là người quan tâm đến việc trao của ăn của uống là bánh và rượu cho mọi người, kể cả cho ông Abraham là tổ phụ, là người đã chinh phục được nhiều vua chúa trong vùng. Còn chúng ta ngày nay được lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa làm của ăn của uống nuôi dưỡng đời sống trường sinh.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần quan tâm đến điều thánh Phaolô lưu ý tiếp ngay sau trích đoạn trong Bài đọc II, tức là từ câu 27-34: “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này...”. Thời đó, các tín hữu có thói quen tổ chức một bữa ăn huynh đệ (agape) ngay sau khi cử hành bữa tiệc Thánh Thể. Các tín hữu đem theo thực phẩm góp chung lại, một phần để giúp những anh em nghèo túng, phần còn lại chia nhau cùng ăn cùng uống. Nhưng ở Côrintô những người giàu vội vàng ngồi vào bàn và ăn uống trước, không chờ những người nghèo. Vì thế, thánh Phaolô nhắc lại truyền thống bữa Tiệc ly của Chúa và lưu ý rằng: tham dự Thánh Thể thì phải quan tâm đến việc chia sẻ với những anh em nghèo túng, phải nhận biết cộng đoàn Giáo hội là thân mình của Đức Kitô được xây dựng trong tiệc Thánh Thể. Kết thư là “bài ca đức ái” mà thánh Phaolô ghi nhận như kim chỉ nam cho các tín hữu (x. 1 Cor 13,1-13).
Thật vậy, Bí tích Thánh Thể được gọi là Bí tích Tình Yêu. Thánh Gioan Tông đồ đã mở đầu đoạn viết về bữa ăn cuối cùng của Đức Giêsu với các môn đệ như sau: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Đức Giêsu đã yêu thương các môn đệ đến cùng qua việc rửa chân cho họ, cho cả Phêrô và Giuđa mà Ngài báo trước sẽ chối và nộp Ngài; việc rửa chân ám chỉ cái chết của Đức Giêsu vì nếu không để Ngài rửa thì không được chung phần vinh hiển với Ngài; sau đó Đức Giêsu đã nói những lời tâm huyết, đã ban một giới răn mới: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 12-13). Rồi chiều hôm sau, Đức Giêsu đã dâng hiến mạng mình trên thánh giá, liên kết với việc chiều hôm trước Ngài đã cầm lấy bánh trao cho các môn đệ mà nói “này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”, đã cầm lấy chén rượu mà nói “này là chén Máu Thầy... sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”. Vì thế khi chúng ta “làm việc này mà nhớ đến Thầy”, chúng ta không thể không sống “yêu thương như Thầy yêu thương”.
Giám mục Antôn Vũ Huy Chương - GP. Ðà Lạt
Bình luận