Những người đủ tuổi theo quy định về y tế khi tham gia hiến máu ở gia đình anh Phạm Văn Hưng (giáo dân xứ An Lạc, TGP TPHCM) đều đang đóng góp cho đời một cách thầm lặng, đáng trân quý. Các con số ấn tượng lên đến 10 lần, 25 lần và 58 lần ở từng độ tuổi khác nhau. Anh Hưng xác định : “Khi nào còn sức thì tôi sẽ còn hiến máu, vợ con tôi có tinh thần như thế...”.
Gia đình nhỏ của anh chị - ảnh: nhân vật cung cấp |
Anh Hưng năm nay bước qua tuổi 47. Tính đến tháng 2.2023 này, anh đã hiến máu được 58 lần. Trung bình mỗi lượt anh trao 350ml máu, “cứ ba tháng mình hiến một lần. Có năm hiến bốn lần. Bác sĩ khám miễn thấy đạt là hiến ngay”. Trong kệ tủ nhà anh, ngoài những giấy tờ tùy thân, hộ khẩu được cất kỹ càng, còn có một túi đựng các giấy chứng nhận hiến máu, giấy khen tham gia phong trào ở phường, quận được người đàn ông cẩn thận ép nhựa, để dành “làm của”. Thăm anh, chúng tôi được mang ra cho coi từng tờ giấy xác nhận, những bằng khen từ những năm 1994, 1995..., khi anh ở độ tuổi xuân xanh. Anh nói đùa: “Mình làm của mấy thứ này, vì chắc con mình không cần. Mà chúng nó cũng chẳng cần làm gì. Đến lượt các con, có muốn như bố thì cứ hiến máu, cống hiến thôi”.
Với giọng tự hào, anh cũng cho biết thêm 58 lần hiến máu có được không dễ mà là cả quá trình dài anh duy trì, không vì lý do nào khác mà cốt yếu để giúp đời, giúp người. Nói về cơ duyên đến với việc hiến máu và lý do thường xuyên tham gia phong trào tình nguyện này, anh Hưng cho biết, trong một dịp khi còn trẻ, lúc ấy làm phong trào ở phường, vận động bà con hiến máu cứu người, thấy được việc làm ý nghĩa nên sẵn sàng ngay. “Không thể nào đi mời gọi người khác hiến máu mà cá nhân người mời chưa hề biết hiến máu ra sao. Rồi sẽ lấy gì để nói, để thuyết phục? Rồi khi bà con đặt vấn đề anh hiến máu chưa thì trả lời thế nào? Trong bối cảnh ngày ấy vẫn còn nhiều người sợ sệt khi bị lấy máu, ngại ngần, không muốn cho đi vì nhiều lý do”, anh nhớ lại. Ngày đầu tiên hiến máu do cơ quan Hội Chữ Thập đỏ quận Tân Bình tổ chức, anh nhớ rõ: “Đó là vào đầu năm 1999, trời cũng mát mẻ, trong xanh thế này, mình bắt đầu. Nghĩ hay nhưng tim đập thình thịch khi bác sĩ khám. Nhờ được tư vấn, các anh chị tình nguyện viên trấn an tâm lý, tôi bình tĩnh đến khi lấy máu xong, lại thấy nhẹ tênh. Vậy là mình biết hiến máu ra sao rồi, chỉ đau chút xíu. Vậy thì không lý do gì để ngại. Mới đôi mươi, còn trẻ thì ngại gì”. Ngày ấy, anh tham gia thanh niên xung kích, rồi cả dân quân, thường xuyên túc trực các chốt bảo vệ an ninh, tổ dân phố. Giữ tinh thần ấy, theo thời gian, anh gắn bó với các vai trò là thành viên rồi trưởng ban bảo vệ dân phố phường 5, quận Tân Bình, tham gia Hội Chữ Thập đỏ phường, vận động bà con hiến máu.
Anh Phạm Văn Hưng trong một lần hiến máu
|
Vợ anh, chị Nguyễn Thị Liễu (sinh năm 1979) cho biết giờ đây, mỗi ngày phần lớn thời gian hầu như chồng chị ở chốt bảo vệ khu phố hoặc đi đây đó trong phường giúp người này, người khác. Dầu vậy, chị vui vẻ, sẵn sàng vì hiểu: “Đó là công việc của chồng mình, là niềm vui của anh. Mình thấy cũng ý nghĩa, được mọi người yêu quý nên không lý do gì mà không ủng hộ”. Chị Liễu hiến máu được 25 lần. Người mẹ bốn con chia sẻ: “Nhờ chồng động viên mà tôi mới dám”. Chị cười. Chị thú nhận mình cũng sợ máu như bao người nữ khác, sợ đau, nhưng rồi có chồng chuẩn bị tâm lý, nhắn nhủ trước đó, nên khi lấy máu lần đầu cách đây gần chục năm chị thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ, vậy là xong. Hiểu được ý nghĩa của việc hiến máu và sự thật không hề “đáng sợ” như một số người nghĩ nên chị chung sức với anh, vận động bà con tham gia. Ở xóm đạo, chị Liễu là hội viên Legio. Ở phường, chị tham gia Hội Phụ nữ. Ngoài công việc làm thợ may gia công, những khi có hội nhóm í ới, chị sẵn sàng lên đường đến với chị em làng xóm. Cuộc chuyện trò thú vị hơn với những câu chuyện chị gặp gỡ, thuyết phục những cô chú khó tính tham gia đoàn hội, hiến máu. Chị mở cuốn sổ tay dày cất đầy hình ảnh cùng với Hội Phụ nữ phường thi nấu ăn, văn nghệ, giới thiệu các phong trào thi đua. Và trong số ấy, có những thước hình ghi lại khoảnh khắc chị đến với trẻ em khuyết tật, mồ côi ở các mái ấm, cô nhi viện cùng hội Legio. Chợt chị Liễu mủi lòng, chậm rãi: “Trong năm, dù làm gì tôi cũng tranh thủ đến thăm các em ở những nơi này. Mới đây, tôi đi mái ấm Hà Đông trao quà cho các em, các bé thật dễ thương. Mong rằng có nhiều người giúp đỡ các em hoàn cảnh đặc biệt ở đây và cả những nơi khác”. Có một điều chị Liễu không vui là hiện tại sức khỏe có biểu hiện kém đi nên lần khám sức khỏe, hiến máu gần đây lại không thể tiếp tục. Chị bệnh viêm đa khớp. “Bác sĩ dặn cố gắng điều trị. Khi nào khỏe hẳn, hy vọng đáp ứng điều kiện rồi sẽ lại hiến máu”, chị tin tưởng. Còn anh Hưng tiếp lời: “Nói chung, giữ sức khỏe cho mình trước, rồi có sức thì phục vụ tiếp. Chúng tôi luôn sẵn lòng”.
Bạn Phạm Nguyễn Minh Nhật (20 tuổi), con trai lớn của chị Liễu và anh Hưng khi vừa đủ tuổi theo quy định y tế cũng được cha mẹ khuyến khích hiến máu. Đến nay đã được 10 lần. Nói về những trải nghiệm này, Hưng chia sẻ: “Em thấy bố mẹ hiến máu giúp được nhiều người nên nghĩ mình cũng có thể. Mỗi lần thấy tin nhắn từ tổng đài báo về, máu của bố mẹ đã được truyền cho người bệnh nào đó, em thấy vui lắm”.
Chị Nguyễn Thị Liễu đến nay đã hiến máu được 25 lần |
Cuộc sống thường nhật của gia đình anh Hưng với lịch trình khá đều đặn. Vẫn là chồng phụ giúp ở phường, ở khu phố. Vợ lo nghề may. Bốn đứa con trong độ tuổi ăn học. Còn đó bao nỗi lo. Dù vậy, anh chị luôn có thời gian và tâm huyết để phục vụ, cho đi theo cách riêng của mình. Vốn tới lui cửa công, rành rọt các thủ tục, nên anh thường là địa chỉ tin cậy của các nữ tu, các thầy dòng khi cần hỗ trợ giấy tờ, công văn. Thời dịch Covid-19, anh xông xáo tuyến đầu, canh gác và phát lương thực, hỗ trợ y tế..., cứ hễ điều gì nằm trong khả năng, hiểu biết, anh luôn quảng đại dấn thân. Còn chị Liễu, thứ Năm hằng tuần, đến lịch hẹn thì cùng với mấy chị em trong hội đọc kinh để lần hạt, đưa Mình Thánh Chúa đến người già, bệnh tật, rồi hăng hái trong các phong trào ở địa phương khi có lời mời. Vừa dựng xây cuộc sống riêng tư, họ cũng nhắc nhau gìn giữ sức khỏe để tới kỳ còn hiến máu, cho đi. Chúng tôi nhớ mãi lời chị Liễu tâm sự: “Ngày ngày, các bệnh viện vẫn kêu gọi hiến máu cho ngân hàng máu để phục vụ biết bao bệnh nhân ngoài kia, mình không giúp được xã hội tiền bạc gì nhiều, mình giúp theo cách của mình, nhỏ bé đơn sơ, cũng là cách mà chúng tôi hướng các con mình, hãy nghĩ đến tha nhân”.
Hùng Luân
Bình luận