Sống ở Nam California, có bằng thạc sĩ quản trị, dạy học mười bảy năm, rồi bị ung thư, có một khối u não nghiêm trọng, lại thêm chứng đa xơ cứng (multiple sclerosis), nhưng Mia Watkins Dockter vẫn sống sót. Năm 1999, chị viết “Beach Encounter” kể lại môt sáng tao ngộ trên bãi biển.
Đây là chuyện tôi nghe:
Sau các lần ra vào bệnh viện để được cứu chữa, chị hồi phục và điều chỉnh sinh hoạt cho thích ứng những thay đổi mà bệnh tật tác động nhiều tới bản thân. Nhưng chồng chị thì không. Ngoài chứng trầm cảm, tính khí thất thường, anh còn có lần thô bạo đến mức chị bất tỉnh. Chị chưa hết choáng váng sau vụ ly hôn. Gia đình chị sao lại phải tan vỡ?!
Nhưng Chúa ban cho chị sức mạnh và giúp chị trụ vững. Chị cảm nhận Chúa đang đồng hành và không bao giờ bỏ rơi chị. Chúa biết tất cả những vết thương thể xác và tâm hồn của chị. Chúa ban cho chị bình an, đưa bước chị đến bãi biển gần nhà để chị thích thú dạo chơi như buổi sáng lành lạnh tháng Mười Một năm ấy, trong không gian yên ắng, vắng vẻ, ngoại trừ tiếng sóng vỗ nhẹ nhàng và tiếng hải âu ré lên chói tai.
Từ xa, chị bắt gặp một anh chàng ngồi lặng lẽ trên cát, đăm đăm nhìn ra biển. Khi bước tới sau lưng anh, chị thấy đôi vai anh run rẩy theo tiếng khóc nức nở. Rõ ràng đang rất đớn đau. Liệu có nên dừng lại bắt chuyện với kẻ hoàn toàn xa lạ? Chị tiếp tục bước đi.
Tuy nhiên, tiếng khóc đau đớn kia có điều gì đó khiến chị quay gót. Anh vẫn đang nức nở và dường như không nhận ra chị vừa tới bên cạnh. Trạc bốn mươi tuổi, quần jean, áo thun, tóc ngắn, râu ria nhẵn nhụi. Không có vẻ là kẻ bất hảo. Chị rón rén ngồi xuống bên cạnh. Chẳng ai mở miệng. Một lúc sau chị dịu dàng hỏi: “Anh ổn chứ? Tôi có thể giúp anh chút gì không?”.
Vẫn đăm đăm nhìn ra biển, rồi đột ngột anh nói: “Tôi bị ung thư da ác tính (melanoma). Chân tôi sắp bị cưa”.
Giật nảy mình, chị nín lặng. Lát sau, chị gợi chuyện bằng mấy câu hỏi chung chung, cốt cho anh bình tĩnh và lái tâm trí anh sang hướng khác. Anh tên John, độc thân. Thấy sợi dây cũ kỹ anh đeo trên cổ có thắt hình thánh giá, chị hỏi: “Anh tìm được dây này ở đâu vậy?”.
“Tôi tự làm hồi ở Việt Nam. Tôi và đồng đội nằm kín một cái hố. Tất cả đã chết, riêng tôi sống sót. Đối phương chưa rút đi nên tôi cứ nằm trong hố. Để khỏi sợ hãi, tôi gom những đoạn dây từ hành trang đồng đội và thắt thành sợi dây đeo cổ, thêm hình thánh giá. Vừa làm tôi vừa cầu nguyện. Tôi chưa bao giờ cởi ra”.
“Anh có tin rằng lúc ấy Chúa nghe lời anh cầu nguyện?”.
“Tôi không biết. Tôi thoát chết, nhưng ích gì! Bây giờ tôi mắc bệnh hiểm nghèo. Mấy ngàn người mất mạng trong cuộc chiến. Nếu Chúa tốt lành thì sao lại để cho những điều đó xảy ra?”.
Tận dụng vốn liếng hiểu biết từ Kinh Thánh, chị giải thích về thiện và ác, chiến tranh và bệnh tật một cách xuất thần. Vừa nói chị vừa cảm thấy lạ lùng khi chợt nhận ra tất cả không hề là lời lẽ của chị. Dường như Chúa nhân lành đang mượn miệng mồm chị để an ủi người cựu binh tuyệt vọng.
Chị dịu dàng gọi tên anh và khuyên nhủ: “Anh đã trải qua rất nhiều khốn khó và đang còn phải giáp mặt nhiều hơn thế nữa. Anh cần có chỗ để nương tựa, để được thêm sức. Anh cần Chúa làm bạn. Anh hãy tin Chúa, và Chúa yêu anh. Chúa luôn ở bên anh. Chúa đã hy sinh trên thập giá để chúng ta được bình an và sống vĩnh hằng. Chúng ta cần sự bình an này để đi qua cõi đời”.
Chị kể cho anh về những khốn khổ và bệnh tật mà chị đeo mang: “Tôi không thể vượt qua tất cả nếu không có Chúa. Thậm chí hôm nay, khi dạo trên bãi biển, tôi cảm nhận rõ sự hiện diện và quyền năng của Chúa. Thiếu Chúa, tôi không bao giờ có thể sống sót. Nhìn đi, tôi vẫn đang sống và vẫn hy vọng. Anh cũng như vậy”.
Hai người tiếp tục trò chuyện. Anh hỏi và chị trả lời. Những lượn sóng vẫn nhẹ nhàng vỗ vào bờ, và chị biết Chúa đang chuyển hóa tâm hồn anh. Sau cùng, chị hỏi anh có muốn cầu nguyện không. Thoáng lưỡng lự, nhưng anh gật đầu.
Chị hướng dẫn anh cầu nguyện, rồi cả hai bật khóc. Nhưng lần này ở anh không phải là nước mắt buồn đau mà là nước mắt thanh thản, an bình. Chị vô cùng xúc động, nhận ra anh đã thay đổi, và kinh ngạc vì Chúa đã mượn chị theo cách thức lạ lùng đến thế.
Chị ân cần dặn dò: “Anh sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Bây giờ anh là con của Chúa, và sẽ có một số chướng ngại trên con đường phía trước. Anh nên tìm một nhà thờ phù họp, kiếm một cuốn Kinh Thánh và bắt đầu đọc”. Và chị giới thiệu một nhà thờ không xa bãi biển.
Chị đứng lên. Lục túi xách không thấy danh thiếp, chị xé một mẩu giấy từ sổ tay, ghi số điện thoại, địa chỉ nhà, rồi đưa cho anh: “Gọi cho tôi nhé! Chúng ta sẽ trò chuyện và tôi có thể tìm cho anh một quyển Kinh Thánh”.
Rồi chị bước đi, nhưng chưa được bao xa thì anh bật dậy, đuổi theo. Đến bên chị, anh nói: “Chị ơi! Chị là thiên thần trên trời xuống”.
Chị mỉm cười: “Không, tôi có phải là thiên thần đâu!”.
Chị toan đi tiếp nhưng anh ngăn lại. Thong thả tháo sợi dây trên cổ ra, anh đưa cho chị: “Chị giữ nó nhé!”.
Nước mắt chợt đoanh tròng, chị biết mình không thể từ chối. Chị đón lấy và cẩn thận choàng vào cổ mình.
Về tới nhà, chị máng món quà của anh vào đèn bàn. Mỗi khi nhìn thấy, chị cầu nguyện và xin Chúa giữ cho anh an ổn trong Chúa.
Chị bặt tin anh. Mùa xuân năm sau, chị nhận được một phong thư không ghi địa chỉ người gởi. Bên trong là cánh thiệp nhỏ dán mẩu giấy xé từ sổ tay của chị với số điện thoại và địa chỉ nhà chị. Nét chữ của chị. Trên thiệp viết: “John đã về bên Chúa”. Chị bật khóc rồi gỡ sợi dây của anh ra khỏi đèn bàn, cất vào một chỗ.
Ba năm nữa trôi qua, vào tháng Mười Hai 1998, chị nhận được cánh thiệp Giáng Sinh không có địa chỉ người gởi. Bên trong là dòng chữ viết tay: “Tôi mãi mãi biết ơn vì cuộc sống vĩnh hằng của con trai tôi. Tôi là mẹ John, và bây giờ tôi cũng đi nhà thờ, nơi con tôi từng đi”.
*
Câu chuyện Mia Watkins Dockter kể lại khiến gợi nhớ bốn câu thơ của nữ sĩ người Mỹ là Julia Fletcher Carney (1823-1908):
Một chút lòng tốt
Ít lời yêu thương
Giúp đời hạnh phúc
Như cõi thiên đường.([1])
Bình luận