Ba ngày cuối năm 2014 tôi được nếm lại cái lạnh của Hà Nội khi ra tham dự cuộc tọa đàm quốc tế về “Tôn giáo trong đời sống công chúng”, tổ chức tại một trường đại học danh tiếng. Tôi mang theo ba đầu sách song ngữ Việt-Anh tôi viết về đạo Cao Đài để biếu các vị tham dự tọa đàm (hơn một trăm quyển). Trong lúc giải lao giữa hai phiên thuyết trình và thảo luận, một vị giáo sư người Áo đã hỏi tôi về đạo Cao Đài. Thấy ông có vẻ quan tâm tới một tôn giáo mà ông chưa hề biết, tôi gợi ý ông thử đọc Ralph Bernard Smith (1939-2000), người Anh, giáo sư Trường Nghiên Cứu Phương Đông Và Châu Phi (SOAS) thuộc Viện Đại Học London.
Về tới Sài Gòn, tôi gởi ông toàn bộ bài viết của giáo sư Smith qua e-mail. Từ Quảng Châu ông hồi âm, nhã nhặn cảm ơn và muốn tôi xác định phải chăng giáo sư Smith là người đáng tin cậy trong lãnh vực nghiên cứu Cao Đài. Tôi chưa kịp phúc đáp thư ông thì mấy hôm nay đường cáp quang bị đứt, e-mail chập chờn; như thế cũng có lý do để tôi trì hoãn, bởi lẽ tôi đang muốn tìm cách trả lời câu hỏi của ông sao cho thích hợp.
Tôi ngộ đạo Cao Đài năm hai mươi tuổi, nhờ đọc thánh giáo Đức Cao Đài Thượng Đế. Nhưng khi muốn tìm hiểu thêm về đạo Cao Đài, tôi hầu như không tìm được nguồn sách khảo luận khả tín. Duyên may, hai năm sau, tôi được đọc nghiên cứu của giáo sư Smith, nhan đề An Introduction to Caodaism - Part I: Origins and Early History (Giới thiệu đạo Cao Đài. Phần I: Căn nguyên và lịch sử buổi đầu), in trong tập san khoa học BSOAS của trường Nghiên Cứu Phương Đông Và Châu Phi (Vol. XXXIII, Part I, London 1970). Vừa mở đầu, giáo sư viết:
Ralph Bernard Smith |
“Hiếm có hiện tượng nào trong lịch sử châu Á hiện đại lại có thể bị người phương Tây hiểu sai hoàn toàn như đạo Cao Đài. Đặt nền tảng trên sự dung hợp tôn giáo, với các đàn cơ giữ một vai trò trọng yếu, tôn giáo này chắc chắn đã bị các cây bút Kitô Giáo (Christian writers) với lòng nghi ngờ (nếu không nói là khinh thường) xem như là một kiểu “thông linh học” phương Tây (occidental “spiritualism”); sự thiếu cảm thông từ ban đầu này còn bị làm cho tệ hại hơn bởi sự kiện là trong các đàn cơ Cao Đài đã xuất hiện các nhân vật quen thuộc như Victor Hugo và Jeanne d’Arc. Kế đến, tại Tây Ninh có một ngôi đền của tín đồ Cao Đài là nơi khách du lịch hay đặt chân tới, đã khiến ông Graham Greene mô tả là “Chúa Kitô và Phật từ trên mái giáo đường nhìn xuống một biến tấu phương Đông của Walt Disney, rồng rắn sặc sỡ.” (1)Sự hiểu biết hời hợt như thế về yếu tố tôn giáo trong đạo Cao Đài lại rất phù hợp với thói nhạo báng hoặc lối chỉ trích cay độc (cynicism) của các quan sát viên chánh trị, đặc biệt là Bernard Fall, một người nhìn thấy trong đạo Cao Đài chẳng có gì khác hơn là một phong trào chánh trị chỉ lo bảo thủ quân đội riêng và quyền lực địa phương (local power) của mình, dùng tôn giáo chỉ để lừa gạt đám nông dân nhẹ dạ cả tin.(2)Trong những tình huống như thế, có lẽ chẳng ngạc nhiên rằng thực chất và căn nguyên của đạo Cao Đài đã không được nhìn thấy, và thậm chí lịch sử tôn giáo này cũng chưa hề được tóm tắt đầy đủ bằng bất kỳ một ngôn ngữ phương Tây nào”.
Quả thật, trước khi đọc Smith tôi có xem một vài ấn bản tiếng Anh viết về đạo Cao Đài, và không khỏi bất nhẫn! Thế nên, ngay từ những dòng đầu tiên như dẫn trên, vị giáo sư người Anh rất thông thạo tiếng Việt, nổi danh là nhà Việt Nam học lỗi lạc, đã chiếm trọn thiện cảm của gã thanh niên chân ướt chân ráo bước vào một tôn giáo mới.
Vài năm nay, tôi cố gắng trình bày những hiểu biết của tôi về đạo Cao Đài qua một vài tập sách nhỏ viết bằng tiếng Anh, vì lẽ năm hai mươi hai tuổi, tôi rất thấm thía lời giáo sư Smith nhắn nhủ: “Trong chừng mức nào đó, việc người phương Tây không hiểu biết về đạo Cao Đài là trách nhiệm của chính những người Cao Đài. / To some extent Western ignorance about Caodaism is the responsibility of the Caodaists themselves.”
Có lẽ tôi sẽ trả lời vị giáo sư người Áo thế này: Ông nên đọc Smith, vì Smith viết về đạo Cao Đài với một tấm lòng.
Nhiêu Lộc, 07-01-2015
Dũ Lan Lê Anh Dũng
(1)Graham Greene, The Quiet American (Penguin Books, 1962), p. 81.
(2)Bernard B. Fall, “The Political-Religious Sects of Viet-Nam”, Pacific Affairs, XXVIII, 3, 1955, pp. 235-53.
Bình luận