Trong 9 tập thơ của nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã đã xuất bản từ năm 2001 đến nay, “Hạt bắp vỗ tay” là tập thơ đầu tiên mà tác giả viết riêng cho thiếu nhi, đặc biệt là trẻ em người dân tộc thiểu số.
Gần 30 bài được trình bày trong một tập sách mỏng xinh, với các tranh vẽ minh họa đầy sắc màu của họa sĩ Hân Phạm, do NXB Kim Đồng ấn hành, như một món quà dễ thương dành cho độc giả nhí vào đầu mùa hè này. Đây là kết quả từ những trải nghiệm trong nhiều năm tác giả sống ở một huyện miền quê thuộc vùng cao, nơi có trên 50% người đồng bào dân tộc K’Ho. Cảm xúc thơ được ươm mầm và nảy nở từ những điều bình dị trong cuộc sống đời thường, được nhà thơ chuyển tải một cách nhẹ nhàng, với ngôn từ dễ hiểu, gần gũi với bạn đọc nhỏ. Đó là hình ảnh của những dòng sông, con thuyền độc mộc, ngôi nhà sàn, nhà rông, chiếc gùi của mẹ, cây đàn của ông hay những con vật trên rừng, qua ánh nhìn thơ ngây của các bé. NXB Kim Đồng đã dành những dòng cô đọng lại ý tưởng của tập thơ: “…Ở đó, bé được ùa vào lòng ông bà cha mẹ, chơi đùa cùng các con vật đáng yêu, sống với thanh âm trong trẻo và cảnh sắc tươi đẹp của xứ sở. Những điều ấy càng tuyệt vời hơn trong khung cảnh vùng đất Tây Nguyên độc đáo, với tiếng khèn lá và tiếng đàn t’rưng, với nhà sàn và buôn làng, với ánh mắt cha mẹ dõi theo bé băng qua rừng núi để đi học…”.
Nhà sàn, nhà rông vốn là nét đặc trưng nơi những buôn làng của người dân tộc, được tác giả đưa vào thơ đầy xúc cảm:
“Nhà sàn đứng giữa Tây Nguyên
Vượt lên vất vả là niềm an vui
Lúa thơm chứa cả trăm gùi
Rượu ngon trăm ché, thoảng mùi hương men
Ông bà cha mẹ anh em
Vây quanh bếp lửa những đêm chuyện trò
Hai mùa mưa nắng đói no
Nhà sàn ấp ủ giấc mơ nghìn đời”
(Nhà sàn)
“… Nhà rông gọi gió trên ngàn
Em dệt thổ cẩm theo hàng hoa văn
Bập bùng ánh lửa đêm trăng
Nhà rông như một chiếc răng khổng lồ!”
(Nhà rông)
Hay chiếc gùi, một vật dụng thân quen không thể thiếu trong đời sống người đồng bào vùng cao, đã trở thành nguồn cảm hứng của những vần thơ trong trẻo:
“Ngày ngày em lên nương
Đường vòng vèo xa lắc
Mẹ địu em túc tắc
Sau lưng cong chiếc gùi…”
(Chiếc gùi của mẹ)
Rồi chiếc khèn lá, tạo nên thanh âm khó quên, gắn với núi rừng Tây Nguyên, được thể hiện qua những dòng thơ cho các bé:
“Em yêu cái khèn lá
Thổi xanh biếc lưng đồi
Cái khèn lá bằng lá
Nằm e ấp trên môi
Khèn lá gọi cái rừng
Gọi cái khe cái suối
Gọi chiều vàng nắng chói
Rẻ quạt xòe ban mai...”
(Khèn lá)
Hoặc ở bài “Núi quê hương”, độc giả có thể tìm thấy những câu thơ diễn tả đậm bản sắc vùng miền:
“Núi che cơn gió dữ
Hóa hạt mưa xuống đồng
Núi như mái nhà rông
Nhưng rộng dài hơn thế
Núi dạy em từ bé
Khi tập bước qua đường
Núi mình thân thiết quá
Vì núi là quê hương!”
Tâm hồn bao dung, lòng nhân ái… là điều được tác giả gieo vào thơ một cách tự nhiên, khiến những bài thơ không chỉ đơn thuần là những dòng tả cảnh, mà gởi gắm cả tình yêu thương, như hai khổ thơ cuối trong bài “Đóng và mở”, được chọn in trên bìa của tập thơ, xin gởi đến bạn đọc như lời mời các độc giả cùng lật giở từng trang thơ để khám phá thêm những bài còn lại:
“Con chim bay xa
Nhờ đôi cánh mở
Cánh hoa mới nở
Tỏa hương ngọt ngào
Con người yêu nhau
Mở ra lòng tốt
Trái tim mật ngọt
Chẳng biết hận thù”.
LIÊN GIANG
Bình luận