Trải qua quãng thời gian dài lưu truyền ở nhiều địa sở và nhiều tay người giữ, cuối cùng, ba chiếc chén thánh của Đức cha Cuénot Thể, cha Gioakim Đặng Đức Tuấn và cha Anrê Cậy - những cái tên quá đỗi nổi tiếng và thân thuộc với giáo phận Qui Nhơn - đang được lưu giữ cạnh nhau trong nhà truyền thống giáo phận này.
Được đặt để cạnh nhau ở hàng trên cùng của chiếc tủ trưng bày chén thánh, khó có thể hình dung về những ngày ba chén thánh này từng bôn ba cùng chủ nhân trên quãng đời phục vụ.
1.
Cha Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874) được biết đến là danh nhân văn hóa, nhà tư tưởng… sống trong thế kỷ 19 với nhiều đóng góp. Những bản điều trần và di thảo của cha để lại cho thấy tinh thần và tư tưởng đáng quý của một linh mục mẫn tiệp được quan dân yêu chuộng. Giáo phận Qui Nhơn cũng như giới nghiên cứu văn hóa đã có rất nhiều khảo cứu, phân tích và ghi nhận tài năng cũng như giá trị to lớn qua cuộc đời và những tác phẩm của cha Gioakim. Báo Công giáo và Dân tộc cũng từng có nhiều bài viết về ngài, khi tìm về dấu tích xưa như nơi cha Gioakim sinh ra, lớn lên và nơi ngài yên nghỉ giấc ngàn thu…
Đập ngay vào mắt tôi khi đứng trước ba chiếc chén thánh quý giá này - có chiếc được xem là thánh tích (chén của Đức cha Cuénot Thể) - là tại sao lại có một chiếc sáng rỡ, nổi bật với màu vàng xi mạ? Độ sáng mới, bóng bẩy của chiếc chén này khiến nhiều người thắc mắc khi so với những chiếc cùng thời, cùng niên đại..., nhưng đó cũng là nội dung của một câu chuyện diễn ra tình cờ nhưng không thể may mắn hơn, có lớp lang, đầu đuôi và kết thúc đẹp… mà tôi được nghe sau đó, về chiếc chén thánh của cha Gioakim Đặng Đức Tuấn.
Số là vào năm 1992, nữ tu Maria Đặng Thị Hoàng thuộc dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, trong một chuyến đi thăm người cậu là cha Giuse Trần Ngọc Châu ở Quảng Ngãi, đã được cha Châu giao cho một bộ chén thánh cũ và trao phó: “Chén thánh này là của cha Đặng Đức Tuấn để lại cho họ Nước Nhỉ. Cha Giuse Võ Ngọc Nhã là niên trưởng của họ Nước Nhỉ đã trao lại cho cậu. Con mang về trao lại cho cha Giuse Đặng Xuân Hương. Phải giữ gìn cẩn thận và tiếp tục truyền lại cho linh mục cao niên nhất của họ Nước Nhỉ”. Sơ Hoàng đã nhận và làm đúng những gì cậu mình gởi gắm. Cha Giuse Đặng Xuân Hương là em ruột của sơ Hoàng.
Đến năm 2004, qua cha Gioan Bosco Nguyễn Văn Đình dòng Anh Em Hèn Mọn, sơ Hoàng đã nhờ một cơ sở xi mạ “làm mới” chiếc chén thánh này, do lo sợ để lâu cũ kỹ bị hư hại. Vào ngày lễ kính Thánh Giuse 19.3.2018, bổn mạng giáo phận Qui Nhơn, và đặc biệt là dịp giáo phận mừng 400 năm Tin Mừng được loan báo, chiếc chén thánh của cha Gioakim đã được gởi lại cho giáo phận tiếp tục cất giữ. Sơ Hoàng đã viết chứng thư kể lại câu chuyện lưu giữ, cũng như xác nhận tính chính xác của chén thánh.
Nếu nhìn lại con đường tu học của cha Gioakim, thì khi đã lớn tuổi ngài mới bắt đầu làm một chủng sinh. Cha Gioakim gặp Đức Giám mục Cuénot Thể khoảng năm 1847 để nhận việc dạy Hán văn cho chủng sinh ở Penang (Malaysia). Khi quyết định tu học rồi thành phó tế, trở về quê hương, ngài được chính Đức cha Cuénot Thể truyền chức linh mục. Chi tiết này khiến việc sắp xếp chén thánh của cha Gioakim và Đức cha Cuénot Thể kề nhau trong chiếc tủ chúng tôi đang kể càng thêm ý nghĩa. Thời gian trôi chảy bao biến thiên không ngờ, cuối cùng vật phẩm đồng hành với con đường dấn thân của hai thầy trò lại được ở cạnh nhau, minh chứng cho hậu thế về một quãng thời gian miệt mài đi gieo giống…
2.
Nói về chén thánh của thánh Giám mục Cuénot Thể (1802-1861), cũng có những giai thoại gắn liền hết sức thú vị. Chén có phần giản dị bởi màu sắc đã sạm đen chì và cũng không có nhiều chi tiết hay hoa văn trang trí, như chính cuộc đời âm thầm sống trong dân của ngài, để loan báo Tin Mừng cho muôn dân.
Đức cha CuénotThể có 32 năm phục vụ Giáo hội tại Việt Nam, với 26 năm trong trọng trách Giám mục, ở bối cảnh đạo bị cấm cách khó khăn. Ngài nhiệt tâm truyền giáo, đã đào tạo rất nhiều linh mục, thầy giảng, nữ tu..., dành phần lớn thời gian cuộc đời mình sống ở đất An Nam xa xôi quê nhà Pháp, và cũng chết vì đạo ở miền gian khó mà mình đã chọn này.
Thời gian xây dựng các giáo đoàn của Đức cha Cuénot tại Việt Nam cũng là lúc các chiếu chỉ cấm đạo của triều đình khắc nghiệt nhất. Ngài chọn Gò Thị làm Tòa Giám mục, xây dựng các nền móng và điều hành, gánh vác cả một vùng rộng lớn. Năm 1841, Đức cha tổ chức Công đồng Gò Thị, đã đưa ra nhiều định hướng sáng suốt về thực hành mục vụ sao cho dân Chúa hưởng nhờ ơn ích được nhiều nhất và để đào tạo linh mục bản xứ có những kỹ năng thích ứng với thời cuộc và với các đặc tính văn hóa, truyền thống của người dân. Ngài có nhiều sáng kiến, vun đắp nhiều cơ sở, sống gần gũi, thâm cảm với dân Chúa, nhất là trong những lúc khó khăn..., nên rất được giáo dân quý mến, yêu thương. Công khó và thành quả tạo nên của Đức cha đã được đơm hoa kết trái trong thời gian không dài lắm. Cụ thể là vào năm 1844, trước sự phát triển về cả số lượng lẫn độ bao phủ rộng khắp của người theo đạo, Tòa Thánh đã chia giáo phận Đàng Trong thành hai giáo phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) và Tây Đàng Trong (Sài Gòn). Tiếp đến năm 1850, giáo phận Đông Đàng Trong được chia thành giáo phận Bắc Đàng Trong (Huế) và Đông Đàng Trong (Qui Nhơn). Lúc này, Đức cha chỉ coi sóc địa phận Đông Đàng Trong rồi Qui Nhơn, trong tình hình cấm đạo ngày càng gay gắt. Năm 1861, chiếu chỉ “phân sáp” càng làm Giáo hội địa phương điêu đứng, Đức cha Cuénot phải di chuyển liên tục trong vùng để tránh truy bắt. Các tài liệu về cuộc đời của Đức cha có ghi lại: “Chúa nhật ngày 27 tháng 10 năm 1861, Đức cha Cuénot và hai chú giúp lễ bị bao vây tại nhà bà Madalena Huỳnh Thị Lưu, đã kịp trốn xuống hầm nhưng vì vừa dâng lễ xong chưa kịp cất giấu đồ lễ, nên chứng cứ này khiến quân lính thề phá nhà nếu không tìm thấy đạo trưởng Tây Dương. Mọi người trong nhà đều bị tra tấn… Sau hai ngày một đêm dưới hầm khát khô, vả lại quân lính chẳng bỏ đi nếu chưa bắt được, nên ngài tự ra nộp mình”. Đây là lần cuối cùng Đức cha Cuénot cầm chén thánh của mình vì sau khi bị bắt giam, chỉ nửa tháng sau, ngài qua đời trong lao tù ngày 14.11.1861 do trọng bệnh. Án lệnh từ triều đình gởi vô muộn, truyền trảm quyết bêu đầu, nên xác Đức cha bị khai quật và chặt đầu, đem ném xuống sông, khi đã chôn cất được ba tháng… Chén thánh của Đức cha được người dân lấy cất giấu, khi việc cấm đạo không còn, đã được trao về cho Tòa Giám mục lưu giữ đến hôm nay.
Ngay cạnh chén thánh của Đức cha Cuénot Thể hiện tại còn có một phần bài báo về cuộc đời ngài và một chút thông tin của tờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp số 154, phát hành tháng 3 năm 1962. Bài báo có đoạn ghi: “Chén Thánh của Đức cha Cuénot Thể ngày nay còn giữ tại Tòa Giám mục Qui Nhơn. Nhân dịp kỷ niệm nhất Bách chu niên này, Đức cha Phạm Ngọc Chi sẽ dùng dâng thánh lễ kính chân phúc tử đạo mà ngài được vinh dự kế vị”.
3.
Chiếc chén thánh thứ ba chúng tôi muốn nói đến là của một linh mục không phải nổi tiếng về tư tưởng và sự học như cha Gioakim Đặng Đức Tuấn, cũng không phải được lịch sử ghi ơn do là người có công lớn trong địa phận Qui Nhơn và được phúc tử đạo như thánh Giám mục Cuénot Thể, nhưng là của cha Anrê Nguyễn Cậy (1847-1936), một tấm gương về sự trung tín gìn giữ đức tin, cũng như chọn việc dấn thân một cách kiên trì, phó thác...
Cha Cậy sinh năm 1847, khi còn đang làm thầy giúp xứ Cây Da (tỉnh Phú Yên ngày nay, cũng thuộc Giáo phận Qui Nhơn - NV) thì ngày 26.8.1885, Văn Thân tấn công nhà thờ, chém giết nhiều người, và thầy Cậy cũng không ngoại lệ. Bị chém trọng thương, giữa cơn thoi thóp, thì có thêm một xác người khác, cha François Chatelet, cha sở Cây Da cũng bị chém ngã chồng lên. Khi Văn Thân rút đi, những người dân tộc đi ngang do nghe tiếng rên đã bới tìm và phát hiện ra thầy còn thở nên tìm cách cứu chữa trong điều kiện thiếu phương tiện thuốc men. Vậy mà thầy dần khỏe và trở lại bình thường sau vài tháng, mang trên mình cái cổ bị ngoẹo sang một bên - bằng chứng của một lòng tin và sự cậy trông sắt son, như chính cái tên của ngài.
Sau biến cố này, dù tình hình vẫn khó khăn nhưng thầy Cậy vẫn tiếp tục đường tu học mình đã chọn lựa. Năm 1889, tức 4 năm sau ngày chết hụt, thầy được thụ phong linh mục, rồi âm thầm phục vụ một số giáo xứ nhà quê cho đến khi mất năm 1936. Dầu vậy, mẫu gương bền đỗ tới cùng trong ơn gọi của cha thì được nhiều thế hệ linh mục, chủng sinh ở Qui Nhơn nhắc đến. Chẳng hạn khi ở Chủng viện Làng Sông, các cha giáo người Pháp thấy cha Cậy đi tới thì thường quỳ xuống kính cẩn như tôn kính một vị tử đạo. Chén thánh của cha Cậy sau đó được giao cho mấy đời linh mục lưu giữ như cha Gioakim Huỳnh Văn Hóa (1914-1992) rồi cha Giuse Lê Thu Thâu ở Suối Nổ, quê nhà ngài. Cuối cùng, năm 2019, chén được gởi về Tòa Giám mục Qui Nhơn.
*
Ba chiếc chén thánh mang ba dáng vẻ khác nhau, của ba vị chủ chăn không cùng thời, với ba hành trình phục vụ trong tư thế cũng không giống nhau, nhưng đều khơi gợi cảm xúc, hoài niệm và trân trọng sâu sắc cho một lựa chọn: loan truyền đạo Chúa Trời, bảo vệ và trung thành đức tin trong mọi hoàn cảnh.
Họ là những chứng nhân tiêu biểu trên đường truyền giáo.
Minh Minh
Bình luận