Con trai tôi đang học lớp 9. Tôi liên tục nghe những lời không hay về cháu, nhất là chuyện cháu hay bắt nạt và đánh bạn học. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi nhà trường mời gia đình tôi lên thông báo việc cháu lập nhóm và đánh nhau với các anh lớp trên, phạt cảnh cáo. Vợ chồng tôi biết cháu hiếu động và trực tính nhưng không phải loại có máu côn đồ. Cháu mới học cuối cấp 2 thì lập băng đảng thế nào được, hay là trường thành kiến với cháu?
(Một phụ huynh ở quận 2 – TPHCM)
Nạn bắt nạt học đường là sự tấn công bằng đòn đánh, lời nói hay tâm lý đối với người không thể tự bảo vệ bản thân đúng cách. Các hành vi lặp đi lặp lại và thường không có sự cân bằng về lực lượng giữa bên tấn công và bên bị tấn công.
Có muôn kiểu “ra đòn” mà kẻ khiêu chiến hay dùng để bao vây “con mồi”, đặt biệt danh xấu hoặc moi móc nhược điểm để bình luận ác ý; phát tán tin đồn xấu và xúi giục mọi người xa lánh, kỳ thị; chửi bới đe dọa, gây thương tích; ăn cắp hoặc làm hỏng đồ dùng của bạn... Bạn ú ì bị gọi là “đồ tham ăn”, “con nhợn”, “bồ tượng”; bạn ít ra ngoài sân chơi bị gọi là “tự kỷ”; bạn bị gọi là khùng, dốt nát hoặc ngu vì học yếu môn nào đó; bạn con của bà mẹ đơn thân bị gọi là “đồ không cha”, “con hoang”. Càng lên lớp trên, những nickname càng dễ gây tự ái như “màn hình phẳng”, “bức tường”, “hai lưng” để chỉ những bạn “siêu mỏng”; “cá rô đực”, “má hóp đít tóp”, “bộ xương di động”, “quắt” dành cho những bạn gầy gò; “pê đê”, “bóng”, “lại cái”... để chỉ những bạn trai hơi “mềm”; “cú có gai” để gọi các bạn gái nghịch như con trai; một số học sinh đồng tính, chuyển giới là nạn nhân của những trò dè bỉu, nghịch ác... Và khi kẻ bại trận đã bị võ miệng hạ gục thì việc bị bồi thêm “võ tay” là điều tất yếu và có xu hướng leo thang.
Theo một báo cáo của Live Science (NewYork Times), có đến 85% chuyện bắt nạt xảy ra ở trường học (phần còn lại diễn ra ngoài cổng trường và chỗ xa lạ), 82% trẻ chậm tiếp thu bị bắt nạt ở trường, 44% học sinh cấp 2 phải trải qua sự tấn công, bạo lực. Hơn 80% hành vi bạo lực không được thông báo cho người lớn biết, 1/10 trẻ chuyển trường vì bị bắt nạt liên tục. Trong đó, đáng buồn là 9/10 trẻ bị bắt nạt liên quan đến giới tính.
Thời nay kẻ bắt nạt còn sử dụng vũ khí công nghệ cao để tấn công nạn nhân như chat, tin nhắn EMS, thư điện tử, điện thoại, chia sẻ ảnh - videoclip, trang web, tin nhắn nhanh IM...
Thường thì những “trùm” trong lớp này có nguy cơ tăng rủi ro trong việc dùng bia rượu, hút thuốc và đánh nhau, gây rối trật tự an ninh trong cộng đồng. Dẫn đến nhiều khả năng những kẻ chuyên đi bắt nạt sẽ bị kết án ở tuổi 24.
Nếu có đứa con “nổi danh” về việc hay bắt nạt bạn học trong lớp, liên lớp hoặc toàn trường, anh chị đừng bênh con và cho qua mà hãy bắt tay vào “phá án”:
* Tìm hiểu lý do vì sao con làm như vậy.
* Giải thích cho nó hiểu các tác hại của hành vi đó.
* Trao đổi với nhà trường, tìm hiểu xem con gặp vấn đề gì ở trường, đâu là nguyên nhân khiến con hay nổi giận và hành xử bạo lực.
* Tăng cường giám sát để hạn chế sự tương tác tiêu cực giữa các học sinh (lập băng nhóm, liên hệ với thành phần bất hảo ngoài xã hội để trả thù,...)
Không ai muốn con mình đi học bị các bạn trêu chọc, bắt nạt nhưng nếu con quá quậy đến nỗi hay bị gọi lên “mắng vốn” cũng chẳng vui vẻ gì, phải không ạ? Một con số đáng chú ý là khoảng 19% trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên đã tấn công bạn khác và 58% không kể cho người lớn và cha mẹ biết. Có nghĩa là chúng vẫn đóng vai con ngoan trò giỏi hoặc ít ra là bình thường trong gia đình và cha mẹ là người sau cùng biết về những chuyện tày trời của con mình khi đã hết thuốc chữa.
Anh chị hãy uốn cái cây nhà mình vào hàng lối trước khi nó trở nên quá cứng và đầy gai góc.
THẠC SĨ- BÁC SĨ LAN HẢI
Bình luận