Ngày 28.8.2017, phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm (phường Bến Nghé, Q1) đã được khai trương với 20 gian hàng, phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực đường phố của người dân. Đây được xem là cách giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường và đang là khía cạnh được nhiều người dân quan tâm.
ĐIỂM THU HÚT KHÁCH DU LỊCH
Chị Trần Thúy Ái (Q7, TPHCM): Mở phố hàng rong là một cách làm khá hay. Trước hết, người bán có chỗ ổn định, hàng rong quy tụ lại một nơi, đường phố sẽ được sạch đẹp hơn lại tạo thêm một điểm để mọi người đến vui chơi và thưởng thức các món ăn bình dân với giá phải chăng. Biết đâu phố hàng rong sẽ trở nên một địa chỉ trong cẩm nang du lịch, thu hút nhiều người đến thăm và thưởng thức văn hóa ẩm thực Việt Nam.
MẤT ĐI NÉT VĂN HÓA MỘC MẠC
Chị Trần Thị Chi (Gx Thị Nghè - TGP.TPHCM) : Việc quy hoạch địa điểm dành riêng để bán hàng rong là điều tốt và sẽ góp phần gìn giữ trật tự đô thị. Người bán hàng không còn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ bị đuổi hay bị phạt. Người mua không phải chạy ngược xuôi mà có thể dễ dàng tìm đến đúng nơi có món mình yêu thích. Song, cá nhân tôi vẫn nhớ những đôi quang gánh, những chiếc xe chất đầy thức ăn, những tiếng rao lảnh lót mời khách ghé mua trên các con đường ở Sài Gòn. Thế nên, tôi cảm thấy nuối tiếc khi chợt nhận ra việc gom hàng rong về một mối có thể giúp thành phố bớt lộn xộn, nhưng lại mất đi nét văn hóa mộc mạc tồn tại đã bao ngày tháng.
MỘT CÁCH LÀM HAY
Anh Lê Hải Lý (Bình Dương): Bản thân tôi đồng tình với cách làm này. Bởi ở Sài Gòn, bất kể trên đường lớn hay trong hẻm nhỏ, hằng ngày chúng ta đều thấy có rất đông người bán hàng rong. Đó là gánh mưu sinh để họ nuôi sống gia đình, nhưng bên cạnh đó, cũng không ít người làm mất đi hình ảnh thân thiện của thành phố vì tình trạng chèo kéo, chặt chém khách du lịch. Do vậy, việc quy tụ người bán hàng rong lại sẽ dễ quản lý, có trật tự hơn, nhất là kiểm soát được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài ra còn tạo thêm một điểm nhấn về ẩm thực tại Sài Gòn.
ĐÁP ỨNG HAI ĐIỀU
Chị Từ Thị Minh Thư (Tân Phú, TPHCM): Tuy có đôi chút tiếc nuối nhưng phải công nhận phố hàng rong cũng là một giải pháp tương đối cho tình hình hiện tại. Với riêng tôi, nếu đáp ứng được hai yếu tố này thì việc mở phố hàng rong sẽ mang đến nhiều hiệu quả, ích lợi. Thứ nhất, lệ phí ở đây cần giữ ở mức hợp lý để những người bán hàng rong nghèo cũng có thể vào buôn bán. Thứ hai, địa điểm phải rộng rãi để đáp ứng lượng khách hàng tìm đến nhằm đảm bảo thu nhập cho người bán.
CÁC ĐỊA PHƯƠNG CÓ THỂ THAM KHẢO
Anh Trần Trung Nghĩa (Gx Hòa Thuận, GP Bà Rịa): Thông tin mô hình “phố hàng rong” đã được khai trương thí điểm tại đường Nguyễn Văn Chiêm, Q1 thời gian gần đây, khiến tôi cảm thấy vui lây với những người buôn gánh bán bưng. Người dân đã có một chỗ buôn bán hợp pháp, không phải nơm nớp lo sợ mỗi khi đội trật tự đô thị đi kiểm tra. Tôi đã có dịp ghé qua đây và thấy phố hoạt động khá tấp nập, đồ ăn thức uống đa dạng, giá lại không quá mắc. Đúng là, nhờ có sự quản lý như vậy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo hơn, trật tự cũng như mỹ quan đô thị tốt đẹp hơn. Mong là với sự nỗ lực của chính quyền, mô hình này sẽ có tính khả thi để các địa phương khác tham khảo, đảm bảo kế sinh nhai cho người lao động nghèo.
BẤT TIỆN
Anh Nguyễn Anh Tuấn (Q2, TPHCM): Có phố hàng rong đôi khi bất tiện ở chỗ muốn ăn vặt phải tập trung về quận 1, và hơi phiền cho những người ở xa trung tâm thành phố. Thêm một điều nữa là người bán hàng rong phải đóng tiền mặt bằng nên chắc giá cả sẽ nhỉnh hơn trước kia, chưa kể có thể vì tốn thêm phí chỗ ngồi người bán giảm sự chăm chút, đầu tư vào món mình bán.
Bình luận