Thứ Hai, 13 Tháng Tư, 2015 23:41

Cụt hứng

Ngày xửa ngày xưa, khi mình còn là trẻ con, thì trong gia đình của mình chỉ có hai cuốn sách gối đầu giường, đó là cuốn “Sách Bổn” và “Sách Kinh”

1. Hôm ấy mình đi thăm mục sư Xuân Phong và tặng ông ấy bộ Thánh Kinh, bản dịch của linh mục Nguyễn Thế Thuấn. Nói chuyện con cà con kê chán rồi, mình nói đùa với mục sư Xuân Phong :

- Bên Tin Lành giàu quá: In Thánh Kinh tràn lan; tặng Thánh Kinh cũng tràn lan. Sướng quá!

- Bên Công giáo giàu hơn bên Tin Lành. Nhưng có đồng nào thì lo xây tháp và mua chuông hết rồi, còn tiền đâu mà in Thánh Kinh.

Nói đùa, nhưng có thật và đau quá.

Ngày xửa ngày xưa, khi mình còn là trẻ con, thì trong gia đình của mình chỉ có hai cuốn sách gối đầu giường, đó là cuốn “Sách Bổn”“Sách Kinh”. Các lớp giáo lý từ đồng ấu đến bô lão cũng chỉ đọc và học thuộc lòng hai cuốn sách ấy. Tuyệt nhiên chẳng ai biết Thánh Kinh là gì. Cũng chẳng ai biết thế nào là Cựu Ước và thế nào là Tân Ước. Chỉ ai đi lễ mới được nghe Lời Chúa. Nhưng Lời Chúa lại được gọi là Evan và Lời ấy lại được đọc bằng tiếng La tinh. Nghe Lời Chúa mà cứ như vịt nghe sấm.

Mình đọc tiểu sử của bà Marillac, vị sáng lập của tu hội Nữ Tử Bác Ái. Tác giả cho biết bà Marillac được bản quyền giáo hội “cho phép” đọc toàn bộ Thánh Kinh. Như vậy có nghĩa là việc đọc Thánh Kinh đã không được cổ võ mà còn bị hạn chế. Buồn quá!

Chuyện buồn ấy ngày nay đã lùi xa vào dĩ vãng. Thánh Kinh đã được xuất bản và tái xuất bản nhiều lần. Thánh Kinh được phổ biến tràn lan từ các lớp giáo lý cho tới giờ kinh tối trong các gia đình. Thật đáng mừng. Nhưng trong cái mừng ấy vẫn phảng phất một mối nghi ngờ. Nghi ngờ rằng: Các gia đình Công giáo đã có Thánh Kinh hết chưa; khi có Thánh Kinh rồi, thì có đọc hằng ngày không? Điều mình nghi ngờ thì đã được làm sáng tỏ. Có một cha xứ đi thăm giáo dân. Vì có nhu cầu đột xuất, cha xứ bất ngờ hỏi ông chủ nhà:

- Có Thánh Kinh không?

- Dạ, có.

- Cho tôi mượn một cái.

Ông chủ nhà đi tìm mãi không thấy, bèn gãi tai:

- Xin lỗi cha. Không biết con để ở đâu

Rất nhiều người không có Thánh Kinh trong gia đình, thì không xấu hổ; nhưng nếu nhà thờ không có tháp chuông thì không chịu nổi. Một lần kia, ba ông đại diện của một giáo họ đến gặp mình. Sau khi xuất trình giấy giới thiệu của Đức Giám mục và bản vẽ nhà thờ, các ông vào đề:

- Nhà thờ giáo họ chúng con đã xây xong, chỉ còn thiếu hai cái tháp chuông. Xin cha giúp đỡ chúng con với.

- Họ đạo các ông có bao nhiêu giáo dân?

- Họ đạo chúng con có bốn trăm giáo dân.

- Có bốn trăm giáo dân mà xây nhà thờ lớn quá làm chi vậy?

- Thưa cha, không xây như thế, thì thua người ta sao.

- Các ông xem nhà thờ của tôi có tháp đâu.

- Nhà thờ mà không có tháp, thì không phải là nhà thờ cha ạ.

Câu nói ấy phát xuất từ một tâm hồn rất chân thành. Chân thành nghĩ như thế. Chân thành phát biểu như vậy. Cũng đáng trân trọng. Nhưng mình nghĩ thầm trong bụng: có nên tiếp tục nghĩ như thế nữa không? Và mình cũng tự hỏi: họ đạo ấy đã có Thánh Kinh và thường xuyên đọc Thánh Kinh trong gia đình chưa? Nếu chưa có Thánh Kinh trong mỗi gia đình, thì đừng quên rằng với số tiền xây hai ngọn tháp ấy người ta có thể mua được mười mấy ngàn cuốn Tân Ước đấy.

 

2. Mình làm quen với đại đức Huệ Nhân. Quen rồi thân. Thân rồi thương. Thương thì cắn nhau đau. Hôm ấy Huệ Nhân “cắn” mình hai miếng. Đau quá!

- Miếng đau một: “Ngày thứ sáu, đạo Công giáo cấm ăn thịt, nhưng lại cho ăn cá. Bản chất của cá và thịt khác nhau thế nào? Luật này là luật tòng nhân, nên thanh niên bên giáo phận Xuân Lộc khiêng nồi thịt chó sang bên giáo phận TPHCM, ngồi nhậu vui vẻ với nhau. Thời điểm ấy giáo phận TPHCM được miễn kiêng thịt. Giữ luật vụ hình thức. Đạo cũng chỉ vụ hình thức. Buồn cười quá à!”.

- Miếng đau hai: “Trong nhà thờ, các anh khiêm tốn đấm ngực tự thú: Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Ra khỏi nhà thờ, thì chẳng ai chịu nhận lỗi hết. Cứ la bai bải: Lỗi tại ông, lỗi tại bà, lỗi tại mày Kinh Cáo Mình là kinh nói phét

Bị cắn hai miếng đau quá và đúng quá, mình đành im lặng và cười trừ, như thể chẳng thèm trả lời.

Bốn mươi năm đã trôi qua. Bạn xưa thì chẳng biết bây giờ ở đâu. Nhưng tình cũ thì bây giờ vẫn còn. Bèn viết một lá thư ngỏ. Thư chẳng đến, nhưng tình thì cứ đến.

Đại đức Huệ Nhân ơi!

Hôm ấy anh chọc quê tôi. Tôi im lặng và cười trừ, như thể chơi cao không thèm chấp nhất. Hôm nay tôi chân thành giãi bày tâm sự với anh.

Đạo Công giáo chúng tôi yêu cầu tín đồ kiêng thịt vào các ngày thứ sáu. Việc kiêng thịt như thế đạt được nhiều mục đích: kiêng thịt để nhớ ngày thứ sáu là ngày Chúa thụ nạn; kiêng thịt tức là ăn khem, tức là rèn luyện ý chí để chiến thắng các cám dỗ; kiêng thịt, thì tiết kiệm được một số tiền, để giúp người nghèo. Kiêng thịt ngày thứ sáu mà không đạt được những mục tiêu ấy, thì là lạc đề.

cut hung - ren luyen y chi
Rèn luyện ý chí là một phương thế vượt qua cám dỗ

 

Trên dòng lịch sử, có nhiều nơi trong bữa ăn mà không có thịt, thì là quá khắc khổ, nên Giáo Hội cho ăn cá. Đó là thái độ bao dung của tình mẹ. Nhưng với thời gian luật ấy bị biến dạng và làm anh buồn cười. Luật tòng địa cũng thế, nó bị biến dạng và trở nên buồn cười. Anh đã cười và làm tôi xấu hổ.

Anh Huệ Nhân thân mến !

Chuyện làm anh buồn cười và làm tôi xấu hổ, thì vẫn chưa hết. Đúng là chúng tôi đọc kinh cáo mình hằng ngày. Ngày nào chúng tôi cũng đấm ngực tự thú “Lỗi tại tôi mọi đàng”. Nhưng trong thực tế của đời sống xã hội, chúng tôi vẫn không thực hiện được điều đó. Đáng buồn cho chúng tôi. Đáng buồn cho mọi người. Đáng buồn cho cả anh nữa.

Trước khi dứt lời, tôi xin phép chọc quê anh một cái, để gỡ huề 1-1. Hôm ấy tôi nói chuyện tào lao với đại đức Thiện Nhẫn. Tôi mở lời:

- Đại đức ơi, cho tôi hỏi đùa một cái nhá: Bên đạo Phật có còn cấm sát sanh không?

- Dĩ nhiên. Giáo lý quan trọng đấy.

- Thế nếu đại đức là bộ trưởng bộ Y Tế, thì có cấm sát trùng trước khi giải phẫu bệnh nhân không? Và nếu là bộ trưởng bộ Nông Nghiệp, thì có cấm xịt thuốc trừ sâu không?

- Hì Cái đó mới kẹt đấy.

Chúng mình chọc quê nhau, để làm sáng tỏ vấn đề và để thương nhau nhiều hơn. Chào thân mến.

 

3. Câu chuyện buồn đã xảy ra cách đây gần bốn mươi năm. Không gian thì xa vời vợi. Thời gian thì dài lê thê. Thế mà mình vẫn nhớ như in.

Thời gian ấy, mình bị miễn cưỡng tá túc lại nhà chị Chín (Bến Bọng, gần Vàm Đình, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Bây giờ là huyện Phú Tân). Hôm ấy, mình đang thơ thẩn và ngơ ngẩn chưa biết phải làm gì, thì có một người lạ đi tới. Đó là một người phụ nữ dáng vẻ tứ tuần, dạn dĩ và nghiêm khắc. Không chào hỏi, không tự giới thiệu, bà nhìn thẳng vào mặt mình, tuyên bố thẳng băng: “Chúa anh thờ mà anh để Chúa trần truồng như thế có khác gì anh bêu diếu Chúa của anh. Nếu cha mẹ của anh có lỡ bị trần truồng, thì phải lấy mền mà che lại. Thờ ông bà cha mẹ, thì phải chọn ảnh đẹp nhất mà đặt trên bàn thờ”. Mình giải thích thế nào, bà cũng không thèm nghe. Cứ vùng vằng ra về và không bao giờ trở lại. Mình chỉ còn biết ôm đầu suy nghĩ.

Đây là một vụ án không bình thường.

u Mình đang là người tôn thờ Chúa bỗng dưng bị chụp mũ là bêu diếu Chúa. Oan khiên quá chừng. Oan khiên mà không được thanh minh và thanh minh không được. Tội nghiệp!

uChúa chết nhục nhã vì yêu thương và đang được đáp đền bằng ngàn vạn con tim chân thành, thì bỗng dưng bị gọi là nạn nhân, là bên bị hại. Oái oăm!

uMột người không liên quan bỗng dưng làm đơn tố cáo và tự nhảy lên làm công tố viên và chánh án. Nguyên nhân bởi đâu? Chỉ vì người ấy thương Chúa quá. Thương thật tình. Thương bằng con tim mà không có sự hỗ trợ của lý trí. Đáng thương hay đáng ghét? Nên bỏ hay nên ngẫm nghĩ? Mình chỉ biết chắp tay, cúi đầu và thầm cầu nguyện: “Xin Chúa sửa lại mọi sự, trong, ngoài chúng con”.

 

LM. Piô Ngô Phúc Hậu

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm