Người hành khất

Cà Mau, 15-7….

Mình bắt tay giã từ Mai.

- Kỳ này mình đi lâu mới về, anh quán xuyến mọi chuyện nhé.

- Gần hết gạo rồi, anh mua thêm cho một tạ, gởi tàu đò đem về giùm. Anh mua gạo ngon ngon một chút. Thức ăn kém quá, gạo xấu nuốt không trôi... Mai vừa nói, vừa cười, vừa lấy hai tay xoa bụng. Đó là tập tính của anh.

Ra tới Cà Mau, mình ghé ngay tiệm gạo :

- Gạo hạt dài, bao nhiêu một tạ, chị ?

- Tám ngàn.

- Còn gạo hạt tròn ?

- Năm ngàn.

Gạo hạt dài là gạo mà Mai nói là “ngon ngon một chút”, còn gạo hạt tròn là "gạo xấu nuốt không trôi" . Mình cầm mớ tiền trong tay đếm qua đếm lại, tính tới tính lui. Mua gạo ngon thì thiếu tiền xe. Mua gạo xấu thì tội nghiệp anh chị em trong giáo điểm. Cuối cùng mình buột miệng nói với chủ tiệm :

- Chị bán cho tôi một tạ gạo hạt tròn.

--------------------------------------------------------------------------------

Sài Gòn, 16-7...

Đêm qua mình trằn trọc khó ngủ. Vào phút sám hối trước giờ kinh tối, tạ gạo hạt tròn làm lương tâm mình ray rứt. Mình đã không mua cho anh chị em được một tạ gạo ngon. Giờ này tạ gạo hạt tròn đã tới giáo điểm rồi, Mai sẽ nghĩ gì về mình ? Một người anh keo kiệt, tàn nhẫn ? Một người anh bất lực ? "Thức ăn kém quá, gạo xấu nuốt không trôi". Mai nói rất đúng. Có những bữa ăn chỉ đơn độc một đĩa cá đối kho, hoặc một tô cá kèo kho. Tuyệt nhiên không có một cọng rau xanh ! Mình vẫn hãnh diện về cuộc sống khó nghèo. Nhưng sự nghèo khó hôm nay đã trở thành nỗi tủi nhục của riêng mình.

Mình chưa bao giờ ngửa tay xin tiền ai và mình cũng chỉ nhận tiền giúp đỡ từ tay những người thân nhất. Giờ này mình lại quyết tâm đi ăn xin, ăn xin cho giáo điểm. Ăn xin là nhục, nhưng để anh chị em trong giáo điểm sống cực quá, mình còn thấy nhục hơn. "Thức ăn kém quá, gạo xấu nuốt không trôi"...

Bỗng trong đầu mình lóe lên một hào quang. Đó là lời tâm sự của Đức Phaolô VI trong một lá thư truyền giáo mà mình còn nhớ gần như nguyên văn :

“Hàng Giám mục chúng tôi không xấu hổ khi phải ngửa tay xin anh chị em giúp đỡ cho công việc truyền giáo. Đức Giêsu, Thầy của chúng ta đã từng mượn cái thuyền của Simon để ngồi giảng, mượn con lừa ở Bétphagiê để vào Giêrusalem, mượn căn nhà của bà Maria để làm phòng tiệc ly. Và cuối cùng, Ngài đã được an táng trong ngôi mộ của một người bạn”.

Đang như con gà bị cắt tiết, mình giãy giụa rồi đứng vùng lên một cách hiên ngang. Mình sẽ chìa tay xin bất cứ ai và bất cứ nơi nào, không hề xấu hổ, không hề tủi nhục. Truyền giáo là bổn phận của mọi người. Giúp đỡ vật chất cho người truyền giáo cũng là bổn phận của mọi người. Mình sẽ làm ng­ười hành khất, người hành khất hiên ngang tạo thời cơ thuận lợi để mọi người tham gia vào công tác truyền giáo. Người­ xin và người cho đều là thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo.

-------------------------------------------------------------------------------

Sài Gòn, 17-7...

Kế hoạch hành khất để phát triển công tác truyền giáo tại Năm Căn đang sôi sục trong tim. Mình nghĩ ngay đến một ông giám đốc ở đầu đường Pasteur. Sáng nay mình đi thẳng tới đó. Trước mắt mình là một tòa nhà nhiều tầng. Ông giám đốc đang đứng nói chuyện với ai đó ở một góc sân. Ông cao lớn và lực lưỡng. Cả con người của ông toát ra uy quyền và giàu sang. Mình không quen ông, nhưng lại biết rất nhiều về ông, qua các bạn bè của ông. Mình đon đả chào :

- Chào ông Bảy.

- Cha có chuyện gì thế ?

- Con đi truyền giáo ở Năm Căn thiếu thốn về mọi phương diện. Con đến xin ông Bảy giúp đỡ.

- Cha mốn tôi giúp cái gì ?

- Giáo điểm chúng con đã chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm cần có một cái xuồng máy để di chuyển. Vậy xin ông Bảy giúp chúng con một máy Kohler 7.

Ông giám đốc nhún vai một cái theo kiểu Tây phương, rồi đi vào hành lang và biến mất trong tòa nhà đồ sộ. Còn mình thì đứng trơ ra đó. Hụt hẫng…

Lá thư ngỏ gửi thầy Bùi Châu Thi.

Thầy kính mến,

Hôm nay noi gương Đức Phaolô VI, con hiên ngang chìa tay xin tiền bố thí để làm công tác truyền giáo. Nhưng con bị “nhún vai” một cách tàn nhẫn. Chính vì thế mà con nhớ lời thầy đã dạy chúng con khi chúng con còn mài đũng quần trên ghế chủng viện. Thầy dạy rằng :”Các giáo xứ giàu phải chia sẻ tài nguyên cho các giáo xứ nghèo. Nhưng trong thực tế ng­ười giàu ít khi nào chịu mở hầu bao. Người giàu luôn luôn từ chối một cách khéo léo rằng :”Sông to thì gió cả”, nghĩa là giáo xứ lớn và giàu thì lại có trăm công nghìn việc phải làm. Thế là vẫn có sự chênh lệch giữa giáo xứ giàu và giáo xứ nghèo, ngay trong lòng của Giáo hội”.

Vâng, đúng thế. Cái ông giám đốc của tòa nhà đồ sộ kia cũng đang có trăm công nghìn việc phải làm. Việc của ông là những việc lớn có tầm cỡ quốc tế. Cái máy Kohler nhỏ mọn của giáo điểm chỉ làm nát chuyện của ông. Ông từ chối là phải. Con chẳng phiền trách gì.

Thầy kính mến,

Con gửi về thầy mấy dòng tâm sự trên để thầy thương cảm cho những đứa học trò đang đưa lưng ra chịu đòn, để thực thi những bài dạy của thầy về Công giáo Tiến hành thưở xưa.

--------------------------------------------------------------------------------

Năm Căn, 15- 8 ...

Hôm qua mình ghé Hòa Thành. Cha sở ôm mình vào lòng và niềm nở giới thiệu mình với giáo dân. Ngài khoe rằng mỗi ngày hai lần ngài kêu gọi giáo dân Hòa Thành cầu nguyện cho Năm Căn. Ngài còn khoe thêm rằng mỗi tháng Hòa Thành sẽ gởi cho Năm Căn vài tạ gạo. Đó là kết quả của chương trình “lon gạo truyền giáo”. Mỗi tháng một lần, Hội đồng Giáo xứ đi thu gom “lon gạo truyền giáo" trong các gia đình, đóng bao rồi gởi tàu đò đem về Năm Căn.

Từ nay Năm Căn không sợ thiếu gạo nữa, nhưng gạo truyền giáo là loại hầm bà lằng : gạo trắng có, gạo đỏ có, gạo hạt dài có, gạo hạt tròn cũng có... Tất cả đều pha trộn vào nhau một cách hổ lốn. "Thức ăn kém quá, gạo xấu nuốt không trôi". Nhưng nó là tình yêu, là trách nhiệm của muôn người. Nó cũng là số phận của người truyền giáo : phải sống nghèo để sống khiêm tốn và chấp nhận thử thách. Mình chẳng mơ ước gì hơn nữa.

--------------------------------------------------------------------------------

Cần Thơ, 20-10...

Hôm nay Đức Giám mục trao cho mình năm ngàn đồng. Ngài cho biết đó là món quà của một cụ già ở Sàigòn nhờ chuyển cho Năm Căn. Cầm năm ngàn đồng trong tay mình sực nhớ đến tạ gạo hạt tròn trị giá đúng năm ngàn đồng. Từ đây mình nghiệm ra rằng :

1- Người rao giảng Tin Mừng phải sống nhờ Tin Mừng... Phải sẵn sàng chìa tay xin sự trợ giúp của mọi người từ mọi nơi. Sống nhờ Tin Mừng không phải là ăn bám mà là công bằng giao hoán, là mở đường để Giáo hội có tính phổ quát.

2- Ân nhân của các giáo điểm thường là những tâm hồn bé nhỏ đơn sơ, giàu thiện chí, nhưng không giàu về vật chất.

3- Sự yểm trợ cho giáo điểm luôn luôn chỉ vừa đủ và thường là thiếu một chút.

4- Người truyền giáo phải luôn luôn chấp nhận sự thiếu thốn một chút này. Nếu có nhiều tiện nghi vật chất thì người truyền giáo phải cảnh giác vì có thể họ bắt đầu đi lầm đường rồi.

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Lòng khiêm tốn là chứng tá Tin Mừng
Lòng khiêm tốn là chứng tá Tin Mừng
Có lẽ trong cuộc đời rao giảng của Thánh Phêrô, không có lời nào có sức thuyết phục cho bằng lời kể về những lần ngài chối Chúa. Có lẽ bài giảng làm nhói tim thính giả của thánh Phaolô chính là lời kể về những lúc ngài bắt bớ...
Người biệt phái cầu nguyện
Người biệt phái cầu nguyện
Ông biệt phái ơi ! Ông oai hùng quá ! Ngày xưa Chúa đã quật ngã ông ngay trước mặt người thu thuế. Ngài cho ông ăn "điểm hột vịt" khi Ngài nói : ”Người này ra về và không được công chính hóa” .
Áo nhà tu
Áo nhà tu
Đọc thư của ông bạn già xong, mình cảm thấy nhột nhạt quá, vì từ ngày 5-1-1975 mình chỉ mặc áo dòng trong khuôn viên nhà thờ và lúc cử hành các nghi thức phụng vụ mà thôi. Mình cũng đã hai lần may clergy-man. Nhưng chưa lần nào có...
Lòng khiêm tốn là chứng tá Tin Mừng
Lòng khiêm tốn là chứng tá Tin Mừng
Có lẽ trong cuộc đời rao giảng của Thánh Phêrô, không có lời nào có sức thuyết phục cho bằng lời kể về những lần ngài chối Chúa. Có lẽ bài giảng làm nhói tim thính giả của thánh Phaolô chính là lời kể về những lúc ngài bắt bớ...
Người biệt phái cầu nguyện
Người biệt phái cầu nguyện
Ông biệt phái ơi ! Ông oai hùng quá ! Ngày xưa Chúa đã quật ngã ông ngay trước mặt người thu thuế. Ngài cho ông ăn "điểm hột vịt" khi Ngài nói : ”Người này ra về và không được công chính hóa” .
Áo nhà tu
Áo nhà tu
Đọc thư của ông bạn già xong, mình cảm thấy nhột nhạt quá, vì từ ngày 5-1-1975 mình chỉ mặc áo dòng trong khuôn viên nhà thờ và lúc cử hành các nghi thức phụng vụ mà thôi. Mình cũng đã hai lần may clergy-man. Nhưng chưa lần nào có...
Linh mục của ai
Linh mục của ai
Mình sẽ không bao giờ có nhiều tiền để chấm dứt tình trạng nghèo. Mình cũng không đủ can đảm để SỐNG VỚI người nghèo. Mình không phải linh mục CỦA người nghèo, không phải là linh mục CHO người nghèo và không là linh mục VỚI người nghèo.
Đọc Thánh Kinh
Đọc Thánh Kinh
Đọc Lời Chúa chưa có nghĩa là đã hiểu Lời Chúa. Hiểu Lời Chúa chưa có nghĩa là đã đồng cảm với Chúa. Muốn đọc, hiểu và cảm được Lời Chúa, mình phải tự hủy ý riêng một cách thật sâu sắc.
Sau một cuộc gặp gỡ
Sau một cuộc gặp gỡ
Những hồi chuông binh boong vang vọng vào những dịp lễ lớn làm biết bao con tim rạo rực. Đó là tiếng Chúa thôi thúc qui tụ đoàn con hiếu thảo và nhắc nhở những con chiên lạc bầy. Có biết bao tâm hồn xa Chúa, quên Chúa, bỏ Chúa...
AGAPÊ : Ăn vì yêu, ăn để yêu…
AGAPÊ : Ăn vì yêu, ăn để yêu…
Hôm nay anh em ngồi chia sẻ những nỗi đoạn trường của đời mục vụ. Vạn sự khởi đầu nan vẫn là cái hộ khẩu. Nhưng cái nỗi gian nan khổ ải ấy lại qua đi như mây bay nhờ một agapê, một bữa cơm thân ái.
Sau cơn bão số 5
Sau cơn bão số 5
Hôm nay mình đi Sàigòn. Lá thư của Nguyễn Thị Mai vẫn được cất kỹ một cách trang trọng trong cuốn Giờ kinh Phụng vụ. Đọc kinh tối xong, mình lại đọc lá thư của Nguyễn Thị Mai, đại diện cho nhóm bạn trẻ khuyết tật "vào đời với đôi...
Cơn bão số 5
Cơn bão số 5
Rạch Cái Rắn đã ngoằn ngoèo quá chừng, hôm nay lại ngoằn ngoèo thêm, vì ngọn mắm, cành còng ngã đổ rải rác từ doi này tới doi kia. Trường Phú Hưng bị sập một dãy.