Thứ Ba, 11 Tháng Tám, 2015 08:50

Lá thư ngỏ (2) gửi Simon - Phêrô

Simon mến!

Trong lá thư trước, tớ đã ôn lại bốn kỷ niệm về cậu. Qua bốn kỷ niệm ấy, tớ thấy cậu quê rõ, còn Thầy thì tớ chỉ thấy lờ mờ. Hôm nay, trong lá thư này tớ tiếp tục ôn lại những kỷ niệm xưa ấy. Hy vọng tớ sẽ thấy Thầy nhiều hơn.

Hình ảnh 5. Cậu đi bộ trên mặt hồ.

Sau phép lạ hóa bánh, Thầy ra lệnh cho chúng mình phải xuống thuyền đi về Caphácnaum. Mặt đứa nào cũng nhăn như bị. Tớ thầm nghĩ trong bụng: tại sao không chớp thời cơ này, kêu gọi đồng bào tổ chức lễ tôn Thầy lên ngôi vua. Đất nước sẽ thanh bình, thịnh vượng. Dân sẽ no cơm ấm áo. Chúng mình thì thi nhau mà võng lọng.

Xuống thuyền rồi tớ mới biết là đứa nào cũng nghĩ như tớ. Khi xuống thuyền rồi, tớ mới hiểu ý của Thầy. Thầy ghét cay đắng cái máu xôi thịt của tụi mình. Phải nói là Thầy đuổi chúng mình về trước, kẻo chúng mình sẽ tham gia vào lễ tôn vương đang manh nha trong đám quần chúng. Chúng mình về Caphácnaum. Còn Thầy thì trốn lên núi. Lễ tôn vương bị hẫng

Chúng mình đang lênh đênh trên mặt hồ. Gió thì thổi ngược. Trời thì tối om om. Bỗng có một con ma xuất hiện đang rảo bước trên sóng nước. Tất cả đều la lên. “Ma!”. Con ma tiến lại gần thuyền. Thì hóa ra là Thầy. Thầy cười xuề xòa: “Thầy đây! Đừng sợ!”. Tớ thì xấu hổ, gục mặt xuống. Còn cậu thì le te: “Nếu đúng là Thầy, thì xin Thầy cho con đi trên mặt nước mà đến với Thầy”. Thầy bảo: “Thì xuống mà đi”.

Cậu nhảy xuống và đi trên mặt nước thật. Đi chuệnh choạng y như thằng cu tí mới lên hai tuổi. Bỗng Cậu chìm xuống, chỉ còn cái đầu. Cậu vừa bơi vừa la bai bải: “Thầy ơi! Cứu con với!”. Thầy cầm tay cậu kéo lên thuyền và cho cậu một bài học: “Người đâu mà kém tin thế. Tại sao lại hoài nghi như vậy?”

Cậu ngồi kế bên Thầy. Đầu tóc, râu ria và áo xống đều ướt nhẹp. Cậu nhìn Thầy. Mặt cậu ngây thơ như trẻ con. Còn Thầy thì cứ cười tủm tỉm. Thầy cười cậu. Đức tin của cậu phập phù như có như không. Thầy không đồng ý với cậu. Nhưng Thầy không giận, không phiền trách. Thầy chỉ buồn cười thôi. Cười yêu thương. Cười bao dung.

Hình ảnh 6. Moi tiền trong miệng cá.

Thấy cậu vác cần câu ra bờ hồ, tớ đi theo. Tớ hỏi móc họng cậu một câu:

- Bộ mát thần kinh hay sao mà đi câu vào giờ này?

- Thầy bảo.

- Thầy bảo sao?

- Tiên sư cha mày! Cái gì cũng hỏi. Cái gì cũng muốn biếtLúc chúng mình vừa về tới cổng, thì thằng nhân viên thuế vụ kéo áo tao hỏi: “Thầy chúng mày không đóng thuế sao?”. Tao chặn họng nó: “Tại sao không?”. Nói vậy thôi, chứ sức mấy mà nó dám đòi Thầy tiền thuế. Tao phải đóng, mày phải đóng, còn Thầy thì phải được miễn. Vừa bước chân vào nhà, chưa kịp lau mình, thì Thầy đã bảo tao: “Thầy là Con của Chúa Cha, thì không cần phải đóng thuế đền thờ. Nhưng đóng đi cho rồi, kẻo họ hoạnh họe làm rách việc của mình. Anh ra bờ hồ thả câu. Con nào bắt mồi đầu tiên, thì moi họng nó lấy ra một đồng tiền mệnh giá bốn quan. Đó là phần thuế của Thầy và của anh đấy”.

Cậu vừa nói hết câu, thì phao bị giật chìm. Cậu lôi lên một con cá to bằng bắp chân, dài ba gang tay, giãy đành đạch. Cậu đè nó, móc họng, lôi ra một đồng tiền mệnh giá đúng bốn quan. Cậu cầm đồng tiền, ấp vào ngực, sung sướng như vớ được hũ vàng.

Hai đứa chúng mình lẳng lặng đi về. Không ai nói với ai một lời. Cảm động quá! Thấm thía quá! Bỏ quên con cá.

Về tới nhà, cậu quỳ thụp dưới chân Thầy, vừa thân thưa, vừa nhệu nhạo: “Thầy! Thầy đích thực là Con Thiên Chúa hằng sống”. Thấy cậu khóc, tớ cũng khóc.

Thầy đứng thẳng, hai cánh tay đặt tréo trước ngực, nhìn hai đứa chúng mình. Nhìn lâu lắm. Không nói gì. Dường như Thầy lấy ánh mắt truyền đạt niềm tin qua chúng mình. Tớ thấy thương mến và muốn gửi gắm hết đời mình cho Thầy. Còn cậu thì cứ quỳ mãi, ôm mặt mà khóc.

Hình ảnh 7.

Hôm ấy Thầy giảng ở nguyện đường Caphácnaum. Thính giả đông như kiến cỏ. Bên trong nguyện đường thì không còn chỗ ngồi. Bên ngoài thì không còn chỗ đứng. Đông hơn thường, vì Thầy mới thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều ở Bétxaiđa. Uy tín của Thầy lúc đó y như diều gặp gió. Cánh diều lượn lờ trên mây. Tiếng sáo vi vu trong gió.

Thấy quần chúng nín thở để nghe, chúng mình đứa nào cũng thấy mát trong bụng và phập phồng ở lỗ mũi. Bất ngờ thính giả lả tả ra về, để lại một khoảng trống mênh mông. Từ dòng người đang chảy xuống chân đồi như thác đổ, vọng về những câu nói nghe như búa bổ.

“Tại sao ông ta lấy thịt của ông ta mà cho chúng mình ăn”

“Là một tên thợ mộc ở Nadarét lại đi khoe là từ trời mà xuống”

“Lời gì mà chói tai như thế. Ai mà nghe cho nổi!”

Trong nguyện đường chỉ còn trơ ra mười ba Thầy trò. Người này nhìn người kia. Ngơ ngơ. Tớ đứng ở bên ngoài, lòng đau như thắt. Tớ không thèm nhìn thính giả ra về. Giận quá! Tớ không thèm nhìn các cậu. Chán quá! Tớ chỉ lom lom nhìn Thầy

Chắc chắn ở trên đời này chưa có nhà giảng thuyết nào thất bại ê chề như Thầy. Thế mà Thầy không xấu hổ, không hối hận. Thầy vẫn đứng thẳng, khoanh tay, nhìn về xa xăm. Dường như Thầy đang ôm ấp một công trình lớn lao lắm, cao siêu lắm. Quên bẵng hiện tại.

Bỗng Thầy thôi xuất thần, quay lại nhìn cậu, làm bộ bất cần, hỏi một câu lạnh ngắt như xối nước vào mặt: “Anh em có muốn bỏ Thầy mà đi không?”. Cậu trả lời như hờn dỗi “Bỏ Thầy, thì theo ai bây giờ? Chỉ có Thầy mới có lời hằng sống”. Thầy mỉm cười nhìn cậu. Khóe mắt của Thầy dường như nhấp nháy. Tớ đoán mò là Thầy chọc quê cậu, chứ không phải là Thầy khen cậu đâu. Đừng ham.

Hình ảnh 8. Tiệc Vượt Qua.

Simon mến!

Tớ biết chính cậu và Gioan là người chuẩn bị bữa tiệc cho chúng tớ. Nhưng tớ lại không quan tâm đến điều đó. Tớ thích theo dõi cậu, vì nhờ cậu tớ thấy được cái tâm của Thầy.

Anh em đang ăn, thì Thầy đứng dậy, cởi bỏ áo choàng, thắt lưng, kéo áo lên, rồi lấy chậu đi múc nước. Ai nấy đều ngậm miệng, quên nhai, để theo dõi. Thầy bưng chậu nước đến quỳ trước mặt cậu.

- Phêrô, bỏ chân vào chậu để Thầy rửa.

- Thưa Thầy, không đời nào con để Thầy rửa chân cho con. Cậu hốt hoảng, ôm cứng hai ống chân. Mặt cậu tái mét, gục xuống hai đầu gối. Run cầm cập.

- Nếu anh không cho Thầy rửa chân, thì anh sẽ không có phần trong ngày vinh quang của Thầy.

- Nếu thế thì xin Thầy rửa luôn cả tay và cả đầu con luôn. Cậu vừa nói vừa thả cả hai bàn chân vào chậu. Mắt sáng rực lên. Hí hửng.

Sau khi rửa chân hết một vòng, Thầy trở về chỗ ngồi, nghiêm nghị dạy một bài học để đời:

“Anh em gọi Thầy là rápbi. Đúng!

Anh em gọi Thầy là Chúa. Đúng!

Vậy mà Thầy đã rửa chân cho anh em như một tên đầy tớ rửa chân cho chủ. Thế thì anh em cũng phải noi gương Thầy mà phục vụ cho nhau như thế”.

Tớ thấy mặt cậu sụ xuống. Hẫng! Thế mới biết lòng dạ của cậu lúc nào cũng chỉ là xôi thịt. Còn Thầy thì rất dị ứng với cái gọi là quyền bính và quyền lợi. Thầy thì cao vời vợi. Còn trò thì cứ thấp tè tè. Thầy biết lòng dạ của anh em. Nhưng Thầy vẫn nhẫn nại chờ đợi. Không hài lòng, nhưng vẫn bao dung và tha thứ. Thầy vẫn yêu cậu và anh em như người mẹ yêu đứa con tàn tật. Tớ thấy thương Thầy quá. Càng thương Thầy bao nhiêu, càng giận cậu bấy nhiêu.

Ngồi ăn trở lại được một lát, Thầy lại rầu rầu nhìn mặt từng đứa. Vừa buồn, vừa thương. Thầy nuốt nước miếng một cái, rồi nhỏ nhẹ buông thả từng tiếng.

“Nội trong đêm nay, tất cả anh em sẽ bỏ Thầy mà chạy trốn hết”.

Tớ thấy cậu đứng phắt dậy, vỗ tay vào ngực nói dõng dạc như tuyên ngôn: “Thưa Thầy, nếu chúng nó bỏ Thầy hết, thì con cũng vẫn một lòng một dạ với Thầy”. Thầy mỉm cười và ân cần nói với cậu: “Phêrô, đừng chủ quan. Nội trong đêm nay, khi gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần”.

Cậu cụt hứng, ngồi phịch xuống. Tự ái to như núi. Không thèm nhìn Thầy. Còn Thầy thì bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Biết trước mọi chuyện buồn sẽ liên hoàn diễn ra. Nhưng không than phiền, không kết án ai. Một mình chịu đựng. Sẵn sàng để trăm dâu đổ đầu tằm.

Chào tạm biệt. Hẹn gặp cậu trong lá thư sau.

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm