Lá thư ngỏ gửi anh Mátthêu

Anh Mátthêu mến!

Người ta bảo “Con sâu làm rầu nồi canh”. Con sâu là anh. Nồi canh là đoàn truyền giáo của Thầy Giêsu. Ai nỡ tâm ví von như thế? Chua quá! Nhưng... cũng không oan lắm đâu. Sở dĩ em nghĩ như thế, vì em cũng đang là con sâu đây. Vì con sâu này, mà Thầy đang khổ vô cùng.

Anh Mátthêu ơi, em đang ngồi dưới ánh trăng mờ, để ngẫm nghĩ sự đời. Em nghĩ về cuộc đời “ba chìm bảy nổi” của em. Em nghĩ về cuộc đời “chín lênh đênh” của anh. Em nghĩ về Thầy Giêsu của chúng mình. Em nghĩ gì về anh, thì anh sẽ đọc trong thư. Còn em nghĩ gì về mình, thì em chỉ ngỏ với Thầy mà thôi. Anh đừng mong.

1. Sáng hôm ấy, anh rón rén bước vào văn phòng Sở Thuế Vụ Caphácnaum. Anh cúi đầu chào một ông Tây, cổ to như cổ trâu, cằm nhẵn thín như đít ếch. Ông niềm nở đón tiếp anh, vì Sở đang thiếu biên chế một cách trầm trọng.

Anh đổi đời 180 độ từ hôm ấy.

Hội đường ra vạ tuyệt thông cách ly cho anh, coi anh như một tên phản đạo và phản quốc. Cha mẹ coi anh như người dưng nước lã. Không ai dám nói chuyện với anh. Không ai thèm bước chân vào nhà anh. Ai cũng sợ “mắc uế”.

Bị đồng bào và đồng đạo ghét bỏ, mặt anh vẫn cứ tỉnh bơ. Bất cần. Người ta không thèm nhìn anh. Anh cứ vênh váo nhìn họ. Nhìn để ghét. Nhìn để thách thức. Anh thôi thờ Chúa. Anh thôi thờ cha kính mẹ. Anh chỉ thờ tiền. Tiền chui vào túi anh y như nước sông Giođan chảy vào Biển Chết. Chế độ La Mã nhắm mắt cho anh hà lạm và bóc lột đồng bào. Họ mua sự trung thành của anh, y như sự trung thành của một con chó.

2. Một năm trôi qua. Hai năm trôi qua. Giới làng chơi bắt đầu thắc mắc rất nhiều về anh. Người này bảo là anh mắc bệnh trầm cảm. Người kia khẳng định là anh bị “người đẹp” rút ruột. Có người cho rằng anh bị “ông Giêsu hớp hồn”. Chẳng ai hiểu anh hết. Chỉ có người đồng cảnh ngộ mới hiểu được tâm sự của anh mà thôi. Tiền bạc, lạc thú... chỉ cho ta một thứ hạnh phúc ảo. Phải ăn thật no, phải uống thật say, rồi ói mửa, thì mới biết thế nào là hạnh phúc ảo của lạc thú. Điểm đến của mọi lạc thú chỉ là buồn nôn, chỉ là ói mửa. Ai đi đến đỉnh điểm của lạc thú thì chỉ còn đủ sáng suốt để thấy mình ngã gục, chứ không còn đủ sức để quay gót.

Theo sự hiểu biết của em, thì anh chưa đi tới đỉnh điểm. Anh còn sức để quay gót. Nhưng... con đường về đã bị kéo dây chì gai. Hội Đường và gia đình đã quay lưng với anh. Luật đạo và luật đời đã loại trừ anh. Không có “luật vị nhân sinh” mà chỉ có “luật vị luật”. Không có luật sống. Chỉ có luật chết. Tôi chưa giết anh, nhưng luật đang “tùng xẻo” anh.

3. Hôm ấy là ngày sabát, em đi nghe Thầy Giêsu giảng, nhác thấy anh đứng ở đằng xa. Khoanh tay. Cúi đầu. Em nghĩ thầm trong bụng: “Thấm đòn rồi nha”.

Trong nguyện đường có một bà cụ bị còng lưng từ mười tám năm. Lưng còng tròn vo như chữ Ômêga. Bà chỉ cúi mặt nhìn đường đi chứ không ngước lên được, để nhìn mặt thiên hạ. Thầy Giêsu gọi bà lại, đặt tay lên lưng bà và nói: “Bà hết tật rồi đấy”. Bỗng bà đứng thẳng lên. Lưng ngay đơ. Bà mừng quá, khóc òa lên.

Ông trưởng hội đường nổi giận, quát thật to: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh vào những ngày ấy. Không được đến vào ngày sabát”. Cả hội đường nín khe. Bầu khí im lặng nặng hơn đá đè. Vừa thương Thầy, vừa sợ ông trưởng hội đường. Vừa thương bà cụ già, vừa sợ phạm luật. Thầy Giêsu lên tiếng, giọng chắc nịch như giọng ông quan tòa: “ngày sabát, luật cho phép cởi dây dắt bò đi uống nước. Tại sao bà này là con cháu ông Ápraham bị xatan trói buộc mười tám năm, lại không được tháo xiềng xích vào ngày sabát?”. Em nói vào tai người đứng gần em nhất: “Tại con bò cao quý hơn con cái ông Ápraham”. Em ngước mắt nhìn tìm anh, thấy anh gật gật cái đầu, tỏ vẻ thấm ý. Dường như anh cũng nghĩ như em. Từ lúc đó em hiểu rằng: ngày sabát phải phục vụ con người; con người không được nhân danh luật sabát để ức hiếp con người. Em nhớ có một lần Thầy Giêsu nói: “Ngày sabát vì con người chứ không phải con người vì ngày sabát”. Luật vị nhân sinh là vậy. Anh thấy em tiến bộ dữ chưa? Đi nghe Thầy giảng riết, rồi cũng khôn ra.

4. Anh đang kiểm tra hàng hóa chất đầy trên lưng một con lạc đà. Ông chủ râu ria rậm rạp, lẽo đẽo theo anh. Xum xoe. Gãi tai... con lạc đà nghếch mõm cao một tầm với, vô tư nhìn trời, nhai nhóp nhép, xè bọt mép...

Thầy Giêsu đi qua, đứng lại, nhìn anh. Anh phất tay ra lệnh cho con lạc đà rời quầy. Thầy đi tới. Anh quay lại. Hai người ôm nhau. Anh gục đầu vào ngực Thầy. Thầy xoa lưng và vỗ vai anh.

- Anh đi truyền giáo với tôi nhá.

- Thầy cho con đi với Thầy thật không?

- Tại sao không?

Anh cười hố hố, nhảy cẫng lên như thằng trẻ con. Simon khều Gioan, tỏ vẻ bất mãn: “Rách việc! Một con sâu làm rầu hết một nồi canh”.

5. Anh dọn tiệc “giải nghệ”. Khách có râu và không có râu, khách cắt bì và không cắt bì ngồi lẫn lộn với nhau. Loạn xà ngầu! Thầy được mời ngồi vào chỗ trang trọng nhất, kế bên ông cằm nhẵn, giám đốc sở thuế vụ. Thầy nâng ly chúc mừng mọi người, không phân biệt Âu - Á, đạo - ngoại và giai cấp. Năm anh đệ tử của Thầy nháy nhau ngồi chung một bàn. Anh nào cũng lấm lét. Anh nào cũng ngượng ngùng. Vào nhà người thu thuế, ăn cơm với bọn không cắt bì, mắc uế cả lũ. Xấu hổ quá chừng!

Nội ngày hôm sau, ông trưởng hội đường Caphácnaum tìm gặp Thầy. Không mỉm cười chào “Sàlom”. Không lễ phép tôn kính sư phụ. Ông hét vào mặt Thầy.

- Ông có biết Mátthêu làm nghề thu thuế không?

- Tôi biết.

- Ông có biết giáo luật cấm không cho tín đồ giao du với bọn phản đạo ấy không?

- Tôi biết.

- Biết thì tại sao ông dám vào ăn cơm ở nhà nó?

- Thầy thuốc thì đến với bệnh nhân. Còn tôi thì đến với người tội lỗi. Tôi đến để cứu...

Thầy ví von hay quá, thâm thúy quá, thấm thía quá. Ông trưởng hội đường quay lưng ngoắt một cái. Tức quá. Cãi không lại, nhưng không chịu thua. Để đấy...

Anh Mátthêu ơi! Thầy gọi anh. Anh theo Thầy. Đúng là rách việc thật. Không ai đồng thuận với Thầy. Người thì chống đối ra mặt. Người thì nói xấu sau lưng. Người thì cắn môi nén giận. Có lẽ chỉ một mình em là hiểu anh và hiểu Thầy. Chỉ vì em cũng là bệnh nhân như anh . Chỉ vì chúng mình đang chết đuối, mới thấy cái phao cứu hộ là tuyệt vời. Em cứ ngẫm nghĩ mãi về vấn đề này.

Từ tạo thiên lập địa cho đến bây giờ; từ Đông sang Tây; từ cổ chí kim; từ gia đình ra tới xã hội; từ trong đạo ra ngoài đời... em chỉ thấy có một mình Thầy là người duy nhất vừa yêu thương vừa quý mến người tội lỗi. Không những thế, Thầy còn trả giá bằng cái giá cao ngất trời bị kẻ thù chống đối: kệ. Bị người thân giận dỗi: kệ. Cứ một niềm yêu thương. Cứ một lòng trìu mến... Cứ mỗi lần đọc Thánh vịnh 100, nghe tác giả giận dữ đòi quét sạch thành đô những đứa làm điều ác, không sót một tên, em lại ngậm ngùi nghĩ về Thầy. Thương quá, chịu không nổi. Thôi em không nói nữa. Em lại khóc mất rồi...

Chào anh.

tin liên quan

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Thầy Giêsu của tôi là một sứ ngôn cao cả, là một siêu sao của thời ấy. Thế mà anh không khúm núm, không “kính nhi viễn chi”. Anh chơi thân với Thầy tôi như bạn bè.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Tôi quý mến anh và muốn biết thật nhiều về anh. Nhưng lịch sử thế giới không biết anh. Tôi mải mê đọc cuốn Tin Mừng thứ bốn, để may ra lượm được một nắm kỷ niệm về anh. Nhưng Gioan chỉ cho tôi một vài chi tiết thật nhỏ,...
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Trưa hôm ấy: trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Thầy tôi ngồi một mình trên thành giếng. Hai bàn tay cài răng lược đặt hờ trên hai đùi khép kín. Mắt nhìn về xa xăm.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Thầy Giêsu của tôi là một sứ ngôn cao cả, là một siêu sao của thời ấy. Thế mà anh không khúm núm, không “kính nhi viễn chi”. Anh chơi thân với Thầy tôi như bạn bè.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Tôi quý mến anh và muốn biết thật nhiều về anh. Nhưng lịch sử thế giới không biết anh. Tôi mải mê đọc cuốn Tin Mừng thứ bốn, để may ra lượm được một nắm kỷ niệm về anh. Nhưng Gioan chỉ cho tôi một vài chi tiết thật nhỏ,...
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Trưa hôm ấy: trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Thầy tôi ngồi một mình trên thành giếng. Hai bàn tay cài răng lược đặt hờ trên hai đùi khép kín. Mắt nhìn về xa xăm.
Lá thư ngỏ gửi ông Giaia
Lá thư ngỏ gửi ông Giaia
Ông Gia-ia ơi, từ giờ phút này, tôi không còn có thành kiến về ông nữa. Tôi thương mến ông quá chừng. Tôi lẽo đẽo đi theo Thầy. Tôi ghi khắc từng thái độ, từng cử chỉ nhỏ nhặt của ông.
Lá thư ngỏ gửi ông Nicôđêmô
Lá thư ngỏ gửi ông Nicôđêmô
Đêm hôm ấy, Thượng tế Caipha triệu tập Đại Công Nghị để họp khẩn cấp. Các Đấng Bề trên, các ông Pharisêu, các ông Kinh sư... Trùng trùng, điệp điệp. Và có cả ông nữa. Toàn là dân trí thức. Toàn là bậc thầy thuộc Thánh kinh làu làu.
Lá thư ngỏ gửi ông Dakêu
Lá thư ngỏ gửi ông Dakêu
Ông là người lớn mà leo lên cây để nhìn trộm, y như một thằng trẻ con. Tại sao ông lại có thể đánh mất mình một cách dễ dàng như thế? Nghĩ mãi tôi mới ngộ ra rằng khi người ta quá say mê một cái gì, thì dễ...
Lá thư ngỏ gửi phu nhân Gioanna
Lá thư ngỏ gửi phu nhân Gioanna
Tôi ngỏ bày hết tâm tư của mình cho Thầy, mong Thầy cho tôi biết thật nhiều về Chị. Thầy chỉ mỉm cười, vỗ nhẹ lên vai tôi, rồi nhỏ nhẹ tâm tình: “Một ơn gọi đặc biệt. Một ơn gọi hiếm hoi”.
Lá thư ngỏ gửi Tiểu Vương Philíp
Lá thư ngỏ gửi Tiểu Vương Philíp
Tôi đi từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến thành thị. Tôi lắng nghe lời bình luận của những cụ già đức độ và đầy kinh nghiệm. Tôi ghi nhận những thông tin dài vô tận của những người đàn bà ủng hộ quá khích quyền tự do ngôn...
Lá thư ngỏ gửi Tôma
Lá thư ngỏ gửi Tôma
Thầy quỳ gối, chắp tay, cúi đầu. Không động đậy, y như một pho tượng. Tớ cũng quỳ xuống, chắp tay, nhưng không cúi đầu, mà lom lom nhìn ngắm Thầy. Bỗng Thầy dang tay, ngước mắt nhìn trời. Nhìn lâu lắm.