Lá thư ngỏ gửi anh Phaolô (2)

Truyện ngắn

Anh Phaolô rất thân mến.

Anh đã hoàn tất hành trình truyền giáo I. Bây giờ Anh đang ở Antiôkia, xứ Xilixia để tạm nghỉ xả hơi. Còn tôi thì đang ở Antiôkia, xứ Pixiđia để vùi đầu vào công việc đo lường, đong đếm và định giá công tác truyền giáo của Anh.

Anh chỉ đau đáu nhìn về phía trước, nơi Tin Mừng chưa được loan báo. Anh không còn thời giờ để nhìn về phía sau, nơi Anh đã gieo hạt giống Tin Mừng bằng mồ hôi, nước mắt và máu đào. Anh chỉ thích lao động, công xá thì lờ đi.

Còn tôi thì ngược lại: tài năng và thiện chí thì thua Anh, nên đành quay về quá khứ, ôn lại sự nghiệp của Anh, để bới tìm những bài học quý giá. Sau đây là những điều tôi ghi nhận được về cuộc hành trình truyền giáo I của Anh. Vì thương mến Anh mà tôi đã khổ công làm việc này. Xin Anh vì thương tôi mà chịu khó đọc lá thư này. Đọc chậm và ngẫm nghĩ. Đừng vứt vào xọt rác, rồi giậm chân, đứng phắt dậy, nhìn về xa xăm, miệng lẩm bẩm: “Chuyện tầm phào !”. Nhớ nhé !

1. Tổng kết hành trình truyền giáo I của Phaolô :

Hành trình trên biển: 371 dặm (550 km)

Hành trình trên bộ: 381 dặm (563 km)

Số giáo điểm được thành lập: 8

Thời gian hoạt động: 4 năm

Thời gian ở mỗi giáo điểm: 6 tháng

Rao giảng và tranh luận vào các ngày Sabát: > 188 lần

Thắng về lý luận: trăm trận, trăm thắng

Thua thắng về tình cảm: 50 – 50

Gian lao: chồng chất

Đoàn truyền giáo khi đi: 3 người

Đoàn truyền giáo khi về: 2 người

2. Những kỷ niệm đáng ghi nhớ:

Kỷ niệm một: Đoàn truyền giáo của Anh vừa tới Paphô, thì dư luận quần chúng đã bắt đầu sôi nổi rồi. Người ta muốn nhìn tận mắt tên Xaolô phá đạo. Người thông thạo tin tức, thì muốn nhìn mặt ông Xaolô mới trở lại và đang đi loan báo Tin Mừng. Ngày Sabát đầu tiên, Anh đến hội đường Do Thái rao giảng Đức Giêsu Phục Sinh. Anh dẫn chứng Thánh Kinh rành rẽ không hở một kẽ. Người có thiện chí thì cúi đầu xin tin và xin chịu phép rửa. Bọn Do Thái cực đoan thì cắn răng chịu thua. Uy tín của Anh vang dội tới tận dinh ông thống đốc của đảo. Ông cho thuộc hạ mời Anh đến giảng tại nhà ông.

Êlyma, một tên phù thủy đang có uy tín với ông thống đốc, tìm mọi cách để không cho Anh gặp ông ấy. Anh trợn mắt lên, một tay chống nạnh, một tay chỉ thẳng vào mặt hắn, tuyên bố như sấm nổ: “Mi, tên lưu manh và xảo trá ! Mi, con cái của ma quỷ và kẻ thù của sự công chính. Mi dám bẻ cong con đường ngay thẳng của Thiên Chúa sao ? Quyền phép của Chúa sẽ giáng trên mi. Mi sẽ bị đui không thấy ánh sáng một thời gian”. Tên phù thủy bỗng hét lên “ Ơ…ơ...”, giơ tay lần mò đi tìm người dắt …

Thấy thế, ông thống đốc quỳ gối, cúi đầu, hai tay đặt chéo trước ngực, miệng thì thầm: “Tôi xin tin. Xin cho tôi được làm con Chúa”. Mọi người có mặt đều quỳ gối tuyên xưng đức tin. Anh và ông Bạcnaba chạy đến ôm lấy ông thống đốc. Cảm động quá chừng !

Đây là kỷ niệm đẹp nhất trong đời truyền giáo của Anh. Từ hôm ấy, Anh đổi tên Xaolô thành Phaolô, tên của ông thống đốc. Anh hãnh diện, Anh sung sướng mang cái tên Phaolô ấy như thế nào, thì tôi đã nói trong lá thư trước. Xin tạm ngưng ở đấy để chuyển sang kỷ niệm hai.

Kỷ niệm hai: Anh ở lại Paphô một thời gian khá dài. Anh đón nhận thêm nhiều tín đồ, củng cố đức tin của họ và chọn một số người thừa kế. Dù tình cảm rất lê thê, Anh vẫn giã từ giáo đoàn để tiếp tục cuộc hành trình truyền giáo. Người ở lại khóc như mưa. Người ra đi nghiến răng để giọt lệ yếu đuối không rơi.

Các Anh đáp tàu đi Áttalia, một chặng hải trình dài 121 dặm (180 km). Từ Áttalia các anh lội bộ lên Pẹcghê. Đoạn đường ngắn tũn, đi từ sáng đến trưa là tới. 12 dặm (18 km) đối với Anh chỉ là chuyện trẻ con. Thân xác Anh thì ở Pẹcghê, nhưng lòng trí của Anh thì đang bay phất phới trên nền trời Antiôkia. Giờ ăn cơm, hay giờ giải lao, Anh chỉ bàn kế hoạch đi Antiôkia.

Từ Pẹcghê lên Antiôkia phải đi bộ 108 dặm (160km). Nếu là đường bằng phẳng và nhẵn nhụi, thì chỉ đi bốn ngày là tới. Nhưng tuyến đường này nhà nước chưa làm xong. Còn nhiều khúc phải lội suối, trèo đèo. Đặc biệt là an ninh chưa được bảo đảm. Nhiều bộ lạc địa phương còn cướp giật hành khách.

Cứ nhắc đến Antiôkia thì mắt Anh sáng lên, còn mặt Anh chàng Gioan Máccô thì sụ xuống. Hắn là cháu gọi ông Bạcnaba là cậu ruột và là con cưng của bà Maria, đại gia ở Giêrusalem. Gia đình hắn là bạn thân của Thầy. Chính Thầy đã chọn tòa nhà của mẹ hắn làm nơi mừng lễ Vược Qua cuối cùng. Hắn biết rất nhiều về Thầy. Hắn yêu mến Thầy cũng như chúng ta. Hắn cũng tha thiết loan báo Tin Mừng cho lương dân. Nhưng vì là con nhà giàu, ăn trắng mặc trơn, nên không quen chịu cực. Hắn sợ trèo đèo. Hắn hãi lội suối. Hắn sợ dầm mưa, dãi nắng. Khi nói đến bọn cướp giật dọc đường, thì hắn le lưỡi, lắc đầu và chắp tay xá lia lịa.

Khi Anh đang dọn đồ để lên đường đi Antiôkia, thì hắn cũng gói ghém vàng bạc, để bao xe ngựa xuôi về bến cảng Áttalia. Hắn lầm lì. Hắn hờn dỗi, không thèm nói một câu nào với Anh. Còn Anh thì vừa giận, vừa nóng nảy, ném vào mặt hắn một câu cộc lốc : “Đồ hèn !” Thế là xong. Hắn thì về Giêrusalem để ôn lại cuộc đời nhung lụa. Còn Anh và ông Bạcnaba tiếp tục con đường loan báo Tin Mừng, thấm đẫm mồ hôi và nước mắt.

Khi viết đến đây, tôi thấy xuất hiện trên bộ não của tôi hình ảnh hai người bộ hành đi song song bên nhau. Một ông già, một ông trẻ; ông già thì tủi buồn không dám nói, ông trẻ thì bực tức không thèm nói. Hai người có chung một lý tưởng rất cao, nhưng cá tính thì chẳng giống nhau một tí nào. Ông già thì hiền từ và nhẫn nhục, lúc nào cũng chủ trương “Dĩ hòa vi quý”. Ông trẻ thì cứ ào ào đi tới, cứ đạp lên chướng ngại vật mà đi, không sợ chửi, không sợ ghét.

Anh Phaolô thương mến, tôi linh cảm rằng cặp đôi truyền giáo này sẽ có ngày tan rã. Nguyên nhân từ phía nào, thì tôi không dám quyết đoán. Tôi chỉ năn nỉ van xin Anh một điều là đừng bao giờ làm buồn lòng ông Bạcnaba. Ông xứng đáng là bố của Anh. Ông đã được toàn thể giáo đoàn Giêrusalem kính mến. Dân chúng ở Lýtra đánh giá ông ấy là thần Giupite. Còn Anh thì chỉ được coi như là thần Hécmét, phát ngôn viên của Giupite mà thôi. Anh cứ nhiệt thành loan báo Tin Mừng. Nhưng xin Anh bớt nóng nảy một chút, để tôi được yên tâm hai ba chút.

Kỷ niệm ba: Antiôkia là giáo điểm quan trọng nhất của Anh trong tuyến truyền giáo I. Anh ở đó lâu nhất. Ở đó có nhiều người theo đạo của Chúa nhất. Nhưng ở đó bọn Do Thái cực đoan cũng chống Anh mạnh nhất. Nhưng kỷ niệm đau thương nhất không xảy ra ở Antiôkia mà là ở Lýtra.

Tại Lýtra Anh cho một người liệt chân bỗng ngoe nguẩy chạy nhảy như một người bình thường. Thế là dân chúng Lýtra tưởng Anh và Bạcnaba là những vị thần giáng thế. Họ dắt bò đến để làm lễ tế thần. Họ gọi ông Bạcnaba là thần Dớt, thần cao cả nhất. Còn Anh, họ gọi là thần Hécmét, thần phát ngôn viên của thần Dớt. Anh và ông Bạcnaba phải toát mồ hôi để thanh minh với họ rằng các anh chỉ là người phàm mà thôi.

Sau khi quần chúng tôn các anh lên hàng thần thánh thì họ lại đè các anh xuống làm quỷ sứ. Họ tung diều lên đón gió, rồi cắt dây diều để diều rơi xuống gãy nát tan tành. Số là bọn Do Thái cực đoan từ Antiôkia và Iconium tới xúi giục dân chống lại Anh. Thế là họ ném đá Anh. Thấy Anh chết rồi, thì lôi xác Anh ra bỏ trên đống rác ngoại thành. Đời của Anh đến đây kể như đã kết thúc. Ai ngờ …

Ông Bạcnaba và các tân tín đồ ra đống rác ngoại thành để tìm xác Anh, mà lo mai táng. Thấy toàn là người của mình, Anh ngồi dậy, làm mọi người ngẩn ngơ, tưởng mình đang mơ. Mừng quá họ dìu Anh vào thành. Ngày hôm sau họ tiễn Anh và ông Bạcnaba xuống Đẹcbê.

Anh Phaolô rất thân mến.

Viết đến đây, tôi cảm động đến rơi lệ, rơi cả cây bút. Tôi ngồi yên lặng một mình. Thương Anh quá chừng ! Vì Tin Mừng mà Anh phải lên voi xuống chó. Vì Tin Mừng mà Anh bị ném đá đến chết. Dù chưa chết, thì cũng như chết. Khổ đến thế là cùng …

Sau khi Anh đã bình phục và tiếp tục làm việc ở Đẹcbê, tôi bớt xúc động. Sau khi Anh đã về đến Antiôkia xứ Xilixia bình an vô sự, thì tôi bắt đầu lạc quan và có vài suy nghĩ về sự cố này.

1. Tại sao hai nhà truyền giáo cùng làm việc bên nhau như bóng với hình, thế mà chỉ có một người bị ném đá còn người kia thì bình an vô sự ?

Anh Phaolô rất thân mến. Tôi không cố ý đề cao ông Bạcnaba và hạ thấp Anh đâu. Nhiệt tâm truyền giáo và sự nghiệp loan báo Tin Mừng của Anh thì cao như núi. Cái giá mà Anh phải trả cho Tin Mừng là mồ hôi, nước mắt và máu đào, thì chưa vị tông đồ nào qua mặt Anh được. Nhưng với tư cách là một người hâm mộ Anh, không muốn thấy Anh bị đày đọa quá đáng như vậy, tôi xin mạn phép được góp ý với Anh.

Xin Anh cứ nhiệt tâm truyền giáo như thế và hơn thế.

Xin Anh cứ can đảm chịu khổ vì Thầy như thế và hơn thế.

Nhưng xin Anh giảm nhiệt cho cặp mắt mỗi khi Anh tranh luận với bọn quá khích. Anh cứ thắng, nhưng đừng để cho đối phương phải thua một cách quá nhục nhã. Cho họ thua trong danh dự, để tránh hậu họa Anh ạ.

uGiọng nói của Anh chát chúa như chém đinh chặt sắt. Xin Anh hạ thấp giọng xuống một tí, nói chậm rãi rỉ rả hơn một tí. Một giọt mật bắt được nhiều ruồi hơn một thùng dấm Anh ạ.

2. Một người bị ném đá đến chết, rồi xác bị lôi bê bê ra ngoài thành, vứt vào đống rác … Thế mà lại ngồi dậy, đi vào thành. Ngày hôm sau lại xuống Đẹcbê. Chả biết đi bộ hay cưỡi ngựa. Nhưng dù đi ngựa cũng phải mất một ngày đường. Lộ trình không dưới 25 dặm (37 km). Một người bị ném đá như thế, mà vẫn còn khỏe như thế sao?

Không phải một người ném đá, mà là một tập thể ném. Biết bao nhiêu hòn đá bay mà không có hòn đá nào đánh trúng đầu sao? Một hòn đá trúng đầu, thì đầu phải vỡ. Vỡ đầu thì phải chết ngay chứ.

Anh Phaolô ơi ! Anh thoát chết, thì tôi mừng lắm. Nhưng tôi muốn hỏi: tại sao Anh lại thoát chết trong một hoàn cảnh lạ lùng như thế ? Đó là một phép lạ ? Hay đó là một trò ảo thuật, mà Anh là người trình diễn đại tài ? Tôi cứ phải suy nghĩ mãi. Cuối cùng vẫn phải kết luận rằng: Anh là một người có nhiều tài từ tài lớn đến tài vặt. Anh là người có khả năng lật thế cờ 180o. Anh lật thế cờ ra sao, thì chỉ có Anh và Chúa biết mà thôi.

Thân mến chào Anh. Chắp tay bái phục Anh.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

tin liên quan

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Thầy Giêsu của tôi là một sứ ngôn cao cả, là một siêu sao của thời ấy. Thế mà anh không khúm núm, không “kính nhi viễn chi”. Anh chơi thân với Thầy tôi như bạn bè.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Tôi quý mến anh và muốn biết thật nhiều về anh. Nhưng lịch sử thế giới không biết anh. Tôi mải mê đọc cuốn Tin Mừng thứ bốn, để may ra lượm được một nắm kỷ niệm về anh. Nhưng Gioan chỉ cho tôi một vài chi tiết thật nhỏ,...
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Trưa hôm ấy: trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Thầy tôi ngồi một mình trên thành giếng. Hai bàn tay cài răng lược đặt hờ trên hai đùi khép kín. Mắt nhìn về xa xăm.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Thầy Giêsu của tôi là một sứ ngôn cao cả, là một siêu sao của thời ấy. Thế mà anh không khúm núm, không “kính nhi viễn chi”. Anh chơi thân với Thầy tôi như bạn bè.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Tôi quý mến anh và muốn biết thật nhiều về anh. Nhưng lịch sử thế giới không biết anh. Tôi mải mê đọc cuốn Tin Mừng thứ bốn, để may ra lượm được một nắm kỷ niệm về anh. Nhưng Gioan chỉ cho tôi một vài chi tiết thật nhỏ,...
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Trưa hôm ấy: trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Thầy tôi ngồi một mình trên thành giếng. Hai bàn tay cài răng lược đặt hờ trên hai đùi khép kín. Mắt nhìn về xa xăm.
Lá thư ngỏ gửi ông Giaia
Lá thư ngỏ gửi ông Giaia
Ông Gia-ia ơi, từ giờ phút này, tôi không còn có thành kiến về ông nữa. Tôi thương mến ông quá chừng. Tôi lẽo đẽo đi theo Thầy. Tôi ghi khắc từng thái độ, từng cử chỉ nhỏ nhặt của ông.
Lá thư ngỏ gửi ông Nicôđêmô
Lá thư ngỏ gửi ông Nicôđêmô
Đêm hôm ấy, Thượng tế Caipha triệu tập Đại Công Nghị để họp khẩn cấp. Các Đấng Bề trên, các ông Pharisêu, các ông Kinh sư... Trùng trùng, điệp điệp. Và có cả ông nữa. Toàn là dân trí thức. Toàn là bậc thầy thuộc Thánh kinh làu làu.
Lá thư ngỏ gửi ông Dakêu
Lá thư ngỏ gửi ông Dakêu
Ông là người lớn mà leo lên cây để nhìn trộm, y như một thằng trẻ con. Tại sao ông lại có thể đánh mất mình một cách dễ dàng như thế? Nghĩ mãi tôi mới ngộ ra rằng khi người ta quá say mê một cái gì, thì dễ...
Lá thư ngỏ gửi phu nhân Gioanna
Lá thư ngỏ gửi phu nhân Gioanna
Tôi ngỏ bày hết tâm tư của mình cho Thầy, mong Thầy cho tôi biết thật nhiều về Chị. Thầy chỉ mỉm cười, vỗ nhẹ lên vai tôi, rồi nhỏ nhẹ tâm tình: “Một ơn gọi đặc biệt. Một ơn gọi hiếm hoi”.
Lá thư ngỏ gửi Tiểu Vương Philíp
Lá thư ngỏ gửi Tiểu Vương Philíp
Tôi đi từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến thành thị. Tôi lắng nghe lời bình luận của những cụ già đức độ và đầy kinh nghiệm. Tôi ghi nhận những thông tin dài vô tận của những người đàn bà ủng hộ quá khích quyền tự do ngôn...
Lá thư ngỏ gửi Tôma
Lá thư ngỏ gửi Tôma
Thầy quỳ gối, chắp tay, cúi đầu. Không động đậy, y như một pho tượng. Tớ cũng quỳ xuống, chắp tay, nhưng không cúi đầu, mà lom lom nhìn ngắm Thầy. Bỗng Thầy dang tay, ngước mắt nhìn trời. Nhìn lâu lắm.