Lá thư ngỏ gửi anh Phaolô(6)

Truyện ngắn

Anh Phaolô rất đáng kính.

Anh đang sung sướng thưởng thức những ngày được ngồi tù vì yêu. Đúng là cầu được ước thấy. Mừng cho Anh. Tôi đoán mò là giờ này Anh đang ngồi mân mê hai cái còng sắt siết hai cổ chân, Anh đang đếm những khoen sắt nối kết nhau thành một dây xích dài gắn liền với hai cái còng, để Anh không thể chạy, không thể đi. Anh mỉm cười. Nụ cười tươi như bông hoa vừa mới mở cánh chào ánh mặt trời ban mai.

Anh đang hạnh phúc trong nhà tù, thì tôi cũng đang thích thú ôn lại những kỷ niệm liên hoàn nối tiếp nhau diễn biến từ lúc Anh bị thộp cổ trong đền thờ Giêruxalem cho tới lúc Anh ngồi đếm thời gian trong nhà tù ở thủ phủ Xêdarê.

Kỷ niệm 1 – Anh bị thộp cổ ở ngay trong đền thờ.

Anh cùng với bốn ông bạn vừa kết thúc tuần lễ thanh tẩy và đang hồ hởi chuẩn bị dâng lễ tạ ơn, thì... có tiếng hô vang dội và hãi hùng: “Bớ bà con ơi! Thằng phá luật Môsê, thằng chống dân tộc ta và thằng làm ô uế đền thờ nó đang ở đây này. Bắt lấy nó ! Giết nó đi...”.

Hàng chục người đàn ông rượt đuổi Anh. Anh chạy vòng vèo xung quanh các cây cột xếp thành hàng dài tắp tít. Anh đỡ cú đấm này, Anh gạt quả đấm kia. Anh hóa giải những quả đấm thôi sơn một cách thần kỳ. Bốn ông bạn của Anh nhào vào đỡ đòn giùm Anh, cản chân những người đòi đánh và giết Anh. Tiếng chửi thề, tiếng la hét làm rúng động cả ngôi thánh đường vừa cao vời vợi, vừa sâu hun hút.

Quần chúng kéo đến càng ngày càng đông. Anh hết khả năng đối phó. Hai cánh tay vạm vỡ của Anh không còn gạt, không còn đỡ nữa, mà bị vô hiệu hóa bởi hai thanh niên lực lưỡng áp sát hai bên. Anh bị lôi ra ngoài. Tất cả chỉ còn là tiếng hét. “Giết ! Giết !”. Anh sắp bị giết. Anh sắp bị ném đá.

Bỗng tiếng la hét tắt lịm. Quần chúng im phăng phắc. Mọi người trố mắt nhìn... Hằng trăm lính lê dương ào ào chạy tới. Một rừng gươm. Một rừng giáo. Vị chỉ huy xấn tới, lôi Anh ra, lấy hai xiềng còng chân còng tay Anh, rồi lôi về đồn. Quần chúng rùng rùng đi theo, vừa đi vừa chửi, vừa chửi vừa hét: “Giết nó đi !”.

Vừa tới cổng đồn Antonia, Anh dừng chân, đưa mắt tìm vị chỉ huy để ngỏ lời.

- Xin lỗi, tôi có thể ngỏ đôi lời với ông không?

- Ông biết tiếng Hy Lạp hả ? Vậy thì ông không phải là tên Ai Cập mới nổi loạn cách đây không lâu. Nó lôi kéo được bốn ngàn tên khủng bố đưa vào sa mạc.

- Tôi là người Do Thái, sinh trưởng ở Tạcxô xứ Kilikia, là công dân của một thành phố nổi danh đấy. Nếu được, xin ông cho phép tôi ngỏ đôi lời với đồng bào của tôi.

- Được, ông cứ nói.

Anh bước lên bậc thềm, đứng thẳng như cây thông, đưa cặp mắt sâu thăm thẳm quét một lượt trên đám quần chúng hung tợn, dõng dạc thuyết một bài bằng tiếng Hípri. Nghe Anh nói tiếng Hípri yêu dấu, mọi nét mặt hung dữ trùng xuống, mọi vành tai vểnh lên để nghe...

Anh hãnh diện khoe lý lịch thơm như mít tố nữ của mình:

uLà người Do Thái chính hiệu, sinh tại Tạcxô.

uLà đệ tử của sư phụ Gamalien.

uLà pharixêu trung thành tuyệt đối với Môsê.

uLà kẻ thù số một của đạo Kitô, đã từng bắt trói cả đàn ông lẫn đàn bà mà tống vào ngục.

uLà người được thượng tế cấp giấy giới thiệu với cộng đồng Do Thái ở Đamát để truy nã các Kitô hữu mà dẫn độ về Giêruxalem.

uLà linh hồn của cuộc ném đá hội đồng giết chết ông Têphanô.

Giọng nói của Anh vang như sấm, thế mà thính giả cảm thấy ngọt ngào y như mật ong rót vào lỗ tai. Họ lắng nghe. Họ ghi khắc từng lời. Dường như họ quên giận và bắt đầu thương Anh...

Anh im lặng để nghỉ mệt. Hai vai trùng xuống. Hai vành mi khép hờ. Cặp môi mềm khẽ mở. Ngực và bụng phập phồng... Hàng ngàn con mắt mở to để chờ đợi.

Anh ngước mắt nhìn lên, hít một hơi thật dài, rồi tiếp tục kể chuyện.

uChuyện Anh hung hăng đi bắt đạo bị ánh sáng lạ quất cho ngã ngựa và đui cặp mắt, chẳng còn biết đâu là đông, tây, nam, bắc.

uChuyện ông Khanania được Đức Giêsu sai đến để cho Anh sáng mắt và làm phép rửa cho Anh.

uChuyện Anh về Giêruxalem và được gặp Chúa trong thị kiến. Chúa truyền cho Anh phải bỏ Giêruxalem mà đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại.

Nghe đến đây, quần chúng nổi cơn điên, la hét ầm ĩ: “Giết nó đi ! Giết nó đi !”. Viên sĩ quan phải ra lệnh lôi Anh vào đồn. Quần chúng chỉ còn biết chửi và tung bụi làm mù bầu trời. Họ không dám vào đồn để giết Anh, vì sợ mắc uế. Thế là êm. Quần chúng giải tán, vừa đi vừa chửi thề, tức anh ách.

Ông trưởng đồn ra lệnh tra tấn Anh, để bắt Anh thú tội. Anh nghênh mặt nhìn viên sĩ quan và hất hàm hỏi:

- Một công dân Rôma chưa được xét xử mà các ông dám đánh đòn sao?

- Bộ ông là công dân Rôma hả ?

- Chứ sao !

- Tôi cũng là công dân Rôma đây, nhưng phải tốn bộn tiền mới mua được đấy. Còn ông thì tốn nhiều không ?

- Không tốn một xu. Lọt lòng mẹ là có quyền ấy rồi.

Ông trưởng đồn le lưỡi bái phục và xun xoe xin lỗi. Còn Anh thì vừa đi vào phòng biệt giam vừa nhón gót nhún nhảy, vừa hát thánh ca, coi trời bằng vung...

Kỷ niệm 2 – Anh ra hầu tòa.

Ngày hôm sau, theo yêu cầu của trưởng đồn, thượng tế và công nghị họp khẩn để làm sáng tỏ vụ án của Anh.

Đoàn thẩm phán thì trùng trùng điệp điệp. Ông nào cũng áo mũ xênh xang. Ông nào cũng râu ria tỉa tót. Ông nào cũng nghiêm nghị như đức vua ngự triều. Còn Anh thì đứng trước vành móng ngựa: lưng thẳng băng như cột đá trong đền thờ; hai cánh tay vạm vỡ khoanh cứng trước ngực y như người đang bình tĩnh suy tư; cặp mắt sắc như dao cạo râu đang quét từ bên trái qua bên phải, từ bên phải qua bên trái, rồi dừng lại ở trung tâm. Anh dõng dạc tuyên bố: “Kính thưa anh em, từ thuở nào cho đến bây giờ, tôi vẫn hằng sống ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa”. Anh còn đang lấy hơi để nói tiếp, thì thượng tế Khanania đã ra lệnh cho tùy viên vả vào miệng Anh một cái. Anh chiếu cặp mắt nảy lửa vào ngay mặt thượng tế, rồi tuyên bố với giọng đanh như thép: “Hỡi bức tường tô vôi kia, Thiên Chúa sẽ đánh ông ! Ông ngồi tòa xử tôi theo Luật, thế mà ông lại dám ra lệnh đánh tôi trái với Luật !”. Cả đoàn thẩm phán rùng mình, ôm lấy mặt, rồi giật râu tỏ vẻ đau đớn. Bọn tùy viên của thượng tế hét vào mặt Anh: “Tại sao mày dám nguyền rủa vị thượng tế của Thiên Chúa ?!”. Anh nhoẻn miệng cười, mặt tỉnh bơ như bé thơ chẳng biết gì: “Thưa anh em, tôi không biết đó là thượng tế. Nếu biết thì tôi không dám nói như thế đâu, vì tôi biết có lời chép rằng: Ngươi không được nguyền rủa người đầu mục trong dân”. Mọi người im phăng phắc. Mặt thượng tế tái xanh tái xám mà vẫn phải ngậm tăm, vì há miệng, thì mắc quai...

Trong khi thượng tế và bồi thẩm đoàn còn đang bối rối, thì Anh vẫn bình tĩnh quan sát. Anh nhận định chính xác là bồi thẩm đoàn gồm hai phe: phe pharixêu và xađốc. Hai phe đối nghịch nhau về tín lý: pharixêu thì tin xác loài người sẽ sống lại; còn xađốc thì cho rằng chết là hết, là thành tro bụi cho đến muôn muôn đời. Anh nghĩ ra một diệu kế: vô hiệu hóa vụ án bằng cách chia rẽ bồi thẩm đoàn. Nghĩ là làm. Anh khiêm tốn thân thưa: “Kính thưa anh em, tôi là người pharixêu, pharixêu từ đời cha đến đời con. Tôi tin và hy vọng kẻ chết sống lại. Chỉ vì niềm tin ấy mà hôm nay tôi bị đưa ra tòa”.

Đúng như Anh dự đoán. Hai phe cãi nhau om xòm. Phe pharixêu thì bênh. Phe xađốc thì chống. Cuộc tranh cãi trở nên gay gắt đến mức độ sắp sửa “thượng cẳng hạ tay” với nhau. Sợ “trâu bò đánh nhau thì ruồi muỗi chết”, vị trưởng đồn ra lệnh cho lính lôi Anh ra và đưa về đồn.

Đoàn thẩm phán tự động giải tán. Ông nào cũng cúi mặt, làm thinh. Xấu hổ quá chừng ! Còn Anh thì chui vào phòng biệt giam, cười tủm tỉm một mình.

Kỷ niệm 3 – Đi tù như thái tử lên ngôi.

Thượng tế và công nghị bị Anh chọc quê một phát: đau quá ! Họ quyết tâm trả thù. Họ yêu cầu đồn trưởng ngày hôm sau phải dẫn độ Anh ra tòa, để họ kết thúc vụ án. Họ quyết tâm giết Anh. Giết mà không cần án tòa. Hơn bốn chục tên cuồng tín ăn thề với nhau là sẽ phục kích để giết Anh trên đường dẫn độ. Họ thề độc là nếu không giết được Anh, thì họ sẽ nghỉ ăn luôn.

Âm mưu tuyệt mật, nhưng vẫn rò rỉ. Chị của Anh nghe được tin này, bèn sai thằng con xin vào đồn và báo tin khẩn cho Anh. Anh nhờ viên đại đội trưởng dẫn thằng cháu lên gặp ông đồn trưởng. Ông đồn trưởng được báo cáo rành rẽ. Ông mừng quá, ôm lấy vai thằng cháu của Anh: vừa dặn dò, vừa tỏ vẻ âu yếm và biết ơn. Nếu không được biết tin này, ông sẽ bị sa bẫy, để Anh bị ám sát. Uy tín, địa vị và nồi cơm của ông sẽ bay thành mây khói. Ông khẩn cấp tập họp 200 bộ binh, 200 khinh binh, 70 kỵ binh và ra lệnh dẫn độ Anh lên thủ phủ Xêdarê ngay trong đêm hôm ấy. Ông không quên ra lệnh cho thuộc hạ phải cung cấp cho riêng Anh một con ngựa.

Mới chín giờ tối, đoàn công tác đã lên đường. 200 bộ binh và 200 khinh binh phải đi bộ. Còn Anh là một thằng tù, thì lại được cưỡi ngựa. Ngựa đi nước kiệu, cứ nhẩn nha, không cần vội vã. Anh ngồi trên lưng ngựa, thảnh thơi như ông hoàng đi chơi dã ngoại. Oai ơi là oai ! Sướng ơi là sướng ! Anh là một thằng tù oai nhất và sướng nhất trong lịch sử của loài người. Chỉ có một, chứ không có hai !

Sáng hôm sau đoàn công tác tới Antipatri. Nhận thấy không có nguy cơ bị bọn Do Thái cuồng tín đột kích, 400 lính bộ binh và khinh binh quay về Giêruxalem, còn 70 kỵ binh thì tiếp tục lên đường đưa Anh đến Xêdarê để trao nộp cho tổng trấn Phêlích.

Anh Phaolô rất đáng kính.

Anh đang ngồi trong xà lim, không thèm nghĩ đến chuyện quá khứ, không thèm buồn, không thèm ghét. Anh chỉ biết sung sướng được ngồi tù vì yêu, yêu Thầy Giêsu, người Thầy đáng yêu đáng kính ngàn trùng. Anh có biết không trong khi Anh đang sung sướng, thì có biết bao nhiêu người phải khổ. Trăm sự cũng tại Anh đó thôi.

uThượng tế Khanania mất ăn mất ngủ, vì bị Anh chửi cho như tát nước vào mặt, mà đành cắn răng cúi mặt nuốt trộm nuốt vụng trái bồ hòn đắng nghét.

uCông nghị đang thiếu mo bịt mặt, vì một tập thể trí thức như thế, khả kính như thế, mà để Anh lùa vào bẫy, y như bầy chuột ngu xuẩn.

uHơn bốn mươi người cuồng tín phải nhịn đói cả tuần lễ vì lỡ thề độc: “Không giết được tên Phaolô thì không ăn, không uống”. Đói gần chết mới xin giải được lời thề.

u400 lính lê dương phải cuốc bộ một ngày đi, một ngày về, chỉ vì một thằng tù. Vô duyên ! Tức đến ói máu ra được.

Anh Phaolô ơi ! Nghĩ đến Anh tôi vừa thương đến rơi lệ, vừa buồn cười đến bể bụng.

Chào Anh trong nụ cười. Chào Anh với dòng lệ. Mãi mãi yêu Anh và kính trọng Anh.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

tin liên quan

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Thầy Giêsu của tôi là một sứ ngôn cao cả, là một siêu sao của thời ấy. Thế mà anh không khúm núm, không “kính nhi viễn chi”. Anh chơi thân với Thầy tôi như bạn bè.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Tôi quý mến anh và muốn biết thật nhiều về anh. Nhưng lịch sử thế giới không biết anh. Tôi mải mê đọc cuốn Tin Mừng thứ bốn, để may ra lượm được một nắm kỷ niệm về anh. Nhưng Gioan chỉ cho tôi một vài chi tiết thật nhỏ,...
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Trưa hôm ấy: trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Thầy tôi ngồi một mình trên thành giếng. Hai bàn tay cài răng lược đặt hờ trên hai đùi khép kín. Mắt nhìn về xa xăm.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Thầy Giêsu của tôi là một sứ ngôn cao cả, là một siêu sao của thời ấy. Thế mà anh không khúm núm, không “kính nhi viễn chi”. Anh chơi thân với Thầy tôi như bạn bè.
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Lá thư ngỏ gửi ông Ladarô
Tôi quý mến anh và muốn biết thật nhiều về anh. Nhưng lịch sử thế giới không biết anh. Tôi mải mê đọc cuốn Tin Mừng thứ bốn, để may ra lượm được một nắm kỷ niệm về anh. Nhưng Gioan chỉ cho tôi một vài chi tiết thật nhỏ,...
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Lá thư ngỏ gửi người phụ nữ Samari
Trưa hôm ấy: trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Thầy tôi ngồi một mình trên thành giếng. Hai bàn tay cài răng lược đặt hờ trên hai đùi khép kín. Mắt nhìn về xa xăm.
Lá thư ngỏ gửi ông Giaia
Lá thư ngỏ gửi ông Giaia
Ông Gia-ia ơi, từ giờ phút này, tôi không còn có thành kiến về ông nữa. Tôi thương mến ông quá chừng. Tôi lẽo đẽo đi theo Thầy. Tôi ghi khắc từng thái độ, từng cử chỉ nhỏ nhặt của ông.
Lá thư ngỏ gửi ông Nicôđêmô
Lá thư ngỏ gửi ông Nicôđêmô
Đêm hôm ấy, Thượng tế Caipha triệu tập Đại Công Nghị để họp khẩn cấp. Các Đấng Bề trên, các ông Pharisêu, các ông Kinh sư... Trùng trùng, điệp điệp. Và có cả ông nữa. Toàn là dân trí thức. Toàn là bậc thầy thuộc Thánh kinh làu làu.
Lá thư ngỏ gửi ông Dakêu
Lá thư ngỏ gửi ông Dakêu
Ông là người lớn mà leo lên cây để nhìn trộm, y như một thằng trẻ con. Tại sao ông lại có thể đánh mất mình một cách dễ dàng như thế? Nghĩ mãi tôi mới ngộ ra rằng khi người ta quá say mê một cái gì, thì dễ...
Lá thư ngỏ gửi phu nhân Gioanna
Lá thư ngỏ gửi phu nhân Gioanna
Tôi ngỏ bày hết tâm tư của mình cho Thầy, mong Thầy cho tôi biết thật nhiều về Chị. Thầy chỉ mỉm cười, vỗ nhẹ lên vai tôi, rồi nhỏ nhẹ tâm tình: “Một ơn gọi đặc biệt. Một ơn gọi hiếm hoi”.
Lá thư ngỏ gửi Tiểu Vương Philíp
Lá thư ngỏ gửi Tiểu Vương Philíp
Tôi đi từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến thành thị. Tôi lắng nghe lời bình luận của những cụ già đức độ và đầy kinh nghiệm. Tôi ghi nhận những thông tin dài vô tận của những người đàn bà ủng hộ quá khích quyền tự do ngôn...
Lá thư ngỏ gửi Tôma
Lá thư ngỏ gửi Tôma
Thầy quỳ gối, chắp tay, cúi đầu. Không động đậy, y như một pho tượng. Tớ cũng quỳ xuống, chắp tay, nhưng không cúi đầu, mà lom lom nhìn ngắm Thầy. Bỗng Thầy dang tay, ngước mắt nhìn trời. Nhìn lâu lắm.