Truyện ngắn
Anh Phaolô rất đáng mến.
Anh đang ngồi tù ở Rôma. Tù, nhưng tù tại gia. Tù, nhưng vẫn tiếp khách và loan báo Tin Mừng từ sáng đến tối. Anh không có giờ để nghĩ về quá khứ. Nhưng tôi vẫn tha thiết xin Anh dành một chút thời giờ, để đọc thư của tôi. Nó là tâm huyết. Nó là vòng tay ấp ủ. Vòng tay của tôi, vòng tay của muôn người, vòng tay của Chúa quan phòng.
Mỗi kỷ niệm về Anh trong chuyến đi từ Xêdarê đến Rôma được tôi và bạn thân đánh giá là bảo ngọc, là gia bảo mà chúng tôi có nhiệm vụ phải bảo trì một cách cẩn trọng tối đa.
Kỷ niệm 1. Anh kháng cáo lên tòa án tối cao:
Khi nhận được tin Anh kháng cáo lên tòa án Rôma, thì chị Gioanna, chị Lyđia và các thân hữu của Anh đều thở phào nhẹ nhõm. Bản kháng cáo của Anh giống như lưỡi kiếm sắc lẻm chém đứt vĩnh viễn cái vòi của con bạch tuộc là thượng tế và công nghị ở Giêruxalem. Mạng sống của Anh đã được trung ương của đế quốc quản lý. Nếu thượng tế và công nghị muốn ám sát Anh, thì phải bước qua danh dự và quyền bính của hoàng đế Rôma. Cứ mỗi lần nhắc đến cái bản kháng cáo của Anh chúng tôi lại xoa bụng sung sướng và cười hể hả với nhau.
Có vài người ra vẻ ta đây là người am tường luật pháp đã chê Anh là bị hớ: nếu đừng kháng cáo thì được trả tự do rồi; kháng cáo lên cấp cao thì vừa mất thời giờ vừa chưa chắc đã được tha bổng. Họ quên rằng nếu Anh được trả tự do, thì Anh sẽ bị ám sát ngay tức thời. Thượng tế và công nghị sẽ mừng lớn nếu Anh được tổng trấn tha bổng…
Kỷ niệm 2. Anh lọt mắt xanh đại đội trưởng Giuliô
Tổng trấn Phétto trao Anh cho viên đại đội trưởng Giuliô dẫn độ Anh đi Rôma. Ông ta quý mến Anh. Đó là điều tôi lấy làm lạ: một thằng tù mà được cai tù quý mến. Theo tôi hiểu thì bà Gioanna đã gửi gắm Anh cho ông ấy và giới thiệu về Anh như một người của ông Trời. Bản thân ông cũng thấy Anh được cả vua Agríppa, tổng trấn Phêlích và Phéttô nể nang.
Anh xuống tàu ngày hôm trước thì hôm sau tàu cập bến cảng Xiđon. Tàu chờ lên và xuống hàng, chờ khách lên và khách xuống. Trong khi chờ đợi, ông Giuliô cho Anh được tự do đi thăm bạn bè và ân nhân. Đoàn tùy tùng của Anh đưa Anh đi về tạm trú tại nhà các tín đồ thân quen. Anh được đón tiếp và bồi dưỡng tưng bừng. Khi Anh xuống tàu để tiếp tục cuộc hành trình, thì quà cáp lu bù, tiền bạc rủng rỉnh. Tình cảm chan hòa. Nước mắt lã chã…
Khi con tàu bị lâm nạn: mũi tàu lao vào đụn cát không lùi lại được; đàng lái thì bị sóng đánh vỡ, tan tành; mọi người phải ngoi vào bờ. Trong thế bí đó lính nảy ra sáng kiến giết hết đám tù, để chúng khỏi trốn. Nhưng vì thương Anh, nên ông Giuliô cấm cản lính thực hiện ý đồ ấy. Thế là cả Anh lẫn các bạn tù thoát chết. Họ biết ơn Anh vô cùng. Họ nhìn Anh bằng ánh mắt cảm phục và thương mến vô vàn. Họ quý Anh còn hơn đấng sinh thành.
Kỷ niệm 3. Chuyên môn hàng hải phải bái phục Anh.
Khi con tàu chuẩn bị nhổ neo để rời cảng Bến Lành, thì Anh giơ tay góp ý: “Thưa các bạn, tôi thấy chuyến đi này sẽ gây nhiều thiệt hại, mất mát không những về hàng hóa, về con tàu mà nhất là về tính mạng của chúng ta nữa. Đề nghị neo tàu ở đây cho tới hết mùa đông”. Từ chủ tàu, cho tới hoa tiêu và hành khách không ai muốn lưu lại ở cảng Bến Lành. Họ thích cảng Phêních hơn. Cảng Phêních vừa đẹp, vừa văn minh, vừa hiếu khách. Hải trình cũng chỉ còn chừng một trăm dặm nữa thôi. Thế là con tàu quay mũi về hướng tây bắc. Ai nấy đều giang tay đón gió và vẫy chào đại dương. Một mình anh thở dài, buông thõng hai tay tỏ vẻ thất vọng.
Rời cảng Bến Lành, con tàu đang nhẹ lướt về hướng Tây – Bắc, thì một cơn cuồng phong nổi lên. Con tàu bị bão cuốn đi, y như một cọng rác trôi theo dòng thác lũ. Hoa tiêu và thủy thủ đành bó tay phó mặc cho định mệnh.
Một ngày, hai ngày, ba ngày trôi qua: ban ngày không một tia nắng; ban đêm không một ánh sao; chỉ nghe tiếng thét gào của thần chết. Thủy thủ ném hết hàng hóa xuống biển, để cứu con tàu: Không một tia hy vọng ! Hai trăm bảy mươi lăm người từ hoa tiêu đến thủy thủ, từ chủ tàu đến hành khách đều nhìn Anh bằng ánh mắt thành khẩn. Anh nhìn họ bằng ánh mắt thương cảm, nhưng vẫn hờn dỗi: “Tại các anh không nghe tôi”.
Anh Phaolô ơi ! Anh đã trở thành một thần tượng đang đứng sừng sững trước hai trăm bảy mươi lăm cặp mắt thần phục. Họ đang van xin Anh ra tay tế độ.
Kỷ niệm 4. Từ một thằng tù nhảy lên làm cha linh hướng.
Mười bốn ngày lênh đênh không biết đâu là bờ bến, không biết đâu là biên giới của sự sống và cái chết. Thủy thủ linh cảm là con tàu đang lao vào đá ngầm. Họ âm mưu bỏ trốn. Hoa tiêu và chủ tàu không hề hay biết. Ai cũng tưởng là bọn họ hạ xuồng xuống biển là để thả neo ở đằng mũi. Chỉ một mình Anh phát giác được. Anh ghé tai nói nhỏ với đại đội trưởng Giuliô: “Không phải chúng nó hạ xuồng xuống để thả neo đâu. Chúng nó trốn đấy. Tàu đang gặp sự cố mà không có thủy thủ, thì chúng ta không biết đường nào mà đối phó đâu. Chết cả lũ đấy”. Tin Anh như một vị cố vấn tối cao, đại đội trưởng Giuliô ra lệnh cho lính lấy kiếm chém đứt dây chảo: Xuồng rơi xuống biển trôi vèo đi như lá tre; bọn thủy thủ còn lại trên boong. Tạm êm.
Thấy mặt bọn thủy thủ nghệt ra, hoa tiêu mới vỡ lẽ. Một lần nữa ông ta muốn chắp tay xá Anh, để tôn vinh một vị thần hộ mạng. Chủ tàu ôm lấy Anh, cám ơn rối rít. Bọn thủy thủ xấu hổ, lấm lét nhìn Anh, rồi cùng nhau chuồn xuống lòng tàu. Hơn hai trăm hành khách chẳng hề biết chuyện này. Họ ngồi co ro, họ nằm la liệt, y như những cái xác không hồn. Họ chờ chết.
Đêm hôm ấy, đêm thứ mười bốn, con tàu phải vật lộn với giông tố. Đêm hôm ấy dài như một thế kỷ. Đêm để sống hoặc để chết. Hai trăm bảy mươi lăm người mặt mày hốc hác và xanh xao. Họ mệt quá, không thể ăn được. Họ thất vọng quá không còn muốn ăn nữa. Chỉ còn thở và chờ chết: chết đuối và chết đói. Thê thảm vô cùng !
Hơn hai trăm người đang nằm vật vờ bỗng ngồi bật dậy, trợn mắt nhìn, vểnh tai nghe. Họ nghe Anh giảng thuyết. Họ nghe Anh an ủi và khích lệ. Giọng nói của Anh vang vang. Ánh mắt của Anh xuyên tim. Một tay Anh cầm ổ bánh mì. Tay kia để trên ngực rồi dang ra như con đại bàng tung cánh.
Anh yêu cầu mọi người cùng ăn bánh như Anh. Giọng nói của Anh có lúc như ông tướng ra lệnh, có lúc như người mẹ vỗ về. Anh ăn ngấu nghiến, vừa ăn vừa cười, vừa cười vừa nhún nhảy. Thế là một rừng người làm theo. Một rừng người nhai nhóp nhép. Một rừng người cười toe toét. Một rừng người “chết” sống lại…
Anh dang tay trên rừng người như gà mẹ ủ ấp gà con. Một rừng người quây quần bên Anh và đồng thanh gọi Anh là “Bố”. “Bố ơi cứu con với”.
Và … đúng như Anh dự đoán: con tàu bị sóng đánh vỡ tan tành. Nhưng không một “đứa con” nào của Anh bị tử thần lôi đi. Tất cả đều đủ sức và đủ can đảm để lội vào bờ. Hai trăm bảy mươi lăm đứa con, ướt như chuột lột, quây quần bên bố. Bố con nhìn nhau. Thương quá là thương !
Kỷ niệm 5. Con rắn độc nâng Anh lên hàng thần thánh
Dân đảo tốt bụng quá chừng. Họ dang rộng tay đón nhận 276 nạn nhân. Họ mời ăn. Họ đốt lửa cho mà sưởi. Họ đem quần áo ra cho mà thay. Hơn một chục đống lửa cháy bập bùng, nổ tí tách. Anh đi lấy củi ném thêm vào đống lửa. Bỗng mọi người la ầm lên: “Trời ơi là trời ! Bố ơi ! Rắn kìa !”. Con rắn lục quấn vào cổ tay Anh, đuôi ngoe nguẩy, đầu dựng lên, phun phù phù… Ai cũng tưởng rằng con rắn đã mổ vào tay Anh rồi, chỉ năm phút nữa là Anh sẽ ngã gục. Anh giơ tay lên như để khoe con rắn lạ. Anh vụt mạnh cánh tay một cái: Con rắn lục rơi vào đống lửa, giãy giụa, rồi chết cháy. Có mùi khen khét, thơm thơm.
Dân đảo tưởng Anh là tên hải tặc, không chết vì sóng gió, thì cũng sẽ chết vì con rắn. Họ chờ hình phạt của ông Trời. Chờ mãi không thấy Anh gục, chỉ thấy Anh cười tươi, chỉ thấy mọi nạn nhân ôm lấy Anh mà cười hí hí. Họ bảo nhau rằng: “Ông này là một vị thần”. Họ tính xây cho Anh một cái miếu, miếu thờ thần hải đảo. Uy tín của Anh vươn lên tới tận trời xanh. Hai trăm bảy mươi lăm nạn nhân của con tàu vỡ yêu Anh như đấng sinh thành. Hàng vạn dân hải đảo tôn thờ Anh như một vị thần. Trên tuyệt vời ngàn ngàn lần!
Kỷ niệm 6. Phaolô: thần tượng của đảo Manta
Dân chúng ở đảo Manta gọi Anh là Thần Đảo. Tin này đồn đến tai ông đảo trưởng là Púpliô. Ông ta mời Anh và đoàn của Anh đến tạm trú tại nhà ông, dù ông ta cũng dư biết rằng Anh là một tên tù đang được dẫn độ qua Rôma. Làm thằng tù như Anh còn sướng hơn là làm giám đốc trại giam.
Ông cụ thân sinh của ông đảo trưởng đang nằm liệt trên giường. Anh được ông đảo trưởng mời đến thăm. Anh cầu nguyện và đặt tay. Ông cụ ngồi bật dậy, cười nói ríu rít như trẻ con. Anh và ông ấy ôm hôn nhau, quý mến nhau như anh em ruột thịt.
Tin đồn loan đi khắp hải đảo. Bệnh nhân trên khắp hải đảo kéo nhau đến. Anh lại cầu nguyện và đặt tay. Bệnh nhân nào cũng hớn hở reo vui. Bệnh nhân nào cũng mời Anh đến thăm họ, ăn cơm với họ và tạm trú tại nhà họ. Hải đảo Manta bỗng trở thành ngôi nhà thân thương của Anh. Anh tiếp khách suốt ngày. Anh giảng đạo từ sáng đến tối. Người ta đua nhau xin chịu phép rửa. Người ta đua nhau tặng quà.
Ba tháng tạm trú ở đảo Manta, người ta không thể ngờ được Anh là một tù nhân. Chính ông đại đội trưởng cai tù còn trọng Anh hơn một tôn sư. Chính ông đảo trưởng còn phải nhận Anh là đại ân nhân. Nhân dân thì tôn sùng Anh như thần thánh. Gần ba trăm đồng cảnh lâm hải nạn gọi Anh là bố. Tôi mơ ước mòn mỏi để được đi tù như Anh. Nhưng mơ ước vẫn chỉ là ước mơ, ngàn ngàn năm nữa cũng chưa thành hiện thực: Ôi tù nhân Phaolô! Ôi giấc mơ của tôi !
Anh Phaolô ngàn lần đáng kính và đáng yêu của tôi ơi ! Bây giờ Anh đang ở Rôma. Anh vẫn là tù nhân, nhưng Anh vẫn đang rao giảng lời Chúa. Tôi vẫn theo dõi Anh và vẫn đang chờ để thấy Tin Mừng bùng vỡ.
Hẹn gặp lại Anh trong lá thư sau. Kính mến vô vàn.
Lm. Piô NGÔ PHÚC HẬU
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.