Simon mến!
Cậu lẽo đẽo theo Thầy. Tớ cũng vậy. Cậu được Thầy tuyển vào “nhóm mười hai”. Còn tớ thì… xôi hỏng bỏng không. Không ở trong “Nhóm mười hai”, nhưng tớ vẫn ở trong “nhóm bảy mươi hai”. Tớ vẫn thường xuyên đi truyền giáo với Thầy. Vì thế, tớ vẫn có dịp theo dõi và đánh giá cậu. Tớ ghi nhận rất nhiều hình ảnh về cậu. Mỗi hình ảnh là một tài liệu để tớ suy nghĩ về cậu và qua cậu tớ hiểu về Thầy.
Hình ảnh 1. Thằng Anrê, em của cậu, được ngồi tâm sự với Thầy từ xế chiều đến tối mịt. Nó mê Thầy như mê thần tượng. Sáng hôm sau, nó lôi cậu tới để giới thiệu với Thầy. Vừa nhìn thấy mặt cậu là Thầy nói ngay, nói nhanh như một phản xạ: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha”. Hai nhóm môn sinh của Thầy cộng lại được tám mươi bốn cái đầu. Không đứa nào được Thầy đổi tên, trừ một mình cậu. Tại sao vậy? Tớ ngẫm nghĩ mãi. Bỗng tớ giật mình nhớ ra:
Tổ phụ Ápram được Giavê đổi tên Ápraham, ngụ ý trao cho Ngài làm tổ phụ một dân tộc đông như sao trời và cát biển. Từ dân tộc này, muôn dân sẽ được chúc phúc. Đổi tên có nghĩa là trao một sứ mạng quan trọng.
Tổ phụ thứ ba của chúng ta là Giacóp được sứ thần gọi là Ítraen. Thế là dân tộc ta, đất nước ta mang tên là Ítraen. Tên này đi vào lịch sử thế giới và được ghi trên bản đồ toàn cầu. Đổi tên lại có nghĩa là long trọng bước vào dòng chảy của lịch sử.
Bây giờ Thầy đổi tên cậu là Kêpha. Kêpha là đá tảng. Tớ nghi ngờ là Thầy sẽ trao cho cậu một sứ mạng quan trọng lắm. Ví dụ: Cậu sẽ làm thủ trưởng, lãnh đạo “Nhóm mười hai” và chỉ huy cả chúng tớ nữa. Chừng hai năm sau, khi chúng mình tĩnh tâm ở vùng núi Hẹcmon, thì Thầy công bố: “Anh là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy…”. Ngay bóc! Cậu thấy tớ đoán giỏi chưa? Tớ đoán được ý của Thầy. Nhưng tại sao Thầy có ý ấy, thì tớ… xin thua.
Hình ảnh 2. Lúc ấy tớ thấy cậu đang giặt lưới. Tớ biết tỏng là cậu tính giặt lưới xong, thì: ăn một bụng cơm; uống một bầu rượu, rồi đi ngủ… Ai ngờ … Thầy giơ tay ngoắt một cái. Cậu vội chèo xuồng tới. Mũi xuồng vừa chạm bờ hồ, thì Thầy nhảy xuống. Xuồng lùi ra. Thầy ngồi xuống giảng cho bà con đang ngồi trên bờ. Cậu chống xuồng.
Thầy vừa kết thúc: “Ai có tai, thì nghe”, cậu mừng quá, vì sắp được ăn uống ngủ nghỉ. Ngờ đâu … Thầy ra lệnh: “Ra khơi thả lưới”. Tớ thấy mặt cậu dài ra, rầu rầu y như lá bầu dính… cứt… trâu. “Thưa Thầy chúng tôi vất vả suốt đêm hôm qua, mà chẳng được gì. Nhưng… vì nể Thầy mà chúng tôi…”. Tớ hiểu ý cậu muốn nói thêm: “Đi thả lưới, nhưng sẽ lại về với hai bàn tay trắng”. Cậu vừa chèo xuồng cà giựt, cà giựt, vừa lầm bầm trong miệng. Chẳng ai thèm để ý, nhưng tớ thì nghe rõ từng lời. Cậu giận Thầy, cậu còn nói hỗn nữa kia…
Bất ngờ: mẻ lưới hôm ấy trúng cực kỳ. Cậu hối hận, cậu xấu hổ, vì đã lỡ miệng nói xấu Thầy. Tớ thấy cậu quỳ mọp dưới chân Thầy, run lẩy bẩy: “Xin Thầy tránh xa con ra vì con tội lỗi quá”. Tớ cười thầm trong bụng: “Cho mày chừa cái thói bép xép”.
Thầy cúi xuống đỡ hai vai cậu, giọng Thầy ngọt như mía lùi: “Đừng sợ! Từ nay anh sẽ đi lưới người”. Sau đó thấy Thầy cười một cách đắc thắng. Nhờ cái lối cười ấy, tớ mới khám phá ra rằng: Thầy muốn cậu đi theo Thầy trăm phần trăm từ lâu lắm rồi, nhưng mà hễ cứ nhắc tới ý nguyện ấy, thì cậu lại gãi đầu gãi tai: “Xin Thầy thông cảm, vợ con khó tánh lắm. Nó chỉ cho con theo Thầy năm mươi thôi”. Thầy cũng đã ngỏ lời với bà xã cậu vài lần rồi. Bà ta cũng gãi tai, rồi xun xoe: “Xin Thầy thông cảm. Anh ấy mà đi theo Thầy luôn thì mẹ con chúng con phải treo nồi, mà ngồi ngáp vặt… Thầy ơi, năm mươi, năm mươi thôi nhá”.
Sau phép lạ này, cả hai vợ chồng cậu đều thôi gãi tai. Thầy thắng một cú đậm, vì cả cậu, em cậu lẫn hai anh em nhà Dêbêđê đều quyết tâm theo Thầy trăm phần trăm.
Nhưng mà… tớ hỏi nhỏ cậu: “Hai xuồng cá đầy ắp đó bán được bao nhiêu tiền? Tiền ấy cậu đưa cho ai?”. Hỏi chơi vậy thôi. Khỏi trả lời.
Hình ảnh 3. Hôm ấy Thầy cho cậu bốc lên như diều gặp gió. Sau đó, Thầy cắt dây cho diều rơi xuống: rách te tua; gãy tan tành. Cậu có nhớ tớ muốn nói chuyện gì đó không? Nhắc lại chuyện này, chắc là cậu sẽ xấu hổ và giận tớ lắm. Kệ. Tớ cứ nói. Nói để hiểu Thầy và thương Thầy nhiều hơn. Vả lại cậu có giận, thì cũng chỉ giận vài ngày rồi thôi. Bản chất của cậu là vậy.
Chúng mình đi tĩnh tâm ở vùng núi Hẹcmon. Để tập cho tụi mình biết nhận xét, Thầy hỏi: “Anh em nghe dân chúng đánh giá Thầy là ai?”. Chúng mình đua nhau trả lời. Nói chung thì dư luận quần chúng đánh giá Thầy khá cao: Từ sứ ngôn nhỏ cỡ Hôsê, cho tới sứ ngôn lớn cỡ Êlia. Thậm chí còn tin rằng Thầy là Gioan Tẩy giả trỗi dậy từ cõi âm. Nghe báo cáo xong. Thầy mỉm cười, nghiêng cái đầu, hỏi một cách như thách đố: “Thế còn anh em, anh em nghĩ Thầy là ai?”. Cậu là thằng nhanh mồm nhất, giơ tay trả lời ngay: “Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống”. Thầy nhìn cậu chằm chằm, nói một cách trang trọng, nhấn mạnh từng lời, theo nhịp đập xuống của ngón trỏ phải: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời…”.
Tớ thấy cậu hỉnh mũi lên. Sướng quá! Chưa bao giờ có ai được Thầy khen ngợi như thế. Sau đó Thầy còn hứa trao cho cậu chìa khóa Nước Trời, chọn cậu làm nền tảng của Hội Thánh, mà ma quỷ cũng phải giơ tay đầu hàng. Oai quá! Mắt cậu sáng rực lên như ánh đuốc. Cho đến bây giờ tớ vẫn chưa hiểu tại sao Thầy lại khen ngợi cậu đến như vậy. Để đấy…
Vừa khen cậu xong, Thầy chuyển đề và chuyển giọng. Thầy cấm không cho ai bật mí Thầy là Con Thiên Chúa. Đồng thời Thầy cho biết Thầy sắp về thủ đô để bị bắt, bị giết, nhưng… ngày thứ ba sẽ sống lại.
Thầy nói chưa hết lời, thì mặt cậu đã sụ xuống. Cậu đứng bật dậy, nắm cánh tay Thầy, lôi Thầy ra xa để góp ý. Thầy vui vẻ để cậu lôi đi. Tớ đi theo. Cậu nói nhỏ bên tai Thầy với một giọng vừa tha thiết, vừa giận lẫy: “Thầy ơi! Thầy đừng có làm vậy. Chúa Cha không nỡ tâm để Thầy phải khổ nhục như vậy đâu?” Cậu vừa dứt lời, tớ thấy Thầy đứng thẳng lưng, hai tay chống nạnh, vằn mắt lên, quát vào mặt cậu: “Đồ quỷ! Tránh ra đằng kia! Anh dám cản lối Thầy hả? Anh chỉ biết việc người phàm, mà chẳng hề biết việc của Thiên Chúa”.
Thầy chưa bao giờ nặng lời với ai như vậy. Tại sao? Tại Thầy ghiền cây khổ giá và rất dị ứng với những ai sợ vác khổ giá. Tớ có thể khoe với cậu rằng tớ hiểu Thầy rất rõ về vấn đề khổ giá này. Tớ cảm thấy tớ đang ôm quả tim của Thầy giữa hai lòng bàn tay. Muốn cho Thầy vui, thì cứ vui vẻ vác khổ giá. Còn nếu ngại vác khổ giá, thì thế nào cũng bị mắng là đồ quỷ. Chắc như đinh đóng cột.
Hình ảnh 4. Thầy đưa cậu, Gioan và Giacôbê lên núi. Còn chúng tớ thì thèm nhỏ nước miếng. Ghen tức, nhưng vẫn không dám nói, vì vừa thương vừa nể Thầy. Chuyện gì xảy ra trên ấy, thì tớ không biết. Nhưng rồi tớ cũng biết, vì cậu kể tuốt tuột.
Thầy thì cầu nguyện. Trò thì ngủ khò. Bỗng các cậu giật mình thức giấc… Thầy biến dạng, sáng rực như hào quang. Thầy là thần thánh chứ không phải là người. Lãnh tụ Môsê và ngôn sứ Êlia đứng hai bên và hầu chuyện Thầy.
Một thần hai thánh đang đàm đạo với nhau, thì từ trời có tiếng phán: “Đây là Con Ta yêu dấu. Hãy nghe lời Người”. Ba anh em lăn đùng ra. Chết giấc. Bỗng thấy có bàn tay lay vai, cậu mở choàng mắt. Chỉ còn một mình Thầy, không rực sáng nữa …
Ba Thầy trò xuống núi. Thầy cấm các cậu không được kể chuyện này cho tới khi Thầy trỗi dậy từ cõi chết.
Tớ không được may mắn như cậu để nhìn ngắm Thầy. Nhưng tớ hiểu rằng Thầy là tất cả lịch sử cứu độ; Thầy là mặc khải trọn vẹn của Chúa Cha. Môsê và Êlia cũng chỉ là học trò của Thầy mà thôi.
Tớ còn nhiều điều phải nói với cậu. Hẹn gặp cậu trong lá thư sau.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.