Anh Xaolô rất thân mến.
Tôi mới lượm được một nguồn tin rất chính xác. Nhờ đó tôi biết chắc rằng bây giờ Anh đang ở Tacxô với bố mẹ. Mọi người đang nhìn Anh một cách trìu mến. Bố Anh thì mừng quá, vì không còn phải nhíu mày nghiến răng nghe tin Anh trói đàn ông, trói đàn bà để hành hạ, để tra tấn. Mẹ Anh thì miệng lúc nào cũng chúm chím như hoa quỳnh đang chậm chạp mở cánh, vì không còn phải nghe xóm giềng đàm tiếu về Anh nữa. Còn Anh thì đang trải qua những ngày tháng đẹp như mơ. Mơ mà lại rất thật.
1. Anh mải mê đọc Thánh Kinh. Đọc từ cuốn Sáng Thế ký đến cuốn Malaki. Đọc đi, đọc lại, đọc mãi không chán. Anh cúi gằm mặt xuống để đọc. Anh lấy ngón tay viết lên từng nét chữ, để khỏi bỏ sót. Anh đọc chăm chỉ y như người ta mò vàng trên bãi cát. Ngồi câm như hến, ngón tay khảy nhẹ nhẹ, khảy mãi, khảy mãi. Bỗng lóe lên một mảnh trấu sáng chói. Vàng ! Trời ơi là trời !
Hôm ấy Anh đọc Sáng Thế ký.
Chúa sáng tạo ánh sáng và tinh tú.
Chúa sáng tạo cây cỏ, dã thú, chim trời và cá biển.
Chúa lấy đất sét sáng tạo ra Ađam
Chúa lấy xương sườn Ađam để làm ra Eva.
Chúa đi dạo với Ađam và Eva như người cha thân thương chơi dung dẻ với bé thơ.
Eva bị con rắn lừa gạt mà ăn trái cấm.
Ađam nể Eva mà đồng phạm tội chống lệnh của Chúa.
Chúa đuổi Ađam và Eva ra khỏi vườn.
Chúa gằn giọng kết án con rắn: “Vì mi cám dỗ người đàn bà phạm giới, nên Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng dõi mi và dòng dõi người đàn bà. Và … sau này dòng dõi người đàn bà sẽ đạp nát đầu mi”.
Đọc đến đấy, Anh đứng bật dậy, la ầm lên “Đây rồi ! Đây rồi !”. Bố mẹ Anh chạy lại hỏi hối hả:
- Cái gì vậy ?
- Đây là lời tiên tri nói về Đấng Cứu Thế: “Dòng dõi người đàn bà sẽ đạp nát đầu mi”. Đấng Cứu Thế là Đức Giêsu. Người đã đến để giải phóng chúng ta khỏi tội và đưa chúng ta về làm con Chúa”.
- Ba người đứng lặng nhìn nhau. Ngây ngất !
Phát giác đầu tiên này làm Anh nổi hứng. Thế là Anh hì hục đọc Kinh Thánh. Đọc để thấy những lời tiên báo về Đấng Cứu Thế, về một Đức Giêsu Nadarét mà Anh đã truy nã. Hối hận quá chừng ! Nhưng cũng thương yêu vô cùng vô tận !
2. Ngoài những giờ đọc Kinh Thánh để tìm ra tín hiệu về lịch sử cứu độ, Anh còn dành rất nhiều thời gian để cầu nguyện. Anh không còn cầu nguyện như các ông kinh sư nữa. Anh chán cái cảnh đứng dang tay giữa ngã ba đường phố, miệng đọc oang oang những bài thánh vịnh, giống hệt con buôn Ả Rập ngoác mồm quảng cáo hàng hóa Ba Tư. Anh ngồi một mình trong phòng riêng. Ngọn bạch lạp nhạt nhòa, lung linh. Anh không cầu nguyện bằng lời. Anh nghĩ về một nơi xa xăm. Anh muốn gặp Đức Giêsu ở Nadarét, ở Caphácnaum và ở Đamát. Anh muốn thấy Ngài giảng. Anh muốn rờ vào tua áo của Ngài. Anh muốn cầm lấy bàn tay của Ngài … Và Anh đã được gặp Ngài, mặt đối mặt.
Tối hôm ấy, bố Anh gọi:
- Xaolô ! Xuống ăn tối con.
- (im phăng phắc).
- Xaolô ! Xaolô ! Đói rồi con ơi. Xuống mau đi.
- (im lặng tuyệt đối).
Bố Anh chạy lên, đẩy cửa. Ông đứng sững lại, trố mắt nhìn. Anh đang nói chuyện với một Đấng vô hình nào đó. Gối quỳ, tay chắp, mắt đăm đăm nhìn, miệng mấp máy, thì thầm. Dường như Anh nghe thì nhiều, mà nói thì rất ít …
Mãi tới khuya. Bố con Anh mới ngồi vào bàn ăn.
Anh Xaolô thân mến ơi ! Anh thấy tôi biết rất nhiều và rất rõ về Anh. Nhưng Anh có biết tại sao tôi biết nhiều về Anh như thế không. Miễn trả lời nhá.
Sau những năm tháng quên đời, để vùi đầu vào công trình nghiên cứu và cầu nguyện, tôi đề nghị Anh trở lại với đời, để thấy đời vừa trắng vừa đen. Anh lẳng lặng nghe tôi kể chuyện đời nha.
1. Anh quên Giêrusalem, nhưng Giêrusalem chưa quên Anh đâu. Từ đền thờ đến phố chợ, từ giới thượng lưu đến bọn khố rách áo ôm, cái tên Xaolô của Anh vẫn thường xuyên được nhắc đến để thương và để ghét. Các Rabbi thì gọi Anh là “thằng phản bội”. Giới thượng lưu thì gọi Anh là “thằng du côn”. Giới Kitô thì ngẩn ngơ chẳng biết phải gọi Anh là gì. Người hiểu biết, thì bảo Anh là “người được tuyển chọn”. Nhưng đa số thì cứ nghe đến tên Anh là họ lại nổi da gà lên.
2. Ông Kêpha mới bị các niên trưởng ở Giêrusalem xì nẹc cho một trận: “Anh là niên trưởng mà tại sao anh dám vào nhà một tên không cắt bì ?”. Chuyện dài dòng lắm.
Ông Kêpha đang cầu nguyện trên sân thượng nhà ông Ximon ở Gióppê, thì thấy một tấm màn lớn túm lại rồi từ trời thòng xuống. Trong ấy có lúc nhúc những con vật uế. Có tiếng người nói: “Bắt lấy, làm thịt mà ăn”. Ông Kêpha le lưỡi kêu lên: “Eo ơi ! Từ bé tới giờ chưa bao giờ tôi bỏ thứ ô uế ấy vào miệng”.
Đúng lúc ấy, có ba người từ Xêdarê xuống, tự giới thiệu là người được đại úy Conêliô sai đến tìm ông Ximon … Thì hóa ra ông sĩ quan ở Xêdarê cũng được thị kiến bảo đi mời ông Kêpha đến giảng đạo. Ông Kêpha sợ quá, run như cầy sấy. Theo luật thì không tín đồ Do Thái nào được bước chân vào nhà người ngoại. Nhưng vì có hai thị kiến trùng hợp, nên ông Kêpha liều mạng đi lên Xêdarê cùng với ba đệ tử của ông Conêliô.
Ông Kêpha vào nhà ông đại úy Conêliô. Ông say mê kể chuyện về Đức Giêsu và lịch sử cứu độ. Ông đang thao thao bất tuyệt, thì … Thần Khí của Chúa xuống trên thính giả. Họ nói tiếng lạ … Ai nấy ngẩn ngơ nhìn nhau.
Ông Kêpha kể chuyện này cho các niên trưởng, những người vừa mới xì nẹt ông. Ai nấy đều ngỡ ngàng, cùng thốt lên một loạt: “Vậy thì Thánh Thần xuống trên cả người ngoại nữa sao ?” Vừa bỡ ngỡ, vừa mừng vui khôn xiết !.
Anh Xaolô ơi ! Anh nghĩ sao về chuyện này ?
3. Sự cố kỳ lạ ở Antiôkia.
Vào thời Anh hung hăng bắt bớ con cái Chúa như sư tử đực vồ mồi, thì nhiều người Kitô phải bỏ chạy ra nước ngoài. Một số khá đông hội tụ ở Antiôkia. Họ vừa tìm kế sinh nhai, vừa loan báo Tin Mừng. Vì lo làm ăn, vì lo loan báo Tin Mừng, họ quên bẵng cái tên Xaolô của Anh. Họ hết sợ Anh rồi, vì Antiôkia ở ngoài tầm vồ của Anh.
Không biết ai xúi giục mà bỗng dưng họ dám loan báo Tin Mừng cho “bọn không cắt bì”. Thế mà, lạ thay, người ngoại đón nhận Tin Mừng một cách hồ hởi và ồ ạt. Dư luận ở Giêrusalem đang bàn tán xôn xao về vấn đề này. Vấn đề được đặt ra đó là có nên loan báo Tin Mừng cho người ngoại không ? Tôi thuộc phe trung lập, nghĩa là không ủng hộ, mà cũng không chống đối. Vấn đề quá mới lạ. Tôi báo tin này cho Anh, để Anh suy nghĩ và chuẩn bị tinh thần.
Hiện nay, ông Kêpha đứng về phe ủng hộ, vì ông có kinh nghiệm bản thân ở Xêdarê. Còn ông Giacôbê thì nghiêng về phe chống đối.
Vấn đề thứ hai được đặt ra, đó là khi người ngoại tin và theo đạo Chúa, thì có nên bắt họ phải cắt bì và giữ luật Môsê hay không ? Đối với chúng ta, thì cắt bì là một vinh dự, nhưng đối với người ngoại, đặc biệt là bọn Rôma, thì … xấu hổ đến phải độn thổ. Thế mới khổ ! Bởi vậy, vấn đề còn đang đu đưa, chưa biết có kết thúc được hay không. Dù sao thì ông Bacnaba cũng đã được các niên trưởng trao công tác điều nghiên tại chỗ. Ông sẽ đi Antiôkia vào tháng tới.
Chuyện đời tôi kể cho Anh đến đây là xong. Thân ái chào Anh.
Tái bút : Có một chuyện tôi quên hỏi Anh. Tôi mới nghe lóm một chuyện vui vui, mà chưa có bằng chứng cụ thể. Đó là bố Anh hối Anh lấy vợ và đã kiếm cho Anh một cô gái xinh lắm. Tôi cũng nghe lóm rằng Anh cứ vô tư như người không có quả tim. Đúng không? Nếu Anh không thành thật khai báo thì tôi sẽ vào cuộc. Chờ đấy.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Bình luận