Anh Xaolô rất thân mến.
Tôi đang sở hữu một số thông tin nóng bỏng về Anh. Tôi biết Anh đã giã từ Tacxô để đến Antiôkia. Hơn ba năm nghiên cứu và cầu nguyện ở Tacxô, Anh đã có một hành trang dầy cộm để đi vào đời sống hoạt động ở Antiôkia. Tôi viết lá thư này cho Anh để cùng Anh ôn lại những kỷ niệm thân thương về Tacxô. Sau đó cùng Anh suy nghĩ về công tác loan báo Tin Mừng mà Antiôkia mới chỉ là điểm nhấn của Anh mà thôi.
1. Tacxô và quá khứ
Thầy chúng ta cất tiếng khóc chào đời tại Bêlem, cách xa Nadarét thân yêu bốn ngày đi bộ. Còn Anh thì sau đó chừng tám năm, Anh mở mắt nhìn đời tại Tacxô, nơi đất khách quê người. Bố Anh là người Ítraen chân chính cứ ân hận mãi về điều đó. Vì miếng cơm manh áo mà phải lăn lộn giữa những người không cắt bì. Vì tương lai của con cái mà cứ phải mắc uế từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm nọ.
Vào nhà người ngoại: mắc uế. Giao dịch với người ngoại: mắc uế. Mượn con dao cái thớt của người ngoại: mắc uế … Mắc uế thì hằng năm có thể hành hương về Giêrusalem để dâng lễ đền tội và xin làm lễ thanh tẩy. Nhưng con cái của mình lớn lên giữa bọn trẻ không cắt bì, thì liệu chúng nó có còn giữ được truyền thống của cha ông hay không. Ray rứt quá chừng ! Đau khổ khôn nguôi ! …
Khi thấy Anh đã trưởng thành, nghĩa là biết đọc Thánh Kinh bằng tiếng Hybalai ở nguyện đường và biết giao dịch với thương buôn ở bến cảng, thì bố Anh cho Anh về thủ đô Giêrusalem thụ giáo với tôn sư Gamalien. Xa con thì nhớ, nhưng yên tâm vô cùng !
Nhưng … đùng một cái, lại nghe tin Anh bỏ học để đi bắt bớ tín đồ của một tôn giáo mới. Bắt trói đàn ông, bắt trói cả đàn bà. Giam cầm và đánh đập. Kẻ thì khen, người thì chê. Bố Anh bứt tóc giật râu, mất ăn mất ngủ.
Và … đùng một cái, lại nghe tin Anh bị mù ba ngày ở Đamát, vì bị thần thánh nào đó trừng phạt, quật ngã trước cổng thành Đamát. Lại có tin báo là Anh đã theo “đạo ông Giêsu” và bị đồng bào truy nã đến độ phải ngồi trong thúng trốn ra khỏi tường thành. Toàn tin buồn. Toàn tin dữ …
Buồn khổ mãi cho đến ngày Anh mò về Tacxô. Cha con ôm lấy nhau, khóc như mưa, chẳng nói được lời nào. Mừng quá !
Bố con sống bên nhau hơn ba năm trời. Rất gần mà cũng rất xa. Thấy nhau thì nhiều, mà nói chuyện với nhau thì rất ít. Anh thì vùi đầu vào cuốn Thánh Kinh và say mê cầu nguyện. Đọc Thánh Kinh thì lấy ngón tay rà rà từng chữ. Ai gọi cũng chẳng thưa. Ai hỏi cũng không trả lời. Cầu nguyện thì như xuất thần. Bố Anh chẳng dám lên tiếng. Chỉ đứng lặng mà nhìn. Ngày tháng cứ thế mà trôi đi…
Bỗng bố Anh nổi hứng. Bữa cơm tối hôm ấy ông cười nhiều và nói nhiều. Ông nhìn hai mu bàn tay: da đồi mồi phủ kín. Ông thèm có một thằng cháu nội thông minh và tháo vát như Anh, nhưng … không cứng đầu như Anh. Ông cười xởi lởi:
- Xaolô ơi, năm nay con đã gần bốn mươi tuổi rồi đấy.
- Bố muốn nhắc khéo con … phải không ?
- Chứ sao !
- Thế bố đã tìm được con dâu lý tưởng chưa ?
- Thì bố đã giới thiệu với con rồi đấy. Con thấy nó thế nào?
- Đẹp tuyệt vời ! Cho mười điểm cộng.
- Như vậy là con đồng ý lấy nó rồi phải không ?
- Không ! Con chỉ khen thôi, chứ con không yêu.
- Thế thì mày yêu con nào ?
- Con chỉ yêu một mình Đức Giêsu và từ nay đến chết con chỉ rao giảng một mình Người mà thôi.
- !!!
2. Antiôkia và tương lai:
Anh Xaolô rất thân mến của tôi ơi ! Ông Barnaba đã đích thân đến tận Tacxô để đưa Anh về Antiôkia. Antiôkia là một điểm truyền giáo rất sôi động, nhưng cũng rất phức tạp. Vì mến Anh, vì thương Anh, tôi muốn phân tích, tôi muốn góp ý với Anh, để đề phòng những bất trắc có thể xảy ra.
Người sáng lập giáo điểm Antiôkia là những nạn nhân của Anh. Họ đang làm ăn phát đạt ở Giêrusalem và ở xứ Giuđê, thì bùng nổ cuộc bắt bớ tàn bạo của Anh. Họ phải bỏ ruộng vườn và cơ sở kinh doanh để trốn ra nước ngoài. Họ đi đảo Síp, đảo Krét, thậm chí xuống tận Kyrênê hoặc lên tận Antiôkia. Cuối cùng thì đa số rủ nhau về Antiôkia. Họ rao giảng Đức Giêsu cho đồng bào Do Thái kiều ở đây. Ngoài việc loan báo Tin Mừng cho đồng bào Do Thái, họ lại nảy ra sáng kiến loan báo Tin Mừng cho giới không cắt bì. Người ngoại hưởng ứng và đua nhau theo đạo của Chúa.
Theo tôi nghĩ, thì đây là hiện tượng Tin Mừng bùng vỡ. Đáng mừng vô cùng ! Nhưng do đâu mà ra ? Trước hết phải thành thật mà nhận rằng Chúa Thánh Thần đã dùng chính cuộc bắt bớ tàn bạo của Anh, để làm ngòi nổ cho cuộc bùng vỡ Tin Mừng này. Vì Anh mà những thành phần ưu tú của Giáo Hội di tản và tập trung về đây. Họ là những hạt giống tốt bị giông bão cuốn đi. Đi đến nơi nào, thì nó cũng mọc lên thành cây. Một hạt thành một cây. Một nghìn hạt thành một rừng cây. Nói như thế để Anh khỏi bứt rứt khôn nguôi, mà ngược lại: cảm tạ Chúa không cùng …
Nhưng đằng sau niềm vui vẫn có nỗi lo. Lo vì cộng đoàn dân Chúa ở đây có tới ba thành phần khác nhau.
Một : những người bảo thủ. Họ bám cứng vào luật Môsê và đòi hỏi anh em tân tòng phải cắt bì, phải giữ luật Môsê, rồi mới được thanh tẩy để gia nhập cộng đoàn Kitô hữu. Bảo thủ là một hàng rào cản kiên cố trên đường loan báo Tin Mừng.
Số người bảo thủ ở Antiôkia chỉ là thiểu số. Nhưng họ có hậu thuẫn rất hùng hậu ở thủ đô Giêrusalem. Đó là các niên trưởng, mà người che dù cho họ là ông Giacôbê. Uy tín của ông Giacôbê thì cao như núi, rộng như biển.
Hai: những người tiến bộ. Những người này thường là những người đi đây đi đó nhiều. Họ thấy nhiều, nghĩ nhiều, tiếp xúc nhiều. Họ không câu nệ. Họ chỉ biết Đức Giêsu và chỉ nhận Người là bậc Thầy tối ưu. Môsê và các sứ ngôn cũng chỉ là học trò của Đức Giêsu mà thôi. Họ sẵn sàng bỏ luật Môsê, để mở đường cho người ngoại gia nhập đạo Kitô. Họ cũng sẵn sàng đón nhận tục lệ của dân ngoại, nếu những tục lệ ấy không nghịch với giáo huấn của Đức Giêsu.
Anh là một trong những người tiến bộ ấy. Đáng mừng cho Anh. Nhưng tôi vẫn phải khuyên Anh một lời. Anh cứ cởi mở đón nhận người ngoại mà không bắt họ phải cắt bì và giữ luật Môsê. Anh hãy can đảm giữ vững lập trường ấy. Nhưng đừng nóng nảy, đừng đốp chát những anh em bảo thủ. Nhiệt thành thì không ai bằng Anh. Nhưng nổi nóng rồi, thì không ai bạo mồm bằng Anh. Nhớ nhá. Thương Anh nhiều lắm, tôi mới nói như vậy đấy.
Ba : nhóm tân tòng gốc người ngoại. Những người này vì quá nhiệt thành, vì quá yêu Đức Giêsu, mà đã chấp nhận cho cắt bì. Họ khổ lắm đấy. Họ cũng xấu hổ lắm đấy. Họ cũng e ngại loan báo Tin Mừng cho bà con người ngoại của họ lắm đấy. Họ cũng bị người ngoại chế giễu nhiều lắm đấy. Xin Anh quan tâm đến họ thật nhiều. Anh hãy tranh đấu mãnh liệt để không còn người ngoại nào đem chuyện cắt bì ra mà chế giễu anh em tân tòng nữa. Đây là vấn đề lớn có tầm cỡ chiến lược đấy. Nói cho vui vậy thôi. Về vấn đề này Anh còn biết rành rẽ hơn tôi, bức xúc hơn tôi. Có khi Anh còn đi quá xa mà tôi phải lôi Anh trở lại nữa là khác. Nói đùa mà hóa thật đấy …
Anh Xaolô ơi ! Còn một điều cuối cùng tôi muốn nói với Anh. Đó là Anh phải kính trọng và yêu mến ông Barnaba như bố thiêng liêng của Anh. Ông được tất cả mọi người trong cộng đoàn Giêrusalem yêu kính. Chính các niên trưởng ở thủ đô đặt cho ông cái biệt danh Barnaba ấy, vì ông có tài an ủi, khuyên lơn. Ai buồn mà gặp ông là hết buồn ngay. Ai giận nhau mà gặp ông là bắt tay làm hòa liền. Tên khai sinh của ông là Giuse. Nhưng người ta cứ gọi ông là Barnaba. Gọi riết rồi quên luôn cái tên Giuse kia.
Chính ông đã đem hết uy tín của mình ra để bảo lãnh cái lý lịch đen thui như mõm chó của Anh. Nếu không có ông Barnaba, thì Anh chưa nói chuyện được với các niên trưởng ở thủ đô đâu. Nói đến Xaolô, ai cũng lắc đầu hết. Anh nhớ chuyện ấy chứ.
Tôi xin kết thúc lá thư ở đây. Hẹn gặp trong lá thư sau.
Lm. Piô Ngô Phúc Hậu
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.