Chị Êlisabét quý mến.
Tôi là Giuđita, láng giềng của chị đây. Mấy chục năm qua, chúng ta rất gần mà như rất xa. Tôi không thèm ngó sang nhà chị. Còn chị thì không dám ngước mắt nhìn sang nhà tôi. Bên tôi thì đông con nhiều cháu, tiếng trẻ con ríu rít như chim hót trong vườn thượng uyển. Bên chị thì hiu hắt, quạnh hiu và vắng lặng như mảnh vườn có ma.
Ra đường thì tôi ngước mắt nhìn trời, mở miệng chào cười với thiên hạ. Còn chị khi ra đường thì cúi mặt làm thinh; mỗi lần thấy người mẹ bồng con, thì nước mắt tủi hờn trào ra, cùng với tiếng nấc nghẹn ngào…
Ông trời đã xòe tay ra với tôi như thế. Ông trời đã nắm tay lại với chị như vậy. Đó là số phận. Đó là ý trời. Chỉ còn ngước mắt lên để cảm tạ. Chỉ còn cúi mặt xuống mà sám hối. Đành vậy. Tôi cứ tưởng tôi sẽ suốt đời nhìn lên; còn chị thì sẽ mãn đời nhìn xuống. Ai ngờ …
1. Hôm ấy chồng chị trúng thăm vào cung thánh để niệm hương. Dân chúng trùng trùng điệp điệp đứng ở bên ngoài, trong đó có tôi. Ai nấy nôn nóng chờ đợi. Chờ mãi không thấy ông đi ra. Lo quá! … Đến khi ông ra, thì ú ớ không nói nên lời. Chúng tôi bu lại quanh ông để tìm hiểu. Ông không nói được, nhưng nét mặt rất phấn khởi. Tôi đoán là ông có tin vui. Mừng cho chị …
Một tháng sau, tôi thấy chị ra đường thường xuyên. Không còn cúi mặt làm thinh. Chị ngước mắt nhìn lên và cười dòn dã với đàn bà bồng bé thơ. Tôi đoán là chị có bầu. Mừng cho chị. Nhưng tụi tôi cứ nháy nhau mà cười lén, cứ nhéo nhau mà thù thì:
“Bà già tóc bạc phau phau
Nhăn nheo teo tóp, có bầu ai ơi!”
2. Cái bầu đã vượt mặt. Cánh đàn bà chúng tôi đến thăm chị nườm nượp. Đến để xem “bà cụ mẹ” sắp đẻ ra một “cháu ngoại”. Đến để giải mã những cử chỉ, những dấu hiệu kỳ lạ của một ông già vừa cười, vừa câm. Đến để chứng kiến mảnh vườn quạnh hiu đang biến thành ngàn hoa, dập dìu ong bướm…
Thế rồi một hôm kia, chúng tôi đang nhóp nhép nho xanh, đang đua nhau rờ cái bụng ột ệt của chị, thì … bỗng chị vùng đứng lên, chạy ào ra sân, vừa cười vừa khóc nhệu nhạo.
- Em chào chị.
- Chị chào em. Bởi đâu tôi được Mẹ của Chúa đến thăm thế này? Em ơi! Em là người phụ nữ có phước nhất trên trần gian này.
- Vâng, cám ơn chị. Em sung sướng quá chị ạ, chỉ vì Chúa đã đoái thương chiếu cố thân phận bé nhỏ này …
Hai chị em cứ ôm miết lấy nhau, quên cả không gian và thời gian, quên cả bạn bè xóm giềng. Chúng tôi buồn tủi, lủi thủi ra về. Nhưng không quên ngẫm nghĩ mãi về những lời phát biểu của cô bé xứ Bắc, mà chị kính cẩn gọi là “Mẹ của Chúa”. Tôi mơ hồ nghĩ về một tương lai đầy huyền bí.
3. Chín tháng lẻ trôi qua. Chị cho ra đời một bé trai. Một tin vui bùng vỡ. Ngày thứ tám bà con kéo nhau đến đầy nhà chị, để dự lễ đặt tên. Theo luật thì cha đặt tên cho con. Nhưng cha thì nói không thành lời. Thế là bà con nhao nhao đòi phá lệ.
- Chuyện hi hữu ngàn năm một thuở, tôi đề nghị lấy tên cha đặt cho con. Chúng ta sẽ gọi nó là Dacaria-Con. Một ông già râu dài đến rốn giơ tay vừa phát biểu, vừa nói to, vừa cười hô hố.
- Đồng ý. Ai nấy đều giơ hai tay và cười há há.
Tôi cũng đồng ý và thấy là rất hợp lý. Nhưng vợ chồng chị tuy vẫn vui cười, nhưng không đồng cảm với bà con. Chồng chị, miệng thì cười toe toét mà hai bàn tay thì cứ lắc lắc. Cô em xứ Bắc của chị, thì chỉ cười nhạt, vô tư. Còn chị thì chống đối một cách thật dễ thương.
- Thưa các bác, thưa bà con, xin đặt tên cháu là Gioan ạ.
- Ô … ô … Gioan! Tên lạ hoắc! Dòng họ nhà ta từ thuở nào tới giờ, chưa bao giờ nghe cái tên ấy. Ông già râu dài đến rốn phản bác như vậy. Vẫn vui. Vẫn cười. Không làm mất lòng ai.
Mọi người nhìn nhau cười. Không ai thắng. Chẳng ai thua. Chồng của chị vừa cười vừa lấy ngón tay viết lên miếng ván: “Tên cháu là Gioan”. Ngón tay vừa buông xuống thì ông hét lên: “Tôi nói được rồi”. Cả nhà như nổi cơn điên. Đàn ông đàn bà xô nhau đến ôm hôn ông chồng của chị. Ôm hôn xong rồi thì chạy ra sân nhảy cẫng lên với nhau. Vui quá hóa điên. Vui như điên. Chỉ có người nói, mà không có người nghe.
Người điên cũng có lúc cắt cơn. Quần chúng vui như điên cũng có lúc im lặng như tờ. Chồng của chị ôn tồn kể lại câu chuyện từ đầu đến cuối. Quần chúng vểnh tai để nghe, nín thở để nghe. Tôi cũng vậy, không dám chớp mắt, không dám nuốt nước miếng, sợ bỏ sót một lời…
Bây giờ tôi mới sực nhớ ra rằng suốt mấy chục năm qua vợ chồng của chị bố thí cho người nghèo rất nhiều cơm áo, để cầu có một mụn con. Vô vọng. Hai vợ chồng mỗi ngày năm bảy lượt quỳ gối chắp tay cầu nguyện, chu chu chắm chắm. Cũng chỉ vì mong mỏi có được một mụn con. Ngày tháng trôi qua, công đức chồng chất. Vẫn vô vọng.
Hôm ấy sứ thần Gáprien báo tin anh chị sẽ có một đứa con trai, để dọn đường cho Đấng Cứu Thế sắp tới. Mừng quá, nhưng lại hờn giỗi. Ăn chay cầu nguyện mấy chục năm mà Chúa không đoái nhận. Bây giờ mới xòe tay ban ơn, thì đã quá muộn rồi. Già cóc đế mà sinh con. Con chưa kịp trưởng thành, thì cha mẹ đã mục xương. Buồn gần một nửa thế kỷ, ngước mắt đợi chờ hồng ân gần hết một cuộc đời, chồng chị đáp trả sứ thần rằng: “Tôi già như vậy này; vợ tôi nhăn nheo như thế kia, thế thì còn con cái gì nữa”. Ý anh ấy muốn nói: “Mùa đông xin chăn mền, thì không cho. Bây giờ sang mùa hè nóng như nung, thì lại cho mùng mền chăn nệm một đống. Vô duyên”. Ông sứ thần nghiêm giọng phán: “Vì ông không tin tôi, nên ông sẽ phải câm cho tới khi ông có con và đặt tên cho bé là Gioan”. Đau quá! Nhưng mừng quá, mà quên đau.
4. Từ ngày chồng chị thôi câm, tôi được biết quá nhiều về lịch sử cứu độ. Bản thân tôi vẫn nghĩ rằng Đấng Cứu Thế phải là một ông vua nâng nước Do Thái của chúng ta lên hàng bá quyền. Nhưng hôm ấy tôi được giác ngộ. Chồng chị giang tay nói với bé Gioan rằng:
“Hài nhi hỡi con sẽ mang tước hiệu
Là ngôn sứ của Đấng Tối Cao.
Con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người
Báo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ
là tha cho họ hết mọi tội khiên…”
Tôi tự hỏi: tại sao mọi ngôn sứ, mọi sư phụ từ đời này đến đời kia cứ dạy rằng: “Đấng Cứu Thế là con vua Đavít, sẽ ngồi trên ngôi báu và cai trị nhà Giacóp cho đến muôn đời”. Nay tôi mới được biết Đấng Cứu Thế đến để “tha cho họ hết mọi tội khiên”. Phải chăng vì bị câm hơn chín tháng mà ông xã của chị đã khám phá ra được cái chân lý ấy? Vui sướng trong thử thách là môi trường tuyệt vời để tìm gặp Chân Lý. Đúng không chị?
Chị Êlisabét mến.
Bây giờ tôi không còn nhìn chị bằng một nửa con mắt nữa. Bây giờ tôi muốn cúi đầu chắp tay chào chị, để nói lên lòng ngưỡng mộ của tôi đối với một người đàn bà được Đấng Giavê giơ cánh tay bao bọc và chở che. Tôi đang ngẫm nghĩ về chị. Tôi hiểu biết khá nhiều về chị. Nhưng… vẫn có một điều tôi muốn được chị bật mí. Chị có một cô em xứ Bắc vào thăm và ở với chị ba tháng. Tôi không thích nói chuyện với cô ấy, vì tôi vẫn dị ứng với dân Galilê, đặc biệt là dân Nadarét. Cô ấy trở về Bắc sau ngày cắt bì và đặt tên cho bé Gioan. Cô ấy đi rồi, tôi mới hối tiếc.
Là dân Galilê, là người làng Nadarét, nhưng cái dáng đi và cách ăn nói vẫn có cái gì rất thanh cao khó tả. Khi hai chị em chị ngồi nói chuyện với nhau, tôi thấy có cái gì đó rất cao quý mà tôi vừa ghen vừa thèm.
Tại sao chị là người lớn, vừa lớn về tuổi tác, vừa lớn về vai vế, mà chị vẫn có vẻ như vừa yêu vừa kính cô em ấy? Tôi linh cảm cô ấy đang ôm ấp một ước mơ lớn lắm.
Tôi sẽ không chết yểu. Tôi sẽ sống rất thọ. Tôi còn dư thời giờ để theo dõi và để thấy một trang sử mới. Trang sử này sẽ bắt đầu từ bé Gioan và sẽ hoàn tất trong cậu con của cô bé Nadarét ấy.
Mến chào chị Êlisabét.
Bình luận