Máccô mến!
Đêm hôm ấy, Thầy cầu nguyện trong vườn Cây Dầu. Ngài thì thổn thức đến toát mồ hôi lạnh. Đệ tử thì lăn lưng ra ngủ một cách vô tư. Bỗng ánh đuốc bập bùng, tiếng chân bước dồn dập, tiếng đàn ông la hét làm rung chuyển rừng khuya... Thầy bị bao vây và bị trói. Có một lưỡi gươm vung lên và bập xuống. Có tiếng kêu “ối” một cái. Náo loạn xảy ra. Rượt đuổi và chạy trốn. Trong số những người lẩn trốn vào bóng đêm, có một chàng thanh niên tồng ngồng như con nhộng... Hỏi: “Ai đấy?”, thì mọi người đều trả lời vanh vách: “Máccô”.
Máccô ơi, từ ngày xảy ra câu chuyện buồn cười ấy, tớ bắt đầu nghiên cứu về cậu. Cậu không biết tớ đâu. Nhưng tớ thì có một ôm tài liệu về cậu. Nếu cậu không tin, thì hãy ngồi im nghe tớ kể về đời của cậu.
1. Cậu là quý tử của đại gia. Bố mẹ cậu có một tòa nhà hai tầng, ở ngay trung tâm thủ đô, cách dinh Thượng Tế đúng 100 bước của tớ. Cậu là mẫu người con nhà lành, ăn trắng mặc trơn, nhưng khôn nhà dại chợ.
Mẹ cậu hâm mộ Thầy như một siêu sao. Hầu bao của bà lúc nào cũng rộng mở, để chia cơm sẻ áo cho người nghèo. Nhờ đó cậu hiểu biết khá nhiều về Thầy. Nhưng chưa bao giờ cậu dám nghĩ đến chuyện thoát ly gia đình, để đi theo Thầy. Nếu mẹ gợi ý, thì cậu chỉ gãi tai: “Thủng thẳng”.
2. Tối hôm ấy, Thầy ăn mừng lễ Vượt Qua tại nhà cậu. Bố mẹ cậu bố trí một căn phòng rộng rãi ở trên lầu. Chiên Vượt Qua, bánh mì không men, rượu nho, rau đắng và nước sốt màu gạch đều do bố mẹ cậu tài trợ. Công việc bếp núc, thì có dư người để lo. Cậu không phải nhúng một ngón tay vào đó. Thế là cậu mon men đến bên Thầy để gạ chuyện. Thầy trò tâm sự, cậu thấy ấm lòng. Cậu nhìn Thầy bằng ánh mắt trìu mến. Thầy nhìn cậu bằng ánh mắt bao bọc ủ ấp. Thầy trò mà như mẹ con. Thân thương, gần gũi. Bỗng cậu cảm thấy không thể xa Thầy. Cậu muốn làm đệ tử của Thầy từ những giây phút ấy.
3. Bữa Vượt Qua của Thầy không vui như cậu tưởng. Thầy thì trầm tư. Trò thì ngơ ngác. Dường như có chuyện gì buồn lắm và quan trọng lắm.
Thầy bưng thau nước rửa chân cho từng đệ tử. Đứa nào cũng co rúm lại. Xấu hổ đến muốn độn thổ.
Thầy ngỏ lời như hờn dỗi: “Một trong chúng con sẽ phản Thầy”. Đứa nào cũng trợn mắt nhìn nhau, như muốn hỏi nhau: “Thằng nào?”. Tự ái đầy mình!
Thầy cầm ổ bánh mì và ly rượu nho, ngước mắt nhìn trời y như xuất thần, rồi trao cho đệ tử, tha thiết mời họ: “Ăn đi! Uống đi! Đây là thân thể của Thầy sẽ bị nộp vì anh em. Đây là máu của Thầy sẽ đổ ra để cứu độ anh em...”
Cậu tò mò theo dõi. Chẳng hiểu gì, nhưng cảm thấy buồn tê tái. Vừa buồn vừa thương.
4. Sau bữa tiệc buồn, cậu đến bên Thầy, cúi đầu và thỏ thẻ:
- Mời Thầy đi nghỉ.
- Cám ơn Máccô. Tình hình đang căng lắm. Để Thầy ra nghỉ ở vườn Cây Dầu.
- Thưa Thầy con không hiểu.
- Đừng buồn. Đừng sợ. Mọi sự đã được Chúa Cha an bài rồi. Thầy đi nhá.
- Con cũng đi ra ngoài đó với Thầy.
Từ nhà cậu ra tới vườn Cây Dầu tớ đi bộ chỉ mất 20 phút. Nhưng hôm ấy Thầy trò đi hết hơn 30 phút. Thầy quỳ cầu nguyện ở gốc cây dầu. Đệ tử của Thầy thì nằm lăn lóc cách đó chừng 40 thước. Còn cậu thì chui vào trong nhà kho, cuốn chăn ngủ khò. Cả vườn Cây Dầu và nhà kho đều là bất động sản của bố mẹ ccậu. Cậu thuộc lòng từng ngõ ngách. Bao nhiêu cây dầu, cậu nhớ thuộc lòng. Trong kho có bao nhiêu thùng dầu, cậu đếm trên đầu ngón tay. Căn phòng rộng bao nhiêu, cậu thuộc nằm lòng.
Trời đã sang xuân, khí hậu hơi ấm hơn một chút. Cậu cởi bỏ áo dài lùng bùng khó chịu, chui vào trong chăn y như con nhộng nằm trong kén. Dường như cậu quên mặc xà rông. Đó là tập tánh của cậu: lè phè cho thoải mái...
Đang ngủ ngon, bỗng có tiếng nói xôn xao và ánh đuốc bập bùng. Cậu khoác chăn trên mình, đi ra quan sát tình hình. Thầy bị trói. Đệ tử bỏ chạy. Cậu đang đứng xớ rớ, thì một thằng lính chạy tới chụp lấy vai cậu. Cậu tung chăn bỏ chạy thoát thân. Thân trần như nhộng. May quá, trời tối như mực. Không ai thấy cái trần truồng của cậu. Nhưng câu chuyện xấu hổ này còn lưu truyền mãi cho đến ngàn đời.
5. Có tin đồn là ở Antiôkia giáo dân có sáng kiến loan báo Tin Mừng cho dân ngoại và dân ngoại đang gia nhập Giáo hội rất đông. Tin này gây sốc ở thủ đô. Thế là các Tông Đồ cho ông Barnaba lên Antiôkia để nhận xét tình hình. Barnaba là cậu ruột của cậu. Thế là cháu nôn nóng cuốn gói theo cậu. Loan báo Tin Mừng cho người ngoại là một cuộc cách mạng đi ngược với truyền thống Do Thái giáo. Cuộc cách mạng này thành công, chứng tỏ nó có chính nghĩa. Barnaba đáp tàu đi Tácxô tìm anh chàng Saolô đưa về Antiôkia. Barnaba với Saolô được coi như cha con. Khi Saolô mới trở lại, các Tông Đồ không tin tưởng. Barnaba phải đưa hết uy tín của mình ra để bảo lãnh Saolô. Từ đó Saolô mới được các Tông Đồ tin tưởng, gặp gỡ và hợp tác.
Hai cha con cùng nhau củng cố giáo đoàn Antiôkia. Cậu luôn luôn đứng bên cạnh Barnaba y như một tập sự viên trẻ người non dạ. Cái tâm của cậu, thì to bằng quả bưởi. Nhưng cái lực của cậu, thì chưa bằng quả ổi. Lúc nào cậu cũng thở dài “lực bất tòng tâm”.
6. Sau một năm sống với tân tòng gốc lương dân, Saolô vừa mở lòng, vừa mở trí. Anh quyết tâm đem Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Anh mở tuyến truyền giáo I, khởi đầu từ Salamin và kết thúc ở Đerbê. Cuộc hành trình dài 1.113km và trong thời gian 4 năm.
Đoàn truyền giáo có 3 người: Saolô, Barnaba và Máccô. Đến Paphô thì Saolô đổi tên là Phaolô.
Chuyến đi này có một chuyện buồn xảy ra. Người gây ra chuyện buồn lại chính là cậu. Khi đoàn đang hoạt động ở Perghê, Phaolô phác họa chương trình đi Antiôkia xứ Pixiđia. Nghe đến Antiôkia, cậu ớn đến nổi da gà lên. Cuộc hành trình xa tới 160km. Đường rừng núi quanh co. An ninh chưa bảo đảm. Thường xảy ra cướp bóc. Thế là cậu phản đối. Không làm cho Phaolô đổi ý, cậu đánh bài chuồn. Chuồn về Giêrusalem với mẹ. Đoàn truyền giáo chỉ còn hai người: Phaolô và Barnaba.
Anh Saolô giận cậu lắm. Ba năm sau anh vẫn chưa quên vụ này.
Tớ nhớ là vào khoảng năm 50, Phaolô mở tuyến truyền giáo II. Đoàn truyền giáo có ba người: Phaolô, Barnaba va Xila. Thấy không có tên cậu trong danh sách, cậu của cậu đề nghị.
- Cho cháu tôi đi với.
- Máccô, cháu của ông là một tên hèn nhát. Hắn đã đào ngũ trong tuyến truyền giáo I. Tôi không đồng ý cho hắn đi.
Thế là Phaolô và cậu của cậu to tiếng với nhau. Kết quả là “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi”. Hai cậu cháu của cậu lủi thủi lui về đảo Síp. Từ đó hai người không còn đồng hành trên bất cứ tuyến truyền giáo nào nữa.
Trong vụ này tớ không đồng ý với Phaolô. Tớ thông cảm với cậu, vì cậu là con nhà giàu không quen chịu gian khổ. Cậu “đào ngũ” trên tuyến truyền giáo I là đáng được thông cảm. Sau ba năm ngẫm nghĩ cậu đã hối hận lắm rồi. Lúc ấy cậu cũng đã trên dưới 30, đầy nhiệt huyết, thì không nên từ chối thiện chí của cậu... Tớ vẫn theo dõi vụ này. Mãi cho tới khi già, Phaolô mới hết giận cậu. Bấy giờ Phaolô mới coi cậu là cộng tác viên đắc lực (2Tm 4,11). Khi viết thư cho Philêmon, ông cũng nhắc đến cậu, như một lời thăm ké, nhưng rất thắm thiết. Cậu đã trở thành một nhà truyền giáo thực thụ. Mừng cho cậu!
Cậu có rất nhiều kỷ niệm về Đức Giêsu. Đời sống của Ngài, giáo huấn của Ngài, tâm tính của Ngài đầy ắp trong tim cậu. Về điểm này, tớ thua cậu xa vời vợi. Khi nghe cậu kể chuyện về Đức Giêsu, tớ thấy thương quá, thèm quá.
Máccô ơi! Cậu có biết, tại sao tớ có nhiều tài liệu như thế về Cậu không? Nói nhỏ với cậu thôi, đừng cho ai biết nhá. Cô Rôđê, ôsin của nhà cậu đấy. Cô ấy coi cậu như thần tượng vậy.
Chúng ta cùng yêu Thầy và cùng loan báo Tin Mừng.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.