Kính thưa vị Tông Đồ đáng kính.
Con sống sau Ngài gần hai mươi thế kỷ, tưởng như không thể biết Ngài là ai. Thế mà bỗng dưng con lại thấy Ngài sờ sờ trước mắt …
Hôm ấy con đi dạo trước tòa lãnh sự nước Anh. Lá cờ nước Anh bay phất phới. Con đứng sững, say sưa ngắm nhìn. Quốc kỳ nào cũng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, vì nó là linh hồn của tổ quốc. Quốc kỳ nước Anh lấy màu xanh dương làm nền. Nhưng nền xanh dương bị lấn chiếm gần hết bởi bốn vạch đỏ: một vạch ngang; một vạch dọc và hai vạch chéo. Ngắm nhìn, suy nghĩ, nhưng không hiểu ý. Con đi vội về nhà, mở từ điển bách khoa. Từ điển bảo rằng:
- Nước Anh là hải đảo, nên lấy màu xanh dương làm nền cho lá cờ tổ quốc.
- Bốn vạch đỏ là hai cây thánh giá: cây thánh giá hình chữ thập là biểu tượng của thánh Georges, giám mục; cây thánh giá chữ X là biểu tượng của thánh Anrê Tông Đồ. Thánh Anrê bị đóng đinh trên khổ giá hình chữ X.
- Thánh Georges và thánh Anrê là hai thánh bổn mạng của nước Anh.
Như vậy thì có lẽ nước Anh là nước duy nhất tuyên xưng niềm tin của mình một cách trang trọng như thế trên lá cờ của tổ quốc. Mong rằng tổ quốc của người Anh được Chúa chúc phước và được hai vòng tay của hai thánh Bổn mạng bao bọc che chở.
Kính thưa thánh Anrê, vì thấy Ngài ngày nào cũng bay phất phới trước tòa lãnh sự của nước Anh, con nổi hứng muốn tìm hiểu thật nhiều về Ngài qua bốn cuốn Tin Mừng. Đọc mãi, đọc hết cả bốn cuốn, nhưng cũng chỉ lượm được dăm ba mảnh vụn về cuộc đời của Ngài.
Mảnh vụn một. Dân Galilê rủ nhau về thủ đô dự lễ. Trùng trùng điệp điệp. Năm ấy, ngoài việc tham dự đại lễ, bà con ùn ùn đi nghe Gioan Tẩy Giả giảng. Ông kêu gọi bà con cải tà quy chính, để đón nhận Đấng Cứu Thế. Giọng nói của ông vang lên như sấm sét đập vào đầu những ông kinh sư giả hình đạo đức, cầu danh cầu lợi. Giọng của ông ôn tồn dịu dàng kêu gọi người thu thuế và bọn đàng điếm ăn năn sám hối. Một trận cuồng phong sám hối bùng lên. Tầng tầng lớp lớp người tội lỗi lội xuống sông xin xối nước và rưng rưng giọt lệ …
Hai chàng thanh niên trẻ măng, người làng Betxaiđa, làm nghề đánh cá, rủ nhau đến xin làm đệ tử Gioan Tẩy Giả. Hai chàng thanh niên lực lưỡng bỗng dưng trở thành hai thầy tu khổ hạnh. Bánh mì và cá thịt trên bàn ăn, bây giờ chỉ còn là châu chấu cào cào với chút mật ong rừng. Khổ ơi là khổ ! Phải là những người có ý tưởng cao siêu lắm, mới dám đổi đời như thế. Hai chàng thanh niên ấy chính là Anrê và Gioan.
Mảnh vụn hai. Thầy đang thuyết pháp. Trò đang lắng nghe. Bỗng Thầy làm thinh. Trò giật mình bỡ ngỡ … Có bóng người đang thấp thoáng ở đằng xa. Gioan Tẩy Giả khuyến khích hai môn đệ “Các em nên đi theo Người. Người là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”.
Anrê và Gioan cúi đầu giã từ thầy. Hai cái đầu cùng gục trên ngực thầy. Đầu của trò và ngực của thầy không muốn xa lìa. Thương quá ! Những giọt lệ học trò làm ướt áo thầy. Gioan Tẩy Giả đẩy hai cái đầu của học trò ra, khuyên nhủ như ra lệnh: “Các em hãy bỏ thầy, mà đi theo Người, vì Người mới là Đấng–phải-đến. Còn thầy chỉ là kẻ đến trước để dọn đường cho Người mà thôi”.
Anrê và Gioan vội vã đi theo Đức Giêsu, một vị tôn sư đáng kính vô cùng. Đáng kính đến mức độ Gioan Tẩy Giả phải thốt lên rằng: “Tôi không đáng xách dép cho Người”. Vì Người đáng kính quá, nên hai chàng cứ lẽo đẽo theo sau lưng mà không dám lên tiếng chào. Người quay lại hỏi, để hai chàng khỏi bẽn lẽn.
-Hai chú mày đi tìm ai vậy ?
-Thưa Thầy, Thầy ở đâu ?
-Ở trong cái lều đằng kia. Mời hai em đến mà xem.
Thấy tôn sư đáng kính xởi lởi, xuề xòa, dễ thương, Anrê và Gioan bỗng trở nên dạn dĩ, cởi mở.
Ba Thầy trò ngồi xếp bằng trong căn lều ấm cúng. Giọng nói của Thầy ôn tồn ấm áp. Ánh mắt của Thầy thì … không biết lấy gì mà diễn tả. Nó chinh phục, nó chiếm đoạt, nó ru êm, nó bao bọc, nó bồng ẵm … Ôi, ánh mắt thần thánh !
Mảnh vụn ba. Ngồi tâm sự với Thầy Giêsu suốt một buổi chiều, Anrê cảm thấy lòng mình sung sướng quá ! Hạnh phúc là đây ! Sự nghiệp là đây ! Hừng sáng hôm sau, Anrê dẫn ông anh đến để giới thiệu với Thầy. Thầy vồn vã đón tiếp và tuyên bố nhanh như một phản xạ :
“Ximon, từ nay người ta sẽ gọi anh là Kêpha nghĩa là Đá. Trên tảng đá này Thầy sẽ xây dựng giáo hội của Thầy”.
Câu nói bất ngờ làm mọi người ngỡ ngàng, đưa mắt nhìn nhau. Chẳng ai hiểu ý Thầy muốn nói gì. Nếu Thầy muốn trao một trọng trách cho ai, thì người ấy phải là Anrê, một người vừa lanh lẹ, vừa có nhiều xã hội tính. Ximon là người chân chất, ruột để ngoài da, không phù hợp với công tác lãnh đạo. Càng phân tích càng khó hiểu. Đành để đấy, vì đấy là việc của Thầy.
Mảnh vun bốn
Thầy trò ngồi nhìn nhau.Thầy thì vô tư. Trò thì lúng túng như chuột mắc bẫy.
-Thưa Thầy. Xin Thầy cho bà con giải tán. Người thì đông, trời thì đã xế. Họ về sớm để còn kiếm chỗ trọ và kiếm cái ăn.
-Các anh lo cho người ta ăn đi.
-Hai trăm đồng cũng chả đủ cho mỗi người một miếng.
-Vậy thì các anh còn bao nhiêu bánh ?
Ai nấy trố mắt nhìn nhau. Vừa buồn cười, vừa bất bình. Anrê từ đằng xa chạy về, dẫn theo một em bé bán bánh. Trong rổ hắn còn năm ổ bánh mì và hai con cá. Anrê đẩy hắn đến với Thầy. Mọi người nhìn theo, nói thầm trong bụng “Trò hề”.
Thầy nhận rổ bánh, xoa đầu em bé, rồi ngước mắt nhìn trời, thì thầm cầu nguyện. Anrê nhìn cặp mắt thần của Thầy, chờ đợi một biến cố kỳ diệu. Biến cố ấy đã xảy ra. Năm ổ bánh mì và hai con cá làm no nê năm ngàn đàn ông, vài ngàn đàn bà và trẻ con … Anrê cảm thấy hạnh phúc quá chừng và tự hỏi: “Nếu mình không dẫn em bé ấy đến với Thầy, thì …” Ôi năm ổ bánh mì và hai con cá !
Mảnh vụn năm. Một cuộc biểu tình, một lễ tôn vương được thành hình một cách ngẫu nhiên. Đức Giêsu ngồi trên lưng con lừa tơ. Quần chúng cầm cành ôliu vừa đi vừa hô “Vạn tuế Con Vua Đavít”. Chẳng ai biết mục đích của cuộc biểu tình là gì. Nó tự thành hình, rồi tự tan biến. Y như một trò ảo thuật.
Đức Giêsu đang đứng một mình, trầm tư, thì Anrê và Philíp lăng xăng ào tới, tíu tít giới thiệu: “Thưa Thầy, các bạn ngoại đạo muốn gặp Thầy”. Ánh mắt Đức Giêsu bừng sáng. Ngài dang rộng hai cánh tay đón tiếp người ngoại đạo và ngoại quốc. Niềm vui của Ngài như bùng vỡ. Ngài xuất thần nhìn về tương lai và thấy Tin Mừng bắt đầu bùng vỡ, để đi đến tận cùng trái đất.
Nhìn Thầy đang sung sướng vì được gặp người ngoại, Anrê hãnh diện quá chừng. Anh nghĩ thầm trong bụng “Nếu không có mình, thì người ngoại không dám đến gặp Thầy. Nếu không được gặp người ngoại, thì Thầy ỉu xìu, đâu có được hưng phấn đến như thế”.
Kính thưa thánh Anrê.
Đó là những điều con thấy và suy nghĩ về Ngài. Con ước mơ thấy Ngài là tông đồ trưởng. Ngài có lý tưởng cao. Ngài tháo vát và có tinh thần hội nhập. Ngài đã đi tới và sống với mọi người. Lạ thay, Thầy đã không trao cho Ngài trọng trách ấy. Con nghĩ mãi mà không hiểu. Con gọi cái đó là “mầu nhiệm của ơn gọi”. Con cúi đầu chấp nhận. Xin trân trọng kính chào Ngài.
Tái bút
Kính thưa thánh Anrê.
Con xin được hỏi nhỏ Ngài một lời. Đã lâu lắm rồi, đọc Phúc Âm, con vẫn thấy người ta bảo Ngài là em của thánh Phêrô; nay người ta lại bảo Ngài là anh, thánh Phêrô là em. Thế là thế nào ? Con không dám cãi, vì cãi thì thua. Nhưng con vẫn cứ buồn buồn và cứ gọi Ngài là em của thánh Phêrô. Con lý luận thế này:
1. Ở trên đời này, con thấy: em luôn luôn lanh khôn hơn anh và chị. Lý do: em sinh sau được học khôn với anh chị. Đó là điều mà anh chị không được hưởng. Đàng khác khi cha mẹ sinh con đầu lòng, thì kinh nghiệm còn ít hơn khi sinh những đứa con sau. Ngài lanh lẹ tháo vát hơn thánh Phêrô nhiều, nên con đoán Ngài là em, Phêrô là anh.
2. Trong Thánh Kinh con cũng thấy như thế. Aben là em thì đạo đức hơn anh là Cain. Giacóp là em thì lấn quyền trưởng nam của Exau. Rebécca là em thì vừa đẹp vừa đảm hơn cô chị Lia … Đó là quy luật tự nhiên, chứ không phải là quy luật của mạc khải: “Hễ là em thì được Chúa trao quyền cao chức trọng”. Không đúng, bằng chứng là ông Cam, con thứ của ông Noe lại thua ông anh cả là Xem.
3. Nếu con là Ngài, nếu con là anh của Phêrô, thì không đời nào con đến Caphácnaum để làm phụ với ông em mà nhà ông em thì lại có cả mẹ vợ nữa.
4. Nếu con là anh của Phêrô, thì không đời nào con lại sánh vai với Gioan để đi theo Gioan Tẩy Giả. Gioan chỉ đáng làm em út.
Ai nói gì thì nói, con vẫn gọi Ngài là em của thánh Phêrô.
Lm. Piô NGÔ PHÚC HẬU
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.