Bỏ lại đồng ruộng để lên thành phố tìm việc, nhiều người mang trong mình không ít hoài bão. Tuy nhiên, cuộc sống bon chen ở phố thị khiến người lao động dần chấp nhận mọi điều khó khăn hơn mình tưởng.
Người nhập cư sống ở đâu?
Tại quận 2, trên đường Mai Chí Thọ, gần nút giao với đường Xa Lộ Hà Nội, có những con đường nhỏ rẽ ngang. Trên một cung đường rộng không quá sải tay dẫn chúng tôi đi xuyên qua một xóm nhỏ, băng tiếp qua khu đất trống đang rục rịch làm dự án và chiếc cầu gỗ ọp ẹp là tới một xóm trọ. Tôi từng biết có nhiều xóm trọ tương tự rải rác khắp nơi trong thành phố này với những cái tên nôm na để dễ phân biệt như xóm vườn ổi (vì ở đó có mấy cây ổi), xóm nhà lá… Nơi tôi đặt chân đến hôm nay là xóm thợ hồ. Xóm hình thành từ nhiều năm trước với một lượng lớn nhân công xây dựng đến làm việc tại các cao ốc trong vùng và trọ chung nơi đây.
Xóm thợ hồ ở Quận 2 |
Xóm thợ hồ dường như tách biệt với vẻ nhộn nhịp bên ngoài, dù cách đó hơn trăm mét là những khu đô thị hiện đại, xa hơn một chút, ở bên kia sông là phố xá tấp nập xe cộ. Nơi đây hoang vu, nằm chỏng chơ giữa một khu đất trũng bao quanh là nước và sình lầy. Những căn nhà trọ tồi tàn, dựng tạm bợ bằng lá và tôn. Đường đất được đắp thêm những mảnh ngói vỡ vụn. Nằm giữa thành phố nhưng mới mấy năm trở lại nơi đây, xóm mới có điện. Trước đó, vào ban đêm, chỉ có ánh sáng phát ra là từ chiếc đèn dầu le lói.
Chúng tôi cũng đã có dịp tìm đến để “mục sở thị” những khu nhà trọ tại thị xã Dĩ An, Bình Dương, địa bàn mọc lên nhiều khu công nghiệp. Nơi đây đi đâu cũng thấy nhà trọ. Rất nhiều khu nhà trọ mới được xây dựng để kinh doanh. Các ngôi nhà rộng rãi cũng được chủ ngăn phòng cho thuê kiếm thêm thu nhập…
Có nhiều dãy trọ cao ráo, mát mẻ nhưng đa phần chật chội, ẩm thấp. Mỗi phòng rộng chưa đến 10m2, lối đi chỉ đủ cho hai chiếc xe máy tránh nhau, chưa kể đó còn là nơi để xe, phơi đồ, để vật dụng. Gian nhà thấp lại lợp bằng tôn nên vào mùa nắng nóng hầm hập. Những ngày nghỉ, người ở trọ tránh cái nóng nơi những quán cà phê. Từ Quảng Bình vào làm công nhân may, anh Lê Văn Tám đang ở trọ cho biết: “Nóng thì hai vợ chồng chịu được nhưng từ khi có con nhỏ đành phải bấm bụng lắp cái máy lạnh, chứ nóng thế này con dễ sinh bệnh”.
Đời người thợ hồ nhiều vất vả nhưng thu nhập chỉ ở mức trung bình |
Thiếu ánh sáng, nóng bức là tình trạng phổ biến của các xóm trọ hiện nay. Những chủ xóm trọ dường như cũng nghiên cứu thị trường. Người ở xóm thợ hồ chỉ cần đầu tư như vậy, họ vẫn chấp nhận miễn sao giá thuê nhà phải chăng. Người công nhân ngày đi làm quần quật, tới tối chỉ mong có chỗ ngả lưng nên chẳng đòi hỏi. Hơn nữa ai cũng biết phải chịu khó thì mỗi tháng mới dư được chút ít dành dụm…
Họ cần gì?
Nếu đi sâu tìm hiểu, có thể thấy người lao động không phải không có những ước mong. Ở xóm thợ hồ, vợ chồng anh Trần Thiện Quang từ dưới quê Vĩnh Long lên lập nghiệp, chồng thợ xây, vợ phụ việc, thu nhập hai người mỗi tháng có khi cả chục triệu đồng, tuy nhiên, phải nuôi hai con ăn học, rồi phụ mẹ già ở quê nên cũng chỉ vừa đủ. May mắn gia đình có được chỗ tá túc nơi đây với giá rẻ, khoảng một triệu đồng/ tháng, chứ nếu cũng với diện tích đó để mướn một chỗ trọ đàng hoàng trong khu dân cư thì giá cả phải gấp đôi, có khi gấp ba quá sức chịu đựng.
Chợ dành cho công nhân tại KCN Tân Tạo, quận Bình Tân |
“Lương thì vẫn vậy trong khi giá phòng trọ thì cứ đều đều mỗi năm tăng một. Không biết có ai quan tâm đến thực tế này không?”, chị Nguyễn Thị Nhàn, công nhân công ty may ở KCN Sóng Thần, Bình Dương mở lời. Dù còn khá trẻ nhưng vợ chồng chị không dám ước mơ cao siêu, họ đặt mục tiêu làm công nhân 10 năm, cố dành dụm số vốn rồi về quê chứ ở lại thì suốt đời chỉ ở nhà trọ.
Tôi cũng gặp anh Nguyễn Văn Xuân, làm công nhân tại quận Tân Phú Anh cho biết phải gần 20 năm, vợ chồng mới sở hữu được căn nhà cấp 4, rộng 40m2, ở mút tận Bình Chánh.
Một mong ước của những người ở trọ là có được chỗ gởi con để yên tâm đi làm. Hầu hết còn mong có một nhà trẻ, trường mẫu giáo gần chỗ làm. Chị Trương Thị Hiền, công nhân da giày trong KCN Sóng Thần cho biết, hai vợ chồng chị phải làm việc theo ca, giờ giấc lệch với các trường mầm non công lập nên họ phải chọn nhóm trẻ gia đình.“Nhưng đi kèm với đó là nỗi lo vì đã không ít lần, báo chí đưa tin về tình trạng bạo lực trẻ em ở những cơ sở tư nhân”, chị Hiền tâm sự.
Dãy phòng trọ tại Bình Dương |
Một mối lo thường xuyên khác của người ở trọ là vấn đề thực phẩm. Đi làm về muộn, không ít người ghé vội qua các khu chợ dành cho công nhân, nhắm mắt mua ít thịt cá, rau củ quả cho bữa cơm chiều, chẳng cần quan tâm đến chất lượng.
Cuộc sống của những người nhập cư nơi phố thị u ám như một bức tranh buồn!
VÕ QUỚI
Bình luận