Ở cái tuổi ngoài 70, phần lớn ai cũng mong có được cuộc sống an nhàn để hưởng thụ. Thế nhưng với bà Nguyễn Thị Bạch Cúc (Chi hội trưởng Hội Phụ Nữ khu phố 3, phường 8, quận 3, TPHCM), hạnh phúc là “những ngày còn sức khỏe để có thể chia sẻ và giúp đỡ mọi người vượt qua khó khăn”. Vậy nên lúc nào bà cũng nhiệt tình và hăng hái trong mọi công tác thiện nguyện.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Bạch Cúc và quyển lưu bút của các sĩ tử từng được bà chăm lo trong những ngày thi. |
Bao năm nay, bà vẫn được gọi một cách thân mật là “má Cúc heo đất” bởi trên chiếc xe bán bánh mì của bà luôn có một con heo đất để mọi người có thể cùng nhau đóng góp chút tấm lòng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh việc bán bánh mì, bà còn tranh thủ thời gian đi nhặt ve chai. Thu nhập từ việc buôn bán, ngoài chi tiêu ăn uống và sinh hoạt đời thường, bà lại gom góp vào quỹ “heo đất” để làm từ thiện. Những việc làm nho nhỏ của bà dần tạo được uy tín, được nhiều người tin tưởng, ủng hộ...
Không chỉ nổi tiếng với quỹ “heo đất”, nhà bà Cúc còn là địa chỉ cho các sĩ tử từ quê lên tá túc vào mỗi mùa tuyển sinh. Đã hơn 20 năm, các bạn trẻ ở nhiều vùng miền, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn đã được má Cúc chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ. Mỗi mùa thi kết thúc, khi chia tay, các sĩ tử không khỏi bùi ngùi, lưu luyến. Không ít bạn đã để lại những dòng cảm xúc chân thành qua một quyển lưu bút được má Cúc nâng niu gìn giữ.
Hôm chúng tôi đến nhà, được bà cho xem quyển lưu bút này với nhiều nỗi niềm gửi gắm từ các thế hệ sĩ tử đến trọ nhà bà qua các năm. “Khi cầm bút lên con không biết viết gì ngoài hai từ “cảm ơn”. Con cảm ơn Má đã cho con những ngày tháng hạnh phúc và đầy niềm vui, cho những người con xa nhà như con khi bước chân lên thành phố này. Một ngôi nhà đầy ắp hạnh phúc và tiếng cười, lúc nào Má cũng lo cho tụi con về cái ăn giấc ngủ... Con không biết nói gì hơn, chỉ chúc Má sống lâu trăm tuổi để giúp đỡ những người phương xa như con, để ngôi nhà này lúc nào cũng có tiếng cười vào mỗi mùa thi đại học và cao đẳng. Con yêu Má.”- Đó là tâm sự ghi trong lưu bút của Hồ Thị Trúc Linh - một trong những bạn trẻ từng nhận được sự giúp đỡ của má Cúc trong những ngày thi tuyển sinh. Khi đọc lại những dòng ấy, người mẹ 72 tuổi này lại rưng rưng cảm động, bà lấy tay lau nhẹ giọt nước mắt đang rơi trên má. Có lẽ cũng vì tình cảm sâu nặng như vậy mà với bà, quyển lưu bút chính là tài sản vô giá, là sợi dây vô hình gắn kết “má Cúc” với những “người con” tha phương của mình. Việc lưu giữ lại nó, không chỉ để bà nhớ lại những kỷ niệm, mà còn vì mong muốn “thế hệ sau sẽ làm tiếp những công việc của má đang làm bây giờ, đó là đóng góp cho xã hội, hướng trái tim mình đến những người còn đang cần sự giúp đỡ của chúng ta”.
Khi được hỏi điều gì đã khiến bà có động lực làm những việc như thế, giọng bà bỗng trầm xuống và có chút nghẹn ngào vì nhớ về ký ức xưa: Mồ côi cha từ sớm, nhà lại đông anh em nên tuổi thơ của bà phải bươn chải vất vả để vừa kiếm tiền phụ giúp gia đình, vừa lo cho việc học, vậy nên đồng tiền trong túi eo hẹp. Sự đồng cảm đó chính là lý do đã thôi thúc bà trở thành “má” của các sĩ tử nghèo.
Chia tay bà khi ngoài trời đang bắt đầu cơn mưa nặng hạt, trên đường về, dù trời đang lạnh, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy ấm lòng bởi giữa chốn phố thị phồn hoa này vẫn có những tấm lòng, như “má Cúc” đây, với trái tim nhân hậu, luôn âm thầm thắp sáng lên ước mơ cho đời.
THIÊN TRANG
Bình luận