Ô nhiễm môi trường hiện nay đã trở thành vấn đề đáng lo ngại. Nhiều người vẫn đang loay hoay với những phương thức bảo vệ, gìn giữ không gian sống làm sao cho hiệu quả, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Trong quá khứ, những thế hệ đi trước đã sống và đối xử với mẹ thiên nhiên như thế nào?
XỬ LÝ ĐỒ THỪA
Bà Thân Thị Thanh Vân (Biên Hòa - Đồng Nai): Một trong những thói quen gắn với câu chuyện bảo vệ môi trường là việc sử dụng đồ ăn thừa. Ngày xưa, thức ăn thừa thường sẽ phân loại dùng cho heo, gà, vịt, cá, chó, mèo... Cũng rất dễ dàng vì đất rộng, nhà có vườn, có ao nên thường nuôi ít nhiều gia súc, gia cầm... Nay ở thành phố thì đồ ăn thừa nhiều khi chỉ có cách đem bỏ hẳn vào thùng rác. Cũng còn một vài nơi có người đi gom xin thức ăn thừa nuôi heo nhưng cũng hiếm gặp. Ngày trước, tôi còn nhớ là với cơm, xôi ăn không hết mọi người sẽ đem phơi khô, để dành làm món cơm cháy hoặc bánh. Món cơm khô này có thể để dành dùng lâu được.
HỌC CÁCH SỐNG XANH
Bà Đỗ Thị Thúy Phượng (giáo xứ Antôn, giáo phận Long Xuyên): Sống trong gia đình 3 thế hệ từ những thập niên 60-70, anh em chúng tôi đã được học cách sử dụng nguồn nước mưa tự nhiên khi ông bà nội làm cái hồ bằng xi măng và dùng thêm lu, khạp để trữ nước cho nhu cầu sinh hoạt, ăn uống quanh năm. Mỗi lần rửa rau, giặt giũ, vo gạo, gia đình tôi đều tận dụng để lau nhà, rửa sàn, tưới rau, tưới cây cối… Cho đến nay, việc tái sử dụng nước cho những mục đích khác vẫn được con cháu tiếp nối. Tôi cho rằng, tận dụng nguồn nước mưa cũng là một trong những cách giảm tải việc khai thác nguồn nước ngầm, góp phần hạn chế tình trạng sụt lún địa hình, cạn kiệt nguồn nước… Bên cạnh đó, gia đình các con cháu vẫn duy trì cách trồng rau củ theo lối tự nhiên như ông bà xưa, chỉ dùng mùn rơm để cải tạo đất, không dùng phân thuốc hóa học trong canh tác. Dù là những việc nhỏ nhưng một khi các thành viên trong nhà cùng tham gia, sẽ tạo nên thói quen và ý thức bảo vệ môi trường ở thời điểm hiện tại, và cả về sau này.
COI TRỌNG MÔI TRƯỜNG SINH THÁI
Ông Nguyễn Văn Còn (Giá Rai, Bạc Liêu): Vấn đề môi trường đang nổi lên như một ưu tiên được quan tâm trên toàn cầu. Chuyện đó ở xứ mình không hề mới, các thế hệ trước đã âm thầm gìn giữ môi trường theo quan niệm đạo đức, tín ngưỡng, tầm nhìn xa… Tôi sống qua tuổi “xưa nay hiếm”, thấy hồi trước, người ta giữ gìn môi trường cách tự nhiên, không ai kêu gọi vận động chi. Ở chợ quê mình, người bán đều dùng lá chuối để gói xôi, bánh trái, nhìn mát mắt. Người xưa sống tựa vào tự nhiên nhưng luôn luôn trân trọng biết ơn tự nhiên chứ không tận diệt. Chúng tôi hay nghe cha mẹ, ông bà nói tránh săn bắt động vật có mang, cá con. Còn nhớ, trong vùng có hai người là điền chủ, họ rất coi trọng môi trường sinh thái, không cho ai tận diệt cá con, thậm chí đã có giao kèo làm ăn với số tiền lớn, nhưng khi biết “bên kia” bắt cá con trên ruộng, mấy ông hủy giao kèo vì cho rằng làm vậy là thất đức… Nền tảng văn hóa, đạo đức chi phối hành vi trong bảo vệ môi trường, tuy âm thầm nhưng mạnh mẽ.
DUY TRÌ THÓI QUEN TỐT
Bà Nguyễn Thị Sào (Thừa Thiên - Huế): Tôi sống ở làng quê Văn Xá từ nhỏ và cũng xuất thân từ gia đình làm nông, nên gắn chặt với đất đai, ruộng vườn. Tôi hiểu và yêu vùng đất của mình đang sống nên cố gắng duy trì thói quen tốt trong lao động sản xuất xưa nay. Còn nhớ hồi trước, khi canh tác hoa màu, người ta tận dụng những tàn tro của rơm vụ trước để làm phân bón giúp cho đất đai thêm dinh dưỡng. Họ cũng hạn chế sử dụng các chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật. Khi nuôi gà và heo thì lấy phân ủ làm phân xanh để bón cho mỗi mùa vụ. Không chỉ thế, mỗi lần đi chợ, các bà đều cầm theo một chiếc giỏ bằng lát và một ít giấy báo để đựng hay gói những đồ ăn cần mua trong ngày, hạn chế việc sử dụng bao nilong.
SỐNG GẦN GŨI VỚI THIÊN NHIÊN
Bà Dương Kim Sa (Hà Tiên, Kiên Giang): Ngày trước, cuối năm hay vài năm người ta hay tát đìa; muốn bắt cá ở sông chỉ cần kéo lưới hay chài. Về sau, nhiều người dùng xiệt điện nên diệt hết cá lớn, cá nhỏ. Cá sông bây giờ không còn nhiều và phong phú, trừ lúc mùa nước nổi vào tháng bảy tới tháng mười âm lịch. Người xưa cũng sống tiết kiệm bằng cách tái sử dụng nhiều lần. Nếu có muỗng nhựa, ly nhựa, dùng xong thì rửa sạch để dành. Nhà cửa không dùng máy lạnh mà luôn để cửa thông thoáng. Thật ra, ngày xưa không phổ biến máy lạnh hay các đồ dùng nhựa, nilong, nên việc bảo vệ môi trường không là vấn đề nổi cộm đáng quan tâm hằng ngày. Ngay trong cách sống gần gũi với thiên nhiên, tôn trọng tự nhiên đã là bảo vệ môi trường. Có gì dùng nấy, không xa xỉ, chẳng ai dám hoang phí một cái gì. Chính lối sống giản dị hòa hợp với thiên nhiên, đã góp phần làm ngăn ngừa sự ô nhiễm môi trường.
NHÓM PHÓNG VIÊN (THỰC HIỆN)
Bình luận