Chiều 11.12, linh mục Inhaxiô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại diện Tổng Giáo phận TPHCM đã có cuộc gặp gỡ các báo đài để chia sẻ về công trình đại trùng tu nhà thờ Chánh tòa của TGP.
Đón Giáng Sinh năm nay, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đã khoác lên mình hơn 500.000 mét dây đèn trang trí, thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng. Theo cha Inhaxiô Hồ Văn Xuân, năm trước, đèn chỉ được giăng ở hai tòa tháp mặt tiền, năm nay đèn được giăng trên toàn bộ nhà thờ, tạo tiền đề cho kế hoạch chiếu sáng ngôi thánh đường trong tương lai.
Qua sự tư vấn và giới thiệu của Giám đốc kỹ thuật dự án Mark Willems (tập đoàn Monument), Ban Trùng tu đã mời và được chuyên gia người Ý Pietro Palladino đồng ý thiết kế ánh sáng cả bên trong lẫn bên ngoài cho nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Ông Palladino hiện giảng dạy tại Đại học Khoa học và Công nghệ Milan, đã thiết kế ánh sáng cho nhiều công trình danh tiếng, đặc biệt là tại Milan, như nhà thờ Chánh tòa Duomo, sân bay Malpensa… Ông và cộng sự đã đến khảo sát tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn để có dữ liệu cho việc tính toán, thiết kế. Hệ thống ánh sáng do chuyên gia nổi tiếng của Ý thực hiện sẽ góp phần làm nổi bật kiến trúc đặc biệt của ngôi thánh đường có bề dày lịch sử này. Nhờ đó, khi trùng tu hoàn tất, nhà thờ Đức Bà sẽ trở thành một điểm đến thu hút du khách, đặc biệt là vào ban đêm. Đây là một bước quan trọng trong dự án bảo tồn và phát huy những giá trị tôn giáo - văn hoá của nhà thờ Đức Bà.
Về công trình trùng tu, cha Tổng Đại diện cho biết: “Tới bây giờ, sau 7 năm thi công đã đi được nửa chặng đường, nhưng phần trùng tu còn lại khá mất giờ và tốn kém. Khi bắt đầu việc tu sửa, ngôi thánh đường đã 137 năm, hai tháp chuông và tháp kẽm hư hại rất nặng, nên đã tạm dừng việc giật chuông trong 5 năm qua. Hiện tại, theo lời đề nghị của tập đoàn Monument, Ban Trùng tu đã nhập giàn chuông carillon từ Đức để giật tạm trong quá trình trùng tu. Tiếp đó sẽ nhập thêm bộ 3 chuông nhỏ để trọn bộ hợp âm. Dự kiến công trình đại trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn hoàn thành cuối năm 2027 với điều kiện đủ kinh phí. Việc trùng tu đến hiện tại, công nhân đã thi công đỉnh tháp chuông, chân tháp kẽm và gia cố mái vòm của hai tháp kẽm. Về cây đại phong cầm thì không thể phục chế. Ban Trùng tu đã đến công ty ở Đức để đặt lại. Họ đề nghị có hai cây đại phong cầm để nghe rõ. Cần đặt trước ba năm, vì đây là hàng thủ công. Công ty này hơn 125 năm tuổi, đã làm đàn cho nhà thờ Chánh toà Cologne".
(Nhóm PV)
Bình luận