Các bài đọc Phụng vụ tuần này diễn tả cho chúng ta thấy được tình trạng mù lòa của con người đối với ân sủng. Bài đọc thứ nhất, trích từ sách ngôn sứ Mikha. Ngôn sứ sống trong những thập niên đầu thế kỷ thứ 7 và cuối thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Lúc này, tình trạng dân tộc Israel đang lung lay, không còn tin vào Chúa nữa. Vì vậy, lời kêu gọi của ngôn sứ Mikha là lời khẩn cầu Chúa đừng chấp tội Dân Ngài. Đứng trước những lầm lạc của đoàn con, xin Chúa hãy cầm gậy chăn dắt đời sống du mục của người Do Thái.
Năm xưa, Chúa cho ngôn sứ Mikha nhận ra hình ảnh của người mục tử chăn chiên cầm chiếc gậy lùa chiên về, người mục tử cầm chiếc gậy giữ cho chiên đi thẳng lối, cầm chiếc gậy gõ để chiên nghe tiếng dấu hiệu mà quay về ăn. Hình ảnh vị mục tử nhân lành ấy được thánh sử Luca trình bày một cách cụ thể qua dụ ngôn người con hoang đàng. Dần dà, người ta khám phá ra câu chuyện kể về người con để làm nổi bật hình ảnh của người cha, vì theo lối suy nghĩ, một đứa con hoang đàng thì có gì để mà kể, đâu có gì để làm gương, đâu có gì để học theo, nhưng qua cuộc đời của đứa con ấy, có thể ngày nay, chúng ta thấy phảng phất hình ảnh của chính mỗi người. Trong hình ảnh đứa con tội lỗi, bừng sáng lên lòng xót thương của Thiên Chúa là cha nhân lành.
Trong rất nhiều nền văn hóa, một đứa con không bao giờ chất vấn với cha mẹ về tài sản của mình. Đối với văn hóa Á Đông, cha mẹ gầy dựng lên cơ đồ gia nghiệp là để vun vén cho người con, xây dựng cho người con, truyền lại để lại cho các con. Văn hóa Âu Mỹ lại khác, cha mẹ có bổn phận nuôi con đến khi trưởng thành, con tự đi tìm trường học, tự đi kiếm học bổng, tự thân tự lập, lúc này cha mẹ hết bổn phận. Nét đẹp của văn hóa Á Đông là có những mái gia đình nhiều thế hệ có thể sống chung được. Văn hóa Âu Mỹ độc lập hơn, nhà nào ở nhà đó, thế hệ nào sống với thế hệ đó. Dù cho trong những nền văn hóa khác biệt thì hình ảnh một đứa con trong dụ ngôn cũng diễn tả đã đến tuổi trưởng thành, vậy mà không tạo được niềm vui cho người cha của mình. Trái lại đứa con thấy gia tài khổng lồ của người cha để dành, để phân chia rồi anh thoải mái tiêu xài. Ngẫm lại cuộc đời của chính mình, có khi nào chúng ta nói với Chúa, con chỉ cần một thứ này hay con chỉ xin một điều này, rồi đủ tin tưởng phó thác mọi sự trong tay Chúa?
Đất nước Việt Nam ngày càng phát triển. Sự phát triển mang tới cho con người nhiều chọn lựa tiện lợi trong cuộc sống. Chẳng hạn như có nhiều phương dược để trẻ hóa, làm đẹp, thực phẩm chức năng. Nhưng là Kitô hữu, chúng ta cần xác tín rằng mỗi một món biệt dược chỉ có thể giúp một góc độ trong cuộc sống, còn ân sủng mới tưới tắm cuộc đời cách trọn vẹn, tràn đầy, bền vững. Tuy nhiên, không mấy khi chúng ta nhìn ra. Nếu không thấy mình như người con thứ trong câu chuyện của thánh Luca, ai cũng dễ cho tâm lý mình giống như người anh. Người anh lại có thói lối suy nghĩ vụn vặt, ganh tị. Có đôi khi, trong con người cũng nảy lên lòng ganh tị, so bì, cho dẫu tình yêu thương của Chúa vẫn tuôn đổ tràn đầy. Chúng ta có nhiều lúc mù lòa trước ân sủng, không thấy được tình thương của Chúa.
Thiên Chúa luôn luôn mời gọi con người trở về. Hãy cầu xin Chúa giúp mỗi người sáng mắt để nhận ra ân sủng trong cuộc đời mình. Dù thế, nếu trở về với Chúa mà không nhận ra Chúa ở trong cuộc đời, thì chưa vào đến nhà, có thể chỉ đứng đâu đó ở đầu con đường. Hãy sống từng ngày vẹn nghĩa với Chúa, vẹn tình với anh chị em!
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ - Chánh Văn phòng HÐGM Việt Nam
Bình luận