Hát Thánh Kinh, đọc sách và đọc kinh
Các hình thức đọc sách
Ðọc sách trong nhà thờ là một thói quen có từ lâu đời của các cộng đồng giáo dân xứ đạo. Nguồn gốc ban đầu của nó là do các giáo sĩ nước ngoài không được tự do hoạt động, vả lại, có nhiều cộng đồng, mà số lượng giáo sĩ thì ít, nên phải có người đọc lịch lễ Công giáo và đọc các thư chung của giáo sĩ gởi bổn đạo. Ngoài ra, ở nhà thờ, các giáo dân còn đọc các sách ngắm...
Về cách đọc sách, không đọc theo lối thông thường mà phải theo những cung giọng khác nhau, tùy theo loại sách nào, đọc vào mùa nào. Người đọc sách không chỉ biết đọc mà phải có giọng đọc theo những quy định của từng cung sách.
Tác giả Nguyễn Khắc Xuyên chia sách đọc và cung sách ra làm bốn: sách đọc ở một vài trường tu, sách đọc ở nhà thờ họ đạo, sách ngắm vào những dịp lễ riêng và sách ngắm mùa Chay Thánh[1].
Sách đọc trong nhà thờ như sách tháng ông thánh Giuse đọc vào tháng Ba; sách tháng Ðức Mẹ đọc vào tháng Năm; sách tháng Trái tim đọc vào tháng Sáu; sách tháng Linh hồn đọc vào tháng Mười Một. Ngoài ra còn sách chầu Mình Thánh Ðức Chúa Giêsu đọc vào buổi kinh chiều.
Sách ngắm mùa Chay khá đa dạng. Ðó là sách uần chín ngày kính ông thánh Phanxicô Xaviê; sách sửa mình; sách ngắm ngày nhất lễ lạy (tức các ngày lễ trọng và Chúa Nhật); sách giảng sự thương khó Ðức Chúa Giêsu; sách ngắm dấu đanh, sách ngắm rằng, sách ngắm 15 sự thương khó Ðức Chúa Giêsu. Mỗi sách ngắm trong mùa Chay có cung sách nghĩa là có những cách đọc riêng. Mùa Chay - mùa Thương khó, mùa Chúa Giêsu chịu nạn cực hình nên cung sách thường là sầu, thảm. Các sách ngắm mùa Chay như sách Tuần chín ngày kính ông thánh Phanxicô Xaviê, sách sửa mình, sách Giảng sự thương khó... là những sách cổ, được các giáo sĩ soạn và cho in bằng chữ Nôm vào thế kỷ XVII hoặc XVIII. Hầu hết các sách ngắm mà chúng tôi biết được đều được in bằng chữ Nôm.
Trong tác phẩm Tiến trình thánh nhạc Việt Nam qua nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, tác giả Nguyễn Khắc Xuyên đã phác họa các cung sách trên các khuôn nhạc. Vì không có tư liệu mới nên chúng tôi không trình bày thêm.
Ở đây, chỉ xin đi vào một cung sách cụ thể, đó là sách ngắm 15 sự thương khó Ðức Chúa Giêsu. Sách được soạn ra để tưởng niệm cuộc khổ nạn (mầu nhiệm thương khó) của Chúa Giêsu do Giáo sĩ Alexandre de Rhodes soạn. Trong cuốn Lịch sử vương quốc Ðàng Ngoài, Alexandre de Rhodes viết: “Chúng tôi không cử hành nghi thức kinh đêm trong Tuần Thánh vì có ít người và giáo dân tân tòng không giúp chúng tôi được việc gì vì không hiểu biết sách (Latinh). Ðể cho họ khỏi bị thiệt thòi, thì chúng tôi đã chia các Mầu nhiệm Thương khó làm mười lăm đề tài chính. Cứ sau khi đọc chung mười kinh chuỗi hạt thì ngắm một đoạn và suy nghiệm một trong mười lăm sự thương khó, sau mỗi lần như thế thì lại tắt một trong mười lăm ngọn nến sáng theo tục lệ trong Giáo hội Rôma. Trong nghi lễ, họ khóc lóc kêu gào, rên rỉ tỏ lòng mến thương những thống khổ và cái chết Chúa Cứu Thế chịu, người lân cận cũng đến nghe. Vì thế phải khuyên họ kiềm chế để làm cho lương dân không còn có phán đoán sai lầm về lòng đạo đức của họ”[2].
Ngắm 15 Mầu nhiệm Thương khó được bắt đầu vào Thứ Năm Tuần Thánh. Ngày này được tổ chức rất trọng thể. Trên trục đường chính tới nhà thờ người ta chôn cột, thắp đèn sáng cho giáo dân đến nhà thờ được thuận tiện. Bên trong nhà thờ, một chiếc bàn con đặt ngay ngắn khoảng chỗ cho giáo dân đứng rước lễ. Phía sau bàn thờ là một cây nến, trên đó có 15 ngọn nến. Trên bàn đặt một Thánh giá nhỏ được che màn, hai bên có hai cây nến. Cạnh đó là kệ sách, hai bên có hai cây nến. Sách đặt trên kệ bằng chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ.
Ðội ngắm gồm 15 người để mỗi người đảm nhận một ngắm (cũng có khi gọi là 15 quan viên). Họ được lựa chọn về thể hình, luyện giọng đọc và cách đi. Quan viên mặc áo thụng màu lam, in chữ thọ, đầu đội mũ bình đinh, cánh chuồn hoặc khăn xếp, chân dậm hài hoặc giày. Khoảng trên 10 người phục vụ cho nghi lễ ngắm. Bao gồm vài người cầm cờ và bát bửu có nhiệm vụ rước quan viên; Phường trống con gồm 4 hoặc 6 người; Một người cầm trống khẩu để ra lệnh; Hai bồi tế đứng dưới bàn thờ, một đứng bên tay phải mở sách, một ở bên tay trái cầm mõ hay trắc làm hiệu lệnh.
Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc nghi lễ tưởng niệm bắt đầu. Tiếng mõ của vị bồi tế vang lên, tiếng trống khẩu đáp lại. Vị viên chức đầu tiên được phường cầm cờ và bát bửu xếp hàng đôi rước lên bàn đọc. Cộng đoàn giáo dân trong nhà thờ đọc mười kinh Kính Mừng. Mười kinh đọc xong, bồi tế gõ mõ làm hiệu cho quan viên và hai bồi tế bái quỳ. Tiếp theo quan viên tiến đến yên sách đọc lời mở đầu và ngắm Mầu nhiệm Thương khó thứ nhất. Lời đọc ngân nga buồn rầu, ảm đạm và thống thiết: “Ngắm mười lăm sự thương khó Ðức Chúa Giêsu. Thương ôi! Con Ðức Chúa Trời ra đời chịu trăm ngàn sự thương khó cho đến chết vì tội thiên hạ. Thứ nhất thời ngắm khi Ðức Chúa Giêsu...”.
Quan viên ngắm xong Mầu nhiệm Thương khó thứ nhất, bồi tế đánh mõ lệnh, quan viên, hai bồi tế cùng bái quỳ rồi trở xuống. Phường trống cuối nhà thờ đánh vang một hồi, quan viên được rước xuống cuối nhà thờ. Cùng lúc, cộng đoàn giáo dân trong nhà thờ đọc 10 kinh Kính mừng. Ðể nghi lễ được diễn ra liên tục, quan viên ngắm Mầu nhiệm Thương khó tiếp theo thường được rước lên vào kinh Kính Mừng thứ tám và có thể đợi một chút cho giáo dân đọc xong kinh thứ 10. Sau đó bồi tế gõ mõ làm hiệu, quan viên và hai bồi tế bái quỳ, quan viên tiến đến yên sách đọc Mầu nhiệm Thương khó thứ hai.
Trong một chu trình như vậy, các Mầu nhiệm Thương khó của Ðức Chúa Giêsu tiếp tục được quan viên và những người phục vụ thể hiện cho đến hết 15 Mầu nhiệm. Nguyên tắc là hết một ngắm, sẽ tắt một ngọn nến trên cây nến, đặt sau chiếc bàn kê ở chỗ giáo dân thường ngày rước lễ.
Ở một xứ đạo, ngựời ta tổ chức thi giọng đọc, cách ngắm trong đêm ngắm 15 Mầu nhiệm Thương khó Ðức Chúa Giêsu. Người ngắm hay sẽ được thướng (thưởng), người ngắm dở sẽ bị chê: hiệu lệnh cho điểm bằng tiếng trống khẩu, điểm chê bằng cách đánh vào tang trống. Ở vài xứ đạo làm việc này thái quá, giảm vẻ tôn nghiêm nơi thánh đường, cũng như làm mất tính chất trang trọng của buổi lễ, nên đã bị chỉnh đốn.
(còn tiếp)
PGS.TS Nguyễn Hồng Dương
1 Tiến trình thánh nhạc Việt Nam qua nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh. Sđd, tr.9.
2 Alexandre de Rhodes: Lịch sử vương quốc Ðàng Ngoài. UBÐKCG thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr. 131.
Bình luận