Những câu chuyện xung quanh hang Massabielle - Lộ Đức (P11)

Bernadette tận hiến cho chúa

Cô đến Nevers, ngày 8 tháng 7 năm 1866

Bây giờ là một giờ trưa Chúa nhật, trong ngày hè. Tại tập viện của tu viện thánh Gildard ở Nevers, tất cả các cửa sổ đều mở toang. Do trời nắng như thiêu như đốt, nên khí nóng tràn vào phòng bao trùm ba trăm nữ tu đang ngồi tập trung trên các ghế dài bằng gỗ bóng loáng. Mặc áo dòng đen, đội chiếc lúp trắng, các chị cảm thấy hết sức ngột ngạt vì mùa hè quá nóng bức. Tuy nhiên, những bất tiện này không làm giảm bớt sự chú ý của các chị. Thinh lặng và tò mò, các chị chăm chú nhìn một hình dáng khác thường ở giữa hội trường. Đó là một thôn nữ nhỏ bé đứng nghiêm, có vẻ sợ hãi, vẻ mặt hồng hào dưới chiếc mũ trùm đầu màu trắng mà cư dân vùng Pyrénée thường đội. Y phục truyền thống của vùng Bigore không hề thông dụng ở Nevers, nhưng dường như các chị ở đây đã khá quen thuộc, bởi vì các chị đã thấy nhiều bức ảnh của Bernadette rất nổi tiếng trước khi cô đến tu viện.

Cô gái Lộ Đức trẻ trung bước vào nơi ở mới chiều hôm qua. Quá mỏi mệt sau cuộc hành trình bằng xe lửa bốn ngày, và dừng lại rất nhiều chặng, nên cô không thể ngủ được đêm đầu tiên, phần khác vì lạ chỗ nữa. Nhiều xáo trộn trong những ngày qua, những gì phải bỏ lại ở Lộ Đức khiến tâm trí cô rối bời : Từ biệt cha mẹ, cha sở Peyramale, hang Massabielle, cả những ngọn núi thân yêu nữa. Việc chọn lựa dâng mình cho Chúa khiến cô buồn nhiều vì xa nơi chôn nhau cắt rốn, xa tất cả những người thân yêu, xa hang đá với biết bao kỷ niệm không bao giờ phai. Trong cuộc hành trình đến Nevers, cô cũng đã có dịp ghé thăm thành phố Bordeaux tráng lệ với nhiều lâu đài uy nghi, và bể nước có nhiều loại cá màu sắc sặc sỡ : đỏ, đen, xanh, trắng đang tung tăng bơi lội; một đám đông trẻ con đang chen chúc xung quanh và say sưa ngắm nghía kiệt tác xinh đẹp này. Cuộc tụ tập đông đảo đó làm cho Bernadette nhớ lại nhiều người đã chen vai thích cánh trước hàng rào của Viện Dục Anh để được thoáng nhìn thấy cô trong sáu năm qua. Bernadette mỉm cười và có cảm tình đặc biệt với những con cá đang bị nhốt trong bể, cô tin chắc rằng chúng hạnh phúc vì không biết mình là đích ngắm của những kẻ tò mò.

Tu viện Thánh Gildard

Nhưng hôm nay, trong hội trường của tập viện, cô trở thành đích ngắm cho tất cả mọi người hiện diện. Bà Bề trên Tổng quyền yêu cầu cô kể lại cho cộng đoàn nghe những lần được thị kiến Đức Mẹ, Bernadette hiểu rằng đây là bài kiểm tra cuối cùng về việc Đức Mẹ hiện ra với cô. Cô có thể im lặng và đáng được tôn trọng, nhưng vì vâng lời nên cô quyết định kể lại toàn bộ câu chuyện, lúc đầu bằng thổ ngữ, rồi chẳng mấy chốc cô chuyển qua tiếng Pháp thông dụng. Bernadette kể chuyện giống như cái máy, không phải vì những lần gặp gỡ với Bà Đẹp ở hang Massabielle không còn tác động đến cô. Chỉ cần nhìn cách cô làm dấu Thánh Giá mà Đức Trinh Nữ dạy cho, thì sẽ hiểu ngay là những lần Đức Trinh Nữ hiện ra vẫn còn ảnh hưởng nơi cô và đã mang lại cho cô ích lợi thiêng liêng to tát biết chừng nào. Nhưng hôm nay vì quá mệt, quá buồn, quá bận rộn để làm quen với nơi ở mới vẫn thoảng mùi sáp và mang vẻ khắc khổ của một tu viện, nên cô kể chuyện không được hấp dẫn lắm.

Khi kể đến phần phát sinh suối nước kỳ diệu, cô nhắc lại thứ nước có màu đen đen mà cô phải lấy hết can đảm để uống, thì một giọng nói khô khan vang lên trong hội trường của tập viện, giọng của Mẹ Bề trên :

- Này các chị, qua việc đó các chị có thể thấy Bernadette ít hãm mình quá phải không ?

- Bernadette, chị không biết hãm mình gì cả ! Chị phụ trách thỉnh sinh lặp lại như một tiếng vang...

- Nước đó rất dơ bẩn, thưa Mẹ !

Bernadette trả lời từ tốn nhưng tâm hồn cô bất an.

Cô vừa chịu đựng một trong những lời quở trách của các Bề trên, thời bấy giờ có thói quen làm giảm sự kiêu căng của các nữ tu trẻ. Đây chỉ là lần đầu tiên chứ không phải là lần cuối cùng đối với Bernadette đâu. Nền sư phạm của tu viện ở thế kỷ thứ 19 là khiêm tốn và kỷ luật.

Do đó, dù có cảm tình với cô gái thật thà và mảnh mai, các Bề trên vẫn quyết định không bao dung đối với cô, vì ích lợi cho phần rỗi của cô.

Cuối câu chuyện là lúc Bernadette phải bỏ đi y phục Lộ Đức mà tu viện để cho cô mặc cho tới khi kể chuyện xong. Cô vừa cởi bỏ chiếc mũ trùm đầu quá nóng mà phụ nữ vùng Pyrénées thường đội. Cô xúc động khi đội chiếc mũ vải đã được ủi và xếp cẩn thận, là dấu hiệu phân biệt các thỉnh sinh của Nevers. Bên ngoài chiếc áo dài của vùng Bigore, cô mặc đồng phục của tu viện. Cuối cùng cô nhập vào đám đông các nữ tu trẻ mà cô chưa hề quen biết. Ngay cả khi tin về việc cô đến tu viện đã được báo trước trong thành phố, những người tò mò cũng rất khó gặp cô. Với dáng nhỏ bé của cô có thể giúp người khác nhận ra, nếu họ được báo cho biết, nhưng khó ai có thể nghĩ rằng người được Đức Mẹ ưu ái lại nhỏ bé như vậy. Sau này, một trong các nữ tu từng thốt lên khi người ta chỉ Bernadette cho chị :

- Cô ấy đó sao ?

- Không, thưa chị, không phải cô ấy đâu ạ ! Bernadette trả lời hóm hỉnh.

May mắn thay, cô không đến Nevers một mình, mà còn có một cô bạn Lộ Đức : Léontine Mouret, vào nhà tập ở Nevers; và Marie Larorès, một cô gái ở Bagnères. Các cô cùng khóc vì buồn và nhớ nhà, nhưng dưới cái nhìn của các nữ tu lớn tuổi, thì đó là dấu chỉ các cô có ơn gọi...

Các cô gái đang đi dạo trong khu vườn với đôi mắt nhòa lệ, bỗng Bernadette dừng lại đột ngột và kêu lên một tiếng nhỏ vì kinh ngạc. Trước mặt cô có một tượng Đức Mẹ rực sáng dưới ánh mặt trời mùa hè, gương mặt mỉm cười, hai tay giang ra như đang đón chào cô. Bernadette ngắm bức tượng thật lâu, và có một tâm tình giống như tâm tình ngày xưa, một tâm tình tràn ngập yêu thương.

Sau cùng thì cũng có một mối liên hệ thật tuyệt vời giữa Lộ Đức và Nevers.

Bà có phúc lạ...

Lm INHAXIÔ HỒ VĂN XUÂN

tin liên quan

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Vòng tay Mân Côi “trang sức” đặc biệt của tôi
Vòng tay Mân Côi “trang sức” đặc biệt của tôi
Năm tôi học lớp 10, một biến cố lớp đã xảy ra với cuộc đời tôi. Trong khi các bạn trong nhóm đều đậu vào trường chuyên như nguyện vọng, tôi lại rớt. Tôi nghĩ rằng chắc sẽ không có cú sốc nào có thể lớn bằng cú sốc “gà...
Nhân vật truyền cảm hứng, họ là ai?
Nhân vật truyền cảm hứng, họ là ai?
Nếu quan tâm tới các hoạt động xã hội, hẳn bạn không thể không biết giáo sư - tiến sĩ Lê Ngọc Thạch vừa được nhận bằng khen của UBND Thành phố Hồ Chí Minh vì “nghĩa cử cao đẹp, tạo sự lan tỏa đóng góp giúp nhân dân vùng...
Những tia nắng cuối
Những tia nắng cuối
Có người ví đời người như một ngày. Buổi sáng như tuổi thiếu niên đầy nắng ấm áp, rực rỡ bầu trời phía đông. Buổi trưa như thanh niên đầy lý tưởng, hoài bão nung cháy khát vọng vươn lên sự thành công.
Vòng tay Mân Côi “trang sức” đặc biệt của tôi
Vòng tay Mân Côi “trang sức” đặc biệt của tôi
Năm tôi học lớp 10, một biến cố lớp đã xảy ra với cuộc đời tôi. Trong khi các bạn trong nhóm đều đậu vào trường chuyên như nguyện vọng, tôi lại rớt. Tôi nghĩ rằng chắc sẽ không có cú sốc nào có thể lớn bằng cú sốc “gà...
Nhân vật truyền cảm hứng, họ là ai?
Nhân vật truyền cảm hứng, họ là ai?
Nếu quan tâm tới các hoạt động xã hội, hẳn bạn không thể không biết giáo sư - tiến sĩ Lê Ngọc Thạch vừa được nhận bằng khen của UBND Thành phố Hồ Chí Minh vì “nghĩa cử cao đẹp, tạo sự lan tỏa đóng góp giúp nhân dân vùng...
Những tia nắng cuối
Những tia nắng cuối
Có người ví đời người như một ngày. Buổi sáng như tuổi thiếu niên đầy nắng ấm áp, rực rỡ bầu trời phía đông. Buổi trưa như thanh niên đầy lý tưởng, hoài bão nung cháy khát vọng vươn lên sự thành công.
Nghĩ về ngày của người cao niên
Nghĩ về ngày của người cao niên
Nhiều năm nay, Nhật Bản đã chọn ngày thứ Hai của tuần thứ ba trong tháng 9 hằng năm làm Ngày Kính lão.
Sách xưa đã nói đến một năm Thìn bão lụt 1844
Sách xưa đã nói đến một năm Thìn bão lụt 1844
Nhiều người trung niên tâm sự rằng hồi nhỏ thường nghe các cụ đời trước gợi lại chuyện xưa bằng câu “từ hồi năm Thìn bão lụt”, “chuyện hồi năm Thìn bão lụt tới giờ…”. Về sau, nhờ Internet, người ta có dịp tìm hiểu nguồn gốc câu “năm Thìn...
Chữ tình khi hữu sự
Chữ tình khi hữu sự
Cuộc sống tất bật bon chen vì miếng cơm manh áo, lợi danh, cứ ngỡ chữ tình có khi vơi cạn. Nhưng để ý, nhìn sâu vào đời thường, hãy còn đó nghĩa cử chân tình mỗi khi hữu sự. 
Qua âm nhạc, cùng loan báo Tin Mừng
Qua âm nhạc, cùng loan báo Tin Mừng
Ðược khởi động từ ngày 19.5.2024, trải qua thời gian gần 4 tháng với các vòng thi, chương trình “Tiếng hát giáo đường” mùa giải III đã khép lại trong bầu khí ấm áp, sôi động. Lễ trao giải vừa diễn ra tối ngày 8.9 tại giáo xứ Thánh Tống...
Trìu mến những dòng thơ cha viết cho con
Trìu mến những dòng thơ cha viết cho con
Một tập thơ thiếu nhi xinh xắn của nhà thơ Lê Minh Quốc với tựa “Viết trên lá mới” vừa ra mắt, gợi nhiều xúc cảm cho độc giả yêu thơ, nhất là những người cha có con nhỏ.
Làm việc thiện
Làm việc thiện
Trước đây, lúc đang dịch Covid-19, mình đọc thư kêu gọi của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGMVN. Lá thư Thương quá Sài Gòn ơi! rất cảm động. Và mình nghĩ đến tư tưởng này của John Wesley: