Nguồn gốc Vương Cung Thánh Đường phía trên
Ngày 13 tháng 12 năm 1867
Trong cơn gió bấc lạnh lẽo của mùa đông đang thổi dọc thung lũng sông Gave, công việc xây dựng trở nên vô cùng vất vả, người công nhân phải xúc từng thùng cát lớn đổ đầy chiếc xe cút-kít, rồi dùng đôi tay rắn chắc đẩy chiếc xe ra khỏi con đường lầy lội ở công trường, và phải đi qua một con dốc hiểm trở mới có thể lên tới mặt sàn bằng phẳng ở phía trên hang Massabielle. Trên mái của nhà thờ hầm được khánh thành hai năm trước đó, móng của nhà thờ phía trên đã hoàn tất. Khoảng cách không quá một trăm mét nhưng đẩy một xe nặng chở đầy cát lên tới đỉnh dốc không phải là một việc dễ dàng, trái lại là một công việc đòi hỏi sức khỏe dẻo dai và một nỗ lực phi thường. Người công nhân không được phép dừng lại, vì làm như thế sẽ rất nguy hiểm do có nguy cơ tuột dốc và chắc chắn tai nạn sẽ xảy ra.
Chiếc xe cút-kít đảo qua đảo lại như người say rượu, lúc nào cũng muốn vuột khỏi tay người điều khiển, và nằm ì ra ở một trong những đường rãnh sâu do các xe bò chở đá xây dựng cày nát. Tuy nhiên, ông François không hề nao núng. Chính ý chí quật cường, tính cương trực và niềm kiêu hãnh của một người chủ nhà máy xay bột bị phá sản giúp ông điều khiển được chiếc xe nặng nề vượt qua con dốc hẹp và hiểm trở, chứ không phải thể chất của ông.
Khi đẩy chiếc xe lên tới mặt sàn bằng phẳng ở phía trên, ông đổ mồ hôi như tắm, dù trời lạnh buốt xương. Ông hổn hển, tim đập nhanh như đánh trống liên hồi trong lồng ngực. Nhưng ông không có giờ để lấy hơi vì phải vội vã trút cát ra khỏi xe và lại trở xuống đất để chuyển cho hết đống cát trước khi mặt trời lặn, theo lệnh của viên chỉ huy công trường.
Khi xuống tới mặt đất, ông thấy có một nhóm nhỏ hai hoặc ba tu sĩ, trong đó ông nhận ra cha Sempé, người quản lý Đền Thánh, Đức Cha Laurence, viên chỉ huy công trường và một “người lạ” hai tay cầm nhiều cuộn giấy. Khi nhìn thấy ông, viên chỉ huy công trường liền chỉ tay về phía ông và nói vài lời ngắn ngọn, rồi trở lại công việc của mình. “Họ còn muốn mình làm gì nữa đây?”, ông Franois lẩm bẩm trong miệng. Từ lâu ông đã quen với những cái nhìn tò mò tọc mạch rồi.
Khi đến gặp nhóm nhỏ đó, ông thấy họ đang mỉm cười với ông và hình như chờ đợi điều gì đó. Ông buông chiếc xe cút-kít trống rỗng xuống, đứng thẳng lên và kín đáo xoa xoa chiếc lưng còng đang đau buốt. Cha Sempé đến gần, nhẹ nhàng nắm lấy tay ông giới thiệu với người đang cầm các cuộn giấy :
- Ông François, đây là ông Hippolyte Durand, kiến trúc sư thiết kế nhà thờ anh đang xây dựng. Ông Durand, đây là ông François Soubirous, bố của Bernadette của chúng ta đấy.
Cha mẹ Bernadette - ông François và và Louise |
Trong thâm tâm, ông François rất dị ứng với câu “nhà thờ mà anh đang xây dựng”, vì ông chỉ là một người thợ công nhật, lãnh mỗi ngày được 1,5 đồng quan, công đẩy xe cút-kít chở cát chứ không có chuyện xây dựng nhà thờ đâu. Tuy nhiên, ông rất quý mến cha quản lý Đền Thánh, vì ông hiểu rằng ngài thuê ông vì muốn giúp đỡ ông đang thất nghiệp. Do đó, ông dễ dàng bỏ qua lời nói có vẻ quá đáng của ngài.
Cha Sempé nói tiếp:
- Ông Durand biết rất rõ đời sống của ông cũng như của gia đình ông. Chúng tôi cũng hiểu rằng ông thấy nhà thờ quá lớn so với “nhà nguyện đơn sơ” mà Đức Trinh Nữ yêu cầu. Chúng tôi nghĩ rằng mình nên trình bày cho ông biết dự định của chúng tôi thì tốt hơn. Vậy ông cùng với viên chỉ huy công trường có thể dành chút thời giờ để nghe ông kiến trúc sư không ? Việc đó có thể làm cho lưng của anh bớt đau đấy!, vị linh mục tốt lành nói hóm hỉnh.
- Tại sao không ?, ông François suy nghĩ, được nghỉ ngơi một chút càng tốt chứ sao. Những người đó tin chắc là mình làm tốt, và có lẽ họ có lý !
- Ông Durand, tôi nghe ông đây.
- Ông Soubirous, đúng là chúng tôi đang xây một nhà thờ, một nhà thờ đặc biệt dâng kính Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, là Đấng đã hiện ra 18 lần với con gái của ông. Nhà thờ hầm được xây dựng cách đây ít lâu chỉ là bước khởi đầu của dự án. Ông hãy nhìn xem sự phấn khởi tột độ do sự kiện Đức Mẹ hiện ra khiến hàng trăm, hàng ngàn người đã đến đây, và hàng triệu người khác sẽ tiếp tục đến đây trong những thế kỷ tới. Đức cha Laurence có lý, ngài phải tiếp đón họ thật chu đáo và phải thấy trước từ bây giờ là đoàn người hành hương khổng lồ sẽ đến kính viếng Đức Mẹ. Đó là dự án của tôi.
Sau khi nói xong, kiến trúc sư lấy ra từ một trong các ống tròn bản vẽ mặt tiền nhà thờ hẹp và cao, với tháp chuông và tháp nhọn cao vút và độc đáo :
- Toàn thể khối nhà cao gần 100 mét so với sông Gave, nhưng nếu tính từ cửa chính của nhà thờ thì chỉ cao chừng 70 mét. Gian giữa và Cung Thánh dài 51 mét, chỗ rộng nhất là 21 mét. Chiều cao trong lòng nhà thờ, từ mặt sàn cho tới mái vòm là 19 mét. Ông thấy đấy, kích thước như tôi vừa cho biết đâu phải là kích thước của nhà thờ Chánh tòa đâu. Đó là nói về các con số. Nhưng đó không phải là phần chính yếu. Tôi tin chắc điều làm Đức Trinh Nữ hài lòng là những biểu tượng mà nhà thờ này mang đến cho khách hành hương đang đi tìm các dấu chỉ hữu hình : Cung Thánh được bố trí thẳng đứng với nơi Đức Mẹ hiện ra, vì hang đá nằm ngay phía dưới. Điều đó sẽ làm gia tăng lòng sùng kính đối với Đức Trinh Nữ khi khách hành hương biết chính Người đã đứng tại chỗ đó, ngay phía dưới, và Người vẫn luôn đứng đó, ngay cả khi ta không thấy người. Xung quanh gian giữa, chúng tôi xây thêm các nhà nguyện nhỏ, có lẽ sẽ phù hợp với suy nghĩ của ông, mỗi nhà nguyện sẽ có một bàn thờ để các linh mục có thể dâng lễ cho khách hành hương thuộc nhiều quốc gia khác nhau. Điều đó đáp ứng mong muốn của Đức Mẹ là xây một nhà thờ để nhiều người có thể đến đó...
Lòng nhiệt thành của kiến trúc sư Durand lây lan rất nhanh ! Ông François cũng rất tâm đắc về dự án này, và ông hiểu rằng nhà thờ này không thể không xây. Vì thế, ông thấy mình rất may mắn, khi được nghe kiến trúc sư Durand, một người rất say mê dự án độc đáo này, kể cho ông nghe khá tỉ mỉ về việc xây dựng Vương Cung Thánh Đường phía trên. Tự đáy lòng, ông biết rằng mối liên hệ mật thiết giữa con gái ông và Đức Mẹ từ nay về sau không còn dành riêng cho Bernadette nữa, mà mở ra cho toàn thể nhân loại.
Kính Mừng Maria...
Lm INHAXIÔ HỒ VĂN XUÂN
Bình luận