Bệnh viện Mẹ Sầu Bi Chân dung sơ Maria Saint-Frai
Ngày 6 tháng 4 năm 1874
Ánh mặt trời tràn ngập bệnh xá của tu viện Thánh Gildard ở Nevers. Trong lúc tạm ngưng việc phục vụ bệnh nhân, bóng dáng mảnh dẻ của người y tá đi đến gần cửa sổ và mơ về quê hương yêu dấu của mình : Lộ Đức... Thôi, không nghĩ đến nơi đó nữa. Nữ tu Maria Bertrand (Bernadette) hiểu rằng chị không bao giờ còn thấy Bigorre, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Theo lời thú nhận riêng tư của chị thì chị đã tha thiết ước mong được một lần trở về hang Massabielle. Phải chi chị trở thành chim để bay lượn xung quanh hang đá thân yêu. Vì biết rằng ước mơ đó không bao giờ trở thành hiện thực, nên chị ra sức phục vụ mọi người, nhất là các sơ đau yếu trong tu viện cách thành phố Lộ Đức hàng ngàn cây số, nơi vì quá nổi tiếng mà chị không thể sống thoải mái được.
Bệnh viện Mẹ Sầu Bi |
Bernadette nghĩ đến những hồi chuông vui tươi ngân vang mừng Chúa Phục Sinh làm rung chuyển bầu trời ở Pyrénée, vào ngày thứ hai này, trong tuần bát nhật Phục Sinh 1874, và chị nở nụ cười trên môi khi đang đi đi lại lại giữa các giường bệnh. Đây là Mẹ Anna Maria Lescure, bị mù và già yếu đến nỗi không còn nhớ mình bao nhiêu tuổi. Mẹ mặc đồng phục của bệnh viện, một vết thương kinh khủng đang làm cho Mẹ chết từ từ. Bernadette là người duy nhất có thể nâng đỡ Mẹ trong lúc thập tử nhất sinh. Đôi bàn tay nhỏ nhắn, dịu dàng, thành thạo, nhẹ nhàng thay băng. Trong nháy mắt, vết thương đã được rửa sạch và thay băng mới. Bernadette không ngừng mỉm cười và nói với mẹ Anna Maria bằng một giọng ngập tràn yêu thương như nói chuyện với bà cố ngoại yêu quý của mình. Chị hết lòng kính yêu người nữ tu già yếu đang đau đớn tột cùng, vì thế cần phải chăm sóc Mẹ như chính Thiên Chúa nhân từ đích thân chăm sóc Mẹ vậy, Bernadette tâm sự với các bạn của mình.
Cùng lúc ấy, tại thành phố Lộ Đức xa xôi mà chị vẫn cố gắng tránh nhớ đến, có một nữ tu khác cũng nghĩ đến Maria Bertrand, đó là sơ Maria Saint-Frai, đã trở nên Mẹ Maria Thánh Gioan Tẩy Giả (Marie de Saint Jean Baptiste), người đã thành lập Hội Dòng Nữ Tử Đức Mẹ Sầu Bi năm 1860, tận hiến cuộc đời để chăm sóc bệnh nhân, người nghèo và người già. Viện tế bần do Mẹ thành lập ở Tarbes, ngay trong chính ngôi nhà riêng của gia đình, là nơi tiếp đón tất cả những người đau khổ. Lòng tận tụy của Bernadette ở tu viện Thánh Gildard, sự bình tĩnh của chị trước những căn bệnh nghiêm trọng nhất, và sự nhạy bén, là những phẩm chất tốt đẹp mà các nữ tử của Hội Dòng Đức Mẹ Sầu Bi phải có và đang cần thêm những nhân sự.
Nữ tu Maria Saint-Frai |
Vào ngày thứ hai này của Tuần Bát Nhật lễ Phục Sinh năm 1874, Đức Giám mục giáo phận Tarbes và Lourdes, gương mặt tươi cười, đứng đối diện với sơ Maria Saint-Frai và các sơ khác. Giữa họ có một tảng đá lớn, tượng trưng cho niềm vui mà cha Ribes muốn chia sẻ với Hội Dòng. Ngài là bạn thân và là cha linh hướng của Mẹ Maria Thánh Gioan Tẩy Giả, và ngài đang hiện diện tại buổi lễ.
Hôm đó, Đức cha Langérieux làm phép viên đá đầu tiên để xây dựng một công trình khổng lồ, đó là bệnh viện Đức Mẹ Sầu Bi, dự kiến tiếp hàng trăm bệnh nhân cùng lúc. Quả thật, vì những cuộc hành hương đã cho Lộ Đức chứng kiến vô vàn cảnh khốn khổ của người hành hương, các nữ tu của Hội Dòng Đức Mẹ Sầu Bi thiết lập các chi nhánh trong thành phố, trong một kho chứa ngũ cốc, rồi trong một ngôi nhà gỗ ở miền quê, nhưng những mặt bằng tạm bợ này làm sao đáp ứng được nhu cầu khổng lồ của biết bao bệnh nhân tuôn đến hang Massabielle ở Lộ Đức !
Qua việc làm phép viên đá đầu tiên của Đức Giám mục giáo phận, giấc mơ của Mẹ Maria Thánh Gioan Tẩy Giả sắp trở thành hiện thực. Lúc đó, Mẹ xúc động khi nghĩ đến Bernadette. Như tất cả mọi người ở đây, Mẹ biết tường tận về cuộc đời của Bernadette trong 18 lần Đức Mẹ hiện ra ở hang Massabielle. Và cũng như tất cả mọi người, hiện Mẹ biết rất ít về cuộc sống của Bernadette ở tu viện Thánh Gildard ở Nevers, nhưng Mẹ tin chắc rằng dù sức khỏe yếu kém, Bernadette luôn tận tâm phục vụ chăm sóc bệnh nhân. Sơ Maria Saint-Frai cảm thấy rất gần với sơ y tá ở Nevers, ít nhất là trong suy nghĩ.
Bốn năm sau, vào năm 1878, một bệnh viện lớn như chui ra từ lòng đất. Vào mùa hè năm đó, nhân cuộc hành hương cấp quốc gia tại Lộ Đức, bệnh viện đã tiếp nhận 300 bệnh nhân. Không đủ chỗ vì đang hoàn thiện một số hạng mục còn dở dang, ban Giám đốc phải cho người hành hương ngủ cả trong nhà nguyện. Những bức tường cao của bệnh viện và ô cửa kính màu hình hoa hồng của nhà nguyện theo kiểu Rôma, từ nay về sau tô điểm thêm cho phong cảnh hữu tình ở Lộ Đức.
Sơ Maria Saint-Frai về với Chúa ngày 9 tháng 4 năm 1894, hai mươi năm sau nghi thức long trọng làm phép viên đá đầu tiên xây dựng bệnh viện. Nhưng các nữ tử của Hội Dòng Đức Mẹ Sầu Bi vẫn tiếp tục công việc của Đấng Sáng Lập. Năm này qua năm khác, các chị phó thác bệnh nhân cho Đức Mẹ Sầu Bi là Đấng đã chữa nhiều đau khổ, đã đứng dưới chân thập giá, đã ngắm Chúa Giêsu chết trên đầu gối của mình. Từ năm 1878, có biết bao khách hành hương, trước khi đi đến kính viếng Đức Mẹ tại hang Massabielle, thường cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ Sầu Bi Pieta đặt trong bệnh viện.
Sơ Maria Saint-Frai vốn có một con tim biết rung động trước đau khổ và lúc nào cũng tràn hy vọng, có thể hiểu tất cả mọi nỗi thống khổ, đón nhận tất cả mọi nghi ngờ, an ủi tất cả những ai đang tuyệt vọng... Bệnh viện Đức Mẹ Sầu Bi chẳng mấy chốc đã rất nổi tiếng ở Pháp, vì là nơi giúp cho những ai đang gặp buồn phiền và đau khổ tìm lại được niềm hy vọng để vui sống.
Theo dòng thời gian, nhờ sự đóng góp của những bệnh nhân được khỏi bệnh bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Mẹ, bệnh viện đã được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu mỗi ngày một gia tăng. Hiện nay bệnh viện có thể tiếp nhận cùng lúc 700 bệnh nhân. Nhưng đến năm 1997, có một sự thật không thể chối cãi là cấu trúc cũ kỹ của bệnh viện 120 tuổi không còn đúng quy chuẩn xây dựng và không còn an toàn nữa. Có cần phải đóng cửa cơ sở rất nổi tiếng dưới tên Nhà Khách Maria Saint-Frai, nhằm tôn vinh người sáng lập nên bệnh viện không ? Đó không phải là vấn đề, vì một nghi thức được cử hành nhắc nhớ nghi thức cử hành năm 1874 : Đức cha Sahuquet làm phép viên đá đầu tiên cho bệnh viện khác trong tương lai. Được làm mới hoàn toàn, từ năm 1998 bệnh viện tiếp đón 400 bệnh nhân. Họ được hưởng những trang thiết bị tối tân nhất dành cho những người khuyết tật. Các nữ tử luôn luôn tiếp đón nồng nhiệt, luôn luôn quan tâm giúp đỡ và lúc nào cũng sẵn sàng hỗ trợ tất cả những ai cần đến bệnh viện của lòng thương xót. Từ khi kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, ngọn đuốc của lòng hiếu khách và di sản của sự dịu dàng của Bernadette vẫn còn mãi mãi.
Kính mừng Maria...
Lm INHAXIÔ HỒ VĂN XUÂN
Bình luận