NHỮNG CUỘC ÐỜIHOÀN TOÀN TẬN HIẾN
Ðại Hội Thánh Thể năm 1981
Ngày 16 tháng 7 năm 1980
Lần này là phải thực hiện thôi ! Cha Marcel Mingam vừa kết thúc buổi họp về việc tổ chức đại hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 42 mà ngài là Tổng Thư Ký. Biến cố mà ngài chuẩn bị cùng với ê-kíp của mình sẽ diễn ra trong một tuần lễ, từ ngày 16 đến ngày 23 tháng 7 năm 1981, trong một thành phố mà ngài đặc biệt yêu mến: Lộ Ðức ! Ngài thường đến đây với đoàn hành hương của quân đội Pháp, với tư cách là Tổng Ðại Diện của các linh mục Tuyên úy quân đội. Ðã hai lần, vào các năm 1899 và 1914, Lộ Ðức đăng cai tổ chức đại hội Thánh Thể Pháp và hàng trăm ngàn người đã tham dự từ nhiều quốc gia trên thế giới; nhưng lần này là kỷ niệm 100 năm đại hội Thánh Thể đầu tiên được tổ chức ở Lille vào năm 1891, dưới sự thúc đẩy của Tourangelle Émilie Tamisier.
“Một trăm năm…”, cha Mingam mơ màng. Trong vòng 100 năm qua, thế giới đã thay đổi quá nhiều ! Vào thời điểm đó, ban tổ chức thấy cần phải biểu lộ một cách trọng thể và có tính phô trương niềm tin vào sự hiện diện của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể. Phải đương đầu với xã hội ở Pháp, nơi một số người đã tỏ ra thù địch với Giáo Hội và các tín điều của Giáo Hội. Những người thuộc Công Xã Paris đã quyết định tịch thu tất cả tài sản của Giáo Hội vào năm 1871 và bắt bớ các linh mục; và sau này, Jules Ferry, một người Cộng Hòa đã thành lập “Các trường học không có Thiên Chúa”. Ðối với các nữ tu ở Tours, những người chầu Mình Thánh Chúa liên tục 24 giờ, mới được tái lập vào năm 1856, câu trả lời hệ tại chính Chúa Kitô, hiện diện trong Thánh Thể của Người.
Ngày nay, trong khi hàng ngàn người trẻ đang chờ đợi, thì tình trạng chống hàng giáo sĩ không còn nữa. Cha Mingam và ê-kíp của ngài nghĩ ra chủ đề của đại hội : Chúa Giêsu Kitô, tấm bánh được bẻ ra cho một thế giới mới. Thay vì phô trương niềm tin vào bí tích Mình Máu Thánh Chúa, cần cố gắng tìm hiểu tường tận ý nghĩa và những hiệu quả của bí tích Thánh Thể mỗi ngày trên thế giới. Không phải Tấm Bánh này của Thiên Chúa được dâng hiến để cứu độ muôn người, để biến đổi sâu sắc hành động và đời sống của người Kitô hữu, để họ trở nên những chứng nhân Tin Mừng trên thế giới đó sao ? Hội thảo, trao đổi, gặp gỡ, canh thức, hòa nhạc…, và trên hết là thánh lễ, thỉnh thoảng được tổ chức với sự tham dự của hơn một trăm ngàn người, nói nhiều thứ tiếng khác nhau, và vài lần đến từ nhiều Giáo Hội khác nhau : tất cả phải tiên liệu trước. Cha Mingam vội vã chuẩn bị đại hội với một ưu tiên đặc biệt là tỏ lòng kính trọng đối với cuộc thăm viếng của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngày ấn định đến từ từ…
Ngày 12 tháng 5 năm 1981, vào cuối buổi sáng, cha Mingam nhận được tin trong văn phòng của ngài ở Ðền Thánh Ðức Mẹ quyết định cuối cùng của Tòa Thánh về chương trình của đại hội : ngài thở phào nhẹ nhõm, tất cả mọi việc đều tốt đẹp.
Hôm sau, ngày 13, có một cuộc triều yết chung tại quảng trường Thánh Phêrô, ở Rôma, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đứng trong chiếc xe mui trắng, đến chào các khách hành hương thì một tên khủng bố tên Ali Agça, xuất hiện từ đám đông. Hai phát súng lục nổ vang. Ðức Giáo Hoàng ngã ngục trong đôi cánh tay viên thư ký của ngài. Một viên đạn xuyên qua bụng dưới của ngài, xé nát ruột của ngài. Trong chiếc xe cấp cứu khởi động thật nhanh, viên thư ký nghe Ðức Giáo Hoàng thì thầm cầu nguyện: Giêsu, Maria, Mẹ của con.
Việc đưa ngài ra khỏi xe cấp cứu giống như đưa xác ngài xuống khỏi cây thánh giá. Vừa đến bệnh viện, các bác sĩ nghĩ rằng ngài đã chết. Vì thế ngài lãnh nhận bí tích Xức Dầu. Truyền máu lần đầu thất bại; lần thứ hai chính các bác sĩ cho ngài máu. Cuối cùng, sau hơn 5 giờ giải phẫu, Ðức Giáo Hoàng được cứu sống. Trong khi dưỡng bệnh, ngài tự hỏi rất lâu về việc mưu sát mà ngài đã sống sót. Ngày khiến ngài chú ý : ngày 13 tháng 5, là ngày đầu tiên Ðức Mẹ hiện ra ở Fatima !
Sau này, khi Ðức Giáo Hoàng đến thăm kẻ đã ám sát ngài, anh này không nói “xin ngài tha cho tôi”, nhưng anh ta ngạc nhiên hỏi : “Tại sao ngài lại không chết ? Tôi tin chắc rằng tôi đã ngắm trúng đích ; viên đạn chắc chắn phải giết ngài”. Ali Agça không sợ khi giết một Ðức Giáo Hoàng; nhưng hiện nay anh ta sợ người đã cản trở anh ta thực hiện việc đó. “Có một bàn tay đã bắn và có một bàn tay khác đã hướng dẫn đường đi của viên đạn”, Ðức Thánh Cha xác nhận, ngài xác tín rằng ngày hôm đó Ðức Mẹ đã bảo vệ ngài.
Lộ Ðức, ngày 22 tháng 7 năm 1981, lễ cầu cho các bệnh nhân vừa được cử hành trong Vương Cung Thánh Ðường Thánh Piô X, cha Mingam nghe vang lên một giọng truyền đi từ đài phát thanh : |…Thiên Chúa đã cho phép chính cha cảm nghiệm trong thân xác sự đau khổ và yếu đuối. Cha cảm thấy gần gũi anh chị em biết bao. Cha hiểu rõ hơn thử thách cha gặp. Cha hoàn thành trong thân xác cha điều còn thiếu trong cuộc Thương Khó của Ðức Kitô, vì lợi ích của nhiệm thể Ngài là Giáo Hội. Cha mời gọi chúng con cùng với cha dâng mọi thử thách chúng con gặp lên cho Thiên Chúa là Ðấng đã thực hiện biết bao việc lạ lùng nhờ thập giá; dâng để xin cho toàn thể Giáo Hội biết, nhờ Thánh Thể, canh tân đời sống đức tin và đức ái, để thế giới biết cần thiết phải tha thứ, phải có hoà bình và phải yêu thương nhau. Giọng nói này là của Ðức Giáo Hoàng !”. Từ trên giường của ngài ở bệnh viện, ngài vừa trao ban chứng từ đẹp nhất : tự hiến, kết hợp với của lễ của Ðức Kitô trên thập giá. Ðó không phải là của lễ tự hiến đẹp nhất đó sao ?
Cha Mingam cùng đã tận hiến hoàn toàn, không hề tính toán. Ðức Thánh Cha sẽ đến Lộ Ðức 2 năm sau, nhưng cha không còn có dịp gặp ngài nữa, vì ngày 30 tháng 10 năm 1982, ngài trở về nhà Cha trên trời sau một cơn nhồi máu cơ tim, ngài chết vì đã mang gánh nặng của đại hội, như người tôn vinh ngài đã nói.
Kính mừng Maria…
Lm INHAXIÔ HỒ VĂN XUÂN
Bình luận