Nhà điêu khắc tạc tượngĐức Trinh Nữ Maria
Ngày 4 tháng 4 năm 1864
Duỗi đôi chân tê dại do cuộc hành trình quá dài, nhà điêu khắc Joseph Fabisch bước ra khỏi chiếc xe ngựa và quan sát một cách soi mói thành phố Lộ Đức nhỏ bé, đang được ánh mặt trời ấm áp của tháng chín mơn trớn. Mặc dầu có những lâu đài được xây dựng từ thời Trung cổ chồm lên thành phố, nhưng cảnh sắc nơi đây không có được nét duyên dáng như trong những bức tranh vẽ phong cảnh miền đồng quê vào thời Phục Hưng ở bên Ý. Núi non trong vùng cũng không hùng vĩ bằng dãy núi Alpes... Tóm lại, ông - một người vốn quen nhìn tất cả mọi việc dưới con mắt nghệ thuật - không được thiện cảm lắm với thành phố khiêm tốn này.
Một giọng nói dễ thương vang lên cắt đứt việc quan sát. Dominiquette Cazenave, chị của ông Trưởng ty bưu điện vui vẻ tiến lại gần người đàn ông xa lạ mà bà chưa thấy bao giờ.
- Chào ông, ông đi đâu vậy ? Tôi có thể giúp gì cho ông ?
- Tôi là Joseph Fabisch, điêu khắc gia, thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học - Văn chương và Nghệ thuật Lyon. Cha sở đang chờ tôi. Vậy nếu có thể được, bà vui lòng chỉ cho tôi đường đi đến nhà xứ.
- Ồ ! Ông sắp tạc tượng Đức Trinh Nữ Maria cho hang Massabielle phải không ?
- Vâng, chính tôi đây.
- Tạc tượng Đức Mẹ ? Đây là một thách đố lớn đấy ! Nhưng đừng lo, ông sẽ được Bernadette chỉ dẫn tận tình, cô ấy là một người bạn tri kỷ của tôi. Nếu không có gì bất tiện, ông có thể cho tôi biết tạc tượng Đức Mẹ tốn bao nhiêu tiền không ?
- Thưa bà, không có gì bất tiện đâu, tôi sẽ nói cho bà biết ngay. Các bà trong gia đình Lacour, những mạnh thường quân danh dự của tôi tại Lyon, đã trả cho tôi 7.000 đồng quan vàng, không kể phí tổn chuyên chở.
Khi nghe vậy, Dominiquette Cazenave ngạc nhiên, tròn xoe đôi mắt.
- Cần phải nói là tôi sẽ dùng đá cẩm thạch carrare để tạc tượng Đức Mẹ, vì tôi tin chắc rằng chỉ có loại đá cẩm thạch đó mới có thể diễn tả chính xác và hoàn hảo Đức Trinh Nữ Maria, nhà điêu khắc nói thêm.
Tượng Đức Mẹ của nhà điêu khắc Joéph Fabisch |
Tuy nói có vẻ cứng cỏi, nhưng Joseph Fabisch cảm thấy hơi lo, không phải vì ông mới vào nghề. Ông đã tạc bức tượng trên chóp nhọn của tháp chuông Fourrière; còn ở Lyon, ông đã trang hoàng đền thánh Đức Mẹ La Salette.
Không phải tỏ ra mình khiêm tốn đâu, nhưng việc tạc tượng Nữ Vương thiên đàng trong vinh quang rực rỡ của Người, xem ra là một thách đố đối với khả năng của ông. Dầu vậy, Dominiquette Cazenave vừa nhắc cho ông nhớ đến bổn phận mới của ông. Hợp đồng thúc đẩy ông phải cố gắng làm đúng theo những gì Bernadette mô tả...
Bây giờ thì ông đang đối diện với cô bé. Được tách ra khỏi trò chơi với các cô bé khác trong sân Viện Dục Anh, Bernadette vội vã sửa lại mái tóc rối dưới khăn choàng đầu, và tỏ ra bình tĩnh trong bầu khí có vẻ nghiêm trọng lúc bấy giờ. Một lần nữa, người ta yêu cầu cô mô tả lại Đức Mẹ. Hôm nay là vấn đề vóc dáng ! Bernadette cố gắng xóa bỏ trong tâm trí của mình những gì đã xảy ra trong năm năm qua, kể từ khi Đức Mẹ hiện ra với cô, để có thể nói về Đức Trinh Nữ như Người mới hiện ra hôm qua vậy. Vả lại, cuộc chuyện trò với Joseph Fabisch đòi hỏi cô phải mô tả thật chính xác và thật tỉ mỉ : Thân xác của Người có thẳng không ? Đầu Người nghiêng về một bên hay hướng về phía trước ? Tay Người có chắp lại khi nói : “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội” không ? Khăn choàng của Người có dài không ? Trông giống loại vải gì ?
Khi nghe câu hỏi cuối cùng này, Bernadette mỉm cười, vì cô nhớ lại một kỷ niệm : Từng có một người đến gặp cô để chào hàng. Ông đưa ra nhiều mẫu vải khác nhau mà nhà may của ông đang có. Trong vô số mẫu vải ông giới thiệu, Bernadette không thấy loại vải nào giống vải áo Đức Mẹ mặc trong những lần hiện ra với cô. Do đó, cô trả lời một cách tinh nghịch : “Đức Trinh Nữ đâu có đến tiệm may của ông để nhờ may áo đâu !”.
Cuối cuộc đối thoại với cô gái Lộ Đức, nhà điêu khắc tỏ ra hài lòng. Ông hiểu tất cả và ghi lại tất cả những gì cô nói.
- Khi cô thấy bức tượng Đức Mẹ do tôi điêu khắc, tôi muốn cô hét to lên : “Đây chính là Đức Mẹ đã hiện ra với tôi 18 lần !”. Joseph Fabisch nói với vẻ quả quyết rồi đưa Bernadette trở lại Viện Dục Anh để tiếp tục trò chơi đang dang dở...
Trở về nơi làm việc của mình tại Lyon, nhà điêu khắc lấy ra từ hòm đồ nghề những bản phác thảo ông đã thực hiện. Ông xem xét bức vẽ mờ bằng giấy, cao 1m4 mà ông đã điều chỉnh lúc trò chuyện với Bernadette. Một Đức Trinh Nữ nhỏ bé, trẻ trung, mảnh mai ? Những điều đó xem ra không phù hợp với những nguyên tắc mà Joseph Fabisch có sẵn trong đầu vốn khó thể tẩy xóa được. Nơi những bức tượng được tạc trước bằng thạch cao, ông mô tả Đức Mẹ một cách thoải mái : Đức Mẹ chỉ cao chừng 0,48m và dáng điệu phù hợp với tư cách Nữ Vương các thánh thiên thần. Tuy Đức Mẹ ít cười hơn trong câu chuyện do Bernadette kể, nhưng bức tượng sẽ khiến nhiều người xúc động hơn ! Ông phải làm thế nào cho phù hợp khi cô bé đơn sơ này kiên trì gợi ý ? Cô bé hoàn toàn không biết gì về nghệ thuật và sự cao cả, như vậy chắc chắn cô chỉ là một người quan sát tầm thường. Joseph Fabisch thêm nhiều đường xếp vào chiếc áo dài, cho khăn choàng rộng hơn, nghĩa là làm cho bức phác họa trở nên hấp dẫn hơn. Ông gởi ngay bức tượng vừa phác thảo bằng thạch cao đến Lộ Đức, đồng thời cũng tạc luôn vào đá cẩm thạch, vì hoàn toàn xác tín vào sự sáng suốt của mình.
Than ôi ! Vài ngày sau, một bức thư của cha sở Peyramale gởi tới khiến ông phải tạm ngưng việc tạc tượng. Đặt cái đục trước đôi bàn chân quý phái được trang hoàng bằng nhiều hoa hồng, nhà điêu khắc cau mày khi đọc những lời góp ý của Bernadette : Vui tươi, giản dị, trẻ trung, không có gì hết. Kể cả xâu chuỗi cũng bị Joseph Fabisch quên luôn do ông quá tự mãn.
Nhà điêu khắc miễn cưỡng chấp nhận tạc tượng Đức Mẹ theo như người ta gợi ý cho ông. Ông sửa chữa, thay đổi ngay cả đá cẩm thạch, mà không hề đạt được sự tinh khiết, trẻ trung và duyên dáng mà Bernadette mong ước biết bao. Chắc chắn thách đố sẽ còn nặng nề hơn đối với nhà điêu khắc vì những lời chỉ trích gay gắt về nghệ thuật nhắm vào ông.
Cuối cùng, ngày 4 tháng 4 năm 1864, bức tượng Đức Mẹ do Joseph Fabisch tạc được làm phép thật long trọng. Có một chút đáng tiếc là cha sở Peyramale khuyên Bernadette không nên tham dự vào sự kiện này, và cô rất buồn khi nhìn bức tượng : “Bức tượng được tạc này hoàn toàn không giống như Đức Mẹ đã hiện ra với tôi...”.
Bernadette luôn suy đi nghĩ lại về cảnh tượng kỳ diệu nơi hang Massabielle, khi Đức Mẹ hiện ra với cô, mà từ nay về sau được thay thế bằng một bức tượng cẩm thạch uy nghi.
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời...
Lm INHAXIÔ HỒ VĂN XUÂN
Bình luận