Ðối với những người được Chúa trao cho tài năng và sự kiên định, ơn gọi và lòng đam mê khoa học đơn giản chỉ là hai con đường khác nhau dẫn đến mục tiêu cuối cùng là làm chứng nhân cho sự thật chân chính.
Giống như việc gia nhập một dòng tu, theo đuổi nghề nghiệp trong lĩnh vực khoa học đòi hỏi sự kiên trì và tính kỷ luật. Một số nữ tu bằng những nỗ lực tuyệt vời đã có thể thực hiện cả hai giấc mơ lớn của cuộc đời họ.
Nữ tiến sĩ đầu tiên về khoa học máy tính
Năm 1965, Mary Kenneth Keller trở thành đại diện đầu tiên của phái đẹp lấy được bằng tiến sĩ Khoa học Máy tính trên thế giới. Vị tiến sĩ đồng thời cũng là một nữ tu. Chào đời ở TP Cleveland, bang Ohio của Mỹ vào năm 1913, chị Keller gia nhập dòng các Nữ tử Bác ái của Ðức Mẹ Ðồng Trinh Maria ở Dubuque, bang Iowa vào năm 1932.8 năm sau, chị đọc lời khấn, trước khi lấy bằng đại học và thạc sĩ toán học tại Ðại học DePaul ở Chicago, nơi chị cảm thấy vô cùng hứng thú với một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ là khoa học máy tính.
Là sinh viên sau đại học, sơ Keller trải qua các học kỳ ở những trường khác nhau, bao gồm Ðại học Dartmouth thuộc hệ thống Ivy League ở bang New Hampshire, lúc đó vẫn chưa tiếp nhận nữ sinh viên. Tuy nhiên, trên cương vị nữ tu, chị được trường này nhận vào học tập và làm việc tại trung tâm máy tính, cho phép có cơ hội góp sức vào việc phát triển ngôn ngữ lập trình BASIC vốn đóng vai trò vô cùng hữu ích cho các thế hệ lập trình viên đầu tiên của thế giới. Sơ Keller trở thành người đầu tiên nhận được bằng tiến sĩ Khoa học Máy tính của Ðại học Wisconsin-Madison. Kế đến, sơ được mời làm việc tại Ðại học Clarke ở Dubuque, Iowa, và bắt đầu thành lập khoa máy tính và giữ chức trưởng khoa suốt 2 thập niên.
Trong nhiệm kỳ, nữ tu Keller đích thân giám sát khâu lên chương trình giảng dạy và thực hành, như chương trình cho phép các sinh viên khoa hóa chạy thí nghiệm mô phỏng. Ðồng thời, sơ lên tiếng vận động cho quyền phụ nữ trong lĩnh vực mới, cho phép nữ giới có thể theo đuổi ngành khoa học máy tính. Trong giờ lên lớp của nữ tu, các sinh viên lớn tuổi, bao gồm những người mẹ vừa học vừa làm, được phép mang con nhỏ đi học. Và nhiều câu nói của nữ tu có học vấn uyên bác đã dự đoán rất chính xác về tương lai, chẳng hạn nhận định năng lực truy xuất thông tin nhanh chóng cho phép máy tính trở thành đầu mối tương lai của các thư viện trên thế giới; hoặc lời “tiên tri” về thời đại internet sẽ đến.
Tiến sĩ làm phô mai
Một nhà sinh học cấp bậc tiến sĩ khác là nữ tu Noella Marcellino của dòng Biển Ðức, người điều hành việc làm phô mai của đan viện Regina Laudis ở TP Bethlehem, bang Connecticut (Mỹ). Sinh năm 1951, sơ lớn lên tại Massachusetts và theo học tại trường Sarah Lawrence ở TP Bronxville, bang New York, trước khi tạm ngưng việc học để theo con đường ơn gọi. Nữ tu bắt đầu thích làm phô mai khi dòng tiếp nhận con bò đầu tiên vào năm 1977, theo bài báo trên tờ Boston Globevào năm 2003.
Vào giữa thập niên 1980, vị tổng giám mục của Hartford khuyến khích các nữ tu tiếp tục theo đuổi việc học. Thế là sơ Marcellino ghi danh Ðại học Connecticut và chọn chuyên ngành khoa học nông nghiệp. Ðược cấp học bổng Fulbright, vị nữ tu đến Pháp nghiên cứu cách thức quá trình lên men tác động đến mùi vị của phô mai, đồng thời phân tích vô số mẫu vi sinh vật trong các lò làm phô mai truyền thống của Pháp. Năm 2003, sơ lấy bằng tiến sĩ vi sinh vật học của Ðại học Connecticut. Trong cùng thời gian này, Ðài PBS phát bộ phim tài liệu dài 52 phút theo dấu chân của nữ tu trên cuộc hành trình rong ruổi khắp nước Pháp, nơi sơ học được “bí mật” về phô mai. Kể từ đó, người ta gọi sơ là “nữ tu phô mai”. Việc làm phô mai truyền thống hết sức cực nhọc, và hiện nay sơ Marcellino chỉ theo dõi quy trình và truyền thụ kinh nghiệm cho thế hệ sau.
Nữ tu mặt trời
Nữ tu Paula Gonzalez (sinh năm 1932) của dòng Bác ái Cincinnati, được đặt biệt danh trìu mến là “sơ mặt trời”, vì thành tựu trong lĩnh vực năng lượng bền vững. Nguyên quán tại TP Albuquerque, bang New Mexico (Mỹ), sơ gia nhập dòng tu vào năm 1954 sau khi trở thành sinh viên của Ðại học Mount St. Joseph ở Cincinnati. Nữ tu Gonzalez dạy học sinh trung học trước khi hoàn thành bậc thạc sĩ và tiến sĩ về sinh học tại Ðại học Công giáo Mỹ ở thủ đô Washington DC. Bước ngoặt của cuộc đời sơ diễn ra vào năm 1970, thời điểm Ngày Trái đất đầu tiên được tổ chức. Nữ tu đã tìm thấy nguồn cảm hứng mới về môi trường và năng lượng tái tạo. Sơ bắt đầu diễn thuyết về môi trường trên khắp nước Mỹ, với hy vọng có thể lan truyền chiến dịch bảo vệ Trái đất cho người dân nước này.
Nữ tu Gonzalez còn dùng hành động để chứng minh quyết tâm của mình. Vào những năm đầu thập niên 1980, sơ nghiên cứu xây dựng một ngôi nhà sử dụng điện mặt trời có diện tích 140m2 trên khuôn viên của dòng tu. Không hề có lò sưởi, ngôi nhà này luôn duy trì được nhiệt độ ấm áp quanh năm, bất chấp nhiệt độ ngoài trời thấp đến mức nào. Cũng trên mảnh đất của dòng, sơ sáng lập Trung tâm EarthConnection, mang đến kiến thức về môi trường và năng lượng tái tạo cho những ai cần đến. Bên cạnh đó, vị nữ tu yêu môi trường còn phối hợp thành lập tổ chức Ohio Interfaith Power and Light, vận động các linh mục, tu sĩ và giáo dân tham gia vào nỗ lực ngăn chặn tình trạng thay đổi khí hậu, cũng như giúp đỡ các cộng đoàn tín hữu Ohio “sống xanh” hơn. Năm 2005, Cơ quan Năng lượng Xanh Ohio trao cho sơ giải thưởng thành tựu trọn đời vì nỗ lực không ngừng.
ĐỊNH NGUYỄN
Bình luận