Bài viết này sẽ lý giải thêm lý do tại sao phần tung hô vừa nêu được coi là ưu tiên hát hơn tất cả những phần khác trong Thánh lễ, nghĩa là nên ưu tiên hát 4 phần sau đây trong mọi Thánh lễ:
I. Tung hô Tin Mừng(Halleluia + câu xướng trước Tin Mừng)
Liên hệ đến phần hát Halleluia, Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma chỉ dẫn như sau:
- Sau Bài đọc đi liền trước bài Tin Mừng thì hátHalleluia, hay bài hát khác, theo luật chữ đỏ, như mùa phụng vụ đòi hỏi. Lời tung hô này được thực hiện ở tư thế đứng, vì cộng đoàn tín hữu chào đón Chúa sẽ nói với mình trong Tin Mừng và biểu lộ đức tin bằng bài ca. Mọi người đứng cùng hát, được ca đoàn hoặc một ca viên khởi xướng, hoặc lặp lại câu ca đoàn hay một ca viên đã hát. a] Halleluia được hát trong các mùa ngoài mùa Chay. Câu thì lấy ở sách Bài đọc, hay sách Graduale. b] Trong mùa Chay, thay vì Halleluia, hát câu trước Tin Mừng ghi trong sách Bài đọc. Cũng có thể hát một Thánh vịnh khác cũng gọi là ca liên tục (tractus), như có trong sách hát Graduale. c] Halleluia hay câu trước Tin Mừng, nếu không hát thì có thể bỏ (QCSL 62).
![]() |
- Khi chỉ có một Bài đọc trước Tin Mừng thì: a] Trong mùa phải hát Halleluia, có thể hát hoặc bài Thánh vịnh có chữ Halleluia, hoặc Thánh vịnh và Halleluia với câu tung hô. b] Trong mùa không phải đọc Halleluia, có thể hát Thánh vịnh với câu trước Tin Mừng, hoặc chỉ Thánh vịnh thôi; c] Halleluia hay câu trước Tin Mừng, nếu không hát thì có thể bỏ (QCSL 63).
Tung hô Tin Mừng có một số chức năng: một là đi kèm với cuộc rước; hai là cộng đoàn chào đón Chúa Kitô; ba là thiết lập, dẫn nhập hay chuẩn bị cho việc công bố Tin Mừng theo sau đó.1
Lý do phải hát Tung hô Tin Mừng là vì:
● Thứ nhất, theo tập tục của Hội Thánh, cuộc rước luôn đi kèm với bài hát. Việc di chuyển của thừa tác viên công bố Tin Mừng từ ghế của mình sang giảng đài thực sự là một cuộc rước. Cuộc rước được thể hiện rõ ràng hơn và trọng thể hơn khi thừa tác viên đi đến bàn thờ, cầm lấy cuốn Sách Phúc Âm đã được đặt trên bàn thờ ngay từ đầu lễ và giơ cao lên cho mọi người thấy, rồi cùng với những người giúp lễ tháp tùng mang theo hương và nến tiến đến giảng đài nhằm tôn vinh Chúa Kitô. Trong cuộc rước tỏ tường như vậy thì thật khập khiễng nếu chỉ đọc Halleluia.2
![]() |
● Thứ hai, Halleluia là một dạng tung hô, mà thường phải hát mới phù hợp với thái độ hoan hô.3 Nói cách khác, đúng nghĩa của từ Halleluia là một lời tung hô vui mừng, là bài ca của con người trên trần gian và cũng là bài hat hân hoan của các thiên thần cũng như các thánh trên trời.4 Bởi thế, phải hát Halleluia sao cho phần này thực sự báo trước Tin Mừng và diễn tả đức tin của các tín hữu hân hoan chào đón Chúa Kitô, Đấng đang đến (adventus Christi) và sắp nói với họ qua Tin Mừng. Ngài cũng là Đấng sẽ đến lần cuối cùng trong vinh quang mà nghi thức rước Sách Tin Mừng là một biểu tượng.5 Một bộ tộc ở Gabon (châu Phi) còn làm hơn thế nữa, họ đứng lên vỗ tay chào đón Chúa và lặp lại điệp khúc “Hoan hô Chúa Giêsu, Ngài nói với chúng con thật tuyệt vời”. Có lẽ do vô thức, người ta đã giảm thiểu phần này thành ra đơn giản, chỉ như việc đọc Tin Mừng thay vì la cử hành biến cố Chúa Kitô nói với cộng đoàn.6
Nếu chỉ đọc phần Halleluia, chúng ta đánh mất đặc tính thực sự của Halleluia và cũng làm tiêu tan mục đích của Halleluia. Đồng ý kiến với Lawrence Mick trong cuốn Worshiping Well,7 cha Erasto Fernando SSS, đã ví von trường hợp này giống như khi chúng ta tụ tập trong một buổi họp mặt mừng sinh nhật của ai đó, khi nhân vật chính của lễ kỷ niệm đang cắt bánh, những người còn lại trong nhom tụ tập long trọng đọc lên: “Happy birthday to you; Happy birthday to you” (Chúc mừng sinh nhật của bạn... Chúc mừng sinh nhật của bạn). Về ý nghĩa, điều này không sai, bởi vì đang diễn tả tình cảm đúng đắn, thích ứng với diễn tiến. Tuy nhiên, không cần phải có một trí thông minh vĩ đại mới có thể nhận ra điều gì đó quan trọng đã bị thiếu mất - và chỉ có thể giành lại được bằng cách hát lên bài “Happy birthday to you” ma thôi! Giống như bai “Happy birthday to you” được sáng tác ra không phải để đọc nhưng để hát, thì phần Tung hô Tin Mừng cũng vậy. Nói cách khác, lời Tung hô Tin Mừng không chỉ là một nghi thức để tuân giữ. Ý nghĩa của phần Tung hô Tin Mừng (Halleluia) chứa đựng những từ phải được nói lên hoặc đưa vào. Nói đúng hơn, đây là điều tôn cao và làm phong phú sứ điệp Tin Mừng.8
Chính vì thế, Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma số 63c nhấn mạnh rằng: “Halleluia hay câu trước Tin Mừng, nếu không hát thì nên bỏ,” bản văn gốc của nó là “Tung hô Tin Mừng nếu không hát thì có thể bỏ.”9 Điều này ngụ ý rằng theo ý định của Hội Thánh, Halleluia là một bài ca được cất lên trong hân hoan để chúc tụng Thiên Chúa và bất cứ khi nào có thể thì luôn luôn phải hát phần Halleluia (còn câu xướng đi kèm có thể đọc theo kiểu ngâm tụng trong những ngày thường).10 Đã có nhiều giáo xứ tuân theo quy định này, họ thực sự đã bỏ phần này khi không thể hát.11 Tuy nhiên, việc “không thể” hát Halleluia chỉ quy chiếu đến ngày lễ thường chứ không áp dụng cho Chúa nhật hay lễ trọng. Nghĩa là, phải hát Halleluia và câu tung hô trước Tin Mừng trong mọi Chúa nhật và lễ trọng. Sách Dẫn nhập các Bai đọc trong Thánh lễ nói mạnh hơn ở số 23: “Halleluia hay câu tung hô trước Tin Mừng phải được hát và mọi người đứng trong khi hát. Không chỉ lĩnh xướng viên hay ca đoàn hát mà được hát bởi toàn thể mọi người.”
Để nhấn mạnh việc hát phần Tung hô Tin Mừng, MVTN 153b chỉ dẫn:
Trong mùa không được đọc Halleluia, có thể hát hoặc đọc Thánh vịnh, hoặc lời Tung hô Tin Mừng. Không hát Halleluia, có thể thay thế bằng những câu tung hô như sau, (hát trước và sau câu xướng) 1. Lạy Chúa Kitô là Ngôi lời Thiên Chúa, chúng con xin ngợi khen Ngài. Hoặc: 2. Lạy Chúa Kitô ngàn đời vinh hiển, xin chúc tụng và tôn vinh Ngài.
II. Kinh ‘Thánh, Thánh, Thánh’ (Sanctus)
Sanctus là lời kinh kết hợp giữa lời tung hô của các thiên thần Seraphim: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! ĐỨC CHÚA các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” (Is 6,3) và lời reo hò của dân chúng khi Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem: “Hoan hô Con vua Đavit! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21,9; Mc 11,9; Lc 19,38).
Khi cất lên bài ca Sanctus trong thánh lễ, không những chúng ta cầu nguyện và chúc tụng Thiên Chúa cùng với toàn thể Giáo hội trên khắp hoàn cầu mà còn như Ngôn sứ Isaia và Tông đồ Gioan (x. Is 6,3; Kh 1,10. 17; 4,8), chúng ta hòa nhập vào phụng vụ của Giáo hội thiên quốc (caeli et terra gloria tua), nơi các thiên thần và cac thánh không ngừng cất tiếng tung hô Thiên Chúa (x. Is 6,3), hát khen chúc tụng Con Chiên bị sát tế (x. Kh 5,12).12
Theo Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma hiện nay, toàn thể cộng đoàn hợp cùng các thần thánh trên trời, hát “Thánh, Thánh, Thánh”. Lời tung hô này là thành phần của chính Kinh Tạ Ơn, nên cả giáo dân và vị tư tế cùng hát (QCSL 79b).
Chúng ta nên hát Sanctus trong mọi Thánh lễ vì:
● Thứ nhất, tự bản chất, đây là bài ca tung hô và chuc tụng Chúa Kitô;
● Thứ hai, trong việc tung hô chúc tụng nay, cộng đoàn dưới thế hợp với lời ca tiếng hát của các thiên thần trên trời như vẫn được nhắc đến trong hầu hết các kinh Tiền tụng: “Vì thế cùng với các Thiên thần và tổng lãnh thiên thần, cac Bệ thần và Quan thần, cùng toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng;”13 “Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần va các thánh, chúng con hát bài ca chúc tụng Chúa va không ngừng tung hô rằng;”14 “Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng.”15
● Thứ ba, theo dòng lịch sử, vào ngày lễ Lều, dân Do Thái làm thành đoàn rước lá, họ vừa đi vừa hát hosana. Đối với phụng vụ Do Thái, từ khoảng năm 200, Sanctus được hát trong giờ phụng vụ ban sáng (Kedusha) trong hội đường. Còn trong phụng vụ Công giáo, ngay từ ban đầu, kinh Sanctus được toàn thể cộng đoàn hát. Nếu dành riêng cho ca đoàn thể hiện như xảy ra vào đầu thời kỳ Trung cổ, thì ca đoàn cũng hát chứ không đọc.
Trong thực hành, sau những lời cuối cùng của kinh Tiền tụng, nhạc công chỉ nên bắt nốt nhạc bài Sanctus thật ngắn và thật nhỏ để làm cho lời tung hô này bùng lên lập tức và đúng lúc.16
(còn nữa)
LM. GIUSE PHẠM ĐÌNH ÁI, SSS
__________________________________________________
1 Xc. Johannes H Emminghaus, The Eucharist - Essence, Form, Celebration (Minnesota: The Liturgical Press, 1997), 144.
2 Xc. Jan Michael Joncass, “Musical Elements in the Ordo Missae of Paul VI” trong Anscar Chupungco, osb (ed), Handbook for Liturgy Studied, vol. IV(Quezon: Claretian Publications, 2004), 225; Xc. Kevin Irwin, Responses to 100 Questions on the Mass (New Jersey: Paulist Press, 1999), 60..
3 J. Leben, Để sống Phụng vụ (Edition du Cerf, 1986), 95.
4 Charles E. Miller, The Celebration of the Eucharist (NY: Alba House, 2010), 123.
5 Tư tưởng của Reinhardd Messner được trích lại trong John D. Laurance (ed), The Sacrament of the Eucharist (Minnesota: The Liturgical Press, 2012), 136.
6 Xc. Lucien Deiss, Visions of Liturgy and Music for a New Century (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press: 1996), 79.
7 Xc. Lawrence E. Mick, Worshiping Well (Minesota, Collegeville: The Liturgical Press, 1997), 48.
8 Erasto Fernandez, sss, The Eucharist - Step by Step (Mumbai: St. Paul, 2005), 43.
9 Xc. Jan Michael Joncass, op.cit, 225.
10 McNamara, “Gospel Acclamation, Before and After” trong Zenit Daily Dispatch, [12-4-2007]; Joseph M. Champlin, The Mystery and Meaning of the Mass (Quezon city: Claretian Publications, 2001), 67.
11 Xc. Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentaty on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), 44.
12 Jean Yves Garneau,sss, Discovering the Eucharist, trans. Conrad Goulet,sss (Makati: St. Paul Publications, 1991),121-122.
13 Kinh Tiền tụng [Mùa Vọng I; Giáng Sinh I; Lễ Hiển Linh; Mùa Chay I; Chúa Nhật Thường Niên I+ II; Thánh Thể I; Các Tông Ðồ I; Chung I; Cầu cho Tín hữu Qua đời I].
14 Kinh Tiền tụng [Chúa nhật Thường niên IV; Các Thánh Mục tử; Các Thánh Trinh nữ và Tu sĩ].
15 Kinh Tiền tụng [Phục sinh I + II+ III+ IV+ V; Thăng Thiên I+ II].
16 Xc. David Haas, Music and the Mass (Chicago: Liturgy Training Publications, 1998), 78.
Bình luận