Các vụ cháy tiếp tục xảy ra, gây ra những mất mát không thể bù đắp. Vụ cháy gần đây nhất vào tối 16.6 tại Định Công Hạ, Hà Nội từ một ngôi nhà kinh doanh đồ điện, đã làm 4 thành viên trong gia đình thiệt mạng. Trước đó, chính quyền đã yêu cầu gia đình này cam kết đảm bảo việc phòng cháy chữa cháy, nhưng biện pháp này dường như vẫn chưa đủ để giữ an toàn cho họ.
Hiện trường vụ cháy tối ngày 16/6 cho thấy các hộ kinh doanh tại gia đình không thể xem nhẹ công tác phòng ngừa, từ việc bố trí kho chứa hàng, đến các lối thoát hiểm quanh nhà. Nếu kiểm tra, chắc chắn nhiều gia đình ở các thành phố đông đúc, dù ở trọ hay có nhà riêng, việc phòng ngừa cháy nổ và nơi thoát hiểm hầu như không có. Với mức độ cư dân cao ở nhiều khu vực đô thị, khi có cháy, lực lượng chức năng rất khó tiếp cận hiện trường vì thường là nhà sâu, ngõ hẻm.
Sau mỗi vụ cháy, các biện pháp như vận động tuyên truyền, xử phạt hay kiểm tra lại được tăng cường. Nhưng sau đó, đâu lại vào đấy. Chứng tỏ nhiều người thiếu ý thức phòng ngừa ở những nơi có nguy cơ cháy nổ.
Người dân ai cũng mong muốn có được nơi ở an toàn, đầy đủ tiện nghi. Tuy nhiên, với nhiều người có thu nhập eo hẹp, như công nhân, lao động tự do buộc phải sống trong những căn nhà chật chội, cũ kỹ, với dây điện chằng chịt, đồ đạc dày đặc, có nhiều bếp ăn cá nhân..., đều có thể tạo thành nguồn cháy. Những căn nhà trong ngõ ngách chỉ đủ chỗ để ngủ và sinh hoạt tối thiểu, không có lối thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp. Không gian sống như vậy luôn tồn tại nỗi lo cháy nổ.
Dù ý thức của người dân và trách nhiệm của chính quyền có cao đến đâu, nếu không có cái nhìn dài hạn và giải quyết tận gốc vấn đề, thì những vụ cháy thảm khốc vẫn sẽ tiếp tục xảy ra. Chính quyền các đô thị lớn cần nghĩ tới một chính sách tổng thể, lâu dài để phòng ngừa cháy nổ, đồng thời bảo hộ an sinh cho những người thuê trọ ở những nơi nguy cơ hỏa hoạn dễ xảy ra.
Ngô Quốc Đông
Bình luận